Ngoại tình thường xảy ra sau 7 năm kết hôn?

ngoai-tinh-thuong-xay-ra-sau-7-nam-ket-hon

'Cơn ngứa bảy năm' từ rất lâu đã trở thành một thuật ngữ mà các nhà tâm lý học dùng để chỉ về nguy cơ ngoại tình sau năm thứ bảy của hôn nhân. Điều này có căn cứ gì không?

1. Từ bộ phim về ngoại tình có Marilyn Monroe thủ vai...

The Seven Year Itch ("Bảy năm ngứa ngáy") là một bộ phim hài lãng mạn về ngoại tình ra mắt năm 1955 do Billy Wilder đạo diễn, có sự tham gia của Marilyn Monroe và Tom Ewell.

Câu chuyện về Richard - một biên tập viên trung niên có vợ và con trai rời ngôi nhà ở Manhattan vào kỳ nghỉ mùa hè. Vào buổi tối sau khi vợ con khởi hành, Richard bị thu hút bởi một phụ nữ trẻ hấp dẫn (Monroe đóng) chuyển đến căn hộ ở tầng trên.

Trong hai ngày tiếp theo, anh bắt đầu dành thời gian cho cô gái đó, thậm chí còn đưa cô đi ăn tối và xem phim, nhưng anh liên tục căng thẳng khi cố gắng kiểm soát ham muốn tình dục của mình một cách tuyệt vọng. Cuối cùng, bị bao vây bởi cảm giác tội lỗi và sợ hãi, anh quyết định thoát khỏi tình trạng này và đoàn tụ với gia đình mình ở Maine.

Cảnh trong phim The Seven Year Itch.

Hành vi của nhân vật được xây dựng từ một giả thuyết rằng đàn ông thường lừa dối vợ mình vào năm thứ bảy của cuộc hôn nhân. Sau đó, "cơn ngứa bảy năm" hay "bảy năm ngứa ngáy" trở thành cụm từ chính thức được nhiều nhà tâm lý học sử dụng đề cập đến sự suy giảm hứng thú với mối quan hệ một vợ một chồng sau bảy năm chung sống. Cơn ngứa bảy năm ám chỉ rằng hạnh phúc hôn nhân có nguy cơ bị lung lay sau khoảng bảy năm bên nhau. Vào thời điểm đó, xu hướng ngoại tình và ly hôn được cho là sẽ tăng lên.

2. Đến nghiên cứu khoa học về năm thứ bảy trong hôn nhân

Điều đáng nói là đã có những nghiên cứu về "cơn ngứa bảy năm" này, kết quả cho thấy cả suy nghĩ về sự không chung thủy (ngoại tình tư tưởng) và tỷ lệ lừa dối đều tăng lên vào khoảng năm thứ bảy của cuộc hôn nhân. Đáng buồn là các cuộc ly hôn theo sát đỉnh điểm của sự không chung thủy.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tình dục, 313 người Israel trưởng thành (trung bình từ 32-33 tuổi) đã được khảo sát, tất cả đều là người dị tính và đã kết hôn ít nhất một năm. Những người tham gia được hỏi về khả năng họ ngoại tình và các nhà nghiên cứu đã xem xét điều này có liên quan như thế nào đến thời gian hôn nhân.

Những người tham gia được chia thành ba nhóm: hôn nhân ngắn hạn (<5 năm), trung hạn (6 đến 10 năm) và hôn nhân lâu năm (11 năm trở lên). Nhóm được báo cáo có khả năng gian lận cao nhất là nhóm lâu năm; nhóm ngắn hạn có tỷ lệ chênh lệch thấp nhất, nhóm trung gian nằm ở giữa. Một cặp đôi ở bên nhau càng lâu thì khả năng các đối tác nói rằng họ nghĩ đến việc lừa dối càng cao.

Theo nhà tâm lý TS. Justin J. Lehmiller - nghiên cứu viên tại Viện Kinsey, nhà giáo dục giới tính nổi tiếng, từng tham gia tại Đại học Harvard, dù tỷ lệ ngoại tình giảm xuống sau năm thứ bảy nhưng sau đó lại tăng trở lại đối với nam giới, khả năng ngoại tình càng tăng khi mối quan hệ càng kéo dài (đây là điều mà các nhà khoa học gọi là hiệu ứng tuyến tính). Còn đối với phụ nữ, hiệu ứng này có đường cong, phụ nữ cho biết có khả năng lừa dối cao nhất trong các cuộc hôn nhân trung hạn nhưng tỷ lệ lừa dối thấp hơn trong các cuộc hôn nhân ngắn hạn và dài hạn.  

3. Tỷ lệ ngoại tình tăng lên vào năm thứ 7 của hôn nhân?

Dựa trên dữ liệu từ một cuộc khảo sát về giới tính mang tính đại diện trên toàn quốc được thực hiện tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hôn nhân và Gia đình đã xem xét thời điểm ngoại tình có nhiều khả năng xảy ra nhất trong hôn nhân khác giới. Kết quả chỉ ra rằng, đối với phụ nữ, tỷ lệ ngoại tình của họ cao nhất vào năm thứ bảy của hôn nhân, nhưng giảm dần sau đó. Trên thực tế, việc lừa dối hầu như không tồn tại ở những phụ nữ đã kết hôn được 20-30 năm. Còn nam giới cũng có tỷ lệ ngoại tình cao vào khoảng năm thứ bảy, sau đó giảm cho đến khoảng năm thứ mười tám, lúc đó tỷ lệ này thường bắt đầu tăng trở lại.

Thậm chí, theo dữ liệu nghiên cứu, những người đàn ông đã kết hôn từ 30 năm trở lên thực sự có tỷ lệ ngoại tình cao nhất - thậm chí còn cao hơn những người đàn ông có "ngứa ngáy bảy năm".

4. Nhiều vụ ly hôn xảy ra ngay sau mốc bảy năm

Theo số liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, thời gian kết hôn trung bình là 7,2 năm đối với các cặp vợ chồng ly hôn vào năm 1989 và 1990. Còn theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ, 6% dân số kết hôn vào năm 2021 và 2,5% dân số đã ly hôn trong cùng năm đó. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về ly hôn với số liệu thống kê khác nhau nhưng dữ liệu chỉ ra hai giai đoạn trong cuộc hôn nhân mà ly hôn là phổ biến nhất: năm 1 - 2 và năm 5 - 8. Trong hai khung thời gian có nguy cơ cao đó, những năm dễ ly hôn nhất là năm thứ 7 và thứ 8.

Nhà tâm lý học tại Đại học Bang Wright ở Dayton, Ohio Tiến sĩ Lawrence A. Kurdek, tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Tâm lý học phát triển tháng 9 năm 1999 cho biết, các cuộc hôn nhân có xu hướng ổn định trước khi một cuộc suy thoái khác xảy ra vào khoảng năm thứ tám. Kurdek nói, lần suy giảm đầu tiên có lẽ là một sự điều chỉnh bình thường đối với các vai trò mới; sự suy giảm thứ hai thường liên quan đến việc sinh con. Những cặp vợ chồng trải qua bảy năm bất đồng với nhau nhiều hơn, trở nên ít tình cảm hơn, ít chia sẻ hoạt động hơn và thường bày tỏ sự không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình.

Một bằng chứng cuối cùng đáng xem xét là thời điểm dễ xảy ra ly hôn nhất. Dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ chỉ ra rằng, thời gian chung sống trung bình trước khi ly hôn là khoảng 8 năm.

Có một câu hỏi lớn là tại sao lại là năm thứ bảy? Chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng lời giải thích đơn giản là giai đoạn trăng mật đã kết thúc và những khác biệt bắt đầu xuất hiện.

5. Làm thế nào để vượt qua cám dỗ ngoại tình?

Một số cặp đôi có thể thấy lo lắng nếu những cuộc cãi vã của họ tăng đột biến hoặc sự ăn ý giữa họ không còn như ý muốn trong khoảng thời gian 7 năm chung sống. Tuy nhiên, với cách tiếp cận chủ động, sẽ có nhiều cách để bảo vệ mối quan hệ vợ chồng trước mọi vấn đề mà cuộc hôn nhân có thể gặp phải.

Trị liệu, cả chung lẫn riêng lẻ, đều có thể hữu ích. Nếu một trong hai người gặp phải những yếu tố gây căng thẳng lớn trong cuộc sống hoặc những tổn thương chưa được giải quyết, nên tìm kiếm sự hỗ trợ nào đó. Điều này có thể đảm bảo rằng cả hai bạn đều không đổ tác nhân gây căng thẳng lên người kia.

Nếu vợ chồng có những xung đột, giao tiếp căng thẳng hoặc thậm chí không thỏa mãn về mặt tình dục nên tìm kiếm sự tư vấn của nhà trị liệu tâm lý.

Một mối quan hệ lành mạnh là trách nhiệm chung của cặp đôi và vì thế đừng để hình thành sự oán giận sẽ làm mối quan hệ ngày càng xa cách, rạn nứt. Hãy đảm bảo duy trì giao tiếp cởi mở với nhau và ưu tiên sự tôn trọng lẫn nhau. Thay vì đối đầu hãy đối thoại, chia sẻ thẳng thắn và chân thành. Tôn trọng bạn đời của mình kể cả khi họ không có mặt. Điều này không chỉ tuân theo nguyên tắc vàng trong việc đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử mà còn có thể giảm thiểu mọi rủi ro hôn nhân.

Hoàng Nam dịch

---------------------

Tìm đọc sách NỘI TÌNH CỦA NGOẠI TÌNH – Tác giả Esther Perel
Nội tình của ngoại tình không hẳn là một quyển sách chỉ nói về sự phản bội trong tình cảm. Một mối quan hệ bất chính dạy chúng ta rất nhiều thứ về hôn nhân - những gì chúng ta kỳ vọng, những gì chúng ta mong muốn, những gì chúng cảm thấy mình xứng đáng phải có. Các mối quan hệ bất chính đưa ra một khung cửa độc nhất để nhìn vào thái độ cá nhân lẫn thái độ văn hóa mà chúng ta có về tình yêu, dục vọng và cam kết tình cảm.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Tham khảo: Psychology Today  

menu
menu