Khi ta không thích bản thân mình nhất cũng là lúc không còn sức mạnh
Khi chúng ta chống lại khát khao của bản thân và không ngừng đè nén nó, thì cũng là lúc chúng ta không thích bản thân mình nhất.
Hồi nhỏ gia cảnh F không mấy khá giả, bình thường ăn uống rất tiết kiệm. Một lần bà nội F tổ chức mừng thọ sáu mươi tuổi, mẹ nấu rất nhiều món ngon bình thường không được ăn, F nhìn thấy mà nuốt nước miếng. Năm đó F chưa đầy 5 tuổi, nhìn đùi gà trên bàn thèm lắm rồi, liền trèo lên ghế vươn tay cầm lấy, mẹ đang bận bịu nấu cơm bên cạnh nhìn thấy, lấy cái xẻng nấu ăn đập mạnh xuống, bàn tay cô bé lập tức sưng đỏ. Mẹ mắng: “Con có hiểu phép lịch sự không hả, người lớn chưa ngồi, con sao dám tự tiện lấy đồ ăn trên bàn! Con làm vậy người khác sẽ nói con không có giáo dục, đi chỗ khác cho mẹ!”. F sững người, xấu hổ rụt tay lại.
Khi đó là lần đầu tiên cô ấy nhận ra không thể muốn gì là làm nấy, thỏa mãn nhu cầu của bản thân là không đúng.
Nhưng trong quá trình trưởng thành, cho dù là từ mẹ hay bố, điều cô ấy được dạy nhiều nhất là phải hiểu chuyện, không được khác mọi người. Lời nói hành động phải lịch sự, không được làm việc quá giới hạn, không được làm phiền người khác. Cô ấy từ lâu đã nội hóa ảnh hưởng và những điều học được từ bên ngoài thành một phần nhân cách của mình, do vậy sau khi trưởng thành F trở thành một cô gái ngoan, rất biết đón ý nói hùa, cư xử khéo léo.
Nhưng vấn đề là phần muốn sống vì bản thân, muốn thỏa mãn nhu cầu bản thân không thể biến mất nhờ tự thuyết phục, sức mạnh này chỉ là bị kìm nén lại, bị chê trách và phủ định liên tục, bị nhân cách xã hội của chúng ta coi là “không tốt”, “ích kỉ”, “vô trách nhiệm”. Phần này tuy tồn tại chân thực, nhưng luôn không có cơ hội được phép biểu đạt ra ngoài, vì vậy sức mạnh này luôn thử tìm cơ hội để bộc phát.
Đây là phần khiến rất nhiều người luôn mâu thuẫn và do dự trong cuộc sống, có quá nhiều cái bóng của bản thân không được tiếp nhận, nên hai loại sức mạnh không ngừng đối chọi, lôi kéo.
Phần không muốn đối mặt, không muốn thừa nhận, không muốn tiếp nhận trong thâm tâm con người là nhân cách cái bóng. Chúng lúc nào cũng tranh đấu với nhân cách xã hội, khiến nội tâm chúng ta không ngừng tự tiêu hao.
F đến văn phòng của tôi vì cuộc hôn nhân và cuộc sống của cô ấy gặp rất nhiều vấn đề, cô ấy luôn thấy rất mệt. Thi thoảng khi có người nhờ cô ấy giúp, đặc biệt là cấp trên và một vài người có vai vế, dù rất mệt, trong lòng không muốn làm, cô ấy vẫn đồng ý. Cô ấy không có cách nào nói không, đáy lòng luôn để tâm chuyện nếu từ chối người khác, họ sẽ nhìn mình thế nào.
Mặc dù tất cả đồng nghiệp và bạn bè đều công nhận rằng cô ấy là “người tốt”, nhưng trước mặt chồng và người nhà, cô ấy lại hay cảm xúc hóa. Cô ấy nhận ra mình ngày càng không vui, luôn phải gồng mình làm việc và lấy lòng người khác, hơn nữa cô ấy cảm thấy ngày càng không thích bản thân.
F luôn khách khí với đồng nghiệp và bạn bè, gần như họ nhờ gì cô đều giúp, nhưng với người trong nhà, nhất là chồng và con, lại thường xuyên mất kiên nhẫn, đa phần là ban đầu thì nhẫn nhịn không nổi nóng, ôn hòa dịu dàng, rồi đột nhiên nổi giận đùng đùng. Mặc dù cô ấy biết làm thế không hay, nhưng căn bản không thể ngừng được. Đến một hôm con cô ấy bỗng hét lên: Mẹ chỉ nổi cáu với mỗi con, mẹ đối xử với bất kì ai cũng tốt hơn con, rốt cuộc mẹ giả vờ tốt với họ hay thật lòng ghét con? F lúc đó sững người, cuối cùng nhận ra nơi để cô ấy trút cảm xúc bị đè nén là người nhà của mình.
Tất cả khát khao chưa được thỏa mãn hoàn toàn không thể bị đè nén thực sự bằng ý chí của một người, cuối cùng năng lượng này nhất định sẽ bùng nổ, thể hiện ra ngoài qua quan hệ với mọi người hoặc bộc phát bên trong qua biểu hiện trên cơ thể.
Trước đây có một khoảng thời gian tôi là người cuồng công việc. Tôi nhận ra nếu nghỉ ngơi liên tục hơn hai ngày là sẽ cảm thấy bất an, xuất hiện cảm giác hoảng sợ và có lỗi. […]
Khi chúng ta chống lại khát khao của bản thân và không ngừng đè nén nó, thì cũng là lúc chúng ta không còn sức mạnh. Nguồn: mirror.
Vì thế tôi luôn sắp xếp lịch làm việc dày đặc, trước giờ đều không để ý đến cảnh báo của cơ thể, cho đến một hôm vừa kết thúc một khóa học hai ngày, tôi bỗng nôn thốc nôn tháo, hôm đó từ sáng tới tối tôi nôn năm sáu lần.
Người nhà và tôi đều rất lo lắng. Vì bố tôi và bố chồng tôi đều qua đời vì ung thư dạ dày (tiện đây nói luôn, bố tôi là một người tốt được công nhận, cuối cùng đè nén tất cả cảm xúc trong người, dẫn đến tích lũy thành bệnh), nên chúng tôi đều hơi lo không biết có liên quan đến chuyện này không. Đến chiều vào viện kiểm tra, may là dạ dày không sao, bệnh là ở đốt sống cổ. Tôi khi ấy mới biết đốt sống cổ của mình có vấn đề, đốt sống cổ đè lên dây thần kinh khiến tôi nôn. Bác sĩ nhìn tôi thương cảm nói, cô còn trẻ mà không ngờ đốt sống cổ gặp vấn đề nghiêm trọng như vậy, lập tức về nghỉ ngơi, nhớ phải nằm thẳng, không được đi đâu cả!
Sau đó tôi về nhà nghỉ ngơi, nằm trên giường vài ngày. Tôi chưa từng nằm yên một chỗ không làm gì chỉ nghỉ ngơi, hơn nữa còn điềm nhiên nhờ người nhà mang những thứ tôi thích ăn đến giường cho, đó là hưởng thụ, không kèm theo hổ thẹn lẫn áy náy. Vì tôi thuộc kiểu “nghe lời bác sĩ”. Những ngày đó thật sự là lần tôi nghỉ ngơi thoải mái nhất, đã nghiện nhất, thư giãn nhất trong đời.
Về sau tôi nhận ra trong quá trình này, tại sao tôi chỉ có thể dùng ốm đau làm cái cớ để cho phép bản thân thả lỏng tuyệt đối, tại sao tôi không cho phép mình nghỉ ngơi thoải mái trong trạng thái sức khỏe bình thường. Tôi phát hiện ra một nhân cách ẩn sâu trong nội tâm, tôi cho rằng nghỉ ngơi là “lười”, là việc không thể chấp nhận. Tôi từ nhỏ đến lớn, dù đã đi làm, nếu ngủ nướng, kể cả có là cuối tuần, mẹ tôi sẽ ở bên cạnh nhắc nhở: “Sao con lười thế”, “Còn trẻ mà chỉ biết có ngủ”, “Con thế này về sau thì làm gì có tiền đồ”…
Dẫu sau này tôi đã kết hôn sinh con, có gia đình riêng, sống tách khỏi bố mẹ, nhưng giọng nói đó đã nội hóa, khi chỉ có một mình tôi, giọng nói đó sẽ vang vọng trong đầu, khiến tôi tự phê bình bản thân.
Sau lần đốt sống cổ gặp vấn đề, tôi nhận ra lần bị ốm này thật ra là do tiềm thức của tôi tự tạo ra để tôi thể nghiệm khát khao được nghỉ ngơi thả lỏng hoàn toàn. Đồng thời tôi cũng phát hiện ra chuyện này quả thật rất nguy hiểm, nếu tôi một mực chống lại khát khao này, hơn nữa không ngừng đè nén và xem thường nó, vậy thì tương lai có thể tiềm thức của tôi sẽ tạo ra bệnh càng nặng hơn để khiến tôi “nghỉ ngơi”.
Trích từ cuốn sách Khi bạn yêu bản thân
[Một người không biết cách yêu bản thân sẽ không biết cách yêu người khác, khi chính họ còn chưa trải nghiệm yêu bản thân là như thế nào thì thứ cho đi cùng lắm chỉ là thứ mô phỏng tình yêu, có thể là lấy lòng, trao đổi, bồi thường, dựa dẫm, say mê, nhu cầu... Sách giúp bạn yêu thương bản thân mình đúng cách.]