Làm sao để sống hòa bình với cha mẹ mình

lam-sao-de-song-hoa-binh-voi-cha-me-minh

Có một số ít người thật may mắn – họ hòa thuận dễ dàng với cha mẹ mình.

Có một số ít người thật may mắn – họ hòa thuận dễ dàng với cha mẹ mình. Nhưng với phần đông chúng ta, cha mẹ không phải là bến đỗ yên bình mà thường là cội nguồn của bao nỗi rối ren, mỏi mệt và những thử thách cảm xúc không hồi kết.

Một trong những cách mà ta thường thử, để gỡ rối cho mối quan hệ này, là đối thoại thẳng thắn. Ta có thể cảm thấy mình đã im lặng quá lâu – và giờ là lúc phải nói ra tất cả. Ta sẽ chọn một thời điểm, rồi bày tỏ với họ những tổn thương xưa cũ, những điều họ đã hiểu sai, những gì thời thơ ấu của ta đã thiếu hụt vì họ – và cả những điều đó vẫn đang âm thầm ảnh hưởng đến hiện tại của ta.

Thật là một mong ước cảm động, đầy can đảm – nhưng đáng tiếc, lại hiếm khi thành công. Cha mẹ không dễ dàng chấp nhận những lời cáo buộc đó. Họ thường quay lại phản bác với một quyền lực khiến ta ngỡ ngàng – và đau lòng – cho rằng ta là kẻ vô ơn, trẻ con, hay thích đổ lỗi. Hoặc khi ta nhìn thấy sự mong manh trong mắt họ, sự bối rối không thể diễn đạt bằng lời, ta lại mềm lòng – không nỡ làm họ đau thêm. Đôi khi, họ có vẻ như lắng nghe, thậm chí còn cảm ơn ta vì đã chia sẻ một cách chân thành. Nhưng rồi chỉ cần lần gặp tiếp theo, họ lại nói điều gì đó khiến ta hiểu rằng: hóa ra họ chẳng hiểu gì cả.

Sau những cuộc nói chuyện khiến lòng rỉ máu, ta tự nhủ: có lẽ tốt hơn là nên giữ khoảng cách với những con người dễ làm tổn thương này. Nhưng mọi chuyện không bao giờ đơn giản đến thế.

Bởi cha mẹ đâu phải những “con quỷ” hoàn toàn. Họ có thể khiến ta phát điên với cách cư xử của mình – nhưng đồng thời, họ cũng có thể rất đáng yêu, hài hước, thông minh, dịu dàng. Ta không thể phủ nhận tất cả ở họ. Và ở một nơi sâu kín nào đó trong tim, ta vẫn dành cho họ một tình cảm âm thầm nhưng bền bỉ. Có bức ảnh ta luôn giữ – cha đang cùng ta xây lâu đài cát khi ta mới bảy tuổi – mỗi lần nhìn lại, nước mắt lại chực trào. Ta xúc động bởi mùi hương quen thuộc, bởi những thói quen vụn vặt thân thương. Ta giận họ – và còn đáng lo hơn – ta yêu họ rất nhiều. Ta có lúc muốn họ biến mất, nhưng chắc chắn sẽ đau đớn tận đáy lòng khi họ thực sự không còn.

Để lòng nhẹ nhõm hơn, có lẽ ta nên giải cá nhân hóa nỗi đau ấy – nghĩa là không nhìn nó như một bi kịch riêng tư, mà như một phần rất đỗi phổ quát của thân phận con người.

Nguyên nhân cụ thể khiến ta tổn thương vì cha mẹ là độc nhất, nhưng thực tế rằng ai rồi cũng từng bị tổn thương bởi cha mẹ mình thì lại vô cùng phổ biến – và có thể khiến ta thấy được an ủi ít nhiều. Bất cứ cha mẹ nào – dù cố gắng yêu thương con đến đâu – cũng đều vô tình gây ra những vết xước. Nếu họ dễ cáu giận (vì chính họ cũng từng bị tổn thương hoặc thất vọng), con cái sẽ lớn lên rụt rè, thiếu tự tin. Nếu họ quá chiều chuộng, đứa trẻ có thể không học được cách kiểm soát cái tôi của mình. Nếu họ lo lắng mà trở nên kiểm soát quá mức, con cái sẽ khó mà tìm được hướng đi riêng, thiếu khả năng đối diện với thử thách của cuộc đời.

Những khả năng sai lệch là vô vàn. Và dù ta thường tức giận vì “những lỗi sai của riêng cha mẹ mình”, sự thật là mọi đứa trẻ đều lớn lên trong tay một nhóm người lớn – không hoàn hảo, mang đầy khiếm khuyết – mà không còn cách nào khác ngoài việc để họ định hình nên tâm hồn ta.

Cha mẹ ta không phải là những “người duy nhất làm sai”. Vấn đề không nằm ở họ, mà nằm ở bản chất của quá trình lớn lên: những đứa trẻ – với trái tim còn nguyên sơ – luôn buộc phải chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi một nhóm người lớn ngẫu nhiên, với những giới hạn rất người, rất đời.

Cha mẹ là người sinh ra trước ta một thế hệ – và vì thế, họ lớn lên trong một thế giới với những giá trị, ưu tiên, lo âu và khát vọng mà ta ngày nay thấy thật xa lạ, thậm chí có phần lạc hậu hay khó chấp nhận. Nhưng với họ, những điều ấy từng – và có lẽ vẫn đang – rất đỗi thật thà, quan trọng và cần thiết. Nếu ta hiểu được xuất phát điểm ấy, sẽ không quá khó để thấy vì sao họ lại xem trọng tiền bạc hay danh tiếng, lễ nghi hay bằng cấp – trong khi lại quá ít quan tâm đến sự chân thành, lòng tin, sự dịu dàng hay cảm giác yên ổn.

Và rồi, nếu một ngày ta có con, chắc chắn ta cũng sẽ trở thành đối tượng cho những cái nhíu mày, sự bối rối hay nỗi bực bội mà ta từng dành cho cha mẹ mình. Bởi lẽ, trong ta cũng đang tồn tại biết bao lối nghĩ và thói quen mà ta chẳng hề hay biết – nhưng rồi sẽ khiến con ta phải tự hỏi: “Sao cha mẹ mình lại thế?”

Cũng chẳng có gì lạ khi cha mẹ vẫn luôn nhìn ta như một đứa trẻ – dù ta có bao nhiêu tuổi đi nữa. Họ nhớ rõ – rõ hơn ta rất nhiều – quãng thời gian ta chập chững tập đi, bập bẹ nói lời đầu tiên. Những ký ức ấy còn sống động và đầy cảm xúc trong lòng họ. Vậy nên, ở một mức độ nào đó, cũng dễ hiểu nếu họ vẫn luôn ngạc nhiên – thậm chí có phần trịch thượng – khi biết ta có việc làm, lái xe được, hay có thể tự mình quyết định chuyện hôn nhân, nhà cửa.

Muốn nhẹ lòng hơn với cha mẹ, trước hết ta cần chấp nhận một điều: đây là một việc vô cùng phức tạp. Ta đang cố gắng xây dựng một mối quan hệ tử tế với những người từng vô tình gây tổn thương cho mình – và cách nhìn đời của họ, về căn bản, chẳng bao giờ thật sự hòa hợp với ta.

Sự chấp nhận ấy nghe có vẻ buồn – nhưng thực ra, nó đem lại hy vọng, dù nhỏ bé nhưng trưởng thành. Khi lòng đã bình thản, ta không còn quá bất ngờ hay thất vọng mỗi khi gặp lại họ. Ta sẽ biết rằng, nếu cùng nhau đi nghỉ, chỉ vài phút thôi là họ sẽ vô tình chạm vào đúng những vết thương trong lòng ta. Nếu cùng ăn trưa, rất có thể câu chuyện sẽ lại xoay về việc ta chẳng biết gì về tiền bạc hay tình yêu. Nhưng ta không còn sợ hãi những điều ấy nữa – bởi ta đã học cách xem chúng như một phần bình thường, nằm ngoài tầm kiểm soát của cả hai phía.

Khi mối quan hệ đã giản dị hơn, ta sẽ thôi không cố gắng đòi hỏi những điều mà cha mẹ ta đã không thể – và sẽ không bao giờ – cho ta được. Ta sẽ thôi mong họ hiểu được những nỗi buồn thời thơ ấu, thôi hy vọng họ nhìn ra lý do vì sao ta chọn người bạn đời ấy. Ta không cần thiết phải chìm trong những cuộc trò chuyện mỏi mệt mà kết cục luôn là sự không hiểu nhau.

Thay vào đó, ta sẽ nhẹ nhàng tìm về những vùng đất an lành – nơi mà ta và họ vẫn có thể chung sống êm đềm. Ta nhớ rằng họ thích nói về bạn bè – và ta sẽ hỏi han họ bằng những câu mở rộng, đầy quan tâm. Nếu họ mê làm vườn, ta sẽ hỏi về mấy cây cà chua trong sân. Ta biết cách gợi chuyện – và tránh chuyện.

Ta cũng sẽ khéo léo chọn nơi chốnthời lượng mỗi lần gặp gỡ. Nếu biết rằng ở nhà hàng, họ dễ trở nên khó chịu và hay phán xét, ta sẽ rủ họ đi dạo ngoài công viên. Nếu ta yêu gu chọn đồ bếp của họ, ta sẽ hẹn họ đi siêu thị lớn để nhờ chọn một cái thớt mới. Ta sẽ biết rằng, tốt hơn hết, không nên qua đêm tại nhà cha mẹ. Với cái nhìn rõ ràng về những điều có thể đổ vỡ, ta sẽ dồn sự chú ý vào những gì – dù nhỏ nhoi – vẫn có thể đem lại chút ấm lòng cho cả đôi bên.

Một người làm cha hay mẹ, và một người con trưởng thành, luôn gắn bó với nhau bằng những sợi dây cảm xúc phức tạp – không phải do lựa chọn, mà do lịch sử và huyết thống. Khi ta còn nhỏ xíu, cha mẹ từng là những “vị thần vĩ đại”. Nhưng rồi, khi lớn lên, ta lần lượt nhận ra từng vết nứt trong hình tượng ấy – theo cách đầy đau đớn và thật đến nao lòng.

Ở ngoài đời, những điều này không xảy ra. Ta không bao giờ bị buộc phải sống chết gắn bó với một người mà – nếu chỉ dựa vào tính cách, sở thích hay quan điểm – ta chẳng bao giờ chọn làm bạn. Nhưng trong gia đình, đó lại là thực tế bất biến. Một thực tế kỳ lạ, đôi khi phi lý, nhưng cũng thật đẹp đẽ: rằng suốt đời này, ta luôn bị ràng buộc cảm xúc với một con người – vừa xa lạ, khó hiểu – vừa là người từng rơi nước mắt vì hạnh phúc khi ta cất tiếng khóc chào đời.

Nguồn: COPING WITH ONE’S PARENTS | The School Of Life

menu
menu