Làm thế nào để bớt bận rộn và hạnh phúc hơn?

lam-the-nao-de-bot-ban-ron-va-hanh-phuc-hon

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy, 52% người Mỹ thường cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc và 60% cảm thấy quá bận để tận hưởng cuộc sống.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy, 52% người Mỹ thường cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc và 60% cảm thấy quá bận để tận hưởng cuộc sống.

Đặc biệt những người có con dưới 18 tuổi, có tới 74% cho biết không có thời gian để hưởng thụ cuộc sống.

Giải pháp cho sự bận rộn quá mức có vẻ đơn giản: Làm ít đi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra lý do thực sự của sự bận rộn là chúng ta đặt ra nhiều việc hơn khả năng. Vì vậy, nếu có thể hiểu lý do tại sao lại có quá ít thời gian và quá nhiều việc phải làm, sẽ cho bạn các chiến lược để giải quyết vấn đề, giảm bớt căng thẳng và trở nên hạnh phúc hơn.

Đầu tiên các nhà nghiên cứu nhận thấy bận rộn cũng mang lại hạnh phúc. Ai cũng biết có quá ít thời gian rảnh sẽ làm giảm hạnh phúc, nhưng nhàn rỗi quá nhiều cũng làm con người buồn chán, giảm hài lòng vào cuộc sống. Con người hiện đại tin rằng có quá nhiều thời gian nhàn rỗi còn đáng sợ hơn là quá ít.

Nhưng khi tự đẩy mình vào trạng thái bận rộn, hầu hết bỏ quên những tác hại cho sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính trên toàn thế giới vào năm 2016 có khoảng 398.000 người chết vì đột quỵ và hơn 347.000 người chết vì bệnh tim, do làm việc ít nhất 55 giờ một tuần.

Một nghiên cứu của các học giả tại Đại học Pennsylvania và UCLA (Mỹ) năm 2021 ước tính một người cần 9,5 tiếng rảnh rang mỗi ngày để được hạnh phúc. Song trên thực tế số giờ nhàn rỗi trung bình là 1,8 tiếng mỗi ngày.

Nhiều người cũng nghĩ bận rộn gắn liền với địa vị xã hội và tài chính, hiệu suất. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những bài đăng công khai trên mạng xã hội về lối sống làm việc quá sức được đánh giá cao hơn.

Một nghiên cứu từ năm 2016 cũng cho thấy những người bận rộn hơn có tốc độ xử lý nhanh, trí nhớ và lý luận tốt hơn, cũng có nhiều kiến thức hơn những người ít bận. Tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả lại không rõ ràng. Người làm việc tốt có thể do họ làm nhiều hơn nhưng cũng có người biết cách sắp xếp kế hoạch tốt hơn nên dù làm việc rất hiệu quả, họ vẫn có nhiều thời gian rảnh.

Giáo sư Arthur C. Brooks, tác giả chuyên mục "Sống hạnh phúc" của tờ Atlantic cho biết giải pháp để bớt bận và hạnh phúc hơn là hiểu về xu hướng này và sẵn sàng đương đầu.

Theo dõi cẩn thận mô hình công việc và cam kết của bạn trong một tuần. Nếu bạn có khoảng trống trong lịch trình, liệu bạn có xen vào một cuộc họp có mức độ ưu tiên thấp hoặc những nhiệm vụ trước đó chưa có không? Khi bất ngờ thấy mình có một giờ rảnh rỗi, bạn có lấp đầy nó bằng những cuộc gọi và email chưa cần thiết ngay không? Đây là những dấu hiệu nhận biết của sự ác cảm với nhàn rỗi (idleness aversion).

Một biện pháp khắc phục là tạo một danh sách các nhiệm vụ hấp dẫn đối với bạn nhưng không liên quan đến thời hạn. Đối với tác giả Brooks , ông dành thời gian này để phác thảo những ý tưởng về cuốn sách vào một cuốn sổ luôn mang theo theo bên mình. Khi có thời gian trống, ông lấy cuốn sổ ra và bắt đầu động não. Điều này hiệu quả, giúp ông có nhiều ý tưởng mới và đồng thời tạo động lực để dành nhiều thời gian nhàn rỗi hơn cho mình.

Ngoài mang lại niềm vui, việc luyện tập như vậy còn có thể mang tính cách mạng cho sự nghiệp của bạn. Google dành 20% thời gian của các kỹ sư cho bất kỳ dự án nào họ muốn thực hiện. 1/5 thời gian rảnh rỗi này của họ đã tạo ra hơn một nửa số sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất cho công ty, bao gồm Gmail, Google Maps và Google Earth.

Nếu người chủ không cho bạn thời gian để sáng tạo này, hãy tự tạo cho mình bằng cách nghiêm khắc trong hoàn thành công việc, sau đó bạn sẽ có thời gian cho sáng tạo và đam mê của mình.

Có lẽ bạn cố gắng làm theo lời khuyên này nhưng vẫn thấy bận rộn một cách vô vọng. Còn một cách hữu hiệu khác mà tác giả Brooks học từ một chuyên gia hiệu suất.

Đầu tiên nữ chuyên gia này bảo ông lập danh sách 20 việc cần hoàn thành vào ngày hôm sau theo thứ tự ưu tiên. Sau đó, cô hướng dẫn ông chọn 10 mục hàng đầu phải thực hiện và liệt kê theo mức độ ưu tiên. Cuối cùng, cô bảo ông gạch bỏ 15 mục dưới cùng. 5 công việc đầu tiên trong danh sách là việc thực sự cần làm.

"Còn những việc khác thì sao?", ông hỏi và nhận được câu trả lời: "Bạn không cần làm và sẽ không có ai thực sự chú ý hay quan tâm, bởi vì mọi thứ khác đã làm rất tốt".

Sau một thời gian Brooks thấy rằng phần lớn trường hợp, cách của chuyên gia này đúng và kết quả là cuộc sống của ông được cải thiện.

Bảo Nhiên (Theo Atlantic)/VNE

How to Be Less Busy and More Happy - The Atlantic

Illustration by Jan Buchczik

menu
menu