Khi nuôi dạy con, yêu thương thôi chưa chắc đã đủ

Bất kỳ ai trong độ tuổi sinh con đều có thể nhận ra những ví dụ đau lòng về việc nuôi dạy con cái—dù trong chính thế hệ của mình hay ở những thế hệ trước.
Bất kỳ ai trong độ tuổi sinh con đều có thể nhận ra những ví dụ đau lòng về việc nuôi dạy con cái — dù trong chính thế hệ của mình hay ở những thế hệ trước. Ta nghe không biết bao nhiêu câu chuyện buồn về gia đình rạn nứt, những mối hận thù kéo dài, những đứa trẻ lớn lên với mặc cảm, nghiện ngập, thất bại trong việc tin vào chính mình, hay không thể xây dựng các mối quan hệ trọn vẹn. Và trong tất cả những nỗi khổ đau ấy, có một nguyên nhân cốt lõi nổi bật hơn cả: sự thiếu vắng tình yêu. Vì cha mẹ quá xa cách hoặc hà khắc, vì họ thiếu tin cậy và dễ làm con cái sợ hãi, nên cuộc sống của những đứa trẻ ấy chưa bao giờ thực sự trọn vẹn.
Từ những thất bại đó, một niềm tin mạnh mẽ đã định hình nên quan điểm hiện đại về việc làm cha mẹ: rằng trên hết, ta phải yêu con mình bằng tất cả trái tim, phải dịu dàng, thấu hiểu và khoan dung vô bờ bến. Và nếu ta làm được điều đó, con sẽ lớn lên hạnh phúc, biết yêu thương và trọn vẹn trong chính mình.
Đây là cách nhìn đầy lãng mạn về việc nuôi dạy con — một quan điểm rõ ràng nhất khi ta ngắm nhìn con say ngủ trong nôi, bé nhỏ và mong manh trước thế giới rộng lớn.
Thế nhưng, dù có yêu thương hết lòng, dù có dốc toàn bộ tâm huyết, ta vẫn sẽ dần nhận ra một sự thật phức tạp hơn nhiều: rằng tình yêu không phải là liều thuốc vạn năng, rằng ngay cả khi ta trao đi tình yêu vô điều kiện, vẫn không có gì đảm bảo con sẽ trưởng thành đúng như mong đợi.
Có những sự thật khắc nghiệt về việc làm cha mẹ mà ta chỉ nhận ra vào lúc 3 giờ sáng:
TA LÀ CHIẾC BAO CÁT
Chiếc máy bay trực thăng điều khiển từ xa của con vừa mới mua đã gãy cánh sau năm phút bay thử. Lỗi hoàn toàn là do nhà sản xuất. Nhưng tiếc thay, họ không có mặt trong bếp lúc đó—vậy nên, ngay lập tức và không phải lần đầu tiên, ta trở thành đối tượng hứng trọn cơn thất vọng của con.
Những hành vi xấu lặp đi lặp lại của con khiến ta ngạc nhiên (vì đâu phải ta nuôi dạy con theo cách này), nhưng trớ trêu thay, đó cũng chính là một minh chứng cho tình yêu của con đối với ta. Phải cảm thấy vô cùng an toàn bên ai đó thì ta mới dám thể hiện bản thân một cách tệ hại đến vậy. Khi còn nhỏ, ta đâu có dám "khó nhằn" với cha mẹ như thế, nhưng cũng có thể là vì ta chưa bao giờ cảm thấy mình được yêu thương đến mức ấy.
Tất cả những lời hứa: “Ba/mẹ sẽ luôn bên con” đã được con tiếp nhận một cách hoàn hảo. Đến mức con tin rằng ta là nơi con có thể trút hết mọi cơn giận, những ấm ức, những thất vọng—bởi con biết rằng ta sẽ chịu đựng được.
TA PHẢI LÀ NGƯỜI PHÁ HỎNG CUỘC VUI
Bản chất con người có một xu hướng vô cùng phiền toái: thích chìm đắm trong những thú vui tức thì, thay vì chịu khó đầu tư cho những điều tốt đẹp lâu dài. Và nhiệm vụ không thể tránh khỏi của bậc làm cha mẹ chính là giúp con học cách kiềm chế sự thỏa mãn nhất thời, để hướng tới một tương lai vững vàng hơn.
Đó là lý do ta và con sẽ cãi nhau. Suốt ngày.
Bởi vì chơi Minecraft vẫn thích hơn nhiều so với việc học đánh vần “liềm hái” hay “xấu hổ”. Cắm vòi nước vào ống xả xe hơi chắc chắn thú vị hơn làm bài tập toán. Đọc tạp chí thì cuốn hút hơn đánh răng. Và cuộn tròn trên giường hiển nhiên hấp dẫn hơn việc phải bước vào phòng tắm.
Nhưng vì yêu con, ta phải thường xuyên nói "Không". Dù là chuyện lớn hay nhỏ, điều này diễn ra liên tục. Và vì thế, ta sẽ bị trừng phạt. Ta sẽ bị đối xử như thể chính ta là người đặt ra quy luật của sâu răng hay đã sáng tạo ra một hệ thống kinh tế buộc con phải học hành nếu muốn sau này trả nổi hóa đơn. Ta sẽ bị giận dữ khi nhắc đến những sự thật con không muốn nghe.
Và ta sẽ bị so sánh một cách cay đắng với những người chẳng bao giờ nói “Không”. Những người đó sẽ là anh hùng trong mắt con—dù họ chẳng thực sự quan tâm đến con. Họ là những kẻ bất cần, vô tư, là người đề xuất các buổi cày phim hoạt hình thâu đêm, là người mang iPad đến cho con chơi không giới hạn. Trong khi đó, ta—người yêu thương con nhiều nhất—sẽ bị gọi là “kẻ khó ưa”, và sau này, có thể là “độc tài”.
KHI NUÔI DẠY CON, ĐÔI KHI TA PHẢI CƯƠNG QUYẾT HƠN LÀ CHỈ DẠY DỖ
Chúng ta luôn mơ về một viễn cảnh lý tưởng: nơi mà con trẻ tự giác làm những điều khó khăn mà không cần ta phải ép buộc. Chúng ta mong mình không bao giờ phải “thể hiện quyền uy” theo kiểu áp đặt, không cần phải nói: “Bởi vì mẹ/bố nói thế!” mà chỉ cần nhẹ nhàng giải thích là con sẽ hiểu. Chúng ta muốn dạy dỗ con bằng lý lẽ chứ không phải bằng quyền lực.
Nhìn lại quá khứ, ta thấy ghê sợ kiểu giáo dục thời Victoria, khi cha mẹ chỉ cần nói: “Ta là mẹ con. Ta là cha con.” là đủ để buộc đứa trẻ phục tùng. Nhưng ngày nay, hai chữ “mẹ” và “cha” đã mang một ý nghĩa khác hẳn trong mắt con trẻ. Với chúng, cha mẹ chỉ đơn thuần là người mang lại những điều tốt đẹp và là người mà chúng sẽ đồng ý nghe theo nếu thấy điều đó hợp lý.
Thế nhưng, lý lẽ và sự nhẹ nhàng cũng chỉ đi được đến một giới hạn nhất định. Dù ta có giải thích bao nhiêu lần, trẻ vẫn không chịu ăn rau; vẫn không muốn ra khỏi giường vào buổi sáng; vẫn hay trêu chọc em trai, em gái; vẫn không rời khỏi màn hình máy tính.
Khi con còn bé, ta có thể dễ dàng xử lý những phản kháng ấy—chỉ cần bế con lên hoặc đánh lạc hướng con bằng một điều thú vị khác. Nhưng đến khi con lên sáu, ta buộc phải dùng đến quyền uy: ta phải khẳng định rằng ta biết rõ điều gì là tốt nhất, mà không cần giải thích quá nhiều.
Đơn giản là vì con chưa có đủ trải nghiệm để hiểu hết những lý do đằng sau những nguyên tắc mà ta đặt ra. Một bé gái chín tuổi không thể nào hiểu được rằng việc bắt nạt cậu em trai sáu tuổi của mình có thể ảnh hưởng đến cách em trai nhìn nhận về phụ nữ sau này. Đó không phải lỗi của con khi con chưa hiểu chuyện. Và thật vô lý nếu ta mong một đứa trẻ chín tuổi có thể suy nghĩ sâu xa như một người trưởng thành.
Chúng ta luôn mong có thể truyền lại cho con những bài học quý giá mà ta đã phải đánh đổi bằng những vấp ngã trong cuộc đời, để con không phải mất thời gian đi vào những ngõ cụt mà ta từng trải qua. Nhưng sự thật là, không có kinh nghiệm thì chẳng có bài học nào có thể thấm sâu. Không ai có thể đốt cháy giai đoạn trưởng thành. Con vẫn sẽ phải phạm sai lầm, vẫn sẽ phải lãng phí một phần cuộc đời để tự mình khám phá ra những điều mà ta đã biết rõ từ lâu.
KHÔNG THỂ BIẾN CUỘC SỐNG CỦA CON TRỞ NÊN QUÁ DỄ DÀNG
Xã hội hiện đại thường e ngại—thậm chí căm ghét—ý tưởng rằng sự trưởng thành đôi khi đòi hỏi phải trải qua đau khổ. Chúng ta đã quá kinh hãi trước những phương pháp giáo dục hà khắc của thế hệ trước—nơi mà đau đớn và sỉ nhục được xem như điều kiện cần để rèn luyện ý chí và phẩm cách.
Nhưng thay vì chỉ bác bỏ những cách giáo dục khắc nghiệt ấy, chúng ta đã đi xa hơn: chúng ta cố gắng xóa bỏ mọi nỗi đau khỏi quá trình trưởng thành. Lòng nhân hậu đã chiến thắng.
Vấn đề là, nỗ lực xóa bỏ đau khổ này lại vô tình đi ngược với bản chất con người. Bởi chính chúng ta cũng đã trưởng thành từ những tổn thương, những thất bại và những lần vấp ngã. Có những nỗi sợ hãi, những sự chối từ, những thất vọng tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi—nhưng rồi chính chúng đã khiến ta trưởng thành hơn, vững vàng hơn, và kiên trì hơn trên con đường theo đuổi ước mơ.
Có khi nào động lực để ta nỗ lực hơn lại đến từ nỗi sợ hãi hay sự bất an? Đôi lúc, chính vì ai đó không tin tưởng vào ta, ta đã dồn hết sức để chứng minh họ sai. Có khi nào ta cố gắng thành công chỉ để gây ấn tượng với một ai đó—một người mà ta yêu quý nhưng lại chẳng dễ dàng công nhận ta?
Chúng ta muốn con mình trưởng thành nhưng không muốn con phải chịu khổ. Ta ghét cảm giác trở thành người gieo rắc lo âu cho con. Ta chỉ muốn vỗ về, động viên, ôm con vào lòng. Ta muốn mọi thứ diễn ra thật nhẹ nhàng và êm đẹp. Nhưng tận sâu trong lòng, ta biết điều đó là không thể. Và nếu cứ cố gắng tạo ra một thế giới hoàn hảo không có đau khổ cho con, ta có thể vô tình đẩy con đến bờ vực của sự thất bại.
KHÔNG THỂ BẢO CHỨNG CHO LÒNG TỐT CỦA CON
Chủ nghĩa lãng mạn tin rằng con người vốn dĩ sinh ra là thuần khiết và thiện lương. Chỉ có môi trường, sự giáo dục sai lầm hay thiếu thốn tình thương mới làm chúng ta hư hỏng, biến ta thành kẻ tàn nhẫn. Theo lối suy nghĩ này, nếu một đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương trọn vẹn, không lo âu, không bất an, thì nó sẽ chẳng bao giờ bẻ gãy món đồ chơi của bạn, xé tranh vẽ của người khác hay cố tình hù dọa ai. Một đứa trẻ sẽ luôn hiền hòa, miễn là nó được nuôi dưỡng trong sự dịu dàng.
Nhưng thực tế lại kể một câu chuyện khác. Trong ta luôn tồn tại những góc tối không thể xóa bỏ, những bản năng bạo lực mà sự tử tế đôi khi không thể thuần phục. Có lúc, một đứa trẻ đánh em mình không phải vì bị tổn thương, mà đơn giản là vì quá dư thừa năng lượng, vì buồn chán, hoặc chỉ đơn thuần là... thích thú với cảm giác đó. Đôi khi, việc tát vào mặt ai đó cũng có thể là một điều thú vị, chỉ để xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Chính vì lẽ đó, ngày xưa, người ta rất coi trọng lễ nghi, phép tắc. Những bậc cha mẹ nghiêm khắc không tin rằng một đứa trẻ sẽ tự nhiên trở nên tốt đẹp chỉ vì nó được yêu thương. Ngược lại, họ tin rằng, đôi khi cần phải kìm hãm tình yêu để giúp trẻ biết giới hạn giữa những cảm xúc bên trong và hành vi có thể thể hiện ra ngoài. Sự nghiêm khắc không phải là con đường dẫn đến sự độc ác, mà là cách để một người học cách giữ phần tăm tối của mình trong vòng kiểm soát.
KHÔNG THỂ BẢO CHỨNG CHO THÀNH CÔNG CỦA CON
Cha mẹ thời nay tin rằng, nếu được nuôi dưỡng đúng cách, một đứa trẻ sẽ lớn lên hạnh phúc, thành đạt và viên mãn. Từ niềm tin đó, ta đầu tư vào từng chi tiết nhỏ nhất: chọn nôi nào cho con ngủ, lên lịch từng hoạt động sau giờ học, cân nhắc từng lớp học đàn, từng bài học tiếng Trung, từng chuyến đi dã ngoại, từng khoản tiền đổ vào gia sư… Tất cả đều nhằm một mục đích: đẩy lùi thất bại, nắm chắc thành công trong tay.
Nhưng mối quan hệ giữa nỗ lực và kết quả không hề đơn giản như ta tưởng. Ta có thể dốc lòng vun vén mọi thứ, nhưng vẫn không thể bảo vệ con khỏi những nỗi buồn mà bất cứ con người nào cũng phải trải qua. Dù có đầu tư bao nhiêu vào các chương trình ngoại khóa, ta vẫn không thể che chắn con khỏi những biến cố của cuộc đời. Và xét trên mặt thống kê, khả năng cao nhất vẫn là... ta sinh ra một người bình thường, không hơn.
RỒI CON SẼ QUÊN TA
Ta cố gắng để không khiến con sợ hãi. Ta kể những câu chuyện hài hước, giả giọng đủ kiểu, làm trò ngốc nghếch, thậm chí giả vờ làm gấu hay lạc đà, chỉ để trở thành một người cha, người mẹ dễ gần—một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với thế hệ cha mẹ trước của ta. Và theo lẽ thường, ta nghĩ điều đó sẽ giúp ta được con yêu thương sâu đậm hơn.
Nhưng thật trớ trêu, con người lại thường bị cuốn hút bởi những người khó đoán, những người ít xuất hiện, thậm chí đôi khi còn hơi đáng sợ. Chúng ta dễ bị ám ảnh bởi những ai khiến ta bất an hơn là những người luôn vững vàng bên cạnh. Khi ta trở nên quá dễ gần, quá thoải mái, quá hài hước, ta lại đánh mất đi sự uy quyền của mình. Ta trở thành một anh hề, một người bạn đồng hành vui vẻ, nhưng không còn là một hình tượng vững chãi mà con tôn trọng.
Và còn một sự thật nghiệt ngã hơn: nếu ta yêu con một cách trọn vẹn, không ràng buộc, không ép buộc, không đe dọa, thì rồi con sẽ quên ta. Nhưng nếu ta xa cách, thất thường, lúc gần lúc xa, lúc yêu thương lúc lạnh lùng, thì con sẽ nhớ ta mãi mãi.
Những suy nghĩ đó cứ xoay vần trong tâm trí, cho đến khi ta nhắm mắt lại, cố gắng dỗ giấc ngủ trong bóng tối. Bởi ngày mai, một ngày dài với con lại đang chờ ta phía trước.
Nguồn: WHY – WHEN IT COMES TO CHILDREN – LOVE MAY NOT BE ENOUGH | The School Of Life