Khái niệm nghèo tự nguyện 

khai-niem-ngheo-tu-nguyen 

Một nét đặc trưng của thời hiện đại là việc chúng ta dành phần lớn cuộc đời ngắn ngủi để kiếm tiền – hoặc mơ ước kiếm được thật nhiều tiền.

Một nét đặc trưng của thời hiện đại là việc chúng ta dành phần lớn cuộc đời ngắn ngủi để kiếm tiền – hoặc mơ ước kiếm được thật nhiều tiền. Ta lo lắng khi vừa rời ghế nhà trường, lo lắng suốt những năm tháng lao động, và tiếp tục lo lắng ngay cả khi đã nghỉ hưu. Một phần lớn đời sống tinh thần của chúng ta bị lấp đầy bởi những suy nghĩ bồn chồn về vị thế tài chính của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhận ra là mối lo ngại về tiền bạc của chúng ta – trong hầu hết các quốc gia ở thời điểm lịch sử này – thường không liên quan trực tiếp đến vấn đề sinh tồn. Chúng ta hoàn toàn có thể sống tốt – như hầu hết những người từng sống trước đây – với ít hơn rất nhiều so với những gì hiện có. Thứ thúc đẩy ta tích lũy không phải là nhu cầu vật chất mà là một nhu cầu tâm lý. Chúng ta bị chi phối bởi một sức mạnh văn hóa mạnh mẽ: khả năng tự nhìn nhận tốt về bản thân mình đã gắn chặt với việc tạo ra một nguồn thu nhập ấn tượng. Việc kiếm được nhiều tiền không còn mang tính thực tiễn đơn thuần mà đã trở thành một biểu tượng cảm xúc, một thước đo chính cho giá trị đạo đức của con người.

Ta vận hành với một niềm tin ngầm rằng thất bại trong việc kiếm tiền chỉ có thể xuất phát từ một khuyết điểm nào đó về mặt đạo đức hoặc bản chất: nghèo khó thường bị coi là dấu hiệu của sự không đáng tin cậy, nuông chiều bản thân, nhút nhát, vô trách nhiệm hoặc kém cỏi trong thị trường cạnh tranh.

Thế nhưng, lịch sử đã chứng kiến rất nhiều tấm gương đáng suy ngẫm về những người chọn cách sống với thu nhập khiêm tốn một cách có ý thức, chủ động và không hề ngần ngại – vì những mục tiêu khác cao cả hơn. Họ là những người đã đạt được điều kỳ diệu: vẫn cảm thấy tự hào và nghĩ tốt về bản thân, dù sống trong sự nghèo khó.

Họ là những tín đồ của một khái niệm gọi là “nghèo tự nguyện”. Nếu thuật ngữ này nghe có vẻ mâu thuẫn hoặc thậm chí kỳ quặc, đó là bởi vì thời đại chúng ta khó có thể hình dung rằng một người tỉnh táo lại tự nguyện lựa chọn sống trong hoàn cảnh ít tiền bạc. Chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng mình buộc phải dũng cảm chịu đựng nghèo khó, chứ không bao giờ chọn nó nếu còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác.

Thế nhưng, lịch sử lại kể một câu chuyện khác. Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của khái niệm “nghèo tự nguyện” trong thời Cổ đại chính là Lucius Quinctius Cincinnatus (khoảng năm 519 – 430 TCN), một chính khách La Mã, và cũng là người mà thành phố Cincinnati ở Hoa Kỳ ngày nay được đặt tên để tưởng nhớ.

Cincinnatus xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng nghèo khó. Ông đã có một sự nghiệp chính trị rực rỡ nhưng, vì liêm chính và trung thực, ông không bao giờ lợi dụng vị trí của mình để kiếm lợi. Quá mệt mỏi với những trò gian xảo và sự tham lam của các đồng nghiệp, ông sớm từ bỏ chính trường để lui về một trang trại nhỏ, nơi ông tự tay cày cấy và sống đạm bạc qua ngày.

Hình ảnh Cincinnatus – thân hình trần trụi, đôi tay chai sạn – phân vân giữa việc tiếp tục làm nông dân hay trở lại chính trường đã trở thành biểu tượng của đức hạnh và sự hy sinh.

Khi đó, Rome vẫn còn là một nước cộng hòa, nhưng chưa phải là một cường quốc. Năm 458 TCN, như thường xảy ra, một bộ tộc lân cận phát động một cuộc xâm lược lớn đe dọa hủy diệt nhà nước. Trong cơn tuyệt vọng, chính phủ cử một sứ giả đến gặp Cincinnatus, khẩn cầu ông quay trở lại Rome, nắm quyền lực tối thượng để cứu đất nước khỏi hiểm họa.

Người ta tìm thấy Cincinnatus ngay giữa cánh đồng, khi ông đang cày đất với bộ ngực trần rám nắng. Ông suy nghĩ trong vài phút, cân nhắc giữa khát khao sống một cuộc đời yên bình nơi thôn quê và nhu cầu cấp bách của đất nước. Sau đó, ông nhờ vợ là Racilia lấy chiếc áo toga từ căn nhà giản dị.

Cincinnatus chấp nhận vai trò nhà độc tài tạm thời và nhanh chóng đẩy lùi cuộc tấn công vào Rome. Với chiến thắng vang dội, mọi vinh quang giờ đây nằm trong tầm tay ông: Cincinnatus hoàn toàn có thể giữ vững quyền lực và tích lũy vô số của cải. Nhưng điều đó không phải là con đường mà ông chọn. Ông yêu gia đình mình, yêu cuộc sống làm nông hơn tất cả. Vì vậy, ông từ chức, trở về trang trại, tiếp tục công việc cày xới trên mảnh đất nhỏ của mình.

Cincinnatus đã chọn nghèo tự nguyện thay vì giàu sang và quyền quý, một quyết định đầy kiêu hãnh và vĩ đại.

Điều thúc đẩy Cincinnatus chính là một sự thấu hiểu sâu sắc và tinh tế về điều mang lại hạnh phúc thực sự cho ông. Những cung điện cẩm thạch hay vàng bạc châu báu có thể mang đến uy danh, nhưng khi nhìn lại những nguồn vui chân thực trong lòng mình, Cincinnatus nhận ra điều khiến ông mãn nguyện nhất là được thức dậy sớm để cho đàn bò uống nước, ngắm nhìn cánh đồng chậm rãi chín vàng và trò chuyện với vợ con sau những ngày lao động vất vả mà tràn đầy ý nghĩa dưới ánh mặt trời. Di sản bền vững của Cincinnatus chính là hình ảnh một con người từng nắm trong tay mọi cơ hội, nhưng đã đủ tỉnh táo để nhận ra rằng có những điều ông trân quý hơn cả tiền bạc.

Trong thời hiện đại, ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, nữ họa sĩ người Canada Agnes Martin (1912 – 2004) cũng tìm thấy những mối bận tâm lớn hơn nhiều so với việc chạy theo của cải. Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì tìm một công việc ổn định và được trả lương hậu hĩnh, Martin đã chọn một cuộc sống phiêu du: ban đầu ở New York và sau đó là giữa những sa mạc hoang vu của New Mexico. Tại đây, bà tự tay xây dựng cho mình một căn nhà nhỏ bằng gạch bùn, sống một cuộc đời giản dị nhất có thể, mặc những bộ quần áo thô mộc, ăn uống đạm bạc chỉ với phô mai và trái cây, hoàn toàn không bận tâm đến tiền bạc, và dành trọn thời gian để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tối giản mà đẹp đẽ đến kỳ lạ.

Mỉa mai thay, đến cuối đời, Martin đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ nhờ những bức tranh của mình, mỗi bức được bán với giá hàng triệu đô la. Nhưng với bà, điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Niềm vui lớn nhất của Martin là được cùng một người bạn đến quán ăn nhỏ địa phương và thưởng thức món trứng tráng.

Không phải Agnes Martin ghét bỏ tiền bạc, mà là bà đã tìm thấy một thứ quý giá hơn nhiều so với sự tích lũy vật chất: đó là sự tĩnh lặng dịu dàng trong tâm hồn khi bà tạo ra những bức tranh với những họa tiết lặp đi lặp lại nhịp nhàng, những đường nét mảnh mai trên nền màu nhẹ nhàng, những vệt bút chì tinh tế đan xen cùng các dải màu hồng nhạt hoặc xanh dịu.

Agnes Martin at her house near Cuba, New Mexico, 1974. 

Sự ám ảnh của chúng ta với tiền bạc dường như rất đáng kính trọng, nhưng ẩn sau nó là một nguyên nhân vừa đau lòng vừa bất ngờ: chúng ta cứ muốn có nhiều tiền hơn mức cần thiết và sẽ cảm thấy xấu hổ khi phải mặc đồ cũ hay sống trong một ngôi nhà giản dị, bởi lẽ ta chưa tìm ra một đam mê nào đủ ý nghĩa để thay thế việc kiếm tiền trong tâm trí mình. Chúng ta chưa tìm được điều mà canh tác nông nghiệp đã mang lại cho Cincinnatus hay hội họa đã mang lại cho Martin. Ta vẫn chưa khám phá ra lý do thực sự tại sao mình đang sống.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không có những lý do ấy. Chúng luôn hiện hữu trong ta, từ sâu thẳm bên trong, và luôn như vậy. Chúng ta mang trong mình nhiều tình yêu chân thật mà, nếu nhận ra, ta hoàn toàn có thể từ bỏ phần lớn khát khao tài chính. Đam mê không chỉ dành cho một số ít người đặc biệt; tất cả chúng ta đều có nó, từng sống với nó khi còn là những đứa trẻ biết cách chơi đùa. Chỉ là, tư tưởng thống trị của thời hiện đại không khuyến khích chúng ta tìm hiểu xem điều gì thực sự là tình yêu lớn nhất đời mình. Không có gì trong hệ thống giáo dục cho ta thấy rằng việc khám phá ra những thứ quan trọng hơn tiền bạc chính là gốc rễ của sự mãn nguyện và tự do thực sự.

Thật dễ hiểu khi chúng ta cảm thấy lo lắng khi phải rời xa, dù chỉ một phần, những quan niệm thông thường về tiền bạc và giá trị của bản thân. Việc sợ hãi trước ánh mắt của người khác khi không thể đưa ra một câu trả lời chuẩn mực, đầy tôn kính cho câu hỏi: "Anh/Chị làm nghề gì?" là điều hoàn toàn bình thường. Chúng ta đã quen nghi ngờ chính quyền được sống theo cách mà mình khao khát và xứng đáng có được.

Chính sự cam chịu ấy lại chỉ ra con đường giải thoát mà chúng ta cần bước đi: khi tâm trí ta trở nên rõ ràng hơn về những đam mê chân thật của chính mình, ta sẽ dần nhận ra tiền bạc (và những lời khen ngợi mà xã hội gán cho nó) chỉ là một phương tiện thực dụng, không hơn không kém. Tiền không – và không nên – là con đường dẫn đến sự yêu thương chính bản thân hay là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời.

Khi chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào những điều thật sự có ý nghĩa, ta sẽ đủ dũng cảm để chọn sự nghèo khó một cách tự nguyện, để từ bỏ tự do những tiện nghi, những xa hoa, và cả hào quang của sự giàu có. Chúng ta sẽ thôi yêu tiền khi học cách yêu một điều gì khác – như canh tác nông nghiệp, âm nhạc, cống hiến, viết lách, tín ngưỡng, những buổi tối yên bình ở nhà, hay việc kiên nhẫn vẽ những đường nét chậm rãi, mỏng manh trên những khung tranh màu hồng nhạt. 

Nguồn:  THE CONCEPT OF VOLUNTARY POVERTY

menu
menu