Làm sao để ứng xử với một người bạn đố kỵ?

lam-sao-de-ung-xu-voi-mot-nguoi-ban-do-ky

Không sớm thì muộn, trong hành trình của tình bạn, ta sẽ đối mặt với một kiểu người tưởng chừng đầy mâu thuẫn nhưng lại rất phổ biến: người bạn đố kỵ.

Không sớm thì muộn, trong hành trình của tình bạn, ta sẽ đối mặt với một kiểu người tưởng chừng đầy mâu thuẫn nhưng lại rất phổ biến: người bạn đố kỵ.

Ở một khía cạnh nào đó, họ có vẻ tử tế, đồng cảm với những nỗi buồn của ta và tin rằng họ mong những điều tốt đẹp nhất dành cho ta. Nhưng, bất chấp những cảm xúc tích cực đó, có thể ta sẽ nhận thấy những điều không mấy dễ chịu lẩn khuất dưới bề mặt mối quan hệ:

— Khi mời họ ăn tối, họ thường xuyên "quên" nói lời cảm ơn.
— Khi ta có người yêu mới, họ không tỏ ra vui vẻ lắm.
— Khi ta nhận được công việc mới, họ chẳng hỏi một câu nào về việc đó thế nào.

Tình huống này vừa đau lòng, vừa khó xử. Ta phải làm gì đây? Chuyện này thực sự đang xảy ra với mình sao?Một vài cách tiếp cận có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Photo by Andrea Riondino on Unsplash

1. Chấp nhận thực tế

Trước tiên, ta không nên tự làm mọi thứ phức tạp hơn bằng cách phủ nhận rằng vấn đề tồn tại, hay cứ băn khoăn mãi rằng liệu mình có đang tưởng tượng ra không. Không, ta không tưởng tượng đâu. Những khoảng lặng, những câu hỏi vắng bóng, những ánh nhìn lạ kỳ đó chính xác mang ý nghĩa như ta nghĩ.

Đố kỵ là điều không thể tránh khỏi. Ta không nên kỳ vọng rằng bất kỳ mối quan hệ nào cũng hoàn toàn không tồn tại cảm giác này ở một mức độ nào đó.

Nguyên nhân của sự đố kỵ rất dễ hiểu. Ta thường làm bạn với những người có cùng chí hướng, giá trị, và vì vậy, trong hành trình ấy, sẽ có lúc một trong hai người đạt được điều mà người kia rất mong muốn. Đó có thể là một người yêu, một công việc, một tấm bằng hay một căn nhà. Nhưng chắc chắn sẽ có điều gì đó. Ta đố kỵ người khác vì cùng lý do ta kết bạn với họ: vì ta yêu thích những điều giống nhau.

Vấn đề là, ta có xu hướng lý tưởng hóa và trở nên không trung thực với cảm xúc của mình: ta phủ nhận rằng mình có thể đố kỵ với một người mà ta yêu quý, và điều này dẫn đến những sự chối bỏ thiếu thuyết phục, đồng thời ngăn ta cơ hội để thấu hiểu và trưởng thành. Ta cần học cách cảm thấy thoải mái hơn với cảm giác đố kỵ, để không phải tự vặn vẹo tính cách mình chỉ để tránh thừa nhận nó.

Hãy thừa nhận sự đố kỵ một cách nhẹ nhàng, như khi ta thừa nhận mình bị đau đầu gối hay loét dạ dày. Trẻ con là những tấm gương tuyệt vời về sự trung thực này. Một đứa trẻ bốn tuổi rất dễ dàng bộc lộ sự ghen tỵ cháy bỏng của mình. Chúng không cố gắng lịch sự đến mức méo mó. Chúng sẽ khóc lóc ầm ĩ khi bạn của chúng có một chiếc xe cứu hỏa đẹp hơn – hoặc thậm chí lao vào giành giật hay đẩy ngã bạn mình. Cha mẹ thường bị sốc bởi điều này, và họ ép con mình phải chối bỏ cảm giác đó, khiến trẻ phải giấu sự đố kỵ khỏi hai đối tượng: người mà chúng đố kỵ – và quan trọng hơn, chính bản thân chúng.

Điều này vô tình dạy trẻ một ý niệm sai lầm và độc hại: rằng không thể vừa là một người tốt vừa đố kỵ với bạn mình.

Vì vậy, khi trưởng thành, trong tình bạn, cả hai bên đều không có khả năng thẳng thắn chỉ ra vấn đề hay đối mặt với nó một cách chín chắn. Cảm giác đố kỵ âm thầm âm ỉ, bị kìm nén trong sự xấu hổ và ngượng ngùng.

2. Thú nhận lẫn nhau

Giải pháp thứ hai cho cảm giác đố kỵ trong tình bạn là: cả hai nên cùng thú nhận một cách nhẹ nhàng, không phán xét.

Những người bạn tốt nên thường xuyên – và với tinh thần vui vẻ, hài hước – thảo luận về cảm giác đố kỵ giữa họ. Vấn đề không phải là có hay không có sự đố kỵ, mà là tuần này, cảm giác đó xuất hiện ở khía cạnh nào.

Ví dụ, trong một bữa tối, mỗi người có thể viết ra một tờ giấy: Điều tôi đang ghen tỵ với bạn lúc này là… Rồi cùng nhau bật cười thật sảng khoái khi đọc lên.

3. Trấn an nhau

Một phần lý do khiến ta không xử lý được cảm giác đố kỵ là vì ta nghĩ rằng chỉ có một cách duy nhất để giải quyết nó: người có điều mà bạn mình không có sẽ phải từ bỏ nó.

Nhưng điều đó rõ ràng là không thể. Ta không thể từ bỏ người yêu, căn nhà hay vị trí công việc chỉ để bạn mình cảm thấy khá hơn.

Nhưng thực ra, người bạn đố kỵ không thực sự muốn những điều đó. Điều họ thực sự cần là sự trấn an.

Họ cần biết rằng, bất chấp những lợi thế mới của ta, ta vẫn yêu quý họ như trước. Họ khao khát được nghe rằng, dù ta vừa trúng xổ số, bán được cổ phiếu hay tìm thấy một người yêu tuyệt vời, tình cảm của ta dành cho họ không hề thay đổi.

Thật không may, việc thừa nhận nhu cầu thật sự này – và lắng nghe sự an ủi – là điều vô cùng khó khăn, vì nhiều lý do mà giờ đây ta đã hiểu: người đố kỵ không dám thừa nhận cảm xúc của mình, không có dịp thích hợp để nói ra, và chúng ta thì không quen với việc trấn an người khác khi bản thân mình thành công.

Trong một thế giới tốt đẹp hơn, ta sẽ cẩn thận hơn. Mỗi khi có điều gì tốt đẹp xảy ra với mình, ta sẽ chắc chắn nhắn nhủ rằng: bất chấp địa vị mới, ta vẫn luôn yêu quý và trân trọng những người ta đã yêu quý từ lâu.

Ta không cần quá lo lắng rằng tình bạn của mình bị vướng bận bởi những cảm giác đố kỵ. Thay vào đó, hãy tập trung vào mục tiêu quan trọng hơn: học cách đối mặt với cảm giác đố kỵ bằng lòng tử tế, sự trung thực, trí tuệ và cả những tiếng cười.

Nguồn: HOW TO HANDLE AN ENVIOUS FRIEND – The School Of Life

menu
menu