Không phải tất cả đều nằm trong đầu bạn. Mà đôi khi nó nằm ở chân bạn

khong-phai-tat-ca-deu-nam-trong-dau-ban-ma-doi-khi-no-nam-o-chan-ban

Chúng ta có xu hướng quên rằng, phần lớn cuộc sống thực ra khá dễ chịu, mặc dù những cảm xúc này có thể kém nổi bật so với những cảm xúc khó chịu.

Tất cả mọi thứ mà chúng ta cảm nhận ở thế giới bên trong và bên ngoài của chúng ta có một đặc tính chủ quan riêng biệt. Một cơn thịnh nộ lôi đình có cảm giác khác biệt với nụ hôn nhẹ nhàng lên má của người yêu. Ngay cả những hành động theo thói quen chẳng hạn như đọc một cuốn sách hay cố nhớ lại tên của một đứa bạn thời thơ ấu cũng có cảm giác khác biệt đáng kể. Những cảm giác này và vô vàn cảm giác khác lấp đầy các bước sóng của ý thức chúng ta và điều khiển những mục tiêu hằng ngày của chúng ta, giúp chúng ta định hướng trong thế giới. Chúng ta tìm kiếm những thứ khiến ta cảm thấy vui thích và khoái trá, và tránh xa những thứ gây đau khổ hay căng thẳng, trừ phi chúng ta mong đợi niềm vui theo sau nỗi đau. Tuy nhiên điều khó hiểu là làm thế nào mà những mảnh thông tin bên trong và bên ngoài này được tổ chức thành những trạng thái nội tâm chủ quan.  

Có một trực giác mạnh mẽ rằng bản ngã ý thức của chúng ta cư ngụ bên trong cơ thể, đặc biệt là trong đầu chúng ta. Điều này có thể là do một số cơ quan cảm giác của chúng ta–mắt, tai, mũi, chồi vị giác–nằm trong đầu. Các nhà tâm lý học Christina Starmans, hiện tại ở Đại học Toronto, và Paul Bloom ở Đại học Yale tại Connecticut phát hiện thấy khi được đốc thúc, cả người lớn và trẻ em đều định vị bản ngã của một người nằm ở trong đầu, nhưng khi được xem hình ảnh của những người ngoài hành tinh có đôi mắt nằm ở vị trí khác, chẳng hạn như trên bụng thì hầu hết mọi người chỉ vào đôi mắt thay vì cái đầu không có mắt như là vị trí của bản ngã. Cơ thể và tâm trí không tách rời nhau. Đúng hơn, chúng hoạt động song song với nhau, cung cấp các nền tảng cho đời sống tinh thần của chúng ta. Ví dụ, thậm chí nhiễm trùng cơ thể nhẹ cũng làm chúng ta cảm thấy rối ren và mệt mỏi, trong khi đó một lần tập thể dục tốt đến kiệt sức có thể nâng cao tâm trạng chúng ta và đôi lúc khiến chúng ta cảm thấy hưng phấn.

Tôi và các đồng nghiệp gần đây đưa ý tưởng về ý thức hiện thân (embodied consciousness) này đi xa hơn và xem xét đến việc lập bản đồ của các cảm giác ý thức trên cơ thể (dựa trên nghiên cứu trước đây của chúng tôi về nền tảng cơ thể của cảm xúc). Đầu tiên chúng tôi lập ra một danh sách gồm 100 cảm giác phổ biến, chẳng hạn như nhìn, thở, đói, khoái lạc v.v.., và yêu cầu những người tham gia xác định vị trí của những trạng thái đó trên cơ thể họ bằng cách tô màu vào những khu vực của một cơ thể người nơi từng cảm giác được cảm nhận. Chúng tôi cũng thu thập thông tin cơ bản liên quan đến từng cảm giác, chẳng hạn như mức độ dễ chịu của những trạng thái này, mức độ thường xuyên trải nghiệm chúng.

Chúng tôi ấn tượng trước bản đồ có tính nhất quán của các cảm giác trong cơ thể. Các trạng thái chủ quan khác nhau có ‘những dấu ấn’ của cảm giác cơ thể, phân biệt rõ ràng với nhau. Sự tức giận được cảm nhận ở thân trên. Còn say rượu chủ yếu được cảm nhận ở chân. Niềm vui và những cảm xúc tích cực được trải nghiệm một cách sống động trên khắp cơ thể. Vì những dấu ấn này rất nhất quán ở những người trả lời cho nên có một số bằng chứng, chỉ về một nguồn gốc sinh học--hơn là do học được--của các bản đồ cơ thể của cảm xúc.

Các bản đồ cơ thể chỉ ra cấu trúc của các cảnh quan tâm trí của người tham gia. Dấu ấn cơ thể của hai trạng thái càng giống nhau thì những trạng thái đó nhìn chung là càng được trải nghiệm giống nhaucho thấy một mối liên hệ trực tiếp giữa cơ thể và trải nghiệm ý thức. Chúng tôi cũng phát hiện thấy hầu hết cảm xúc đều thấm nhuần cung bậc cảm xúc rõ ràng. Bên cạnh những trường hợp rõ ràng như tình yêu hay chiến thắng, ngay cả những hành động tưởng chừng như vô thưởng vô phạt như ghi nhớ và nó rõ ràng cũng mang lại cảm giác dễ chịu.

Quan trọng là, những người tham gia báo cáo cảm nhận về những trạng thái dễ chịu  như lòng biết ơn và thư thái thường xuyên hơn những trạng thái tiêu cực. Điều này cho thấy rằng, nói chung, khuynh hướng cảm xúc của chúng ta chủ yếu là tích cực và êm đềm, mặc dù chúng ta thường muốn nghĩ ngược lại. Điều này có thể bắt nguồn từ khả năng kiểm soát của những cảm xúc khác nhau. Dữ liệu của chúng tôi tiết lộ rằng về mặt cảm xúc thì những cảm xúc tiêu cực khó kiểm soát hơn những cảm xúc tích cực. Những cảm xúc khó chịu được kích hoạt trong những sự kiện trọng đại trong cuộc đời có thể có cảm giác nổi bật hơn đối với chúng ta vì chúng ta thường ít kiểm soát nổi chúng. Chúng ta có xu hướng quên rằng, phần lớn cuộc sống thực ra khá dễ chịu, mặc dù những cảm xúc này có thể kém nổi bật so với những cảm xúc khó chịu.

Những kết quả này cung cấp bằng chứng thuyết phục cho tính trung tâm của thông tin phản hồi cơ thể trong việc tổ chức những cảm giác có ý thức của chúng ta. Mặc dù ý thức nảy sinh từ chức năng não bộ, và chúng ta thường trải nghiệm về ý thức được cư ngụ trong não bộ, thì thông tin phản hồi cơ thể rõ ràng góp phần vào rất nhiều cảm giác chủ quan. Nhưng tất nhiên, cũng không phải tất cả chúng đều nằm trong cơ thể chúng ta. Những bệnh nhân mà có tình trạng cơ thể không được truyền đến não bộ của họ, ví dụ, do tổn thương tủy sống hoặc rối loạn chức năng hệ thần kinh tự chủ, thì tất nhiên không có những cảm xúc của đời sống tinh thần. Chuyện này sẽ không thể xảy ra nếu cơ thể là nguồn duy nhất của các cảm xúc của chúng ta. Thay vào đó, nó là toàn bộ chòm sao của não bộ và cơ thể, với nội tạng, cơ bắp và các cơ quan của nó, tạo màu sắc cho đời sống nội tâm của chúng ta, và chỉ đơn giản loại bỏ một phần của hệ thống là chưa đủ để gây ra sự cố toàn diện. Cảm giác, tri giác và ký ức là những phần quan trọng của nan đề về ý thức.

Tại sao cảm xúc bò vào ý thức của chúng ta ngay từ đầu? Bác sĩ thần kinh Antonio Damasio tại Đại học Southern California cho là các thông tin đầu vào có liên quan đến cảm xúc từ cơ thể đến não bộ có thể tạo ra chứng tích về ý thức đầu tiên ở tổ tiên của chúng ta. Đau đớn được kích hoạt bởi tổn thương mô là một trong những dấu hiệu cảnh báo quan trọng nhất đối với một cá nhân. Những sinh vật nào bắt đầu có thể cảm nhận được những rối loạn chức năng như vậy trong cơ thể chúng sẽ có một lợi thế rất lớn, vì chúng có thể rút khỏi nguy hiểm và nghỉ ngơi để thúc đẩy sự bình phục khi bị thương hoặc bị bệnh. Tính trung tâm này của đau đớn và những cảm xúc tồi tệ đối với không gian tinh thần của chúng ta vẫn còn rõ rệt–thậm chí ngày nay, lý do phổ biến nhất để đi khám bác sĩ chỉ đơn giản là không cảm thấy khỏe.

Sự phát triển của nhận thức về các tác hại liên quan đến cơ thể cuối cùng có thể đã mở đường cho sự xuất hiện của các hình thức tư duy và các quá trình nhận thức cao cấp hơn, như ngôn ngữ, tư duy và suy luận. Và nhiều cảm giác của chúng ta không hề có tính riêng tư, thầm kín chút nào. Biết được những gì đang diễn ra trong cơ thể chúng ta là hữu ích, nhưng theo dõi được những trạng thái nội tâm và mục tiêu của người khác thì thậm chí có thể còn hữu ích hơn. Tương tự thế, khi cơ thể của chúng ta báo hiệu những trạng thái nội tâm cho chúng ta, thì chúng cũng truyền đạt những trạng thái bên trong của chúng ta với người khác. Con người và nhiều loài động vật khá giỏi trong việc đọc được ý định, cảm xúc và mục tiêu của nhau từ hành vi của chúng chẳng hạn như những biểu cảm trên khuôn mặt và cơ thể. Khả năng thúc đẩy sự gắn kết xã hội bằng cách trao đổi cảm xúc và những trạng thái tinh thần khác có khả năng mang lại lợi thế tiến hóa đáng kể cho tổ tiên của chúng ta, và người ta thậm chí còn cho rằng một ý thức hoàn toàn riêng tư sẽ bị hạn chế sử dụng. Do đó không ngạc nhiên khi một trong những câu hỏi xã giao phổ biến nhất của chúng ta là ‘Bạn cảm thấy thế nào?’–hỏi han thông tin để xây dựng được mô hình về tâm trí và cơ thể của người khác.   

Ý thức là một trong những bí ẩn lớn nhất đối với các nhà thần kinh học, tâm lý học và triết học, và ngay cả những phát hiện gần đây của chúng ta cũng không thể cho biết làm sao bộ não và cơ thể cùng tạo ra thế giới tinh thần bên trong của chúng ta từ các thông tin đầu vào khác nhau. Tuy nhiên, chúng cho thấy chúng ta cần bắt đầu làm sáng tỏ những tương tác giữa não bộ và cơ thể nếu chúng ta muốn hiểu cách thức hoạt động của tâm trí con người.

 

Nguồn: https://aeon.co/ideas/it-is-not-all-in-your-head-sometimes-its-in-your-legs

menu
menu