Lòng tự trọng ở trẻ sẽ bị phá vỡ nếu cha mẹ làm 4 điều này
Cách bạn tương tác với trẻ sẽ tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của chúng sau này. Hãy cẩn thận với những hành động nhỏ của bản thân.
Dưới đây là những chia sẻ của tiến sĩ Jeffrey Bernstein – Tác giả cuốn sách "10 ngày giáo dục trẻ khác biệt":
Danh dự là thứ quan trọng nhất của một người, là điều phản ánh cách ta tự nhìn nhận bản thân, điều khiển hành vi và đưa ra quyết định. Lòng tự tôn trọng cao giúp con người vượt qua thử thách khó khăn, khao khát trải nghiệm những điều mới mẻ và tự tin vào khả năng của mình.
Là các bậc phụ huynh, ai cũng muốn nuôi dưỡng tính cách này ở trẻ. Tuy nhiên, một cách vô thức, cha mẹ thường có những hành động, cách giáo dục không đúng, làm ảnh hưởng đến lòng tự tôn của đứa trẻ.
Mắng mỏ và đánh đập
Không hành động nào hạ thấp danh dự đứa trẻ như việc này. Khi mắng nhiếc, đánh đập, cha mẹ cho trẻ thấy sự mất kiểm soát của bản thân, thể hiện ra bằng những cơn tức giận với mục đích thể hiện sức mạnh, quyền lực của người lớn. Nhưng khi chính cha mẹ mất kiểm soát, họ sao có thể dạy dỗ được con cái?
Không ai là hoàn hảo, không ai không bao giờ la hét, tức giận. Tôi cũng từng mắng mỏ con cái và bắt lỗi chúng từ những việc trong quá khứ. Không có gì đáng để tự hào và học tập, tôi muốn khuyến khích mọi người nhận ra rằng: khi mắng nhiếc, dùng bạo lực chúng ta đang bắt nạt đứa trẻ.
Dù đòn roi có tác dụng ngăn chúng lặp lại sai phạm, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, bạn chỉ thành công trong việc khiến đứa trẻ trở nên tự ti hơn. Thay vì tức giận, mắng nhiếc và dùng vũ lực, hãy nói chuyện với đứa trẻ, việc này giúp tăng kĩ năng giải quyết vấn đề, cách tìm giải pháp và nâng cao đáng kể danh dự ở trẻ.
Xoáy sâu vào lỗi sai trong quá khứ
Khi một sự việc đã kết thúc, đừng nhắc lại nó. Bọn trẻ xứng đáng được bỏ qua lỗi lầm và bắt đầu lại. Cha mẹ hay mang những sai lầm cũ ra căn dặn sẽ dạy trẻ mang lòng thù hận trong khoảng thời gian dài.
Trẻ nhỏ cũng cần hiểu rằng, khi mọi chuyện đã xong xuôi, tất cả chỉ là quá khứ, không thể thay đổi. Chúng sẽ cố gắng thay đổi trong tương lai và ít khả năng lặp lại lỗi sai.
Đặt sĩ diện bản thân cao hơn con cái
Nên khiến con cái biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Tuy nhiên, cha mẹ lại dùng sai phương thức và khiến trẻ cảm thấy tội lỗi vì suy nghĩ, hành động, cảm xúc bản thân.
Một khách hàng của tôi, Loretta thường xuyên gây căng thẳng với con trai 14 tuổi tên Harold của cô ấy về việc thằng bé đã lỡ ăn trộm tiền hàng xóm. Cô thường xuyên nói những câu như: "Con có biết việc làm ấy đáng xấu hổ như thế nào không?", "Con đã phá hủy lòng tin tưởng của mẹ",… Đáp lại những câu hỏi của mẹ, Harold chỉ trở nên cứng đầu và cố chấp hơn.
Tôi đã khuyên Loretta bỏ lòng sĩ diện qua một bên và hiểu con trai mình đang cần gì: sự ủng hộ và thấu hiểu. Loretta đã bình tĩnh, nói chuyện như một người bạn với con trai để cậu bé có thể mở lòng mình tâm sự. Họ đã thật sự kết nối được với nhau và Harold biết hành động của cậu là sai trái.
Mỉa mai
Nhiều khi các bậc phụ huynh có thể không biết họ đang nói móc mỉa con cái của mình. Nếu nói những điều ngược với suy nghĩ bản thân với tông giọng khác, khả năng cao bạn đang nói một cách mỉa mai vấn đề nào đó. Cách nói này khiến trẻ cảm thấy mất tự tin và bị xúc phạm, thậm chí làm mất khả năng kết nối, trò chuyện với cha mẹ.
Bên cạnh việc hạ thấp danh dự của trẻ, những hành động trên khiến chúng trở nên ngỗ ngược hơn. Chúng sẽ trở nên nổi loạn, không chia sẻ với bố mẹ
Kết:
Cách bạn tương tác với trẻ sẽ tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của chúng sau này. Trẻ em là tấm gương phản chiếu cha mẹ. Nếu bạn giao tiếp một cách tích cực, biết kiểm soát bản thân, bạn sẽ trở thành hình mẫu cho con em học tập.
An Phương
Trí Thức Trẻ