Các ông vua, bà hoàng thích làm loạn

cac-ong-vua-ba-hoang-thich-lam-loan

Rối loạn nhân cách ranh giới gây ra rất nhiều khó khăn cho người bệnh. Dần dần, căn bệnh này được hiểu theo một góc nhìn mới, giúp bệnh nhân được chẩn đoán một cách chính xác.

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline personality disorder) gây ra rất nhiều khó khăn cho người bệnh. Dần dần, căn bệnh này được hiểu theo một góc nhìn mới, giúp bệnh nhân được chẩn đoán một cách chính xác.

Hôm đám cưới của cô em họ là một ngày đẹp trời cho đến khi vợ của Steve nói với anh khi đến cổng chào rằng cô bị hoảng loạn. Tiếng nhạc ồn ào trong phòng như đang nhấn chìm cô, khiến cô cảm thấy bồn chồn bất an. Sau khi món chính được phục vụ, Steve và vợ đứng dậy để lái xe ra ngoài hít thở không khí. Tôn trọng quyền riêng tư của vợ, Steve không nói với ai lý do họ rời đi, ngay cả với cô em gái cùng mẹ khác cha, Klara, ngồi cùng bàn.

Về sau Steve mới biết được, vài phút sau khi hai người rời đi, Klara đi nói chuyện với các thành viên trong gia đình và cho rằng Steve và vợ bỏ đi vì cô đã làm một điều gì đó - và họ không chịu nói cô đã làm sai chuyện gì. Cô ấy đi hết bàn này đến bàn khác kể lể câu chuyện ấy, mỗi lần kể lại thêm tí mắm tí muối. Vài phút sau cô ấy lủi vào nhà vệ sinh, khóc nức nở, khiến mẹ của Steve, một người chị em khác, và một số người bạn thân giúp cô bình tĩnh lại để không làm hỏng cuộc vui.

Khi giúp vợ vượt qua cơn hoảng loạn. Steve không để ý đến điện thoại. Đến khi anh liếc sơ màn hình điện thoại, anh bắt gặp một loạt những tin nhắn của Klara, tin sau luôn đầy phẫn nộ hơn tin trước. “Anh nỡ lòng nào đối xử với em như thế… cái *** gì xảy ra với anh vậy!... EM GHÉT ANH!... Đừng bao giờ gọi cho em nữa. Anh đi chết đi!” Steve vẫn còn lấy làm ngạc nhiên khi thấy Klara phản ứng kịch liệt từ những suy đoán của bản thân về một sự kiện như thế. “Dù không hề có cãi vã, không hề có lời lẽ nặng nề,” anh bảo, “cô ấy xem sự vắng mặt của chúng tôi là một sự khinh bỉ nhắm đến cô ấy và chỉ cô ấy mà thôi.”

Cảm xúc bộc phát mãnh liệt của Klara ở đám cưới ấy có khi chẳng là gì đối với 14 triệu người trưởng thành ở Mỹ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD). Họ chiếm 2% dân số và 20% bệnh nhân tâm thần nội trú. Đa số là phụ nữ, và họ thường biến những thăng trầm trong cuộc sống hằng ngày thành những tâm trạng cảm xúc lẫn lộn. Chính bởi thế, không chỉ xa lánh những người xung quanh, họ còn xáo trộn quỹ đạo cuộc sống. Phản ứng thái quá, và thường phải vật lộn để tiết chế bản thân, bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới gặp nhiều khó khăn khi gìn giữ các mối quan hệ ổn định hoặc ngay cả khi giữ một việc làm.

Các ranh giới ấy là những bão tố trong giao tiếp. Thậm chí có một số đàn ông bị thu hút - ít nhất là trong một thời gian ngắn - bởi những bi lụy mà phái nữ hay tạo ra xung quanh mình và sự bất lực mà họ thể hiện. Tuy nhiên, hàng thập kỷ qua, các nhà tâm thần học đã tiết lộ rằng họ không thích các bệnh nhân BPD. Phần lớn là do họ cũng cảm thấy khó chịu vì: Họ cũng chẳng giúp được gì cả. Và những ranh giới cũng gây cho họ nhiều cản trở. Nhưng với liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behaviour therapy), một khái niệm mới nổi về nguồn gốc của chứng rối loạn, và cách giải quyết những hành vi liên quan đến chứng bệnh đã mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho các bệnh nhân BPD.

Dây dưa với những cuộc hỗn loạn

Thuật ngữ nhân cách ranh giới khá là gợi hình, mô tả một người đang sống một cuộc sống ngàn cân treo sợi tóc. Trên thực tế, đặc trưng của nhân cách ranh giới hình là biến động chứ không phải rủi ro. Rối loạn cảm xúc và tính bốc đồng là cốt lõi của chứng rối loạn. Người bệnh nhảy từ vui vẻ sang tuyệt vọng sang giận dữ, thường chỉ trong vài phút, và mỗi cảm xúc đều hoàn toàn không cân xứng với nguyên do. “Cuộc sống như một con tàu không cốt trên vùng biển bão giông,” theo lời nhà tâm thần học Frank Yeomans ở New York.

Nếu tương tác với một bệnh nhân BPD trở nên hỗn loạn, thì tình trạng của chính bệnh nhân đó cũng đang cực kỳ rối ren. Theo lời kể của Debbie Corso, một nhà văn người San Francisco đồng thời cũng viết blog về căn bệnh của mình, trong lần phát bệnh tồi tệ nhất, cảm xúc của cô trở nên quá nặng nề đến mức sinh ra những triệu chứng thể chất. “Đầu tôi xoay như chong chóng. Hơi thở không được sâu và các cơ thì căng cứng hết cả lên. Có thể mô tả như một dòng adrenaline lạnh chạy dọc khắp cơ thể tôi. Lúc ấy tâm trí tôi bị thôi thúc cuộn tròn lại như một thai nhi và khóc cho đến khi tôi mệt quá mà lăn ra ngủ.”

Dù BPD trước giờ hay được gán với vấn đề trong cách nuôi dạy con của bậc cha mẹ, ngày nay các nhà khoa học tin rằng nhân cách ranh giới hình thành từ một khiếm khuyết thần kinh học. Các ranh giới là do hệ chi phản ứng mạnh nhưng lại thiếu kiểm soát từ vỏ não, theo báo cáo của bác sĩ tâm thần của Mayo Clinic, Brian Palmer. Tính cách “sớm nắng chiều mưa” cũng dễ dẫn đến mắc bệnh, và việc chăm sóc từ sớm có vẻ như bằng một cách nào đó kích thích bệnh phát triển.

Tình trạng bệnh thường phải đến tuổi dậy thì mới bộc phát - rạch tay, đốt cháy, hoặc hành vi tự tử - nhưng đã bắt đầu trước đó từ lâu. “Trẻ con mắc bệnh này thường rất khó dạy,” Palmer nói. Khi không có chế độ nuôi dạy đặc biệt, họ sẽ không bao giờ có thể tự tiết chế hay có được ý thức bản thân ổn định và không bao giờ học được cách chịu đựng áp lực.

“Cảm giác trống rỗng trong có thể gây ám ảnh,” Yeoman quan sát được. Họ thiếu chắc chắn về việc họ là ai và điều đó ngăn cản họ có một hướng đi rõ ràng trong cuộc sống. “Hôm nay tôi sẽ mặc một bộ Lilly Pulitzer, đeo trang sức ngọc trai và trở thành một mỹ nhân hoàn hảo đến từ phương Nam, hôm sau tôi sẽ nhuộm tóc đen, mặc quần áo sặc sỡ và đeo dây chuyền gai, hút cần và nghe các bài hát của The Grateful Dead,” bệnh nhân BPD Jennifer O’Brien đã viết. “Tôi đã học qua ba trường đại học khác nhau, và thay đổi ngành học đến 10 lần.”

Theo lời nhà tâm thần học John Gunderson của đại học Harvard, đồng thời là giám đốc Trung tâm Rối loạn Nhân cách Ranh giới tại bệnh viện McLean, thứ gieo nên những bão tố cảm xúc ấy là sự quá mẫn cảm với việc bị từ chối. Các bệnh nhân nhanh chóng đưa ra kết luận rằng người khác đang bỏ rơi họ - và cũng nhanh chóng phản ứng lại với sự từ chối đó. “Giả dụ bạn đang dùng bữa tối với một bệnh nhân BPD và một người khác bước vào phòng, và bạn bắt đầu trò chuyện với người mới vào ấy,” Gunderson nói. “Bệnh nhân BPD nhiều khả năng sẽ nghĩ rằng bạn thích người kia hơn, và cảm giác bị phản bội. Khi người kia rời đi, người bệnh sẽ nói những câu như, ‘Cô ta có gì tốt chứ?’” Hoang tưởng, đặc biệt là trong những mâu thuẫn giao tiếp, là một trong những tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng rối loạn ranh giới.

Nỗi sợ từ chối bắt nguồn từ nỗi sợ từ trong xương tủy rằng những người thân thiết sẽ bỏ rơi họ. “Nửa kia của tôi hay đi thăm gia đình và đi công tác nước ngoài,” Debbie Corso nói, “Mỗi lần anh ấy đi, tôi trở nên hoàn toàn rối bời - và cuối cùng phải vào phòng cấp cứu vì mất nước và nhịn ăn.”

Nỗi sợ bị bỏ rơi thường khiến người bệnh tìm kiếm sự xác nhận mà họ cần. Trên thực tế, nó có thể là quấy rầy bạn trai giữa một cuộc họp công việc quan trọng hay xuất hiện trong bộ đồ ngủ trước cửa nhà anh ta giữa đêm khuya. “Tôi có cảm tưởng như mình sẽ chết nếu như không thể liên lạc được với người đó,” theo lời “Kim”, một người mẹ 32 tuổi đến từ miền đông bắc được chẩn đoán mắc chứng BPD vài năm trước. “Tôi không quan tâm hậu quả thế nào nếu tôi liên lạc với họ. Tôi biết sẽ chẳng tốt lành gì nhưng tôi không thể dừng lại được.”

Nhạy cảm quá mức với sự từ chối khiến người bệnh đánh giá người và tình huống theo dạng được ăn cả ngã về không. “Người bệnh có khuynh hướng cực độ - trắng hoặc đen, đúng hoặc sai,” theo lời nhà tâm thần học Jerold Kreisman, tác giả cuốn I Hate You - Don’t Leave Me: Understanding the Borderline Personality (Em ghét anh - Đừng bỏ em: Thấu hiểu Nhân cách Ranh giới). “Cảm xúc hiện tại của họ định hình mọi thứ xung quanh: Tôi có một người bạn quen nhau đã 10 năm, nhưng chúng tôi bất đồng quan điểm về chính trị một cách khá bạo lực và giờ thì tôi ghét cay ghét đắng anh ta.” Nhưng trong một bối cảnh lãng mạn hơn, người bệnh BPD sẽ nói với người yêu rằng, “Anh là người đàn ông tuyệt vời nhất mà em từng gặp. Em muốn chia sẻ cuộc sống của mình với anh,” và một vài giờ sau thì lại tống hết đồ đạc của anh ta ra khỏi nhà sau khi anh ta “từ chối” cô ấy bằng cách dành một vài phút nói chuyện với người yêu cũ trong một bữa tiệc.

Hỗn loạn và khủng hoảng thực chất mang lại cảm giác thoải mái cho người mắc BPD. “Thật ra họ cảm thấy an toàn hơn khi ở trong một môi trường và các mối quan hệ hỗn loạn,” theo lời bác sĩ tâm thần David Reiss từ San Diego. “Trong một tình huống hỗn loạn, người bệnh biết đó là lãnh địa của mình. Trong tình huống yên bình, người đó lại cảm thấy thiếu an toàn, không biết khi nào sóng gió lại ập đến và cảm giác thiếu phòng bị cho những áp bức và đổ vỡ đang chờ phía trước.”

Những cuộc hỗn loạn còn đóng vai trò quan trọng khác đối với người bệnh BPD. Chúng khiến họ phân tâm khỏi những rối loạn cảm xúc, theo như Palmer của Mayo Clinic quan sát được. Một số hành vi điển hình của rối loạn nhân cách ranh giới - rạch tay chân, rối loạn tình dục, sử dụng ma túy, ăn vào ói ra, cử chỉ tự sát - là những lần người bệnh cố gắng thoát hỏi những cảm xúc tiêu cực kịch liệt bao trùm lấy họ. Kết quả là họ thường gây ra những hỗn loạn.

Thật trớ trêu

Lời khẳng định bệnh nhân BPD đòi hỏi quá nhiều từ người khác hóa ra chính là gót chân Achilles trong cuộc sống của họ. Những căng thẳng trong giao tiếp - bùng nổ cảm xúc, những cuộc trao đỏi bộc phát lúc nửa đêm - thường gây tổn hại đến những mối quan hệ quan trọng nhất. Gọi cho một người bạn lúc bốn giờ sáng sau khi cả hai cãi nhau, nài nỉ “Tớ muốn gặp cậu ngay bây giờ. Tớ phải chắc rằng mọi chuyện giữa hai ta vẫn ổn” chẳng khiến người ta vui vẻ tí nào. Gunderson nói: “Bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới đặt ra kết thúc của chính những mối quan hệ mà họ thèm khát” bằng cách khiến bạn bè và người họ yêu mệt mỏi.

Và hành vi họ thì khó đoán một cách rất dễ đoán đến mức có thể được ghi nhận lại bằng thực nghiệm. Trong một nghiên cứu gần đây, người bệnh BPD được bắt cặp với người bình thường trong một trò chơi chiến thuật trực tuyến đòi hỏi người chơi phải hợp tác để chiến thắng. Nhưng bệnh nhân BPD lại thường xuyên cư xử thất thường và phá vỡ tinh thần đồng đội khiến người chơi bình thường kia không muốn hợp tác nữa - ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ không được nhận “phần thưởng”.

“Người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới đặc trưng với những mối quan hệ không ổn định, và khi họ chơi trò chơi này, họ thường sẽ phá vỡ sự hợp tác,” theo lời Read Montague, giám đốc Viện nghiên cứu Hình ảnh thần kinh con người tại Virginia Tech, người đã tường thuật kết quả thực nghiệm trên PLoS Computational Biology.

Những hỗn loạn trong cuộc sống hàng ngày có thể biến những sự kiện tầm thường tẻ nhạt như hoàn thành một dự án trong công việc hay điền phiếu thuế trở thành những nhiệm vụ Sisyphus. “Cả cuộc đời tôi gặp rất nhiều khó khăn để giữ công việc,” theo lời Corso, người đã từng làm giáo viên mẫu giáo, nhân viên quảng cáo, nhân viên trực điện thoại, thợ trang điểm, và thu ngân, và còn một số ngành nghề khác. “Khi một cơn khủng hoảng ập đến, tôi ngay lập tức trốn chạy - không bao giờ nhận ra được rằng tôi có thể chậm lại, xin nghỉ ốm, và lấy lại bình tĩnh. Vì thế nên con đường sự nghiệp của tôi khá trắc trở.”

Năm mươi lăm phần trăm

“Thua tâm thần phân liệt nhưng hơn rất nhiều chứng rối loạn tâm thần khác,” Palmer nói về vai trò của gene trong nguồn cơ chứng rối loạn nhân cách ranh giới. “Ngày nay bệnh được cho là có 55% khả năng di truyền.” Nguồn gốc của chứng bệnh đang ngày càng được xem là mối tương tác kinh điển giữa tự nhiên và nuôi dưỡng.

Vai trò của bậc cha mẹ khá là phức tạp, Gunderson nói. Trẻ mắc chứng BPD được di truyền một đặc tính - đặc tính khiến trẻ có phản ứng mạnh, đầy cảm xúc, và quá mẫn cảm với sự tức giận hay từ chối đến nỗi họ có thể khóc không kiềm chế được nếu bị la rầy - có thể đặt gánh nặng lên vai ngay cả người chăm sóc giỏi nhất. “Mối quan hệ thù địch, mâu thuẫn nảy sinh không phải là do cha mẹ tệ bạc như người ta thường nghĩ, mà là do cha mẹ có cách nuôi dạy bị bóp méo bởi một đứa trẻ khó nuôi. Có khi phải cần một người cha người mẹ bình tĩnh, điềm đạm phi thường mới có thể giữ cho đứa trẻ mang gene bệnh không phát triển được thành bệnh.”

Các nhà nghiên cứu đã nhận dạng được hoạt động quá mức bình thường diễn ra torng hạch hạnh nhân, một cấu trúc não hình thành một phần hệ chi, điều khiển ký ức, khứu giác và phản ứng cảm xúc. Họ tin rằng phản ứng ấy có liên hệ đến tính khí. Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân BPD có gene chất dẫn truyền serotonin, hay còn gọi là 5-HTT, ngắn hơn bình thường. Nó ảnh hưởng đến số lượng chất dẫn truyền thần kinh mà các tế bào thần kinh có thể sử dụng, và allele ngắn ấy có liên hệ đến các hành vi lo âu, hung hãn, và bốc đồng.

Nhưng cha mẹ bạo hành và những chấn thương thời thơ ấu khác cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn. Rất nhiều bệnh nhân từng bị bạo hành về thể chất và tinh thần trong quá khứ, mặc dù trong một số trường hợp bệnh của họ có thể là do tính cách khó kiểm soát, chứ không phải do nguyên nhân bệnh.

Nhà tâm thần học Otto Kernberg của Đại học Y khoa Weill Cornell, New York, một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên miêu tả nhân cách ranh giới, từ lâu vẫn luôn xem hướng tiếp cận cuộc sống một cách cứng nhắc thái quá là một đặc trưng. Theo suy nghĩ của ông, nó tiền hóa trực tiếp từ những hồi ức bị bạo hành thể chất hoặc tinh thần hay chứng kiến người khác bị bạo hành, dù ông cũng công nhận những khiếm khuyết sinh học này bắt nguồn từ phản ứng quá độ của hạch hạnh nhân. Ông nhận thấy bệnh nhân BPD có khuynh hướng chia những trải nghiệm thành hai trường phái “tích cực” và “tiêu cực” trong tâm trí - là cách để họ giữ cho những trải nghiệm tích cực không bị ô uế bởi trải nghiệm tiêu cực. Ví dụ, một người có thể vẫn luôn bấu víu lấy hồi ức đẹp đẽ khi mẹ mua cho họ một cây kem, dù cho người mẹ đã bỏ rơi họ sau đó.

Khi trưởng thành, người bệnh BPD tiếp tục lý tưởng hóa một số sự việc và cực đoan hóa các sự việc khác để lý giải cái thế giới mà họ cho là rất đáng sợ. “Họ thiếu khả năng đánh giá thực tế,” Kernberg nói. Một người bạn xứng đáng nhận tình bạn vĩnh cữu vào ngày thứ hai có thể trở nên đáng ghét vào thứ ba chỉ vì cô ấy từ chối lời mời đi cà phê.

Có lẽ như một phần của việc cố gắng sống chung với bạo hành, bệnh nhân BPD có một nhận thức méo mó về thời gian, theo lời David Reiss đến từ San Diego. Họ xem thời gian là tổng hợp những sự kiện riêng biệt chứ không phải một quá trình tuyến tính liên tục. Điều đó dẫn đến những khó khăn trong việc nhận thức trình tự thời gian của sự việc. Nhận thức sai lệch về thời gian gây nên những rắc rối mà người bệnh gặp phải khi hoàn thành trách nhiệm cuộc sống của mình.

Không còn khó chữa

Có lẽ khía cạnh đáng chú ý nhất của rối loạn nhân cách ranh giới là quan điểm xuất hiện trong thập kỷ qua cho rằng, mặc dù đầy rẫy những khiếm khuyết, đây không phải là một căn bệnh không thể chữa được. Khi được chữa trị, triệu chứng như hành vi tự tử và rạch tay có biến chuyển. “Đa số bệnh nhân giảm triệu chứng nhanh chóng,” theo quan sát của nhà tâm thần học Joel Paris của Đại học McGill.

Phương thức điều trị riêng biệt và được đánh giá tốt nhất cho rối loạn nhân cách ranh giới là liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behaviour therapy - DBT). Được phát triển bởi nhà tâm lý học Marsha Linehan của Đại học Washington, DBT bắt nguồn từ việc bà thất bại khi chữa bệnh nhân BPD bằng liệu pháp hành vi nhận thức truyền thống. Người bệnh cho rằng việc liệu pháp ấy nhấn mạnh vào thay đổi là không có tác dụng và thường bỏ dở điều trị. “Biện chứng” trong DBT phản ánh một nghịch lý - truyền đạt sự đồng thuận đối với việc tự hủy hoại bản thân triền miên, đồng thời nhận ra thay đổi là cần thiết.

Mục tiêu đầu tiên của liệu pháp là làm giảm hành vi tự tử, sau đó là truyền đạt những kỹ năng hành vi cơ bản như điều hòa cảm xúc và chịu đựng phiền muộn. “Mục tiêu sau chốt của quá trình trị liệu,” Linehan nói, là “để đưa người bệnh từ địa ngục đến một cuộc sống đáng sống, càng nhanh và hiệu quả càng tốt.”

Từ đầu những năm 1990, những thử nghiệm ngẫu nhiên đã chứng minh rằng, so với phương pháp triệu liệu thông thường, DBT làm giảm hành vi tự tử, tự hủy hoại và số vụ nhập viện cũng giảm theo. Ngay cả một năm sau khi điều trị kết thúc, bệnh nhân cũng cho biết họ ít tức giận và trầm cảm hơn.

Vấn đề của DBT là nó không được phổ biến rộng rãi. Hơn nữa, phương pháp điều trị này rất đắt đỏ và tốn thời gian, Paris nói. Chỉ một phần rất nhỏ các bệnh nhân được điều trị bởi DBT. “Phương pháp này cần chuyền từ hạng sang xuống bình dân,” ông nói. Ngoài ra, ông cũng cho rằng quá trình không nhất thiết phải kéo dài đến một năm. “Nhiều dẫn chứng cho thấy đa số thay đổi diễn ra trong sáu tháng đầu. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Chúng ta đều suy nghĩ thiết thực hơn về quá trình điều trị”, tập trung vào những kỹ năng hành vi và cuộc sống.

Một liệu pháp tâm lý khác được phát triển riêng biệt để chữa cho bệnh nhân BPD, liệu pháp tinh thần, dựa nhiều vào những nguyên lý tâm động lực học. Trong cả hai giai đoạn nhóm và cá nhân, người bệnh học cách nhận diện các trạng thái cảm xúc của bản thân và của người khác và đưa ra các hành vi xác định.

Tuy nhiên, giữ được một việc làm ổn định vẫn là một thành tựu đối với bệnh nhân BPD. Nghiên cứu gần đây cho thấy ngay cả sau khi các triệu chứng như tự tổn hại bản thân thuyên giảm bằng phương pháp trị liệu, chỉ khoảng một phần ba số bệnh nhân có thể đi làm toàn thời gian. Rất nhiều người làm công việc bán thời gian hoặc các vị trí lương không đủ để nuôi sống. “Một khi họ đã bị lệch khỏi quỹ đạo cuộc sống,” Palmer của Mayo Clinic nói, “đi theo một con đường là rất khó khăn.”

Thế nhưng vấn đề thực sự khi điều trị rối loạn nhân cách ranh giới là việc bệnh nhân không nhận được chẩn đoán đúng đắn. Rất nhiều người được chẩn đoán thành mắc chứng rối loạn lưỡng cực và được điều trị theo hướng đó. “Rất nhiều bệnh nhân đang dùng thuốc chống loạn thần, thuốc ổn định tâm trạng, và thuốc chống trầm cảm,” Paris nói. “Có khi họ đang dùng bốn hay năm loại thuốc. “Họ không được chữa bằng liệu pháp tâm lý, và rất nhiều người vẫn nằng nặc muốn dùng thuốc. Rối loạn nhân cách ranh giới là một loại bệnh cần được chữa bằng liệu pháp tâm lý hơn là thuốc. Hiệu quả của thuốc trong việc điều trị BPD là rất nhỏ nhoi.”

Debbie Corso nói rằng cô “đã tìm ra lối thoát khỏi địa ngục” với DBT. “Hành trình của tôi chứng mình được rằng người mắc căn bệnh này có thể được chữa trị khỏi bệnh. Chúng ta luôn có cơ hội.” Cô rất vui mừng khi mình không còn những triệu chứng nặng thành bệnh nữa - cô nói rằng mình đã “vượt qua ranh giới”.

 

Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/articles/201309/kings-and-queens-chaos?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost

menu
menu