Khi nào thì sự hy sinh có hại cho mối quan hệ?

khi-nao-thi-su-hy-sinh-co-hai-cho-moi-quan-he

Một nghiên cứu mới cho thấy sự hy sinh chỉ có vấn đề khi người bạn đời không hỗ trợ bạn.

Bạn nhờ nửa kia mua sữa, nhưng không tìm thấy sữa trong tủ lạnh để pha cafe cho sáng hôm sau. 

Điện thoại đổ chuông, bạn và nửa kia được mời đi ăn tối với các chiến hữu của anh ấy mà bạn thực lòng không thích. 

Sau một ngày dài làm việc, bạn và nửa kia đều kiệt sức, nhưng phải có một người ru con ngủ.

Những khoảnh khắc muốn gây gổ này là không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ, nhưng đó không phải lúc nào cũng là cách đáp trả hay nhất. Liệu bạn sẽ tập trung vào mong muốn của riêng mình, sống đúng con người thật của mình, và than phiền về chuyện thiếu sữa, từ chối đi ăn tối, hay nài nỉ người bạn đời ru con ngủ giùm bạn? Hay là bạn sẽ kìm nén mong muốn của bản thân và đặt nhu cầu của người bạn đời lên trước—bạn có cố kiềm chế mình khỏi phàn nàn, nhận lời đi ăn tối, và giục người bạn đời đi nghỉ ngơi, còn mình thì đọc truyện cho con trước khi ngủ không?

Một số nghiên cứu cho thấy việc kìm nén nhu cầu của bạn thường phản tác dụng, khiến bạn cảm thấy mình thiếu đáng tin và không thỏa mãn. Còn người bạn đời của bạn trên thực tế cũng chẳng được lợi lạc gì: Họ có thể nhận ra cảm xúc thực của bạn, ngay cả khi bạn cố gắng che giấu chúng. Những khoảnh khắc hy sinh và đè nén (nhu cầu) nho nhỏ này cứ cộng dồn lại và người ta càng hy sinh cho người bạn đời thì họ càng có khuynh hướng trở nên trầm uất hơn.

Nhưng thỉnh thoảng phải có ai đó ru con ngủ; để các mối quan hệ (và gia đình) vận hành suôn sẻ thì sự hy sinh đôi khi là cần thiết. Tin tốt là một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Journal of Happiness Studies cho thấy việc kìm nén những mong muốn của bạn vì lợi ích của người bạn đời không hẳn là một điều xấu.

Khi nào thì hy sinh không phải là điều xấu? Khi người bạn đời của bạn mang đến sự hỗ trợ xã hội vững chắc.

Khảo sát 141 cặp vợ chồng Đài Loan, Wei-Fang Lin và các đồng nghiệp phát hiện thấy, ở thời điểm hiện tại, những người tham gia thường kìm nén những nhu cầu và mong muốn của họ trong hôn nhân thì kém thỏa mãn với cuộc hôn nhân của họ và cảm thấy trầm uất nhiều hơn so với những ai thường ít hy sinh. Điều này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho rằng việc hy sinh thường xuyên có thể gây khó khăn cho hạnh phúc cá nhân và xã hội.    

Tuy nhiên, theo thời gian, việc kìm nén dường như chỉ có hại cho hạnh phúc (sự hài lòng trong hôn nhân và trầm cảm) nếu những người tham gia không có mối quan hệ mang tính hỗ trợ. Nếu nửa kia của họ cho biết có cung cấp sự hỗ trợ vững chắc thì khi ấy việc kìm nén nhu cầu và mong muốn của họ chẳng ảnh hưởng gì đến sự thỏa mãn và trầm cảm của họ 1 năm sau đó.

Trong nghiên cứu này, sự hỗ trợ xã hội muốn nói đến việc động viên khích lệ và lắng nghe người bạn đời của bạn, thấu hiểu tâm tư, cảm xúc của nửa kia và bày tỏ sự quan tâm, lo lắng đến nửa kia.

Tại sao có được một người bạn đời biết hỗ trợ giúp chống chọi lại tác động tiêu cực của việc kìm nén mong muốn của bạn trong một mối quan hệ? Các tác giả cho rằng sự hy sinh là rất tốn kém, và nhận được sự hỗ trợ xã hội giúp cân bằng những tổn thất đó bằng cách mang đến cho bạn những nguồn lực khác.

Các nhà nghiên cứu viết: “Sự hy sinh, khi từ bỏ những nhu cầu và khát khao của bản thân để đáp ứng nhu cầu của người bạn đời, có thể bị xem như sự mất mát những nguồn lực cá nhân, khiến cho việc hy sinh trở nên đầy căng thẳng”. Sự hỗ trợ của người bạn đời “có thể giúp cho một cá nhân ứng phó với cảm giác dễ tổn thương do hy sinh đó.”

Có một người bạn đời luôn biết động viên, thấu hiểu và quan tâm cũng có thể làm thay đổi bản chất của sự hy sinh. Có lẽ việc kiềm chế không phàn nàn khi người bạn đời quên mua sữa không tạo cảm giác thiếu chân thực khi bạn biết rằng người ấy thực sự quan tâm đến bạn và họ không phải cố tình ích kỷ. Có lẽ việc kiềm chế than phiền hay đảm nhận việc ru con ngủ có cảm giác như một món quà mà bạn đang trao tặng cho người bạn đời ân cần chu đáo của mình hơn là một sự kìm nén những nhu cầu và mong muốn của riêng bạn.

Quả thật, nghiên cứu khác cho rằng khi người ta hy sinh vì những lý do tích cực (muốn làm nửa kia vui vẻ, khiến họ xích lại gần nhau hơn), thì việc hy sinh có thể là điều tốt lành cho mối quan hệ. Những phát hiện này cũng phù hợp với nghiên cứu chỉ ra rằng làm nhiều việc nhà quả thực có thể làm con người ta hạnh phúc hơn trong mối quan hệ của họ nếu nửa kia khiến họ cảm thấy được trân trọng vì những nỗ lực của mình. Và cảm giác được thấu hiểu bởi người bạn đời có thể chống chọi được với những tác động tiêu cực của cuộc xung đột trong mối quan hệ.

Nghiên cứu khác về sự hy sinh trong mối quan hệ phần lớn được thực hiện với những người tham gia đến từ Hoa Kỳ, vì vậy một điểm đáng chú ý là những người tham gia trong nghiên cứu này là người Đài Loan. Mặc dù có thể tồn tại một số khác biệt về văn hóa trong cách thỏa thuận về việc hy sinh của các đôi vợ chồng, nhưng chí ít thì một phần của động năng có vẻ giống nhau.

Vậy liệu bạn có phàn nàn về chuyện hết sữa hay đặt bản thân lên trước khi nói đến kế hoạch ăn tối và ru con ngủ không? Nghiên cứu không thể khuyên bạn nên làm gì—nhưng nó có thể mang đến cho bạn một vài câu hỏi quan trọng mà bạn cần suy ngẫm.

Tình trạng mối quan hệ của bạn như thế nào—bạn có cảm thấy được yêu thương và hỗ trợ không? Hai bạn có tin tưởng nhau không? Nếu bạn không cảm thấy được nửa kia hỗ trợ thì khi đó việc cắn răng không phàn nàn hay miễn cưỡng phải ru con ngủ có thể tăng thêm nỗi cay đắng, oán giận đang chất chồng trong bạn, điềm báo chẳng lành cho mối quan hệ và sức khỏe tinh thần của bạn theo thời gian.

Ngược lại, nếu bạn cảm thấy được người bạn đời yêu thương và hỗ trợ thì khi ấy việc hy sinh cho họ có thể có cảm giác như một hành động tử tế. Nó có thể có những phí tổn tạm thời, nhưng nó có thể đóng góp cho sự thỏa mãn của bạn theo thời gian, có lẽ bằng cách hỗ trợ người bạn đời của bạn và khuyến khích họ đáp lại.

 

Dịch: Chó béo cute

Nguồn

https://greatergood.berkeley.edu/article/item/when_is_sacrifice_bad_for_your_relationship

menu
menu