Khi người bạn đời yêu bạn – nhưng lại cố tình đẩy bạn ra xa...

khi-nguoi-ban-doi-yeu-ban-nhung-lai-co-tinh-day-ban-ra-xa

Có những mối quan hệ khởi đầu bằng sự hứng khởi và tình yêu mãnh liệt từ cả hai phía, nhưng sau một thời gian, một trong hai người bắt đầu hành xử theo cách khó hiểu, thậm chí khiến đối phương tổn thương sâu sắc.

Có những mối quan hệ khởi đầu bằng sự hứng khởi và tình yêu mãnh liệt từ cả hai phía, nhưng sau một thời gian, một trong hai người bắt đầu hành xử theo cách khó hiểu, thậm chí khiến đối phương tổn thương sâu sắc.

Có thể người bạn đời này:

— Liên tục nói rằng họ không được bạn tôn trọng đúng mức.
— Hoặc buộc tội bạn bí mật nghĩ rằng họ không còn hấp dẫn nữa.
— Hoặc nghi ngờ một cách vô lý rằng bạn đang lên kế hoạch rời bỏ họ.
— Hoặc bỗng dưng nói rằng họ không còn hứng thú với chuyện chăn gối.
— Hoặc đặt nghi vấn về lòng trung thành của bạn.

Là người ở phía nhận những hành vi này, không thể phủ nhận rằng đây là một trải nghiệm vô cùng khó khăn. Và đương nhiên, sẽ có những giới hạn mà không ai nên vượt qua trong một mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu những vấn đề này không mang tính lạm dụng, vẫn có tình yêu thực sự hiện hữu giữa những khó khăn, và nếu bạn còn muốn cố gắng, thì có thể (nhấn mạnh là có thể) có một hướng đi đáng để khám phá trước khi từ bỏ.

Tranh: Gustav Klimt, Liltzberg am Attersee, 1900

Một trong những khám phá quan trọng nhất của ngành tâm lý trị liệu là khái niệm chuyển di cảm xúc (transference). Đây là hiện tượng mà sau một thời gian, những ai có tuổi thơ khó khăn sẽ bắt đầu “chuyển giao” những nghi ngờ, nỗi thất vọng, sự tự ghét bỏ, và các cảm xúc tiêu cực khác từ mối quan hệ với những người chăm sóc mình trong quá khứ sang mối quan hệ hiện tại – với nhà trị liệu.

Ban đầu, mọi thứ trong trị liệu có thể diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó, bệnh nhân có thể bắt đầu buộc tội nhà trị liệu: rằng họ cố ý hiểu sai, rằng họ chỉ quan tâm vì tiền, rằng họ thấy mình nhàm chán, hoặc rằng họ sắp bị bỏ rơi. Mỗi cáo buộc này thường liên quan chặt chẽ đến những trải nghiệm đau thương mà bệnh nhân từng trải qua trong quá khứ.

Một nhà trị liệu giỏi sẽ nhận ra điều gì đang diễn ra và thực hiện một hành động có thể thay đổi cuộc đời bệnh nhân. Họ sẽ cố tình làm thất bại kỳ vọng tiêu cực của bệnh nhân. Họ sẽ gây ra một chút khó chịu trong ngắn hạn, nhưng đổi lại là một đặc ân lớn lao về lâu dài: buộc bệnh nhân hy vọng nhiều hơn và mở lòng hơn. Khi bệnh nhân mong chờ sự căm ghét, nhà trị liệu đáp lại bằng lòng tốt. Khi bệnh nhân chờ đợi sự chế nhạo, nhà trị liệu lại tỏ ra tử tế và chu đáo. Khi bệnh nhân nghĩ rằng mình sắp bị từ chối, nhà trị liệu vẫn kiên nhẫn chấp nhận họ.

Chính nhờ cách tiếp cận này, trải nghiệm của bệnh nhân bắt đầu thay đổi. Thế giới – mà họ từng tin chắc là sẽ ghét bỏ, từ chối mình – giờ đây không còn vận hành theo cách đó. Điều này mở ra cơ hội để họ thay đổi nhận thức về thực tại. Có lẽ, bệnh nhân bắt đầu nghĩ, sự sợ hãi và nghi ngờ không nằm ở người khác, mà ở trong chính tôi. Có lẽ chẳng ai nghĩ tôi xấu xí hay vô dụng ngoài bản thân tôi. Có lẽ, cuộc sống không nhất thiết phải luôn diễn ra theo cách tồi tệ mà tôi từng biết.

Thật đáng buồn là hiện tượng chuyển di cảm xúc này xảy ra rất thường xuyên trong các mối quan hệ, nhưng không có một “diễn đàn” hay công cụ nào để thấu hiểu và chống lại nó. Một người bạn đời có thể buộc tội người kia rằng họ không yêu mình hoặc bí mật nghĩ xấu về mình. Người còn lại, không hiểu được bản chất vấn đề, sẽ bực tức phản kháng – và điều này chỉ càng làm gia cố những nghi ngờ ban đầu của người kia. Chẳng bao lâu sau, mọi thứ tan vỡ – một lần nữa.

Nhưng nếu có thể giữ được sự bình tĩnh và một cái tôi vững vàng, ta có thể học cách chống lại hiện tượng chuyển di này ngay trong tình yêu – giống như trong trị liệu. Khi người bạn đời đưa ra những lời buộc tội hoặc hành xử theo cách có vẻ không thực sự dựa trên cơ sở thực tế, ta có thể – với sự kiên nhẫn và khéo léo – giúp họ nhận ra rằng họ đang “áp đặt” những cảm xúc ngờ vực và tự ghét bỏ của mình lên mối quan hệ. Bạn có thể nói với họ một cách nhẹ nhàng và đầy cảm thông:

“Anh/em không hề ghét bỏ em/anh, nhưng anh/em hiểu điều đó có thể không dễ tin khi em/anh cảm thấy thiếu tự tin về bản thân.”
hoặc:
“Anh/em không hề có ý phá hủy mối quan hệ này, nhưng có thể một phần trong em/anh cảm thấy dễ chịu hơn khi mọi thứ diễn ra tệ như em/anh từng quen thuộc.”

Có một hiện tượng nổi tiếng trong việc nhận con nuôi: những đứa trẻ đến từ gia đình bị bỏ rơi hoặc lạm dụng, khi được đưa vào một mái ấm yêu thương, thường sẽ quay ra chống đối gia đình mới theo một cách nào đó. Chúng có thể buộc tội cha mẹ nuôi những điều không đúng sự thật, những điều lẽ ra dành cho gia đình ruột thịt đã từng làm tổn thương chúng. Chúng có thể bỏ học, làm loạn trong nhà, hoặc cố tình gây rắc rối theo nhiều cách khác nhau.

Đó là bởi vì sự tử tế đôi khi rất khó chấp nhận với những ai đã lớn lên trong sự thiếu thốn. Bản năng đầu tiên của họ sẽ là phá hủy những điều tốt đẹp đó để quay lại cảm giác hoài nghi và đề phòng mà họ từng dựa vào để sinh tồn.

Nếu bạn trở thành một nguồn lực tích cực trong cuộc sống của một người từng có khởi đầu khó khăn, hãy sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi, sự nghi ngờ và thách thức. Đôi khi, chỉ đôi khi, ta có thể nhận ra rằng người tạo ra khó khăn ấy không thực sự “xấu”. Họ, sâu thẳm bên trong, là một người tử tế và có thể mang đến rất nhiều điều tốt đẹp. Nhưng họ cần được giúp đỡ để tin rằng tình yêu là có thật – và nếu bạn đủ kiên nhẫn, vững vàng, và sẵn sàng, có lẽ bạn sẽ quyết định chìa tay ra với họ.

Nguồn: WHEN YOUR PARTNER LOVES YOU – BUT DOES THEIR BEST TO DRIVE YOU AWAY…The School Of Life

menu
menu