Người thông minh có phải thường u sầu hơn?
“Tại sao có quá nhiều người xuất chúng trong triết học, chính trị, thơ ca hay nghệ thuật lại mang tâm hồn u sầu?”
Từ thuở xa xưa, trong lịch sử của sự u sầu, triết gia Hy Lạp Aristotle đã từng đặt ra một câu hỏi mà thật khó trả lời mà không có chút tự mãn hoặc tự cao: “Tại sao có quá nhiều người xuất chúng trong triết học, chính trị, thơ ca hay nghệ thuật lại mang tâm hồn u sầu?”
Để minh chứng, Aristotle đã nhắc đến Plato, Socrates, Hercules và Ajax. Mối liên hệ này đã bám rễ vào tâm trí nhân loại: trong thời Trung cổ, người u sầu được cho là sinh ra “dưới dấu hiệu của sao Thổ” – hành tinh xa nhất được biết đến lúc bấy giờ, gắn liền với cái lạnh, bóng tối và cái chết. Nhưng sao Thổ cũng tượng trưng cho khả năng khơi nguồn những hiểu biết sâu sắc và trí tưởng tượng phi thường.
Isaac Oliver, Edward Herbert, First Baron Herbert of Cherbury, 1610
Dần dần, sự u sầu không chỉ là nỗi buồn nữa, mà trở thành một niềm tự hào, một dấu hiệu của sự tinh tế, của tầm nhìn vượt xa những người vui vẻ, lạc quan. Bởi lẽ, một tâm hồn đầy nắng ấm, tuy dễ chịu, nhưng thường được xây trên nền tảng của ảo tưởng và sự chối bỏ thực tại. Còn người u sầu, họ buồn bởi họ hiểu, và họ can đảm chấp nhận bi kịch của những hiểu biết đó.
Để củng cố hình ảnh của mình như những đại sứ của nỗi buồn, các quý tộc trẻ tuổi ở Anh thời bấy giờ thường đặt vẽ chân dung trong tư thế u sầu. Họ khoác lên mình sắc đen đặc trưng của sự u uất, mắt nhìn xa xăm, thở dài trước sự không hoàn hảo và cô độc mà họ dám đối diện, dám thấu hiểu.
Năm 1513, Albrecht Dürer khắc họa hình tượng Melancholy – nàng u sầu – qua dáng hình một thiên thần thông thái, ngồi chán nản giữa những dụng cụ khoa học và toán học bị bỏ quên. Bên cạnh nàng là một khối đa diện, một hình học đầy phức tạp nhưng hoàn mỹ. Ý tưởng này như muốn nói rằng, thiên thần rơi vào nỗi buồn sâu thẳm bởi sự đối lập đau đớn: khát khao vươn tới lý trí, sự chuẩn xác, vẻ đẹp và trật tự, lại bị va đập không thương tiếc với thực tại hỗn độn, bẩn thỉu và đầy phi lý của thế gian.
Nếu ta nghiêm túc với câu hỏi của Aristotle, điều gì khiến những người thông minh và mang tâm hồn u sầu nhận ra những điều mà tâm trí bình thường có thể bỏ lỡ? Chúng ta sẽ nhận ra điều gì khi tâm trí mình có xu hướng dễ rơi vào nỗi buồn hay sự chán nản hơn mức trung bình? Họ thấy được sự giả tạo trong hầu hết các cuộc giao tiếp xã hội; khoảng cách giữa những gì người ta nói và ý thực sự của họ; sự phô trương và lừa dối trong những lời hứa của các chính trị gia và tập đoàn; sự vô nghĩa cuối cùng của mọi nỗ lực để nổi tiếng hay được ngưỡng mộ; sự cô đơn đeo bám ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất; những nỗi thất vọng trong việc làm cha mẹ; những thỏa hiệp trong tình bạn; sự xấu xí của những thành phố, và sự ngắn ngủi của chính cuộc đời chúng ta.
Nhưng thật đơn giản nếu chỉ nói rằng những nhận thức đen tối ấy làm nên một trí tuệ sắc bén – hay rằng việc nuôi dưỡng bất kỳ tia hy vọng nào cũng đồng nghĩa với sự ngây ngô. Nếu ta có thể công bằng mà liên kết nỗi u sầu với trí thông minh, thì đó là vì người mang tâm hồn u sầu tránh được hai sai lầm đặc trưng của những tâm trí yếu đuối hơn: sự phẫn nộ, và sự ngây thơ.
Như một kẻ giận dữ, người u sầu biết rằng mọi thứ không hề như chúng vốn phải thế, nhưng họ đồng thời chống lại cám dỗ phản ứng bằng cơn giận dữ hay sự trả thù. Họ có thể theo đuổi công lý, nhưng tâm hồn họ luôn được giữ cân bằng bởi hiện thực. Họ sẽ không dễ dàng bị bất ngờ bởi những biến cố, cũng không đáp trả bằng sự độc ác, bởi họ đã thấu hiểu những chiều kích rộng lớn của thực tại từ ngay ban đầu. Chính nỗi u sầu ban tặng họ một điều vượt xa sự phẫn uất hay giận dữ: đó là khả năng hành động hiệu quả.
Đồng thời, nỗi u sầu đặt con người vào một vị trí lý tưởng khi đối diện với hy vọng. Họ không, như những kẻ ngây thơ, đặt niềm tin vào những kế hoạch lớn lao để xây dựng một cuộc đời hoàn hảo. Họ không lao vào trò xổ số của tình yêu lãng mạn hay sự nghiệp vinh quang. Họ hiểu rõ những khó khăn mình phải vượt qua để duy trì một mối quan hệ chỉ vừa đủ chấp nhận được, hay một công việc chỉ đôi khi khiến mình phát điên.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ không thể mỉm cười hay trân trọng những điều đẹp đẽ và dịu dàng trong cuộc sống. Có lẽ, chính vì họ ý thức sâu sắc về bóng tối cơ bản và cuối cùng sẽ chiến thắng, họ mới có đủ năng lượng để đặc biệt trân quý những khoảnh khắc sáng rực, như những tia sáng lóe lên trên bầu trời đêm thăm thẳm. Họ có thể biết ơn một cách mãnh liệt, thậm chí đôi lúc ngây ngất trong niềm vui, chính bởi họ đã quen thuộc với nỗi buồn – không phải vì họ chưa từng chịu đựng bất kỳ tổn thương nào. Họ có thể háo hức nhảy múa (dù không khéo léo), hoặc nâng niu tận hưởng một ngày nắng đẹp, hay một trái cây thơm ngon hoàn hảo. Một đứa trẻ cười vì điều gì đó hài hước; một người trưởng thành mang nỗi u sầu lại cười với sự thấu hiểu sâu sắc hơn, bởi họ biết rằng có quá nhiều điều trong đời không hề vui vẻ.
Việc cảm thấy thất vọng không phải là một thành tựu trí tuệ; cũng như niềm vui vẻ, tự nó, không mang giá trị to lớn. Điều làm nên một phẩm cách thực sự là khả năng kìm nén cơn giận, dù lòng mình trĩu nặng nỗi buồn, và giữ vững niềm hy vọng, ngay cả khi cuộc sống rõ ràng đầy rẫy khốn khổ. Nếu người mang nỗi u sầu có thể tuyên bố rằng họ sở hữu một dạng trí tuệ vượt trội nào đó, thì đó không phải vì họ đã đọc nhiều sách hay mặc trang phục màu đen đầy phong cách, mà bởi họ đã thành công trong việc tìm ra cách dung hòa tốt nhất giữa những thất vọng vô hạn và những điều kỳ diệu thoáng qua của cuộc đời.
Nguồn: ARE INTELLIGENT PEOPLE MORE MELANCHOLIC