Khi thấu cảm cũng tìm đường đi tắt

khi-thau-cam-cung-tim-duong-di-tat

Chúng ta đã qua cái thời thụ động ngồi chờ người kể chuyện. Mỗi người giờ là một người kể chuyện. Ta thích kể chuyện: những khoảnh khắc đầu ngày, những chi tiết vui ở quán cơm, một câu chuyện nghe được từ người khác...

Trong số chúng ta, có những người kể chuyện rất hay, vượt lên sự thông thường, làm người đọc gật gù tán thưởng. Có những người thích kể chuyện vui, có người lại thích kể chuyện đau lòng và có vẻ như ai cũng thích kể một câu chuyện ấm áp.

Khi có khó khăn, người ta càng thích nghe những câu chuyện ấm áp, lấy đó làm một điểm tựa, một thứ giúp an lòng như trên đường đêm mịt mù bỗng thấy một mái nhà còn sáng đèn. Môtip điển hình của một câu chuyện ấm áp là có một bên gặp khó khăn và một bên có sự thấu cảm. Kết cục ấm áp là cái chiến thắng giòn giã của lòng thấu cảm, thứ mà người ta ai cũng tưởng mình có nhiều nhưng hóa ra lại là rất thiếu.

MỘT NGHIÊN CỨU GÂY BẼ BÀNG

Hồi 2019, Daryl Cameron và cộng sự thuộc Đại học bang Pennsylvania đã tiến hành 11 thí nghiệm với hơn 1.200 người tham gia. Họ dùng hai bộ thẻ trên có in những bức ảnh u ám của trẻ tị nạn. Nếu chọn bộ thẻ đầu tiên, người tham gia cần mô tả đặc điểm hình thể của mỗi em bé in trên đó. Nếu chọn bộ thẻ thứ hai, người tham gia sẽ phải đặt mình vào hoàn cảnh em bé ấy, nghĩ về thứ mà em ấy sẽ nghĩ trong hoàn cảnh lênh đênh; tóm lại là thực hiện thấu cảm. Lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, đa số người tham gia vẫn chọn bộ bài đầu tiên, tức chỉ đơn giản làm công việc mô tả nhân dạng.

Biết đâu việc tránh nghĩ nhiều về thân phận trẻ tị nạn là do không muốn nặng nề, các nhà nghiên cứu bèn đưa ra tiếp những bộ thẻ có ảnh người mỉm cười hoặc người buồn. Họ lại đề nghị người tham gia chọn đi: hoặc chỉ mô tả ảnh, hoặc thực hành thấu cảm với nhân vật trong ảnh. Kết quả: gần như người tham gia nào cũng chọn việc không phải tỏ ra thấu cảm, ngay cả với những bức ảnh của nhân vật có vẻ mặt vui.

Nhóm nghiên cứu kết luận: người ta có xu hướng tránh phải thấu cảm với người khác, ngay cả khi thấu cảm với niềm vui.

Khi được hỏi lý do, hầu hết người tham gia đều cho rằng thấu cảm là việc “khó”, họ thấy mình không giỏi thấu cảm bằng việc mô tả đơn thuần người trong ảnh. Họ nói để thấu cảm được với người trong ảnh thì phải suy nghĩ vất vả hơn, thấy không chắc ăn, bực bội và căng thẳng.

THẤU CẢM KHÓ ĐẾN THẾ SAO?

Trong một bài viết, tiến sĩ tâm lý học Alison Jane Martingano cho rằng thấu cảm quả là... không dễ như người ta tưởng. Thấu cảm là quan tâm và có lòng trắc ẩn với người khác, quên đi cảm giác và suy nghĩ của bản thân, tập trung vào những gì người khác đang cần, tự đặt mình vào vị trí người khác, cố gắng mường tượng ra hoàn cảnh của họ, nhìn sự việc theo con mắt của họ. Thấu cảm vì thế là việc “công phu”, đôi lúc phải vượt lên khỏi những định kiến và kinh nghiệm vốn có của bản thân để mà hiểu người. Tuy nhiên việc này rất đáng công: nó giúp bạn thánh thiện lên, có lòng quan tâm và cảm thông với tha nhân. Nghiên cứu cho biết một khi đạt được loại thấu cảm này bạn sẽ cảm thấy ấm áp, muốn mở lòng và mở hầu bao ra giúp đỡ.

Nhưng vì thấu cảm là việc mà não thấy rất khó, nên đa số con người ta khi nghe, đọc, thấy những câu chuyện “cần thấu cảm” lại chỉ thấy ngộp, thấy mệt óc và không muốn cảm xúc mình bị lôi kéo vào. Họ đổi đề tài, chuyển kênh. Khi làm thế, cảm giác muốn thấu cảm vừa mới xuất hiện sẽ biến ngay tắp lự, và người ta không còn bị thúc đẩy phải giúp đỡ nữa, về tinh thần hay vật chất. (Đó phải chăng là trường hợp chúng ta mỗi khi mở báo thường lướt qua nhanh mục “Các hoàn cảnh khó khăn”?).

 

CÁI GÌ KHÓ THÌ TA DÙNG CÔNG NGHỆ

Nhưng công nghệ không để con người “tẩu thoát” dễ như vậy. Theo một bài viết trên Aeon, vài năm trước, Jeremy Bailenson cùng cộng sự tại Đại học Stanford đã tạo ra một lò mổ giả lập, mời những người tham gia thí nghiệm đeo vào cặp kính thực tế ảo (VR), yêu cầu họ bò loanh quanh bằng hai tay hai chân để trải nghiệm việc “thể nào là một con bò được nuôi để lấy sữa lấy thịt”.

Bailenson “vẽ đường” cho họ: “Bạn tới một cái máng, vục đầu xuống và giả như uống nước. Bạn thong thả tới đống cỏ khô, ngả đầu xuống và giả vờ ăn cỏ. Trong lúc đi từ chỗ này sang chỗ khác, cảm giác có một cú chọc nhẹ vào mạn sườn, bạn thực hiểu con bò bạn đây đang bị người ta lấy gậy mà chọc”.

Sau trải nghiệm VR này, những người tham gia thấy mình thương loài bò hơn và họ bớt ăn thịt đi (một thời gian). Có người còn bảo: “Tôi thật sự cảm giác mình đang đi vào lò mổ... thấy buồn như một con bò sắp bị giết”. Kết quả ngoạn mục tới nỗi Bailenson và nhiều người khác đã gọi công nghệ VR kiểu này là “cỗ máy tạo thấu cảm”. Từ đó các loại “VR thấu cảm” ra đời: Đeo kính lên, người ta bước vào thế giới giả lập, trải nghiệm các cảnh đời nghiệt ngã, trở thành người lang thang không nhà cửa, thành trẻ tị nạn trong trại tập trung...

Một dự án VR thấu cảm quảng cáo: “Mỗi bộ phim ở đây là nhằm tạo nên sự thấu cảm thông qua trải nghiệm của chính người xem - từ việc được làm một em bé trong hệ thống nhà tù Mỹ tới việc làm một góa phụ bị ruồng bỏ trong xã hội Ấn Độ... Mỗi bộ phim trình bày một trải nghiệm thiết thân dưới cái nhìn của chính những con người mà câu chuyện của họ bị bỏ qua, bị thất lạc nhưng là một mảnh liền lạc trong câu chuyện lớn của xã hội toàn cầu chúng ta. Tập hợp lại, những bộ phim độc đáo đầy sáng tạo này dệt nên một tấm thảm muôn màu về cảnh sống của con người hôm nay”.

Rõ ràng công nghệ “VR cảnh đời” này cũng có tác dụng tốt: không có nó làm sao bạn sống thử được đời bò, “được” vào tù, “được” bơ vơ vệ đường, và những gì chứng kiến (dù chỉ là giả lập) cũng khiến bạn biết hơn, hiểu hơn về những cảnh sống khác. Nhưng đừng lẫn lộn. Công nghệ sinh ra là để phục vụ cái lười nhác của con người. Nó luôn tìm ra một con đường tắt để mau tới La Mã nhất. Chính vì thế, theo bài viết trên Aeon, ta nên có một thái độ hoài nghi. VR có thể giúp nảy sinh mối thương cảm nhưng không thể sinh ra sự thấu cảm. Hai khái niệm này gần nhau mà lại khác nhau rõ rệt.

 
 Ảnh: inkforall.com

THƯƠNG CẢM HAY THẤU CẢM?

Bài viết cho rằng thương cảm là khả năng động lòng vì người khác nhưng lại không mất công tưởng tượng nếu mình là họ thì sẽ ra sao. (Bạn nghe một hoàn cảnh trớ trêu và muốn giúp đỡ ngay, không cần tìm hiểu sâu). Thấu cảm là khả năng đặt mình vào hoàn cảnh người khác để hiểu họ nghĩ gì, họ cảm thấy gì. Thấu cảm vì thế là việc rất khó, nhiều khi là bất khả. Như với lò mổ VR của Bailenson, cho dù những người tham gia đã lồm cồm bò trên sàn, đã bị chọc gậy vào hông, họ vẫn không thể thấu cảm thực sự với bò, họ chỉ nảy sinh lòng thương cảm với bò. Họ có thể ăn ít thịt bò hơn vì thương thân phận của nó là vào lò mổ, nhưng để “hiểu” bò nghĩ gì thì không.

Mục tiêu và sức mạnh của VR là cất đi cái gánh nặng thấu cảm hộ người tham gia, thúc người ta nhanh nhanh nảy sinh cảm xúc mà không phải lao tâm khổ tứ dùng tới sự tưởng tượng. Kỹ năng “xỏ thử vào giày người khác” được biến thành một thứ ăn nhanh, hời hợt thông qua đôi mắt, không còn là một quá trình đau đáu “nhắm mắt lại mà suy nghĩ cho thấu đáo”. Nhưng thôi, Alison cho rằng cảm xúc tạm thời đó cũng tốt cho xã hội. Với các phong trào gây quỹ, công nghệ “VR cảnh đời” là một lối kể chuyện quá hiệu quả, họ chỉ cần chuẩn bị sẵn một địa chỉ để nhận cứu trợ, quyên góp; cảm xúc ngùn ngụt của người xem sẽ biến ngay thành tiền để trút vào. Rồi tiền ấy sẽ để làm việc tốt thôi mà...

Tuy vậy theo Alison, chúng ta hiện đang bị giội bom với bao nhiêu là nội dung sinh động, mãnh liệt, khiến ta tự động nảy sinh cảm xúc, không kịp kiểm chứng đúng/sai, vô lý/có lý, và tưởng tượng mình trong hoàn cảnh đó để nhìn ra logic của câu chuyện đó, nhân vật đó. Câu chuyện này nối tiếp câu chuyện khác, phần lớn những người tốt chúng ta phản ánh theo lối xúc động, thương cảm. “Ta chỉ thấu cảm bằng tim mà không phải bằng não”, và đến lúc cảm xúc dồn dập quá, áp đảo quá, ta thành kiệt quệ.

Vậy làm sao đây? Thấu cảm thì khó quá mà “nhà thì bao việc? Alison nói - Để tạo ra một xã hội biết cảm thông hơn, chúng ta không cần thấu cảm hơn, chúng ta chỉ cần thấu cảm cho thông minh hơn”.

Thấu cảm là một trong những phẩm chất của E.I - trí thông minh về cảm xúc. Đó là khả năng hiểu được cảm giác của người khác trong những hoàn cảnh cụ thể.

Theo nhà tâm lý học Daniel Goleman, có ba loại thấu cảm:

- Thấu cảm về nhận thức (Cognitive empathy): là tỉnh táo biết được mình nghĩ gì, người khác nghĩ gì trong những hoàn cảnh cụ thể.

- Thấu cảm về cảm xúc (Emotional empathy): là cảm được cảm xúc của người khác, “đau cái đau của họ, vui cái vui của họ”.

- Quan tâm có thấu cảm (Empathic concern): thấu cảm và có hành động giúp đỡ thiết thực xuất phát từ sự thấu cảm đó.

Ba loại thấu cảm này có nhiều hay ít ở mỗi người là tùy theo hoàn cảnh và mức độ gần gũi của đối tượng. Nhận ra và cân bằng là điều quan trọng. Nếu chỉ dùng thấu cảm về nhận thức thì như robot, như trí tuệ nhân tạo. Nếu lúc nào cũng dùng thấu thấu cảm về cảm xúc thì dễ rơi vào “thương vay khóc mướn”, dẫn đến cạn kiệt. Muốn đạt được trình độ “quan tâm có thấu cảm” thì nên điềm tĩnh và chu đáo trước mọi việc.

Như giáo sư Peter Singer trong một bài viết có kết luận: “Thấu cảm và các cảm xúc khác thường thúc đẩy chúng ta làm những việc đúng đắn, nhưng chúng cũng thường xuyên không kém thúc đẩy chúng ta làm những việc sai. Khi ra những quyết định có tính đạo đức, chính khả năng suy nghĩ lý tính lại đóng một vai trò cốt tử”.

 

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần

menu
menu