Mặt tối của lòng thấu cảm: Dễ dàng mắc kẹt trong nỗi đau khổ của người khác

mat-toi-cua-long-thau-cam-de-dang-mac-ket-trong-noi-dau-kho-cua-nguoi-khac

Thấu cảm là một loại năng lực đặc biệt, nhưng cần được kiểm soát ở mức độ phù hợp.

Trong một tập phim của Treasure Champs (một chương trình dạy khán giả nhỏ tuổi cách nhận diện và kiểm soát cảm xúc), có một nhân vật tên Barry sau khi chơi game thua đã tâm sự với một cô bé về cảm xúc buồn bã của mình. Cô bé bảo Barry chỉ chơi game thua, không có gì phải buồn. Barry không vui và trách cô bé vì thiếu cảm thông và không biết đặt mình vào vị trí của anh. 

Lời nói của Barry đã cung cấp cho các em nhỏ một định nghĩa khá dễ hiểu về sự đồng cảm - phóng chiếu bản thân bạn vào tâm trí ai đó để cảm nhận những gì họ đang cảm nhận, nói gọn lại là “đặt bản thân mình vào vị trí người khác”. 

Tuy nhiên trong thế giới của người trưởng thành, sự đồng cảm khác với sự thấu cảm, nó phức tạp hơn rất nhiều.

Thế nào là sự thấu cảm?

Từ thấu cảm trong tiếng Anh là “empathy”. Bản thân từ này cũng xuất phát từ tiếng Đức “einfühlung”, được đặt ra vào cuối những năm 1800, có thể tam dịch là “cảm nhận”. Nhưng như nhà tâm lý học Judith Hall của Đại học Northeastern đã viết trên tạp chí Scientific American vào tháng trước, “sự thấu cảm về cơ bản là một thuật ngữ phức tạp”. Một số coi đó là khả năng đọc cảm xúc người khác, hoặc đơn giản là cảm giác được kết nối với mọi người, số khác thì tin rằng đây chỉ là cử chỉ thể hiện sự quan tâm giữa người với người, và thiên về mặt nhận thức đạo đức hơn là biểu hiện tâm lý. Thậm chí chính những nhà tâm lý học cũng có những bất đồng quan điểm. 

Viết trên tờ Psychologytoday, nhà phân tích chính sách xã hội Elizabeth A. Segal nhận định rằng, năng lực thấu cảm bao gồm các biểu hiện sau:

  • Cùng có chung cảm nhận về thể chất và tinh thần với ai đó, nhưng vẫn nhận biết rằng cảm xúc đó thuộc về người kia chứ không phải mình
  • Tưởng tượng ra trải nghiệm của người khác, không áp đặt cách diễn giải cá nhân 
  • Không bị quá tải khi trải nghiệm cảm xúc của đối phương 
  • Hiểu được bối cảnh sống (thậm chí lịch sử) của người khác

Tuy nhiên, dù thấu cảm là gì thì điểm chung là đều liên quan đến việc hiểu những gì người khác đang trải qua và thể hiện sự quan tâm đến họ. 

Paul Bloom, một nhà tâm lý học tại Đại học Yale, định nghĩa cụ thể thấu cảm là bước vào tâm trí của ai đó để trải nghiệm cảm xúc của họ. “Hiểu theo nghĩa hẹp như vậy, sự thấu cảm có vẻ mang lại nhiều điều tốt đẹp. Tâm lý chung của mọi người là nếu ta hiểu nỗi đau của người khác, ta sẽ quan tâm, giúp đỡ họ nhiều hơn”, ông viết trên tạp chí Trends in Cognitive Science. 

Ảnh: Tharakorn  Getty Images/Istockphoto

Đừng đặt mình vào vị trí của người khác quá nhiều 

Tưởng như thấu cảm là một loại năng lực đặc biệt giúp ta kết nối với người khác tốt hơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự thấu cảm đặt không đúng chỗ có khả năng gây bất lợi cho bạn và người xung quanh, dẫn đến tình trạng kiệt sức và thờ ơ, ngoài ra bạn cũng không thể giúp đúng người thực sự cần giúp đỡ. Tệ hơn, năng lực thấu cảm còn có thể bị lợi dụng để thao túng, kích động cảm xúc tiêu cực, hung hăng không cần thiết. 

Để minh họa, Bloom kể câu chuyện về cô bé 10 tuổi Sheri Summer mắc căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp điều trị giúp giảm đau và có khả năng kéo dài sự sống cho cô bé. Điều đáng tiếc là em nằm trong danh sách chờ dài đằng đẵng, có lẽ Sheri sẽ phải đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng trước khi tiến hành trị liệu. Bạn sẽ làm gì nếu bạn có trong tay cơ hội giúp cô bé được ưu tiên lên đầu danh sách chờ?

Thực tế không có Sheri nào ở đây cả, đây chỉ là câu chuyện giả lập để thử nghiệm phản ứng của người tham gia. 2/3 người tham dự đồng ý đưa cô bé lên đầu danh sách để thực hiện trị liệu sớm hơn. Tuy nhiên, Bloom nói hành động này làm những đứa trẻ khác phải đợi lâu hơn, trong khi chính những đứa trẻ đó lại trong tình trạng nguy kịch và cần được ưu tiên chữa trị trước.

Đây là một ví dụ về cái mà các nhà tâm lý học gọi là “hiệu ứng nhận diện nạn nhân” (identifiable victim effect). Mọi người có xu hướng đối xử nhân đạo hơn hoặc cho ai đó nhiều tiền hơn khi họ biết chắc chắn lòng tốt của mình có thể giúp người kia được xoa dịu nỗi đau. Một số tổ chức từ thiện nắm được tâm lý này, chiến dịch của họ thường kể câu chuyện về một em bé tội nghiệp, một nhân vật thật cụ thể, và có thật. Dữ liệu cho thấy các tổ chức đi theo hướng này thu về nhiều khoản tiền hỗ trợ hơn các tổ chức dùng số liệu lớn để chạy chiến dịch vận động, ví dụ thống kê mô tả về 1000 đứa trẻ nghèo ẩn danh chẳng hạn.

Tâm trí con người gặp khó khăn khi cố gắng liên kết năng lực thấu cảm với một người lạ “khuất mặt khuất mày”. Từ hàng ngàn năm trước, các nhà triết học theo đuổi chủ nghĩa khắc kỷ đã dùng khái niệm “oikeiōsis” để mô tả năng lực thấu cảm có liên kết với sự gần gũi, thân thuộc. Chúng ta được bao phủ bởi rất nhiều “vòng tròn quan hệ”. Vòng tròn đầu tiên là bản thân chúng ta, vòng tiếp theo là gia đình, sau đó là bạn bè, làng xóm, cuối cùng mới là cộng đồng, quốc gia.

Ngoài ra, một mặt tối nữa cần đề cập đến là sự thấu cảm nhạy bén quá đôi khi đi kèm với tác động kép. Ví dụ dễ thấy nhất là khi ta quan sát ai đó đau khổ, chẳng hạn như người thân yêu, ta cũng có cảm giác đau đớn tương tự, thậm chí hơn nhiều lần. Sử dụng phương pháp quét não, nhà thần kinh học Tania Singer thuộc Hiệp hội Max Planck ở Đức đã chỉ ra khi mọi người quan sát người khác đau đớn, hoạt động não của họ ở những vùng liên quan đến cơn đau cũng phần nào bị kích ứng. Đây có thể là đặc điểm tiến hóa giúp ta dự đoán, tránh được nỗi đau tương tự sẽ ảnh hưởng đến mình. 

Singer và đồng nghiệp của cô, Olga Klimecki, một nhà thần kinh học tại Đại học Geneva, viết: “Mặc dù cùng nhau chia sẻ hạnh phúc là một trạng thái rất dễ chịu, nhưng cùng nhau cảm nhận nỗi đau lại là câu chuyện rất khác”

Sự ‘thấu cảm đau khổ’ có thể ngăn ta quyết định hành động, dẫn đến sự thờ ơ, cảm giác bất lực, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Trong thời kỳ đại dịch, những người chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là làm việc trong bộ phận hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ và y tá bệnh viện, đều rất quan tâm đến sự lây truyền cảm xúc như thế này.

Làm sao để thấu cảm không trở nên đau khổ?

Năng lực thấu cảm là một phần của con người. Ngoài học cách kiểm soát năng lực này, ta cũng cần bổ trợ thêm một số năng lực cảm xúc. Các nghiên cứu gợi ý rằng ta nên bắt đầu với “lòng trắc ẩn” (compassion) trước.

Theo Singer và Klimecki, nếu thấu cảm là đặt mình vào vị trí của ai đó, thì lòng trắc ẩn là “cảm giác quan tâm đến nỗi đau của người khác đi kèm với động lực giúp đỡ”. Để động lòng trắc ẩn với ai đó, bạn không nhất thiết phải chia sẻ cảm xúc cùng họ, bởi lòng trắc ẩn thiên về việc đối xử tử tế với người khác. 

Bloom dùng ví dụ về một trưởng thành cố gắng an ủi đứa trẻ đang sợ tiếng chó sủa. Để giúp đỡ, anh ta không cần cảm thấy sợ hãi như đứa trẻ. “Lòng trắc ẩn lúc này chính là mong muốn giúp vơi bớt nỗi đau khổ mà không cần có chung trải nghiệm hay sự đau khổ thấu cảm nào”, Bloom viết. 

Khi quét não các nhà sư Phật giáo, Singer phát hiện rằng mỗi người có thể nuôi dưỡng lòng trắc ẩn thông qua các phương pháp rèn luyện chánh niệm đơn giản. Trong đó mục tiêu là cảm nhận những suy nghĩ tích cực và ấm áp về người khác, bỏ qua những trải nghiệm gián tiếp. Khi so sánh với kỹ thuật tập luyện lòng thấu cảm, Singer và đồng nghiệp thấy rằng lòng trắc ẩn giúp giảm các hiệu ứng phụ liên quan đến nỗi đau và khuyến khích mọi người giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Trau dồi lòng trắc ẩn có thể là hoạt động thử thách với nhiều người, bởi nghiên cứu còn chỉ ra rằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, ở một mức độ nào đó, là do di truyền. Tuy nhiên, bằng chứng cũng cho thấy lòng trắc ẩn có thể luyện tập được. Luyện tập cân bằng giữa lòng trắc ẩn và sự thấu cảm có thể có lợi ích trong rất nhiều mặt cuộc sống, đặc biệt là với những người làm ở vị trí quản lý, lãnh đạo.

Nguồn: Tổng hợp

Theo https://phunuvietnam.vn/mat-toi-cua-long-thau-cam-de-dang-mac-ket-trong-noi-dau-kho-cua-nguoi-khac-2022113018303581.htm

menu
menu