Làm sao để đánh giá mức độ trưởng thành cảm xúc của người bạn đời tiềm năng

lam-sao-de-danh-gia-muc-do-truong-thanh-cam-xuc-cua-nguoi-ban-doi-tiem-nang

Một trong những khó khăn khi xây dựng mối quan hệ tốt đẹp là ta không dễ nhận ra mức độ trưởng thành cảm xúc của người mà mình gặp gỡ.

Một trong những khó khăn khi xây dựng mối quan hệ tốt đẹp là ta không dễ nhận ra mức độ trưởng thành cảm xúc của người mà mình gặp gỡ. Rất ít dấu hiệu bên ngoài có thể tiết lộ điều này. Một người có vẻ bề ngoài chững chạc nhưng bên trong có thể vẫn là đứa trẻ chưa lớn. Họ có thể sở hữu hàng loạt bằng cấp chứng tỏ sự "thông minh" nhưng vẫn vận hành tâm lý theo cách hết sức nguyên sơ. Họ có thể diễn giải lý thuyết về hành vi tâm lý một cách mạch lạc, nhưng khi thực hành lại trở nên vụng về và bất lực.

Dẫu vậy, việc bắt đầu bằng một nhận thức rõ ràng về những dấu hiệu của sự trưởng thành cảm xúc có thể giúp ta sớm nhận biết được người mà mình đang tiếp xúc và đưa ra lựa chọn phù hợp.

 Photo by Daniil Onischenko on Unsplash

Dưới đây là những câu hỏi chủ chốt ta nên tự đặt ra cho bản thân khi tìm hiểu một người mới:

  1. Người ấy có thể chịu đựng nỗi sợ hãi khi mở lòng với tình yêu của người khác không? Họ có thể thừa nhận nhu cầu cần được yêu thương mà không quá sợ hãi không? Họ có thể để bạn chăm sóc họ và đồng thời chăm sóc bạn không? Họ có thể yêu mà không cố chấp bám víu vào sự độc lập thái quá không? Họ có thể cân bằng giữa việc yêu thương và tránh cảm giác bị hòa tan vào người kia không? Liệu họ có biết kiểm soát nỗi sợ hãi của mình mà không trở nên lạnh nhạt, nghi ngờ hay tức giận không?
  2. Người ấy có hiểu được cảm xúc của chính mình không? Khi cảm xúc trở nên phức tạp, mâu thuẫn với hình ảnh bản thân họ mong muốn, liệu họ có nhận ra mình đang tức giận, buồn bã, bồn chồn hay ghen tị không? Liệu họ có thể đều đặn dành thời gian để tự hỏi bản thân: "Tôi đang cảm thấy gì?" Họ có khả năng lắng nghe những tiếng thì thầm trong vô thức của mình không? Liệu họ có thể viết một đoạn nhật ký thuyết phục về cảm xúc của chính họ không?
  3. Người ấy có đủ mạnh mẽ và tin tưởng vào đối thoại để nói về những điều khó khăn của bản thân không?Họ có thể tránh né sự sến súa, mơ hồ hay dối trá không? Họ có thể bình tĩnh, khéo léo chia sẻ về những phức tạp bên trong họ không? Liệu họ có đáng tin đến mức có thể giải thích rõ ràng nếu một ngày nào đó cần phải rời xa bạn không?
  4. Người ấy có thể tiếp nhận lời phê bình mà không xem đó là sự tấn công hay bằng chứng rằng họ bị ghét bỏ không? Họ có thể chấp nhận rằng họ – như mọi người khác – luôn cần học hỏi thêm không?
  5. Người ấy có hiểu đủ về quá khứ của mình để không áp đặt những cơn giận dữ, nghi ngờ hay khao khát vốn nên dành cho một người nào đó trong quá khứ – có thể là cha hoặc mẹ từng làm họ thất vọng – lên bạn không?
  6. Người ấy có chấp nhận được những nguyên lý căn bản của liệu pháp tâm lý không? Rằng ai trong chúng ta cũng chịu tổn thương từ thời thơ ấu, rằng ai cũng có những vấn đề cần giải quyết, rằng ta cần xin lỗi vì bản thân mình gần như mỗi ngày, rằng ta phải cam kết học hỏi không ngừng – và có lẽ nên thấy ngượng ngùng về con người của chính mình năm trước không?

Nhưng khi đã hỏi xong những câu hỏi về đối phương, ta cũng nên hướng những câu hỏi tương tự vào chính mình:

  1. Liệu ta có thể chấp nhận rằng một người có vẻ ngoài đầy triển vọng thực chất lại không phù hợp không?
  2. Liệu ta có thể đủ kiên nhẫn quay lại từ đầu và chờ đợi bao lâu cũng được để tìm đúng người trưởng thành cảm xúc mà ta cần không?

Trưởng thành thực sự là khi ta dám đối diện với ý nghĩ rằng nếu không tìm thấy sự trưởng thành cảm xúc ở một người – bất kể họ quyến rũ, hài hước, xinh đẹp, giàu có hay tài giỏi ra sao, bất kể những khoảnh khắc vui vẻ hay chuyến đi thú vị ban đầu – thì một mối quan hệ với họ cũng khó mà mang lại lợi ích lâu dài. Bằng chứng cao quý nhất của sự trưởng thành và lòng trung thành với chính mình chính là dám nói lời từ biệt một cách lịch sự và dứt khoát khi cần thiết.

Nguồn: HOW TO WORK OUT THE LEVEL OF EMOTIONAL MATURITY OF PROSPECTIVE PARTNERS – The School Of Life

menu
menu