Liệu một người có thể ngay lập tức bị trầm cảm và đánh mất ham muốn sống chỉ sau vài phút?
Một thứ gì đó cơ bản như Ý CHÍ SỐNG lại có thể được BẬT HOẶC TẮT bằng một dòng điện nhỏ tác động vào 1 phần nào đó của não bộ.
Một người phụ nữ 65 tuổi, đã chiến đấu với căn bệnh Parkinson suốt 30 năm, và dù các triệu chứng của bà đã trở nên nghiêm trọng nhưng về mặt tâm lý, bà ấy đã chiến đấu ngoan cường. Bà ấy không bị trầm cảm và tâm trạng cũng không thay đổi thất thường.
Rồi vào một ngày nọ của năm 1999, mọi thứ đã thay đổi: trong vòng 5 phút, bà chuyển từ một người vui vẻ thành người bị trầm cảm nặng. Các bác sĩ đã tận mắt chứng kiến tình tiết diễn biến, ghi lại video sự thay đổi trong những biểu cảm của bà ấy, và những lời mà bà thốt ra: “Tôi không còn muốn sống nữa, không muốn nhìn, không muốn nghe, không muốn cảm nhận gì hết … Tôi chán ngấy cuộc sống này rồi, tôi sống đủ rồi… Tôi không thiết sống nữa, tôi chán ghét cuộc đời này.” Các bác sĩ đã quan sát thấy có 7 trên 9 tiêu chí chẩn đoán bệnh trầm cảm ở bà: nỗi buồn sâu sắc, cảm giác trống rỗng và vô giá trị, suy giảm hứng thú và niềm vui rõ rệt, sự kích động, mệt mỏi, giảm tập trung, mặc cảm tội lỗi không thích đáng và một mối quan tâm thiếu lành mạnh đối với cái chết. Các bác sĩ tin chắc rằng những cảm giác này là thật lòng và chân thành. Người phụ nữ này chỉ đơn giản là đã mất đi ham muốn sống chỉ trong vài phút, ngay trước mắt họ. Khi bác sĩ tắt dòng điện, người phụ nữ này đã trở lại bình thường. Bà ấy thậm chí còn đùa giỡn với các nhà nghiên cứu. Chuyến đi khứ hồi từ trạng thái tâm trí bình thường đến trầm cảm nặng và quay về lại bình thường chỉ mất 8 phút.
Chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ này? Bà vừa nhận được tin buồn sâu sắc nào đó chăng? Hay bà ấy đã đọc những tác phẩm của một vài triết gia bi quan? Không hề có chuyện đó. Vào thời điểm bà ấy rơi vào cuộc khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống, các bác sĩ trong một nỗ lực nhằm giảm bớt các triệu chứng của bệnh Parkinson đã kích thích điện vào một vùng não bộ của bà. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra nếu họ kích thích đúng chỗ thì những nạn nhân của căn bệnh Parkinson có thể nhận được sự cải thiện đáng kể; nhưng để bác sĩ tìm đúng chỗ, bệnh nhân phải tỉnh táo khi được thực hiện các kích thích dò tìm.
Trong trường hợp của người phụ nữ này, các bác sĩ đã vô tình kích thích nhầm chỗ. Một lời giải thích cho chuyện đã xảy ra, đó là các bác sĩ đã ức chế phần não bộ tạo ra ý chí sống, và hậu quả là người phụ nữ này ngay lập tức bị trầm cảm.
Được sự cho phép của bệnh nhân – một người phụ nữ can đảm, các bác sĩ có thể tái tạo “bệnh trầm cảm giả” này vào những ngày khác. Trong các bài kiểm tra của họ, bác sĩ đã kiểm tra cẩn thận tính xác thực của những báo cáo của người phụ nữ này: Nếu họ nói với bà ấy rằng họ đang dùng dòng điện trong khi thực tế họ không dùng, thì bà ấy không bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng việc họ kích thích vào não bộ của người phụ nữ đã ảnh hưởng đến chức năng của hạch hạnh nhân và cấu trúc hệ viền của bà ấy, do đó làm gián đoạn hệ thống khích lệ sẵn có. Cuối cùng, các bác sĩ đã thành công trong việc làm thuyên giảm các triệu chứng của căn bệnh Parkinson mà người phụ nữ này đã nếm trải, và mặc dù việc điều trị rẽ sang hướng bất ngờ, song trạng thái tâm thần của bà ấy dường như vẫn bình yên vô sự.
Trong một trường hợp khác từ những năm 1950, việc kích thích não bộ có tác dụng ngược lại đối với một bệnh nhân. Bác sĩ Robert Heath đã kích thích vùng vách ngăn của một bệnh nhân trầm cảm đang có ý định tự vẫn. Điều này mang lại kết quả ngay: bệnh nhân bắt đầu mỉm cười. Anh ta mô tả về trạng thái tinh thần của mình bằng những lời sau: “Tôi thấy rất tốt. Tôi không biết tại sao, tự dưng tôi lại cảm thấy tốt.”
Thật bất ngờ, cũng như hơi đáng sợ, khi một thứ gì đó cơ bản như Ý CHÍ SỐNG lại có thể được BẬT HOẶC TẮT bằng một dòng điện nhỏ tác động vào 1 phần nào đó của não bộ. Và cũng thật đáng sợ khi thấy rằng vào lúc ý chí sống “hữu cơ” này bị hạ đo ván thì trí tuệ tỏ ra bất lực như thế nào trong nỗ lực để “chứng minh” cuộc đời này là đáng sống.
Trích từ cuốn sách BÀN VỀ HAM MUỐN - tác giả William Irvine