Ngoài cha mẹ, bà nội hay bà ngoại ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn? Khoa học đưa kết quả bất ngờ, khác với bạn nghĩ
Có phải bà ngoại luôn nhận được sự "thiên vị" từ các cháu không? Vấn đề này thật ra đã được khoa học đưa ra câu trả lời.
Từng có tâm sự của một cư dân mạng thu hút sự chú ý. Chị cho biết, hai vợ chồng rất bận rộn công việc, việc chăm con chủ yếu nhờ hai bên nội ngoại. Bà ngoại sẽ sang chăm cháu 5 ngày trong tuần, hai ngày cuối tuần bà nội sẽ đón cháu sang nhà trông. Tuy nhiên, tình cảm đứa trẻ giành cho hai bên dường như có sự chênh lệch.
Có lần, bà nội trách yêu, cho rằng cháu chỉ biết đến nhà ngoại. "Nó không hề hôn bà, chỉ bà ngoại mới ôm hôn, có gì ngon cũng chỉ nghĩ đến ngoại", bà nội bức xúc kể. Điều khiến đôi vợ chồng trẻ hoang mang là cả bà ngoại và bà nội đều là họ hàng và đang chăm sóc đứa trẻ. Tại sao lại có sự "phân biệt" này?
Câu hỏi này thực sự thú vị, chắc hẳn không của riêng ai. Có phải bà ngoại luôn nhận được sự "thiên vị" từ các cháu không? Vấn đề này thật ra đã được khoa học đưa ra câu trả lời.
Những nghiên cứu
Một nhà tâm lý học người Hà Lan đã chọn ngẫu nhiên 831 đứa trẻ và tiến hành khảo sát, thống kê về mức độ gần gũi trong mối quan hệ giữa ông bà ngoại, ông bà nội với trẻ.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ này gặp bà ngoại của chúng thường xuyên hơn so với bà nội và nói chung là gần gũi với bà ngoại hơn. Ngay cả khi bà ngoại sống ở xa, bà vẫn đến thăm con cháu thường xuyên hơn bà nội.
Nhà tâm lý học tiến hóa người Mỹ Todd DeKay cũng tiến hành một nghiên cứu tương tự trên 120 trẻ em. Người ta thấy rằng sự gần gũi tâm lý của đứa trẻ với bốn người lớn tuổi là khác nhau theo thứ tự là bà ngoại, bà nội, ông ngoại và ông nội!
Lý thuyết gắn bó do nhà tâm lý học phát triển người Anh John Bowlby đề xuất chỉ ra rằng có một mối quan hệ tình cảm tự nhiên đặc biệt giữa trẻ sơ sinh và những người chăm sóc. Lý do là khi con buồn ngủ, đói, mệt, ốm, mẹ luôn có thể ứng phó kịp thời, mối quan hệ gắn bó an toàn và tin cậy này sẽ được thiết lập.
Ở góc độ này, chỉ cần bà ngoại có thể chăm sóc cháu lâu dài và đáp ứng kịp thời khi trẻ có nhu cầu thì họ có thể trở thành người mà trẻ gắn bó. John Bowlby đã đề cập đến "nền tảng an toàn" trong lý thuyết gắn bó, ám chỉ một người an toàn và gần gũi mà trẻ có thể dựa vào khi khám phá thế giới, chủ yếu là người chăm sóc.
Nhiều gia đình nói rằng con cái của họ gần gũi với bà ngoại, điều đó có thể có nghĩa là bà luôn ở bên và chăm sóc cháu, và cháu có cảm giác an toàn 100% khi ở bên bà.
Trên thực tế, bà nội không phải lo lắng về việc mình bị ghẻ lạnh nếu ở gần cháu thường xuyên hoặc quan tâm cháu đúng cách.
Trẻ em có thể phát triển mối quan hệ gắn bó an toàn với nhiều người cùng một lúc. Giống như có vài chiếc ghế đẩu trong tâm trí một đứa trẻ, sẽ được dành cho những người khiến chúng cảm thấy được yêu thương và an toàn. Bà ngoại có thể ngồi một ghế, bà nội có thể ngồi ghế khác. Không có sự cạnh tranh nào giữa hai bên.
Trong lòng đứa trẻ có bà nội hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc bà có khiến đứa trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương trong quá trình hòa hợp với trẻ hay không.
2 lý do khiến cháu gần gũi với bà ngoại hơn
1. Bà ngoại có tỷ lệ chăm sóc em bé cao hơn
Có một cuộc khảo sát trực tuyến: Ai là người chăm sóc con cái trong gia đình bạn? Trong số 2.241 cư dân mạng tham gia bình chọn, gần một nửa chọn bà ngoại là người chăm sóc các con. Lựa chọn cao thứ hai là tự mình chăm sóc, tiếp theo là bà nội.
Từ góc độ lý thuyết gắn bó của John Bowlby, khi trẻ còn nhỏ, về cơ bản chúng được bà ngoại chăm sóc. Khi đói, buồn ngủ hoặc vệ sinh, chúng sẽ hướng về bà ngoại nên hiển nhiên sẽ gắn bó và sẽ trở nên thân thiết.
Đứa trẻ tuy còn nhỏ nhưng có thể cảm nhận được từ sự đồng hành và các mối quan hệ hàng ngày. Ai yêu nó nhiều hơn và ai ở bên nhiều hơn sẽ gần gũi họ hơn. Trên đời này có một loại tình cảm gia đình gọi là tình cảm giữa các thế hệ. Đôi khi nó còn sâu sắc hơn tình yêu của cha mẹ, bởi tình yêu của họ ít kỳ vọng mà nhiều bao dung hơn.
2. Bà ngoại yêu mẹ của đứa bé hơn
Trong phim tài liệu "Bà ngoại", phóng viên hỏi các bà: Tại sao các bà lại muốn chăm sóc cháu? Các câu trả lời mà các bà đưa ra đều rất nhất quán: "Khi con gái tôi sinh con, tôi nhất định phải phụ giúp chăm sóc".
Khi bà ngoại nuôi một đứa trẻ, bà không chỉ nuôi một đứa cháu trai/cháu gái. Trong thâm tâm họ, con gái họ cũng như cháu trai/cháu gái sẽ luôn là những đứa trẻ mà họ lo lắng và yêu thương như bản thân mình.
Hiểu Đan