Lời nhắc nhẹ: mỗi lần bạn nói “đồng ý” với một điều gì đó, là bạn đang nói “không” với một điều khác

Tôi có thể kể ra vài “cơ hội lớn” mà mình từng từ chối, và cảm thấy có chút tự hào về điều đó.
Tôi có thể kể ra vài “cơ hội lớn” mà mình từng từ chối, và cảm thấy có chút tự hào về điều đó.
Vé xem trận Super Bowl.
Một chuyến nghỉ dưỡng ở hòn đảo riêng.
Những hợp đồng xuất bản sách.
Tôi không tự hào vì nghĩ mình cao cả hơn những thứ ấy. Chỉ đơn giản là, tại thời điểm đó, tôi có những điều đáng quý hơn để làm. Đôi khi là dành thời gian cho gia đình. Đôi khi là vì một cơ hội công việc khác. Có khi chỉ vì tôi quá kiệt sức và cần được nghỉ ngơi.
Việc nói “Không” mang lại một cảm giác rất sâu sắc, một cảm giác giàu có, mà thật ra chẳng mấy liên quan đến tiền bạc. Nhưng, thành thật mà nói, tôi, cũng như phần lớn mọi người, lại không cho phép mình được nói “Không” đủ nhiều.
Chỉ vì ai đó đề nghị một cơ hội có thể tốt cho sự nghiệp, có thể nuôi dưỡng cái tôi, có thể là điều phần lớn người khác sẽ gật đầu đồng ý… không có nghĩa là bạn cũng phải nghe theo cái tôi của mình và chấp nhận. Bạn hoàn toàn có thể nói “Không.”
Ta rất dễ quên điều đó, nhất là giữa áp lực đồng trang lứa và nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Nhưng đó vẫn là sự thật. Nói “Không” không phải là sự mất mát, mà là một lựa chọn có chủ đích. Và lựa chọn đó luôn mang giá trị lớn hơn nhiều so với những gì ta tưởng.
Trong năm vừa qua, khi đại dịch làm đảo lộn gần như mọi mặt đời sống, tôi mới thật sự cảm nhận rõ ràng một khái niệm mà các nhà kinh tế học gọi là “chi phí cơ hội”.
Tôi vốn là người siêng năng, kỷ luật. Tôi luôn nghĩ rằng dù mình có đi lại nhiều, nhận nhiều dự án, thì cũng đâu ảnh hưởng gì. Tôi vẫn viết sách, vẫn dành thời gian cho con, vẫn tập thể dục đều đặn. Tôi vẫn đều đặn gửi đi các bản tin mỗi ngày cho Daily Stoic, Daily Dad, mỗi tháng gửi danh sách sách đọc, mỗi tuần lại thêm một email mới.
Nhưng khi tất cả những guồng quay ấy đột ngột dừng lại, tôi bỗng được trao tặng một món quà, cơ hội để nhìn rõ: những bận rộn đó đã lấy đi của tôi những gì.
Hóa ra, việc có mặt ở nhà mỗi tối, cùng con tắm rửa, ăn tối, đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đến mối quan hệ giữa tôi và các con, đến hành vi của chúng, và đến cả cuộc hôn nhân của tôi.
Mười hai tháng qua là khoảng thời gian sáng tạo nhất, viên mãn nhất trong sự nghiệp của tôi.
Và tất cả bắt đầu từ việc... có mặt ở nhà, mỗi tối.
Những chi phí đó thực ra vẫn luôn hiện diện. Chỉ là tôi không thấy hoặc cố tình không thấy. Nên dù tôi có tự hào vì đã từ chối được một vài thứ trong những năm qua, sự thật là, tôi đã để mình thiếu kỷ luật nhiều hơn mình tưởng. Tôi có làm ra sản phẩm, nhưng chưa chắc đã là thứ tốt nhất tôi có thể tạo ra.
Và nếu công việc không bị ảnh hưởng rõ ràng, thì là bởi những phần khác trong đời tôi đang gánh lấy hậu quả.
Những buổi họp mà tôi thật ra chẳng cần thiết phải tham gia. Những buổi phỏng vấn hay lên báo đài chỉ vì thấy mình được tâng bốc. Những khoảnh khắc con tôi muốn tôi chú ý, nhưng tôi lại dán mắt vào điện thoại, vào email, đến mức, dù không nói ra, tôi đã ngầm nói “Không” với con. Tôi đâu phải đang ở đâu khác. Tôi ở nhà đó thôi. Nhưng tâm trí tôi thì đã đi đâu mất rồi.
Bạn lên một cuộc gọi Zoom, là bạn không lên xe đạp để rèn luyện sức khỏe.
Bạn thức khuya để xem thêm một tập phim, hoặc lướt điện thoại, là bạn vừa từ chối một buổi sáng tràn đầy năng lượng.
Hãy nhớ: mỗi lần bạn nói “Có” với một điều gì đó, là bạn đang nói “Không” với một điều khác.
Bạn đồng ý đi uống cà phê với ai đó, là bạn mất một tiếng đọc sách.
Bạn nhận lời dự hội thảo ở một nơi xa, là bạn sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc quý giá bên những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày.
Vậy điều gì sẽ mang lại cho bạn nhiều giá trị hơn? Điều gì sẽ giúp bạn trưởng thành hơn? Điều gì bạn sẽ nhớ sau 10 năm, 10 tuần, hay thậm chí chỉ 10 ngày nữa?
Image: Nata Schepy
Tại sao ta lại khó nhìn ra điều này đến vậy? Vì lực quán tính. Vì cái tôi.
Ta quen với việc bận rộn. Ta đồng nhất sự bận rộn với sự thành công. Nhưng sự thật là, ta đang bị che mắt trước những cái giá lâu dài mà mình đang phải trả.
Nếu thành công không cho bạn quyền được nói “Không”, thì đó là kiểu thành công gì?
Nếu bạn không đủ mạnh mẽ, không đủ tự do để từ chối điều gì đó, thì liệu bạn có thực sự mạnh mẽ và tự do như bạn nghĩ?
Có một đoạn phỏng vấn ám ảnh về danh hài quá cố Joan Rivers. Lúc ấy bà đã ngoài bảy mươi tuổi, và người ta hỏi bà vì sao vẫn không ngừng làm việc, luôn trong những chuyến lưu diễn, luôn kiếm thêm những hợp đồng mới. Bà giơ cuốn lịch trống không lên, mắt ánh lên vẻ sợ hãi:
“Nếu cuốn lịch của tôi mà trống như thế này, điều đó có nghĩa là chẳng ai cần đến tôi, rằng tất cả những gì tôi từng cố gắng đều thất bại. Chẳng ai quan tâm. Tôi đã hoàn toàn bị lãng quên.”
Đó là một kiểu tâm thế có thể tạo ra vô số việc, nhưng có tạo ra điều gì tốt nhất không?
Không.
Tuyệt vọng có mùi.
Nó làm con người ta méo mó.
Nó bào mòn lòng tự trọng.
Và cuộc đời kiểu gì mà giàu có cho nổi?
Bạn phải học cách nói “Không.” Bạn phải đủ bản lĩnh để chọn lựa điều gì xứng đáng với mình. Và nếu thành công không cho bạn cái quyền được nói “Không”, thì đó là loại thành công gì? Nếu bạn không đủ tự do, không đủ sức mạnh để từ chối, thì bạn có thật sự tự do và mạnh mẽ như bạn vẫn tưởng?
Thật ra, chính bởi vì bạn yêu công việc của mình, bạn càng cần phải biết nói “Không”.
Một phi công có thể nói: “Tôi đang trực, xin lỗi nhé” để thoái thác một cuộc hẹn.
Bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát, họ có thể dùng lý do “đang trong ca trực” để từ chối những điều không cần thiết.
Nhưng còn ta thì sao? Chẳng lẽ ta không đang “trực” trong chính cuộc đời mình?
Chẳng lẽ ta không có điều gì, hay ai đó, đang cần ta giữ lại những gì tốt nhất của bản thân? Thân thể này, tâm trí này, chẳng lẽ không đang trong “ca trực” vì gia đình ta, vì hành trình trưởng thành của chính ta, vì sứ mệnh mà ta đang theo đuổi?
Hãy nhớ: thời gian chính là cuộc đời của bạn. Và một khi đã trôi qua, bạn không bao giờ lấy lại được.
Tôi muốn nhắc bạn và chính tôi, hãy luôn suy nghĩ thật kỹ: thật ra người ta đang yêu cầu bạn đánh đổi điều gì? Vì rất thường thôi, câu trả lời là một phần cuộc đời bạn, để đổi lấy một điều bạn chẳng thật sự cần. Hãy nhớ: thời gian chính là cuộc đời. Mà đời bạn thì không thể tua lại.
Và khi ta học được cách nói “Không” nhiều hơn, ta bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp phía bên kia của chiếc cân. Bởi vì mỗi lần bạn nói “Không” với điều này, bạn đang nói “Có” với điều khác.
“Có” với công việc thực sự quan trọng.
“Có” với sức khỏe của chính mình.
“Có” với những người mà bạn yêu thương.
Thậm chí chỉ là “Có” với một khoảnh khắc tĩnh lặng trong một cuộc sống bộn bề.
Bạn xứng đáng có những điều đó. Và bạn sẽ tự hào về chính mình khi làm được điều đó.
-----------
Bài viết này ban đầu được đăng trên blog Meditations on Strategies and Life của Ryan Holiday. Để đọc thêm các bài viết khác của anh và tìm hiểu cuốn sách mới nhất Courage is Calling, bạn có thể ghé thăm trang blog của anh.
Nguồn: ideas.ted.com