Những gia đình độc hại chọn đứa con nào làm ‘dê tế thần’

nhung-gia-dinh-doc-hai-chon-dua-con-nao-lam-de-te-than

Với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng điểm chung luôn là kiểm soát và chi phối.

Những điểm chính

  • ‘Dê tế thần’ là một dạng bạo hành lời nói thường gặp ở các bậc phụ huynh.  
  • Nghiên cứu cho thấy việc chọn một đứa con ‘làm dê tế thần’ trong gia đình cho phép một người cha/mẹ tin rằng gia đình của họ lành mạnh hơn thực tế.
  • ‘Dê tế thần’ cho phép một người cha/mẹ giảm thiểu trách nhiệm và bao biện cho những hậu quả tiêu cực, tăng cảm giác kiểm soát. 
  • Vai ‘dê tế thần’ trong gia đình có thể thay đổi luân phiên, hoặc có thể nhắm vào một đứa trẻ cụ thể. 

Trong những buổi phỏng vấn cho quyển sách sắp tới của tôi viết về bạo hành lời nói, chủ đề ‘dê tế thần’ (scapegoating) liên tục xuất hiện; trong những hình thức bạo hành lời nói được các bậc cha mẹ sử dụng, gần như luôn có hành vi đổ lỗi. Trong gia đình có một vị phụ huynh hay kiểm soát, hiếu chiến, hay ái kỷ nắm quyền thì đổ lỗi là công cụ hữu ích để duy trì vị thế kiểm soát, không chỉ trong tương tác và hành vi của những thành viên khác trong gia đình, mà còn trong câu chuyện của gia đình đó.

Như nhà nghiên cứu Gary Gemmill đã chỉ ra, đổ lỗi cho phép người phụ huynh tin rằng gia đình mình sẽ lành mạnh và vận hành tốt hơn thực tế; nếu như không có một cá nhân đó đúng, chính là ‘con dê tế thần’ gia đình này sẽ trở nên hoàn hảo, và cuộc sống sẽ thật nhiệm màu. Đây là một điểm quan trọng vì nó giúp người phụ huynh đó biên tập câu chuyện gia đình một cách rất cụ thể.

Một nghiên cứu khác của Zachary R. Rothschild và đồng nghiệp đặt giả thuyết và sau đó chứng minh rằng hành vi đổ lỗi cho phép một người giảm thiểu tội lỗi và trách nhiệm đối với một kết quả tiêu cực và khiến họ cảm thấy được củng cố quyền lực vì lúc nào cũng có một lý do cho mọi kết quả xấu. dụ tôi thường dùng là chiếc xe hơi gia đình được đỗ trên đường vào gara và bị kẻ gian phá hoại trong đêm. Nếu điều này xảy ra với bạn, có thể bạn sẽ quan ngại đến mức gọi cảnh sát, nhưng nhiều khả năng bạn sẽ coi đây là một sự việc ngẫu nhiên.

Nhưng người cha mẹ có thói quen đổ lỗi sẽ không tiếp cận vấn đề như thế; thay vào đó, họ sẽ chăm chăm vào việc Jack là người cuối cùng đỗ xe, và cậu ấy không khóa xe, khiến nó dễ dàng bị phá hoại. Ngoài ra, Jack không mở đèn soi đường vào gara và cổng nhà, giúp bọn phá hoại tùy nghi trong bóng tối.

Ngạc nhiên chưa! Trong câu chuyện gia đình đã được biên tập, Jack là người có lỗi khi chiếc xe bị phá hoại. Hành vi đổ lỗi hoạt động như thế.

Nguồn: fizkes/Shutterstock

Ai sẽ trở thành ‘dê tế thần’ trong gia đình?

Ở một số gia đình giống như Tim, cái vai ‘dê tế thần’ được thay đổi luân phiên, là bất kỳ ai khiến bố cậu ấy truyền đi một thông điệp đanh thép:

“Thất bại là không chấp nhận được. Trả treo là làm phản. Nói là phải làm, phạt là phải chịu, nếu không sẽ bị phớt lờ và đổ lỗi. Người con không nghe lời sẽ trở thành ‘dê tế thần’ cho đến khi sửa đổi và “nhận được bài học”, và rồi kẻ lười biếng tiếp theo sẽ là mục tiêu. Điều này tiếp diễn từ thời thơ ấu đến khoảng một thập niên đầu tiên của tuổi trưởng thành cho đến khi tôi cuối cùng cũng rời khỏi cái nhà đó.”

Với nhiều gia đình thì ‘dê tế thần’ là một cái vai cố định, như trường hợp của Alisha:

“Em trai thứ của tôi, Tom, là ‘dê tế thần’ vì em ấy cãi lời và kháng cự sự khống chế của mẹ. Éo le là trong bốn anh chị em, em ấy là người thành công nhất học giỏi và có năng khiếu thể thao nhưng mẹ tôi lại khó chịu khi bà không thể kiểm soát được em ấy như với tôi và hai đứa em còn lại. Mẹ đổ hết mọi lỗi lầm lên Tom và điều đó khiến bố tôi tức giận vì ông luôn tin mọi lời mẹ nói dối về Tom. Còn ba chị em tôi thì trở nên rụt rè và ít nói nhất có thể, cố tỏ ra trung lập hết mức để mẹ không chĩa mũi dùi sang chúng tôi. Tom rời khỏi nhà năm 18 tuổi, đi học đại học và sau đó là trường luật, rồi ngừng nói chuyện với bố mẹ từ 10 năm trước. Em ấy chắc hẳn là chú cừu đen thành công nhất trong lịch sử. Tôi vẫn hay gặp em ấy, nhưng em gái và em trai tôi dù đã trưởng thành vẫn rất sợ làm phật ý mẹ. Dù không bị hàm oan, tôi vẫn có hàng tỷ vấn đề phải giải quyết bằng trị liệu. Tôi dành cả tuổi thơ cuộn tròn như trái bóng phòng vệ.”

Lạ đời thay, không cần phải có nhiều anh chị em thì mới bị ‘làm dê tế thần’, con một cũng có thể bị cha mẹ đổ lỗi. Đây là lời Dora kể lại:

“Trong lời kể của mẹ tôi, mọi vấn đề trong cuộc sống của bà đều có thể truy ngược về tôi. Việc tôi chào đời đã khiến bố xa cách mẹ và cuối cùng là đệ đơn ly dị. Tất nhiên đó không phải câu chuyện từ phía bố, và bố rời đi khi tôi đã 7 tuổi. Mẹ không bao giờ tái hôn vì không ai muốn một người phụ nữ mang theo gánh nặng, và gánh nặng chính là tôi. Hài hước là bố kết hôn với một người phụ nữ đã có hai con nhưng mẹ còn chẳng xem đó là lời nói đùa. Tương tự với công việc và lý do mẹ không bao giờ lên chức; vâng, là tại Dora. Năm 30 tuổi, tôi tìm đến phòng khám trị liệu và đối mặt với người mẹ luôn chối bay biến mọi việc. Bác sĩ trị liệu của tôi chỉ ra rằng, bà đã chuyển từ đổ lỗi sáng bóp méo sự thật. Dạo này lâu lâu tôi vẫn liên lạc nhưng tôi đang dần lánh hẳn vì bà ấy không chịu thừa nhận hành vi và lời nói của mình khiến tôi phát điên.”

Không nhận trách nhiệm chính là “lợi thế sân nhà” của hành vi đổ lỗi.

‘Dê tế thần’ được lựa chọn như thế nào

Dù khoa học đã lý giải động cơ đổ lỗi của kẻ bạo hành, nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy mục tiêu được lựa chọn như thế nào, vì thế tôi đã tổng hợp từ hàng trăm câu chuyện được chia sẻ với dự án này và quyển sách Daughter Detox: Recovering from an Unloving Mother and Reclaiming Your Life (tạm dịch: Phương pháp giải độc cho con gái: Hồi phục thương tổn từ người mẹ thiếu tình thương và Giành lại cuộc sống của bạn) đưa ra một số khuôn mẫu phi khoa học nhưng có thể lại hữu ích. Một số khuôn mẫu có vẻ hiển nhiên hơn so với phần còn lại.

Người kháng cự hoặc nổi loạn

Vì bạo hành lời nói luôn là về sự kiểm soát và chênh lệch quyền lực, nên không ngạc nhiên khi đứa trẻ không tuân thủ chương trình dù có là chương trình gì đi nữa sẽ bị cô lập và cho ra rìa. Khuôn mẫu này là trường hợp Alisha kể về người em trai Tom, và cũng có thể là động lực xoay chuyển vị trí ‘dê tế thần’ trong những gia đình khác.

Người nhạy cảm

Đổ lỗi và bắt nạt đều có chung mục đích, và cả hai đều khiến kẻ bạo hành cảm thầy tràn đầy quyền lực; và sẽ còn thỏa mãn hơn nếu đứa trẻ được chọn dám phản ứng. Ngoài ra, điều này cho phép người bố/mẹ bao biện hành vi đổ lỗi là cần thiết để đứa trẻ “mạnh mẽ lên” hoặc “đừng có quá nhạy cảm như vậy”.

Thật không may, điều này xảy ra với cả con trai lẫn con gái và là tình trạng rất dễ thấy ở nhiều gia đình. Những đứa trẻ còn lại sẽ cố hết sức để kìm nén tất cả phản ứng cảm xúc, bảo vệ bản thân trước hành vi bạo hành nhưng gây ra một dạng thương tổn khác.

Người cá biệt

Tôi nhận thấy ở những bà mẹ hay đổ lỗi, việc tin rằng con mình là đứa cá biệt thường là cách để họ thích nghi; đứa trẻ quá khác biệt so với bản thân người mẹ và những đứa con khác khiến bất kỳ kỹ năng nuôi dạy nào của bà cũng trở nên hoàn toàn quá sức, và bà phản ứng bằng cách đổ hết mọi lời quở trách vào đứa con. Trong câu chuyện của gia đình, đứa trẻ này thường mang gánh nặng trách nhiệm cho việc gia đình gặp khó khăn hay bất kỳ vấn đề gì mà người mẹ gặp phải.

Người gợi nhớ

Điều này thường xảy ra nhất sau khi ly dị và những đứa trẻ có ngoại hình giống hoặc “kế thừa” hành vi nào đó của người vợ/chồng cũ, nhưng nó cũng xuất hiện ở những gia đình hoàn chỉnh với đứa trẻ được cho là giống với một người họ hàng bị ghét, khó ưa, hoặc là cừu đen trong gia đình hoặc tổ hợp tất cả yếu tố. Đổ lỗi có thể được thể hiện công khai“Mày giống y như bố mày, vô trách nhiệm và lười biếng” hoặc ẩn ý, như trường hợp của Dina, cũng là một nhà tâm lý học:

“Khi còn nhỏ, tôi không hiểu tại sao tôi luôn là người sai trong khi em gái tôi luôn là người tuyệt vời. Tôi đi học luôn được điểm A, gặt hái được nhiều thành công, còn em tôi không có gì cả. Nhưng có một câu chuyện đằng sau. Bố tôi đã phạm phải lỗi lầm bỏ rơi mẹ và tái hôn hạnh phúc. Tôi phạm phải lỗi lầm vì trông giống bố cao, gầy, tóc nâu, và thông thái. Em gái tôi có ngoại hình giống mẹ tóc vàng và nhỏ con và không thật sự nghiêm túc với điều gì. Phải đến khi tiến hành trị liệu, một phần của chương trình huấn luyện, thì tôi mới nhìn ra được điều hiển nhiên ấy.”

Đổ lỗi là bạo hành ngôn từ, dù cho nó có được bình thường hóa hay hợp thức hóa như thế nào. Và không quan trọng bố mẹ lựa chọn nạn nhân ra sao, điều quan trọng là họ đã thực hiện hành vi ấy.

 

Người dịch: Janie

Nguồn: How Toxic Families Choose a Child to Scapegoat | Psychology Today

menu
menu