Một cuộc sống thú vị hơn là một cuộc sống hạnh phúc

mot-cuoc-song-thu-vi-hon-la-mot-cuoc-song-hanh-phuc

Chúng ta thường mặc định rằng mục tiêu tối thượng của mọi nỗ lực chính là có một cuộc sống hạnh phúc.

Chúng ta thường mặc định rằng mục tiêu tối thượng của mọi nỗ lực chính là có một cuộc sống hạnh phúc. Và khi nhìn từ lăng kính đó, nhiều người trong chúng ta — lặng lẽ thừa nhận trong tâm trí mình — rằng ta không thực sự đạt được điều ấy.

Hàng năm, thậm chí hàng ngày, có biết bao điều xảy ra làm chệch hướng những tham vọng của ta: mâu thuẫn quyền lực nơi công sở, rắc rối trong gia đình, bạn bè hời hợt hoặc xa cách, những lo âu chẳng bao giờ dứt, và các mối quan hệ cứ lỏng lẻo hay đầy gai góc. Những khó khăn đó tạo ra một tầng bất hạnh cơ bản, nhưng ngay sau đó, một tầng bất hạnh thứ hai lại bồi thêm — xuất phát từ niềm tin sâu thẳm rằng sự bất hạnh này là một sự vi phạm nghiêm trọng mục đích thật sự của cuộc đời. Không chỉ buồn bã, ta còn đau khổ vì chính cảm giác mình đã thất bại trong mục tiêu quan trọng nhất mà bất cứ con người lý trí và có hoài bão nào cũng hướng đến: sống hạnh phúc.

Chính trong những khoảnh khắc bế tắc, đan xen giữa nỗi buồn và thất vọng này, ta có thể tìm được chút nhẹ nhõm bằng cách thay đổi cách nhìn nhận về hoàn cảnh của mình. Có thể ta không vượt qua được hết những gánh nặng đang đè nặng, nhưng ta hoàn toàn có quyền thay đổi ý nghĩa của chúng trong cuộc sống. Những gánh nặng ấy không nhất thiết phải là bằng chứng cho sự kém cỏi hay thất bại. Chúng có thể là dấu hiệu rằng ta được định sẵn để sống một cuộc đời thú vị hơn là một cuộc đời bình lặng — một cuộc đời ngập tràn khám phá, thấu hiểu tâm lý, và những nỗ lực không ngừng, thay vì sự ổn định hay cân bằng tuyệt đối. Những gì ta thiếu hụt về mặt hạnh phúc có thể được bù đắp bằng chiều sâu của sự thấu hiểu và phong phú của trải nghiệm.

Richard Carline, Mount Hermon and Mount Sannin above the Clouds, c. 1920

Chúng ta — những người hay bận tâm, thường xuyên lo lắng, những người kết thúc một ngày với cảm giác kiệt quệ, run rẩy như vừa vượt qua cả dãy núi — có thể nhìn nhận những hoàn cảnh phức tạp của mình bằng một chút tự hào đầy cay đắng nhưng cũng đầy kiêu hãnh. Chúng ta thuộc về một nhóm người đặc biệt và theo một cách nào đó, đáng được trân trọng.

Chúng ta luôn nhìn thấy một đám mây đen lẩn khuất nơi chân trời. Không bao giờ có quá nửa giờ bình yên trước khi một cơn bất ổn lại ghé thăm. Chúng ta không bao giờ chấp nhận mọi thứ như chúng vốn có hay đưa ra những quyết định hoàn toàn sáng suốt trong tình yêu hay công việc. Nhưng có lẽ điều đó không cần phải là thước đo duy nhất cho giá trị cuộc đời ta.

Ta không cần phải mãi cảm thấy bị xúc phạm bởi những bất ổn của mình. Những rắc rối thường nhật không nhất thiết phải là tiêu chuẩn để đánh giá sự đáng sống của cuộc đời. Với xuất phát điểm của mình, với bản chất nội tâm phức tạp, có lẽ ta vốn không được định sẵn để sống một cuộc đời "hạnh phúc" theo cách hiển nhiên nhất.

Nhưng có lẽ, một cuộc sống tốt đẹp vẫn có thể hòa hợp với việc ta thường xuyên bất an. Có lẽ không sao nếu một mối quan hệ lại thêm lần nữa đổ vỡ. Có lẽ cũng chẳng phải là thảm họa nếu công việc kinh doanh không mang lại những thành quả như công việc cũ. Quan trọng là, ta đã nỗ lực hết mình, đã học cách lên tiếng, đã tôi luyện lòng dũng cảm.

Những dấu vết của đau buồn và khó khăn không phải là sự vi phạm một “hợp đồng” hoàn hảo nào đó, mà chính là hệ quả tất yếu của việc một tâm hồn bướng bỉnh và tinh tế như ta va chạm với sự phức tạp của cuộc đời.

Người ta thường bảo rằng hãy thử nhìn cuộc đời từ góc độ của chiếc giường bệnh cuối đời để tìm cảm hứng định hướng lại bản thân. Nhưng nếu từ giường bệnh ấy, ta nhìn lại một cuộc đời đầy thăng trầm cảm xúc và sự kiện (có thể ta vừa kết hôn lần thứ năm chẳng hạn), ta có thể mỉm cười, nghe tiếng bíp bíp của máy đo nhịp tim bên cạnh và tự nhủ với lòng nhân từ và khôn ngoan: "Đó không phải là một cuộc đời bình lặng, cũng chẳng hẳn là một cuộc đời hạnh phúc, nhưng chắc chắn đó là một cuộc đời thú vị và trọn vẹn."

Với thước đo ấy, ta có thể đối mặt với điểm cuối của hành trình với sự hài lòng và chấp nhận bản thân nhiều nhất có thể.

Nguồn: AN INTERESTING LIFE RATHER THAN A HAPPY ONE

menu
menu