Muốn bớt xao nhãng? Hãy thử điều này: Tìm niềm vui trong những việc nhàm chán

muon-bot-xao-nhang-hay-thu-dieu-nay-tim-niem-vui-trong-nhung-viec-nham-chan

Từ truyện tranh, chương trình phát thanh, đến truyền hình và trò chơi điện tử Atari, thế giới quanh ta chưa bao giờ thiếu những thứ khiến ta phân tâm.

Từ truyện tranh, chương trình phát thanh, đến truyền hình và trò chơi điện tử Atari, thế giới quanh ta chưa bao giờ thiếu những thứ khiến ta phân tâm. Ngày nay, phần lớn chúng ta đổ lỗi cho điện thoại, cụ thể hơn là mạng xã hội, trò Words with Friends hay Netflix, là lý do khiến ta chẳng làm nổi việc gì.

Nhưng theo chuyên gia công nghệ Nir Eyal, đó chưa phải là nguyên nhân gốc rễ. Thứ thật sự khiến ta xao nhãng, theo ông, chính là mong muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu, như buồn chán, lo âu hay sợ hãi. Khi bạn cắm đầu xem hết tập này đến tập khác của The Office thay vì ngồi làm khai thuế, thì việc theo dõi Michael, Pam và Dwight đơn giản chỉ là một cách (dễ hiểu thôi mà) để tránh né một công việc mà bạn thấy nhàm chán. Bí quyết để giữ được sự tập trung trong những lúc như thế này không nằm ở việc kiêng khem The Office, vì bạn rồi sẽ lại tìm ra một thứ khác để phân tâm thôi, mà là thay đổi cách nhìn về chính cái việc bạn đang cố né tránh. Dưới đây, Eyal sẽ lý giải điều đó.

Ian Bogost là người nghiên cứu về... niềm vui. Là giáo sư ngành tin học tương tác tại Viện Công nghệ Georgia, ông đã viết 10 cuốn sách, với những tựa đề khá lạ tai như Cách nói chuyện về trò chơi điện tử, Chihuahua của gã mọt sách, và gần đây nhất là Chơi bất cứ thứ gì. Trong cuốn sách cuối cùng này, Bogost đưa ra nhiều tuyên bố táo bạo, thách thức những định nghĩa quen thuộc về niềm vui và trò chơi. “Niềm vui,” ông viết, “hóa ra vẫn là niềm vui, kể cả khi nó chẳng mang lại bao nhiêu (hoặc thậm chí chẳng chút nào) cảm giác dễ chịu.”

Image: Monica Garwood 

Hả? Niềm vui mà không thấy vui thì còn gọi gì là vui?

Không hẳn vậy, Bogost đáp. Khi ta từ bỏ những định kiến về việc niềm vui “nên” cảm thấy như thế nào, ta sẽ mở ra một lối nhìn mới với những việc thường ngày. Theo ông, trò chơi có thể len vào bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào, và dù trò chơi không nhất thiết phải dễ chịu, nó vẫn có thể giải phóng ta khỏi cảm giác khó ở, mà đừng quên, đó chính là cốt lõi của sự xao nhãng.

“Niềm vui là kết quả của việc cố tình xoay chuyển một tình huống quen thuộc theo một cách mới,” – giáo sư tin học Ian Bogost.

Với việc chúng ta dễ bị phân tâm mỗi khi thấy khó chịu, việc tái hình dung những công việc nặng nề thành một thứ gì đó vui vẻ có thể mang lại sức mạnh rất lớn. Hãy tưởng tượng bạn sẽ thấy mạnh mẽ ra sao nếu biến được những giờ làm việc vất vả, căng thẳng thành một trò chơi nhẹ nhàng, thú vị.

Như thế liệu có khả thi không? Bogost tin là có, dù không theo kiểu mà bạn vẫn nghĩ.

Ai cũng từng nghe lời khuyên của cô Mary Poppins: thêm một “muỗng đường” và biến việc nhà thành trò chơi. Nhưng Bogost lại cho rằng Poppins đã nhầm. Theo ông, cách ấy “chỉ là phủ một lớp vỏ ngọt ngào lên sự nhọc nhằn.” Như ông viết: “Ta không thấy vui không phải vì ta quá nghiêm trọng mọi thứ đến mức cần phủ đường lên, mà là vì ta không đủ nghiêm túc với chúng. Niềm vui không phải là một cảm giác, mà là phần khí thải sinh ra khi người ta làm việc với sự trân trọng.”

“Niềm vui là kết quả của việc cố tình xoay chuyển một tình huống quen thuộc theo một cách mới,” Bogost nhấn mạnh.

Do đó, câu trả lời không nằm ở việc chạy trốn khỏi nỗi khó chịu hay tự thưởng cho mình bằng phần thưởng hay bánh kẹo, mà là ở việc chú tâm thật kỹ vào công việc. Khi bạn tập trung cao độ, bạn sẽ phát hiện ra những thử thách mới mà trước đó chưa từng nhận thấy. Chính những thử thách mới này sẽ thắp lên sự mới mẻ, giữ cho tâm trí ta gắn bó với công việc thay vì chạy theo những điều khiến ta phân tâm.

Bogost tin rằng, chính những giới hạn lại là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng sự sáng tạo và niềm vui.

Truyền hình, mạng xã hội và đủ loại trò tiêu khiển hiện đại khác đều dùng chiêu “phần thưởng biến hóa khó lường”, giống như máy đánh bạc, để lôi kéo ta mãi không rời mắt khỏi dòng chảy bất tận của cái mới. Nhưng Bogost chỉ ra rằng: ta cũng có thể áp dụng chính chiến lược này để biến bất kỳ công việc nào, dù nhàm chán đến đâu, thành một trải nghiệm dễ chịu và cuốn hút hơn.

Ông lấy ví dụ đơn giản từ chính đời mình: cắt cỏ trong vườn. “Nghe thì có vẻ buồn cười khi gọi một việc như thế là ‘vui’,” ông viết, “vậy mà tôi đã học được cách yêu thích nó.”

“Hãy chú ý một cách kỹ lưỡng, thậm chí ngớ ngẩn, thậm chí kỳ quặc đến từng chi tiết,” ông nói.

Bogost tìm hiểu tường tận cách cỏ mọc, cách chăm sóc cỏ. Rồi ông tự tạo ra một “sân chơi tưởng tượng” nơi mà những giới hạn lại chính là thứ khiến trải nghiệm trở nên sâu sắc. Ông học về những điều kiện thời tiết tại địa phương, về khả năng và giới hạn của các loại máy cắt khác nhau. Chính những ràng buộc đó đã buộc ông phải sáng tạo để thích nghi. Với ông, tìm ra con đường tối ưu cho chiếc máy cắt hoặc phá kỷ lục thời gian cá nhân cũng chính là những trò chơi nhỏ trong “sân chơi” ấy.

Nghe thì có vẻ kỳ quặc, ai lại vui vì cắt cỏ? nhưng thật ra, niềm vui có thể nảy nở từ những điều mà ta không ngờ đến. Bạn thử nghĩ đến anh chàng barista ở quán cà phê gần nhà, người dành hàng giờ chỉ để điều chỉnh từng ly cà phê cho hoàn hảo. Hay cô gái mê xe, miệt mài suốt đêm chỉ để tinh chỉnh chiếc xe yêu dấu của mình. Hoặc người thợ thủ công kiên nhẫn đan từng chiếc áo len, từng mảnh chăn tỉ mỉ tặng cho tất cả những người mình yêu quý.

Với họ, những việc đó không hề tẻ nhạt chút nào, ngược lại, đó là niềm đam mê cháy bỏng, là thế giới đầy mê hoặc. Và bạn hoàn toàn có thể mang tinh thần ấy, tình yêu dành cho tiểu tiết, niềm tự hào khi làm chủ kỹ năng, và khát khao vươn tới điều tốt đẹp hơn, áp dụng vào chính những công việc mà bạn từng thấy chán ngán nhất.

Có câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng: “Liều thuốc cho sự buồn chán là sự tò mò. Còn sự tò mò thì không cần thuốc chữa.”

Riêng tôi, tôi học cách kiên trì với công việc viết lách, một hành trình không ít khi tẻ nhạt, bằng cách tìm ra điều bí ẩn trong đó. Tôi viết để trả lời những câu hỏi thú vị, để khám phá những giải pháp mới cho những vấn đề cũ. Nhờ tìm được niềm vui, tôi có thể viết mà không bị xao nhãng như trước. Viết giờ đây không chỉ là nghề, mà còn là trò chơi tôi yêu thích.

Điều quan trọng cần nhớ là: ta chỉ có thể phát hiện ra sự mới mẻ nếu cho bản thân đủ thời gian để tập trung, đủ kiên nhẫn để nhìn sâu vào một công việc và truy tìm những biến thể ẩn mình. Những nhà tư tưởng, nhà phát minh vĩ đại trong lịch sử đã làm nên điều kỳ diệu nhờ đắm chìm trong cơn say mê khám phá, thứ bí ẩn mê hoặc khiến ta không ngừng muốn biết thêm, hiểu thêm.

Dù đó là mong muốn vượt qua chính mình, làm tốt hơn hôm qua, hay là sự thôi thúc quay lại mỗi ngày để giải mã một câu hỏi còn dang dở, thì hành trình tìm lời giải ấy chính là cách ta biến sự khó chịu mà ta thường muốn né tránh thành một điều ta sẵn lòng ôm lấy và tận hưởng.

Trích từ cuốn sách mới Indistractable: Không thể sao nhãng: Kiểm soát sự tập trung và sống đời bạn muốn của Nir Eyal: https://s.shopee.vn/zHLpUbbN

Nguồn: Want to be less distracted? Try this: Find the fun in tedious tasks

menu
menu