Làm thế nào để ngừng trách móc bản thân – bắt nạt chính mình?

lam-the-nao-de-ngung-trach-moc-ban-than-bat-nat-chinh-minh

Bạn có nghĩ rằng, bạn đang trở thành KẺ BẮT NẠT CHÍNH MÌNH KHÔNG?

Chúng ta luôn muốn giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống một cách hiệu quả.Tuy nhiên, đôi khi mọi việc lại không đi theo kế hoạch. Có những chuyện tiêu tốn rất nhiều công sức, tâm huyết, thời gian để hoàn thành nhưng lại không hiệu quả. Khi ấy, chúng ta thường có xu hướng trách móc bản thân, cho rằng mình không đủ năng lực và thậm chí là khó chịu với những người xung quanh.

Việc đặt ra những mục tiêu cụ thể là rất cần thiết. Nhưng liệu bạn có bắt buộc phải liên tục tìm kiếm sự hoàn hảo trong mọi thứ mình làm để rồi tự dằn vặt bản thân vì một lỗi sai nhỏ? Ở góc độ nào đó, tự phê bình bản thân sẽ giúp chúng ta hoàn thiện mình và cải thiện hiệu quả công việc. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Khi lặp đi lặp lại hành động này, thay vì trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, bạn chỉ thấy coi thường hay thậm chí là ghét bỏ bản thân mà thôi.

Bạn có thấy thoải mái khi bị người khác đánh giá và phê bình không? Điều đó có khuyến khích bạn phát triển hay trở nên tự tin hơn không? Nếu đó là những trải nghiệm không mấy vui vẻ thì tại sao bạn lại làm thế? Bạn có nghĩ rằng, bạn đang trở thành KẺ BẮT NẠT CHÍNH MÌNH KHÔNG?

Chúng ta đôi khi nghi ngờ khả năng của mình và đều mong muốn cải thiện một số khía cạnh về tính cách, thái độ, ngoại hình hoặc kỹ năng. Đây là mong muốn rất bình thường. Tuy nhiên, việc liên tục cho rằng bản thân không có giá trị hoặc không đủ giỏi lại rất khác.

Tại sao chúng ta luôn trách móc chính mình?

Nguyên nhân của việc này xuất phát từ kết cấu bẩm sinh của não bộ và cách mà chúng ta được nuôi dạy.

Hạch hạnh nhân trong não con người có vai trò nhanh chóng phát hiện các mối đe dọa và nguy hiểm, đồng thời kích hoạt “phản ứng chiến hay chạy” (Fight Or Flight). Tuy nhiên, nó cũng gửi những tín hiệu khi chúng ta mắc sai lầm. Việc mắc phải sai lầm được cho là bởi vì chúng ta không hoàn hảo và có thể bị xã hội chối bỏ. Mà ở thời xa xưa, khi ai đó bị loại bỏ khỏi một bộ lạc, họ gần như không thể sống sót trong thiên nhiên hoang dã. Chính những tín hiệu này đã gây nên cảm giác hoang mang, căng thẳng và khiến bạn không thể ngừng dằn vặt chính mình.

Ngoài phản ứng tự nhiên của não bộ, cách chúng ta được nuôi dưỡng và trưởng thành cũng là một nguyên nhân. Mức độ tự dằn vặt tùy thuộc vào cách bạn bị khiển trách hoặc trừng phạt vì “thất bại” và sự “thành công” phải đạt được để được khen ngợi và yêu thương. Ví dụ, khi đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra, cha mẹ và thầy cô sẽ khen ngợi và bạn nghĩ đó là một thành công. Đến khi không thể duy trì thành tích này nữa, bạn mặc định rằng đó là một thất bại và tự cho rằng mình đã không nỗ lực hết sức.

Lật ngược vấn đề: Liệu bạn có THẬT SỰ là nguyên nhân?

Hãy thử nghĩ đến một ví dụ sau. Bạn muốn đóng cái đinh vào tường và có một người quen đã cho bạn mượn chiếc cưa máy. Bạn lại hoàn toàn không biết công việc này sẽ cần loại công cụ nào nên cứ nhận lấy chiếc cưa và bắt đầu đóng đinh. Bạn mải mê với công việc nhưng hoàn toàn không tạo nên bất kỳ tiến triển nào. Bạn có thể nghĩ “Mình sẽ không bao giờ có thể đóng được cái đinh này vào tường”. Kể cả có làm được đi chăng nữa thì với từng ấy thời gian và công sức đã bỏ ra, bạn vẫn sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng, tức giận, khó chịu, bực bội và căng thẳng.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt KHÔNG phải là bạn không có khả năng hoàn thành công việc. Vấn đề ở chỗ bạn đang tự dày vò bản thân vì không thể hoàn thành công việc khi được trao một công cụ HOÀN TOÀN KHÔNG PHÙ HỢP với công việc đang làm.

Giải pháp duy nhất mà bạn nhận được đơn thuần là một công cụ. Vậy nên, dù cho chuyện đóng cây đinh vào tường đơn giản đến thế nhưng không có công cụ thích hợp, nó vẫn sẽ vô cùng khó. Vậy cái cưa máy này có gì không ổn? Đây là một công cụ rất đắc lực… khi bạn muốn cưa một cái cây. Nhưng khi bạn muốn đóng đinh vào tường thì nó hoàn toàn vô dụng.

Tương tự như vậy, có thể vấn đề nằm ở chỗ bạn chưa có được công cụ thích hợp nhất. Vậy thì ngay sau khi đọc xong bài viết này, bạn hãy dừng lại ít phút để suy nghĩ về vấn đề mình đang gặp phải. Thay vì stress khi nghĩ đến vấn đề đó, hãy tự hỏi bản thân rằng “Liệu mình có đang cầm cái cưa máy để đóng chiếc đinh vào tường?”. Hãy ngồi xuống, phân tích thật kỹ vấn đề, sau đó tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết nó. Một khi tìm ra đúng giải pháp, cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

 

Và sau đây là 5 cách để bạn ngừng trách móc bản thân.

 

Suy nghĩ và nói chuyện tích cực

Thay vì hạ thấp bản thân, tại sao bạn lại không thể dành một vài lời khen ngợi cho những việc mình làm được? Ví dụ như vào cuối ngày, bạn có thể lập danh sách 5 việc mình làm tốt, điều khiến bạn hạnh phúc hoặc tự hào vì đã thực hiện được. Hãy viết tất cả ra giấy và đọc cho chính mình nghe nếu có thể để nhắc nhở bản thân rằng bạn tuyệt vời đến thế nào. Cách này không hẳn sẽ khiến bạn loại bỏ tất cả suy nghĩ tiêu cực nhưng nó tiếp thêm năng lượng và động viên bạn tiếp tục tiến về phía trước.

Đừng quá khó khăn với chính mình

Chúng ta thường sẽ đối xử hà khắc với chính mình hơn là với người khác. Vì vậy, hãy nhớ một quy tắc: Những điều mà bạn sẽ không bao giờ nói với những người thân yêu của mình cũng không bao giờ được nói với chính bạn. Nếu bạn lo sợ người khác bị tổn thương vì những lời nói hay hành động đó, thì chính bạn cũng sẽ trải qua cảm giác ấy khi tự trách móc mình.

Ngừng so sánh bản thân với người khác

Sẽ luôn có thứ gì đó mà người khác làm tốt hơn bạn. Việc liên tục so sánh giữa mình và họ sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mất tự tin và thất vọng. Điều bạn nên làm là tìm hiểu vì sao họ lại vượt trội hơn, cách họ đạt được điều đó như thế nào để phấn đấu hoàn thiện bản thân. Chúng ta không hoàn hảo, và đó là lý do vì sao chúng ta luôn không ngừng nỗ lực để tốt lên từng ngày.

Học hỏi từ những thất bại

Cuộc sống là một hành trình dài ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị. Bạn có thể sẽ rẽ nhầm vào một con đường khác, nhưng quan trọng hơn là biết quay lại đúng hướng để tiếp tục đi đến đích. Vì vậy, hãy xem những sai lầm đó là cơ hội để nhìn nhận khiếm khuyết của mình và nỗ lực để trở nên tốt hơn.

Kiên nhẫn với chính mình

Để thay đổi thói quen này, bạn cần nhiều thời gian. Chỉ cần nhẫn nại nhắc nhở bản thân về những phẩm chất đáng quý mà bạn có, những điều tuyệt vời mình đã làm, cơn tức giận hay thất vọng vô cớ sẽ được xoa dịu. Thay vì hướng đến thước đo hoàn hảo, chúng ta hãy cố gắng để hoàn thiện mỗi ngày.

 

Nguồn tham khảo: tamly.blog & psychologytoday

Dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa  

menu
menu