Những Kẻ Ngược Đãi Thụ Động - Cha mẹ Độc hại

nhung-ke-nguoc-dai-thu-dong-cha-me-doc-hai

Họ là người cho phép sự ngược đãi diễn ra trong gia đình mà không hề can ngăn, không hề bảo vệ đứa con trước kẻ ngược đãi. Những bậc cha/mẹ thụ động có thể dễ dàng chối bỏ sự ĐỒNG LÕA YÊN LẶNG của mình trước sự ngược đãi này. 

Trong những gia đình bạo hành, đánh đập trẻ em, người ta thường dồn hết chú ý vào ông bố hoặc bà mẹ bạo hành mà bỏ qua vai trò của người NGƯỢC ĐÃI THỤ ĐỘNG. Họ là người cho phép sự ngược đãi diễn ra trong gia đình mà không hề can ngăn, không hề bảo vệ đứa con trước kẻ ngược đãi. Những bậc cha/mẹ thụ động có thể dễ dàng chối bỏ sự ĐỒNG LÕA YÊN LẶNG của mình trước sự ngược đãi này. 

Dưới đây là phần trích từ cuốn sách Cha mẹ độc hại - Toxic parents: 

Cho đến nay tôi gần như hoàn toàn tập trung vào các bậc cha mẹ ngược đãi chủ động. Nhưng vẫn còn có những vai diễn khác trong vở kịch gia đình cũng cần phải gánh vác một phần trách nhiệm. Đó là những người làm cha làm mẹ đã cho phép sự ngược đãi này xảy ra vì sự sợ hãi, phụ thuộc, và nhu cầu cần duy trì hiện trạng gia đình của bản thân. Họ chính là những kẻ ngược đãi thụ động.

Tôi hỏi Joe rằng mẹ cậu đã làm gì những khi cậu bị đánh.

Bà ấy hầu như chẳng làm gì cả. Đôi khi bà sẽ tự nhốt mình trong phòng tắm. Tôi thường tự hỏi rằng tại sao bà không ngăn gã điên khốn nạn suốt ngày đánh đập tôi dã man kia lại. Nhưng tôi đoán là bản thân bà cũng quá sợ hãi. Việc đương đầu với ông ấy không phải là tính cách của bà. Cứ nhìn mà xem, cha tôi là một người Cơ đốc giáo, và mẹ tôi là một người Do Thái. Bà lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, chính thống, và ở nơi mà bà lớn lên, phụ nữ không bảo với những người đàn ông của mình rằng họ cần phải làm gì. Tôi đoán là bởi vì bà cảm thấy biết ơn rằng bà có một mái nhà trên đầu và rằng chồng bà đã tạo ra một cuộc sống đầy đủ cho mình.

Mẹ của Joe không đánh đập con cái, nhưng bởi vì bà không hề bảo vệ chúng khỏi sự hung bạo của chồng mình nên bà cũng trở thành một kẻ đồng lõa với sự ngược đãi của ông ta. Thay vì tiến lên bảo vệ con, bà tự mình trở thành một đứa trẻ sợ hãi, vô dụng và thụ động khi đối mặt với sự bạo lực của người chồng. Vì thế, mà bà đã bỏ rơi con trai mình.

Thêm vào việc cảm thấy bị cô lập và không được bảo vệ, Joe nhận ra mình chất đầy gánh nặng trách nhiệm:

Tôi nhớ có một lần khi tôi khoảng mười tuổi, và cha tôi đã đánh mẹ tôi một trận nhừ tử. Tôi thức dậy rất sớm vào buổi sáng ngày hôm sau và đợi trong bếp cho tới khi ông ấy xuống nhà với cái áo choàng tắm. Ông ấy hỏi tôi rằng tại sao tôi thức dậy sớm thế. Tôi rất sợ, nhưng rồi tôi nói, “Nếu như ông còn đánh mẹ tôi một lần nữa, tôi sẽ đập lại ông bằng cây gậy bóng chày.” Ông ấy chỉ nhìn tôi và phá lên cười. Rồi ông ấy lên lầu tắm rửa và đi làm.

Joe đã thực hiện một sự hoán đổi vai trò ngược đãi-trẻ em kinh điển ở đây, gánh lấy trách nhiệm bảo vệ người mẹ của mình như thể cậu là một vị phụ huynh và bà mới chính là đứa trẻ.

Bằng việc cho phép bản thân mình bị chôn vùi trong sự bất lực, bậc cha mẹ thụ động có thể dễ dàng chối bỏ sự đồng lõa yên lặng của mình trước sự ngược đãi này. Và bằng việc trở nên bảo bọc, hay bằng việc hợp lý hóa cho sự im lặng thụ động của cha hoặc mẹ mình, đứa trẻ bị ngược đãi có thể dễ dàng hơn trong việc chối bỏ sự thật rằng cả cha và mẹ đều đã khiến cho chúng thất vọng.

Trường hợp của Kate cũng giống như vậy:

Khi cha bắt đầu đánh đập chúng tôi, em gái và tôi luôn hét lên để cầu cứu mẹ. Nhưng bà không bao giờ xuất hiện. Bà chỉ ngồi ở dưới nhà và nghe chúng tôi gào lên gọi bà. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng bà sẽ không bao giờ tới cứu chúng tôi. Bà không bao giờ chống lại cha tôi cả. Tôi đoán là bà không giúp nổi chúng tôi.

Bất kể bao nhiêu lần tôi nghe thấy những câu nói kiểu như, “Tôi đoán là bà không thể giúp chúng tôi,” chúng vẫn khiến tôi cảm thấy thật khó chịu. Mẹ của Kate thực ra đã có thể cứu được con mình. Tôi bảo với Kate rằng việc bắt đầu nhìn ra vai trò thực tế của mẹ cô là một điều quan trọng. Mẹ cô đáng lý ra nên ngăn cha cô lại, hay, nếu như mà bà sợ ông ta, thì đáng lý ra bà phải gọi cảnh sát. Không có một cái cớ nào có thể biện minh được cho việc một người cha hay người mẹ chỉ đứng đó và cho phép đứa con của mình bị hành hạ cả.

Trong trường hợp của cả Kate và Joe, người cha là người ngược đãi chủ động và người mẹ là kẻ đồng lõa im lặng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng đó là kịch bản duy nhất trong các gia đình. Trong một số gia đình, người mẹ là người ngược đãi chủ động và người cha là người thụ động. Giới tính có thể thay đổi, nhưng hành động ngược đãi thì vẫn như cũ. Tôi có những khách hàng mà cả bố và mẹ đều là những người ngược đãi, nhưng sự kết hợp cha mẹ ngược đãi/thụ động lại phổ biến hơn nhiều.

Nhiều người con đã trưởng thành thường bênh vực người cha hoặc người mẹ thụ động của mình bởi vì họ nhìn nhận người cha hay người mẹ đó như một đồng-nạn nhân. Trong trường hợp của Joe, quan điểm này càng được tăng cường bởi vì cậu đóng vai trò đảo ngược mà tại đó cậu cảm thấy cần phải bảo vệ người mẹ thụ động của mình.

Đối với Terry, một đại diện tiếp thị 43 tuổi, tình hình còn phức tạp hơn nữa khi bậc cha mẹ thụ động trở thành nguồn an ủi cảm thông của anh. Terry, người luôn bị mẹ mình ngược đãi trong suốt tuổi thơ, đã luôn ngưỡng mộ người cha vô tích sự của mình.

Tôi là một đứa trẻ rất nhạy cảm, một đứa trẻ ham mê nghệ thuật và âm nhạc hơn là thể thao. Mẹ tôi luôn gọi tôi là đồ con gái. Bà luôn tức giận với tôi và sẽ đánh tôi với bất kỳ thứ gì bà có trong tay. Dường như tôi đã dành phần lớn tuổi thơ của mình chỉ để trốn trong góc tủ quần áo. Tôi không biết tại sao bà lại đánh tôi nhiều như thế, nhưng mọi việc tôi làm hình như đều khiến bà khó chịu. Tôi cảm thấy như thể bà đã xóa sổ toàn bộ tuổi thơ của tôi.

Tôi hỏi Terry rằng cha của anh làm gì trong lúc mẹ đánh đập anh.

Rất nhiều lần cha đã ôm tôi khi tôi khóc, và ông sẽ nói với tôi rằng ông xin lỗi về những cú đấm của mẹ tôi. Ông luôn nói rằng ông chẳng thể làm được gì trước điều đó, và rằng nếu như tôi cố gắng hơn, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn đối với tôi. Cha tôi thực sự là một người tốt. Ông ấy làm việc rất chăm chỉ để gia đình có được cuộc sống tốt. Ông đã cho tôi thứ tình yêu bền bỉ duy nhất khi tôi còn nhỏ.

Tôi hỏi Terry rằng liệu, kể từ khi anh trưởng thường, anh có bao giờ nói chuyện với cha mình về tuổi thơ của anh hay không.

Tôi đã thử một vài lần, nhưng ông ấy luôn nói “những chuyện đã qua hãy để cho nó qua đi.” Dù sao, làm ông ấy buồn thì có nghĩa lý gì đâu cơ chứ. Vấn đề của tôi là với mẹ của tôi, chứ không phải là với ông ấy.

Terry phủ nhận sự đồng lõa của cha mình bởi vì anh muốn bảo vệ những kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp duy nhất mà anh có – những khoảnh khắc yêu thương với cha anh. Từng bám víu vào sự dịu dàng của cha mình khi còn là một đứa trẻ sợ hãi, và giờ đây anh vẫn bám víu vào đó khi là một người lớn sợ hãi. Bằng việc hoán đổi một cái tủ quần áo tối om với một thực tại sai lầm, anh đã chẳng làm gì để đối mặt với sự thật.

Terry nhận thức được rằng sự ngược đãi của người mẹ đã làm hỏng cuộc đời anh nhưng lại không nhận ra sự oán giận mà anh dành cho cha mình. Suốt nhiều năm Terry phủ nhận rằng người cha đã làm anh thất vọng. Và để cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, cha của Terry đã dồn phần lớn trách nhiệm lên đầu Terry bằng việc gợi ý với Terry rằng nếu anh “cố gắng hơn,” thì anh có thể thoát khỏi những trận đòn.

 

Trích từ chương 6 cuốn sách CHA MẸ ĐỘC HẠI (Toxic parents) - Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn, tác giả Susan Forward, dịch bởi page TLHTP

menu
menu