Làm sao để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình? – 3 bí mật dựa trên khoa học

lam-sao-de-tro-thanh-phien-ban-tot-nhat-cua-chinh-minh-3-bi-mat-dua-tren-khoa-hoc

Chúng ta nên đối xử với người khác như thế nào?

Nếu nhìn vào những giá trị truyền thống lâu đời, ta sẽ thấy câu trả lời hầu như đều giống nhau. Nguyên tắc Vàng đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước:

  • Kinh Thánh: "Mọi điều các ngươi muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ."
  • Hindu giáo: "Hiểu được nỗi đau của bản thân, con người không nên làm điều gì cho người khác mà mình không muốn phải chịu."
  • Do Thái giáo: "Điều gì khiến con căm ghét, đừng làm điều đó với người bên cạnh."
  • Hồi giáo: "Không ai thực sự có đức tin nếu không mong muốn cho anh em mình điều mà mình mong muốn cho chính mình."

Nhưng có một câu hỏi khác quan trọng không kém, mà lại ít khi được đề cập đến:

Chúng ta nên đối xử với chính mình như thế nào?

Về điều này, có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người bảo rằng tự tin là chìa khóa, ta phải không ngừng cổ vũ chính mình. Có người lại nói khiêm tốn mới là phẩm chất quan trọng nhất, đừng bao giờ đề cao bản thân quá mức. Cũng có người tin rằng càng nghiêm khắc với chính mình, ta càng tiến xa hơn trong cuộc sống.

Nhưng rồi, tôi đọc được một điều khiến tôi phải dừng lại và thốt lên: "Đây rồi! Đây chính là câu trả lời!"

Trong 12 Quy Tắc Cho Cuộc Sống: Giải Dược Cho Hỗn Loạn, Jordan Peterson viết:

"Hãy đối xử với chính mình như cách bạn đối xử với một người mà bạn có trách nhiệm chăm sóc."

Đọc đến đây, tôi chợt nhận ra:

Ta có thể chiều chuộng bản thân bằng những thú vui nhất thời, nhưng liệu ta đã thực sự đối xử với chính mình bằng sự quan tâm và tận tâm như khi chăm sóc một người bạn thân đang gặp khó khăn, một người thân yêu, một đứa trẻ hay thậm chí là một chú cún con?

Ta sẵn sàng khuyên người khác nên tìm sự giúp đỡ khi họ cần – nhưng khi chính mình gặp khó khăn, ta lại im lặng chịu đựng. Ta luôn ở bên bạn bè lúc họ chông chênh – nhưng khi bản thân rơi vào khủng hoảng, ta lại khắc nghiệt với chính mình.

Đến cả chiếc xe cũng được mang đi bảo dưỡng định kỳ, nhưng với chính cuộc đời mình, ta lại không hề có một kế hoạch chăm sóc và duy trì như vậy.

Và rồi, tôi hiểu vì sao câu nói kia lại khiến tôi tâm đắc đến thế: Nó hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu khoa học.

Kristin Neff, giáo sư tại Đại học Texas ở Austin, đã chỉ ra một sự thật mà có lẽ bạn cũng sẽ đồng ý ngay lập tức:

Chúng ta thường khắc nghiệt với bản thân hơn bất kỳ ai khác.

Tại sao lại như vậy?

Lý do nằm ở cấu trúc thần kinh của não bộ. Ta có xu hướng tự nhiên quan tâm đến bạn bè khi họ cần giúp đỡ. Nhưng khi chính mình gặp thất bại, cơ chế đó lại không tự động kích hoạt. Khi tôi phỏng vấn Kristin, cô ấy giải thích:

"Khi một người bạn thất bại, bạn không cảm thấy bị đe dọa. Khi đó, hệ thống chăm sóc và yêu thương sẽ được kích hoạt – bởi vì chúng ta, với tư cách là động vật có vú, đều có bản năng chăm sóc những người mình yêu thương. Nhưng khi chính mình thất bại, ta cảm thấy bị đe dọa. Và cơ thể lập tức kích hoạt phản ứng ‘chiến đấu, bỏ chạy hoặc đóng băng’.

Hệ thống này vốn dĩ được thiết kế để bảo vệ ta khỏi những nguy hiểm thể chất. Nhưng vấn đề là, khi lòng tự tôn của ta bị tổn thương, cơ thể lại phản ứng y hệt như khi gặp nguy hiểm thật sự. Ta lập tức bước vào trạng thái ‘chiến đấu’ – mà đối tượng ta tấn công chính là bản thân mình. Ta chỉ trích, trách móc chính mình. Hoặc ta rút lui và cảm thấy cô độc.

Đó là lý do tại sao ta dễ dàng tử tế với người khác, nhưng lại khó lòng làm điều đó với chính mình – vì ta không cảm thấy bị đe dọa bởi vấn đề của họ. Nhưng với bản thân, ta luôn phản ứng bằng nỗi sợ hãi và sự khắc nghiệt."

Điều này có nghĩa là gì?

Chúng ta sẽ sống tốt hơn nếu biết đối xử với bản thân như cách ta chăm sóc một người mà mình có trách nhiệm bảo vệ.

Bây giờ, hãy cùng khám phá ba cách mà nghiên cứu khoa học đã chứng minh có thể giúp ta sống tốt hơn – và trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình…

Muốn Quyết Định Sáng Suốt Hơn? Hãy Nghĩ Đến Người Bạn Thân Nhất Của Mình

Bạn đã bao giờ nhận ra rằng những lời khuyên mình dành cho người khác thường khôn ngoan hơn những gì mình tự làm chưa?

Điều này hoàn toàn bình thường.

Trong một cuộc phỏng vấn với giáo sư Dan Ariely của Đại học Duke, ông chia sẻ rằng con người có xu hướng đưa ra quyết định đúng đắn hơn khi đặt mình vào góc nhìn bên ngoài – nghĩa là khi tự hỏi: "Nếu đây là vấn đề của một người khác, mình sẽ khuyên họ điều gì?"

"Nếu phải đưa ra lời khuyên trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, tôi sẽ khuyên mọi người áp dụng nguyên tắc ‘góc nhìn bên ngoài’. Điều này rất đơn giản: Hãy nghĩ xem bạn sẽ khuyên người khác làm gì trong tình huống tương tự. Khi tư vấn cho ai đó, ta không bị ảnh hưởng bởi trạng thái cảm xúc hiện tại của mình. Ta nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan hơn, từ đó thường đưa ra quyết định tốt hơn."

Bạn sẽ không bao giờ để một người bạn thân lao vào những quyết định vội vàng và thiếu suy nghĩ. Vậy tại sao lại đối xử tệ hơn với chính mình?

Hãy cho bản thân lời khuyên như cách bạn dành cho một người bạn tốt – rồi làm theo nó.

Người ta thường nói "hãy yêu thương hàng xóm như chính mình." Nhưng khi cần đưa ra những quyết định sáng suốt, ta cũng nên "yêu thương bản thân như yêu thương hàng xóm."

Muốn Khỏe Mạnh Hơn? Hãy Nghĩ Đến Chú Chó Của Bạn

Đừng lo, bạn không cần ăn thức ăn dành cho chó đâu. Nhưng điều thú vị là, nhiều nghiên cứu cho thấy con người quan tâm đến chế độ ăn uống của thú cưng hơn cả chính mình!

"Kết quả khảo sát cho thấy, những người nuôi chó nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho thú cưng so với khi mua thực phẩm cho chính họ."

Không chỉ vậy, khi bác sĩ kê đơn thuốc, họ cũng tuân thủ việc mua và sử dụng thuốc cho thú cưng tốt hơn so với chính mình.

"Mọi người có xu hướng lấy thuốc và cho thú cưng uống đúng liều lượng hơn là khi họ phải uống thuốc cho bản thân. Điều này thực sự không ổn. Ngay cả từ góc độ của thú cưng, điều này cũng không tốt. Chúng yêu bạn và chắc chắn sẽ vui hơn nếu bạn khỏe mạnh."

Và có lẽ ai cũng quen biết một người chăm chỉ đi bộ hay leo núi hơn – chỉ vì họ nuôi một chú chó.

Suy cho cùng, nếu chúng ta đối xử với cơ thể mình giống như cách ta chăm sóc những người bạn bốn chân đáng yêu, chắc chắn sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể.

Muốn Hạnh Phúc Hơn? Hãy Nghĩ Đến Bà Ngoại

Trong nghiên cứu của mình, Kristin Neff phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: lòng trắc ẩn dành cho người khác và lòng trắc ẩn dành cho chính mình hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng thử nghĩ mà xem…

Bạn đã bao giờ đối xử rất tử tế với bạn bè, nhưng lại vô cùng khắc nghiệt với chính mình chưa? Điều đó xảy ra thường xuyên. Kristin giải thích:

"Ban đầu, tôi cứ nghĩ rằng những ai có lòng trắc ẩn với bản thân thì cũng sẽ nhân ái với người khác. Nhưng khi nghiên cứu trên các sinh viên đại học, tôi phát hiện ra hai điều này không hề có mối tương quan nào cả. Ngẫm lại thì cũng dễ hiểu, vì bản năng tự nhiên của con người là đối xử nhẹ nhàng với người khác hơn là với chính mình."

Khi bạn vô tâm hay cư xử tệ với ai đó, họ có thể phản ứng ngay. Nhưng nếu bạn cứ mãi tự trách móc bản thân, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ bạn?

Chẳng có ai cả. Vì giọng nói trong đầu bạn cũng chính là của bạn.

Bạn đã bao dung với người khác rất nhiều lần rồi. Giờ là lúc dành sự bao dung ấy cho chính mình.

Lòng trắc ẩn với bản thân không chỉ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, giảm căng thẳng mà còn khiến bạn ít trì hoãn hơn và cải thiện cả các mối quan hệ tình cảm.

Vậy làm thế nào để thực hành điều này?

Mỗi khi giọng nói trong đầu bắt đầu lên tiếng chỉ trích, hãy dừng lại và chuyển hướng nó thành một điều gì đó nhẹ nhàng và bao dung hơn.

Trong cuốn Self-Compassion, Kristin viết:

"Cách tốt nhất để chống lại sự tự chỉ trích là thấu hiểu nó, cảm thông với nó, và thay thế nó bằng những phản ứng dịu dàng hơn. Hãy diễn đạt những suy nghĩ ấy bằng một cách nhẹ nhàng, tích cực và thân thiện hơn."

Hãy thử tưởng tượng một người luôn yêu thương bạn vô điều kiện – bà ngoại chẳng hạn – đang nói những lời dịu dàng ấy với bạn.

Nghiên cứu cho thấy cách này thực sự hiệu quả. Trong các bài tập thực hành lòng trắc ẩn, bệnh nhân được hướng dẫn tưởng tượng một hình ảnh an toàn, sau đó hình dung ra một người luôn yêu thương, bảo vệ mình. Kết quả cho thấy mức độ trầm cảm, mặc cảm tự ti và sự khắt khe với bản thân giảm đáng kể.

Kristin viết:

"Người duy nhất trên thế giới luôn sẵn sàng chăm sóc và dành sự tử tế cho bạn 24/7, là ai? Chính bạn."

Tóm Lại

Đây là cách để bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình:

"Hãy đối xử với bản thân như thể bạn đang chăm sóc một người mà mình có trách nhiệm giúp đỡ."

  • Muốn quyết định sáng suốt hơn? Hãy nghĩ đến người bạn thân nhất của mình. Hãy nhìn vấn đề từ bên ngoài và làm theo lời khuyên bạn sẽ dành cho một người bạn.
  • Muốn khỏe mạnh hơn? Hãy nghĩ đến chú chó của bạn. Nếu ai cũng chăm sóc sức khỏe của mình như cách họ chăm sóc thú cưng, có khi tuổi thọ sẽ tăng đáng kể.
  • Muốn hạnh phúc hơn? Hãy nghĩ đến bà ngoại. Hãy biến giọng nói chỉ trích trong đầu thành một giọng nói ấm áp, dịu dàng hơn.

Nhưng tại sao chúng ta thường không làm theo những lời khuyên tốt đẹp này?

Một phần là vì con người không thích bị ra lệnh.

Chris Voss – cựu chuyên gia đàm phán của FBI – cho biết mọi người có xu hướng làm theo kế hoạch khi họ cảm thấy đó là ý tưởng của chính mình. Tác giả Dan Pink cũng nói rằng một trong những chìa khóa của động lực là cảm giác được tự do lựa chọn:

"Con người luôn muốn được tự định hướng cuộc sống của mình, thay vì bị áp đặt. Chúng ta muốn có quyền tự quyết định làm gì, khi nào làm, làm như thế nào và làm với ai."

Vậy nên, thay vì nghe theo ai đó, hãy làm điều này vì chính bạn.

Hãy tự hỏi: Khi bạn thực sự yêu thương một ai đó, bạn sẽ làm gì để giúp họ?

Giờ thì hãy dành tình yêu thương đó cho chính mình.

Nguồn: This Is How To Be Your Best Self: 3 Secrets Backed By Research – Bakadesuyo

Tác giả: Eric Barker. Anh cũng là tác giả của bộ sách CHÓ SỦA NHẦM CÂY và THÂN AI NẤY LO – sự thật về tình yêu, tình thân và bản chất con người
 
 
menu
menu