Giúp con trai cởi mở hơn trong bày tỏ cảm xúc
Chúng ta phải thể hiện mặt yếu đuối (vulnerability) của mình và tôn trọng mặt yếu đuối của người khác
Nếu bạn làm được những điều sau, chúng sẽ giúp ích cho con trai bạn rất nhiều!
Chúng ta phải thừa nhận rằng mình còn định kiến
Khi thấy một cậu bé khóc, một cậu bé tìm kiếm sự yêu thương, hay một cậu bé đang tìm cách thể hiện cảm xúc của bản thân,…, nhiều người cảm thấy khó chịu vì họ nghĩ rằng con trai thì không nên làm vậy. Đó là thành kiến không nên có đối với nam giới. Nếu bạn nhận thấy mình có những thành kiến này, bạn có thể học hỏi từ nó và tìm cách thay đổi nó.
Chúng ta phải giải tỏa nỗi sợ của mình
Nhiều bậc cha mẹ sợ rằng khi họ dạy con trai mình cởi mở thể hiện cảm xúc, các bé có thể sẽ bị bắt nạt vì “quá nhạy cảm”, và sợ rằng các bé sẽ bị cuộc đời “ăn tươi nuốt sống”, nhưng đó không phải là lý do chính đáng để dạy con trai bạn phải đè nén cảm xúc và suy nghĩ của chúng. Việc bị buộc phải giữ im lặng sẽ khiến các bé trai đi vào một lối mòn mà chúng ta đang cố gắng thay đổi. Mặc dù để giúp các bé trai cởi mở hơn về cảm xúc có thể khiến các em trở thành mục tiêu của những trò dè bỉu hay bắt nạt, nhưng các bạn có thể cùng lúc đó dạy các bé cách ứng xử với một xã hội và một nền văn hóa còn mang những thành kiến lạc hậu này.
Thay đổi không có nghĩa là các bé trai phải trở thành nạn nhân
Một phần của việc xây dựng trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) đó là học cách ứng phó với môi trường xung quanh khi mọi việc không diễn ra theo cách ta mong muốn. Con trai của bạn có thể sẽ phải đối mặt với những nỗi sợ và nỗi đau, nhưng điều quan trọng là cháu không bị chúng đánh gục mà cháu dùng những khó khăn đó để học hỏi và nếm trải niềm vui. Đây là những kỹ năng quan trọng cho các bé trai nếu các cháu thật sự muốn trở thành những người đàn ông cởi mở về cảm xúc.
Chúng ta cần làm gương cho các bé trai
Các em trai cần được nhìn thấy những mối quan hệ mà trong đó nam giới được thoải mái thể hiện những cảm xúc khó thể hiện. Các em cần hiểu rằng những cử chỉ yêu thương không phải lúc nào cũng gắn với hoạt động tình dục. Đôi lúc, khi các em bước vào tuổi thiếu niên, chúng ta không còn dành cho các em những đụng chạm thân tình, như một cái vỗ vai, một cái ôm choàng qua lưng,… Việc đó có thể khiến các em hiểu lầm rằng nam giới chỉ có thể có những đụng chạm thân mật hoặc chỉ được chia sẻ tâm tình với bạn đời của mình. Khi cảm thấy được kết nối, chúng ta mới có thể chia sẻ cảm xúc, và nếu bạn kìm nén cảm xúc của mình với các bé, các bé cũng sẽ kìm nén cảm xúc với bạn. Chính điều đó là gián đoạn quá trình xây dựng sự gắn kết và trí thông minh cảm xúc của các bé trai.
Chúng ta phải thể hiện mặt yếu đuối (vulnerability) của mình và tôn trọng mặt yếu đuối của người khác
Không ai muốn nói về những đề tài khó khăn và nhiều người thậm chí không biết nói về chúng như thế nào chỉ vì họ chưa từng thấy ai làm thế. Nếu chúng ta làm gương cho các bé trai trong cách bày tỏ nỗi thất vọng, đau buồn, và sợ hãi,… các bé sẽ học hỏi từ tấm gương của chúng ta. Bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn và thấu hiểu khi người khác bị tổn thương, các bé trai sẽ cảm thấy dễ mở lòng chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của mình hơn.
Chúng ta phải tập trung giáo dục và tuyên truyền cho người lớn
Các bé trai không sinh ra với bản năng đè nén xúc cảm; ở tuổi lên ba các em đã biết khóc khi té ngã hoặc giật mình. Các em tìm kiếm sự che chở của ba mẹ khi các em sợ hãi. Các em biết đồng cảm với những người bạn kém may mắn hơn ở trường. Chỉ khi chúng ta nhồi nhét vào đầu các em những định kiến về việc con trai không được biểu lộ tình cảm, các em mới kìm nén và trở nên cảnh giác. Chúng ta cần xem lại cách giáo dục của chúng ta về các định khuôn giới tính (gender stereotypes), cần khuyến khích các em kết nối nhiều hơn với cảm xúc của chính mình và cho các em thấy những tấm gương mới về thế nào là một “người đàn ông”.
Chúng ta phải hỏi về cảm xúc của các bé trai và chuẩn bị tinh thần chấp nhận câu trả lời của các em
Định kiến về giới khiến nhiều người trong chúng ta ít khi hỏi các bé trai về cảm xúc của chúng, nhưng các bé trai cũng cần phải nói về cảm xúc của các bé (như giận dữ,…) để các bé có thể hiểu về chính mình hơn. Các bé cần được người lớn lắng nghe về những góc tối trong tâm tư bé mà không phán xét hay quy chụp. Nếu bạn có thể làm điều đó cho bé, thông thường bé sẽ bình tĩnh lại và học cách đón nhận nỗi buồn và những mặt yếu đuối của bé mà trước đây cơn giận khiến bé không nhìn thấy.
Chúng ta phải phá vỡ các định khuôn về giới bất cứ khi nào có thể
Khi trẻ nhỏ khóc, chúng ta có thể giao chúng cho các ông bố để họ dỗ con. Bạn hãy cho các ông bố cơ hội thể hiện tình yêu thương và sự cảm thông. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn đừng quên dành cho con trai mình những đụng chạm thân tình. Hãy khen ngợi con trai bạn nếu cháu bày tỏ những xúc cảm của cháu; sự kết nối sẽ giúp con của bạn được trải nghiệm nhiều hơn. Chúng ta cũng có thể chia sẻ những nỗi lo âu, sợ hãi và thất vọng của mình. Bạn không cần phải giữ bí mật về những ước mơ mà bạn dành cho con. Kết nối một cách chân thật và rõ ràng sẽ giúp con trai bạn có được định hướng về cuộc đời mà bạn muốn dành cho con. Những điều đó cũng sẽ giúp cháu biết cách sống, yêu thương, và cảm nhận. Nếu bạn có thể thay đổi được hành vi của mình, điều kỳ diệu sẽ xảy đến với con bạn.
Dịch : Triệu Khánh Ngọc
Tác giả: Heather Gray
Nguồn: https://goodmenproject.com/featured-content/how-raising-emotionally-literate-boys-challenges-our-perceptions-of-masculinity-kerj/