Những khoái cảm của ngoại tình

nhung-khoai-cam-cua-ngoai-tinh

Sẽ thật khó để hiểu hết những hành vi của mình, nếu ta không dám đối diện với điều gì đã khiến những mối tình ngoài luồng trở nên mê hoặc đến thế.

Với những nỗi đau mà sự phản bội có thể mang lại, việc đi sâu khám phá sự cuốn hút của những mối quan hệ ngoài luồng đôi khi nghe thật tàn nhẫn – một điều mà thời đại Lãng Mạn của chúng ta thường nhìn bằng ánh mắt đầy xét nét. Nhưng sẽ thật khó để hiểu hết những hành vi của mình, nếu ta không dám đối diện với điều gì đã khiến những mối tình ngoài luồng trở nên mê hoặc đến thế. Ta không thể thực sự thấu hiểu các mối quan hệ nếu vẫn cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những khía cạnh thổn thức, hấp dẫn và rạo rực của việc “lạc bước”.

Ngoại tình – dù đi kèm bao hệ lụy, rối ren – vẫn có thể mang lại cho ta một cảm giác cấp thiết và sống còn, bởi một vài lý do sâu xa sau đây:

Thắp sáng những phần con người bị lãng quên

Một hiểm họa ngấm ngầm trong các mối quan hệ lâu dài là việc chúng bóp méo cái nhìn của ta về chính mình – biến ta thành những nhân vật quen mặt trong một vở kịch lặp đi lặp lại. Ở nhà, sau nhiều năm, ta trở thành “người hay sai bảo”, “kẻ trí thức”, “người tổ chức mọi thứ”, “kẻ lười biếng”, hay “người luôn lo chuyện tiền nong một cách ngớ ngẩn”… Những nhãn mác ấy không hoàn toàn sai – nhưng điều đáng buồn là chúng quá đỗi giới hạn.

Với người tình, ta có cơ hội bắt đầu lại câu chuyện đời mình. Dù có cảm thấy thế nào về họ, điều cuốn hút ta chính là cách họ khiến ta cảm thấy về bản thân. Ở cạnh họ, những khía cạnh từng bị chôn vùi trong mối quan hệ chính thức nay được dịp trở lại. Ta khám phá ra một phiên bản mình vô tư, nhẹ nhõm hơn – hoặc thấy mình mạnh mẽ, chủ động trong việc đưa ra quyết định. Ta không còn bị nhốt trong khuôn mẫu đã được đúc từ mười năm trước. Họ cho ta thấy – bằng một cách đầy bất ngờ và đầy nhẹ nhõm – rằng ta là người hài hước, điềm tĩnh hay sâu sắc… những phẩm chất mà người bạn đời xưa kia luôn gạt phăng bằng lời phán xét: “anh/em thật ra chỉ là như thế này thôi…”

Trong tình yêu lâu dài, ta trở thành tù nhân của ký ức. Không gì bị lãng quên: lần to tiếng ở Venice, lễ Giáng sinh năm ấy ta quên món quà, hay một mùa hè tiêu điều vì cú sa thải. Ta không muốn chối bỏ con người mình – chỉ mong được tha thứ thực sự, và đôi khi, điều đó đồng nghĩa với việc có ai đó chưa biết hết câu chuyện đời ta.

©Flickr/Jeffrey Zeldman

Sự tử tế

Một bi kịch lớn của tình yêu lâu năm là: nó khiến ta cắt đứt khỏi khát khao được tử tế. Ta mải miết đấu tranh cho những nhu cầu căn bản trong mối quan hệ – đến mức không còn cơ hội để sống trọn với bản tính dịu dàng, rộng lượng. Ta phải tranh thủ chút thời gian riêng tư. Phải nhắc đi nhắc lại rằng mình đã nhân nhượng quá nhiều. Phải “ra điều kiện” với việc ai làm việc nhà. Phải nhắc đối phương về lời hứa họ từng cam kết mà giờ đang phớt lờ. Phải lên tiếng mỗi khi bị xỉa xói bằng lời mỉa mai. Hầu hết thời gian, ta như đang đấu tranh để tồn tại.

Ta sinh ra oán giận. Khả năng yêu thương của ta bị kìm hãm bởi ký ức về sự lạnh nhạt của người kia. Ta muốn làm bữa sáng cho họ, muốn tặng một món quà bất ngờ, nhưng lại nhớ đến lần họ chế giễu ta trong bữa tiệc, hay lần họ chẳng buồn biết ơn khi ta giúp đỡ gia đình họ.

Trong mối tình ngoài luồng, ta được trút bỏ lớp phòng vệ đã mặc vào từ quá lâu. Điều tuyệt vời không chỉ nằm ở chỗ người ấy dịu dàng với ta – mà còn vì ta được dịu dàng với họ, đúng như cách ta từng mơ về tình yêu khi còn tuổi mới lớn. Họ chưa làm tổn thương ta (ít nhất là chưa), chưa cho ta lý do để đề phòng. Trong căn phòng khách sạn, ta được sống trọn vẹn với ước muốn thầm kín: được giúp đỡ ai đó, được lắng nghe, được rộng lượng, được chăm chút từng điều nhỏ nhặt để người kia thấy dễ chịu, được tinh tế, được tặng họ những cử chỉ đặc biệt, những lời khen ân cần.

Ta chợt nhận ra: sự keo kiệt trong cảm xúc nơi mình – thật ra – chỉ là phản ứng trước nỗi buồn.

Sự Giản Đơn Của Cuộc Chơi

Thông thường, ta luôn cố gắng quá nhiều điều cùng một lúc: vừa làm bạn đời, vừa làm bạn đồng hành nuôi con, vừa làm người quản lý gia đình, lại vừa là người tình, người bạn tâm giao. Không có gì lạ khi ta thường xuyên thất bại trong phần lớn những vai trò đó. Nhưng một cuộc tình vụng trộm lại khác – may mắn thay – nó đơn giản hơn rất nhiều. Ta không phải vừa giặt đồ vừa gắng gượng hiểu rõ quá khứ tình cảm của ai đó. Không phải vừa canh giờ con học bài, vừa cố gắng sắp đặt một kịch bản ái ân. Không phải bận tâm chuyện mẹ họ nói gì, hay gánh vác nội tâm chất chồng của họ. Ở đây, ta hiếm hoi có được cơ hội: chỉ làm một việc – nhưng làm thật tốt.

Niềm Tin Vào Con Người Được Hồi Sinh

Khi đã yêu nhau lâu, ta dần trở nên dè dặt trong việc hy vọng vào khả năng thay đổi của người khác. Ta biết rằng con người nhìn chung không dễ đổi thay. Ta học cách chấp nhận rằng hầu hết nỗ lực để thuyết phục người bạn đời đều sẽ thất bại. Ta hiểu được mình sẽ phải đối mặt với bao nhiêu sự cố chấp, bao nhiêu lần từ chối. Và ta cũng quen với việc vận may hiếm khi mỉm cười với mình.

Nhưng một cuộc tình lại là khoảnh khắc hiếm hoi phá vỡ lối mòn ấy. Bất chấp mọi thứ ta từng là – một con người khác, thuộc cùng giống loài, đã chọn trao cho ta cơ hội. Họ nhìn ta bằng ánh mắt mới – và lần này, họ không thấy ta thiếu sót. Họ chọn lướt qua những điều chưa hoàn hảo – và qua ánh nhìn sáng tạo, thuần khiết ấy, ta như được sinh ra lần nữa.

Ta khẽ lấy lại lòng tin vào cả dự án mang tên “con người”. Ta được tiếp thêm một làn sinh khí, lan tỏa đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Chỉ cần một người duy nhất – đặc biệt – cũng đủ để ta nhìn lại cả thế giới này với ánh mắt dịu dàng hơn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ta mỉm cười một cách bao dung, mở lòng trước cuộc đời.

Chấm Dứt Sự Xấu Hổ

Chúng ta lớn lên cùng với gánh nặng âm ỉ rằng, có rất nhiều phần trong con người mình – sâu thẳm và thật nhất – là điều không thể chấp nhận được. Tình dục thường trở thành điểm tụ của sự che đậy, của những điều bị kiểm duyệt. Người bạn đời không muốn biết đến những ước mơ thầm kín nhất của ta. Họ đảo mắt khi ta kể về một thoáng mơ mộng với người đồng nghiệp, hay một ánh nhìn ngắn ngủi trên chuyến tàu sáng. Ta thấm thía nhận ra rằng những ham muốn, những tưởng tượng của mình có thể khiến họ thấy ghê sợ – nhất là vào những ngày mệt mỏi vì con cái, vì nhà cửa. Nhưng trong vòng tay một người tình mới, những điều ấy bỗng trở thành biểu hiện của sự tin tưởng, của thân mật, chứ không còn là điều đáng xấu hổ. Họ đón nhận cả những phần “quá đà” trong ta như một phần tất yếu của mối liên kết sâu sắc. Họ cũng khao khát làm những điều mà người ngoài sẽ cau mày ghét bỏ. Chúng ta cùng nhau thầm thì một lời âm mưu chống lại sự phán xét. Ta làm những điều người ta gọi là “ghê tởm”, không phải vì thấp hèn, mà như một minh chứng cao cả cho sự chân thành và dấn thân.

Thế Giới Rộng Lớn Hơn Ta Nghĩ

Thế giới quanh ta, không biết tự lúc nào, đã trở nên cũ kỹ và dễ đoán. Ta thôi ngạc nhiên, thôi mơ ước. Ta tin rằng mình đã biết đủ, hiểu đủ. Thế nhưng người tình lại mở ra một cánh cửa khác – dẫn ta đến một thế giới giàu có và sống động hơn rất nhiều so với những gì ta từng dám hình dung. Cái mênh mông của vũ trụ bỗng hiển lộ qua những điều nhỏ nhặt nhất. Họ có cách nhìn khác hẳn về một căn bếp hay một phòng tắm. Họ đọc một tờ báo mà ta chưa từng nghe tên. Họ từng sống ở những nơi ta chưa bao giờ đặt chân đến – thậm chí chưa từng nghĩ đến. Cùng họ, ta bước vào những cửa tiệm xa lạ, xem những bộ phim lạ lẫm, nghe về những cuốn sách, những tư tưởng chưa từng ghé qua đời mình. Họ phết mứt lên bánh một cách rất riêng. Họ phát âm một từ với giọng điệu khiến ta ngẩn ngơ. Họ mang một đôi giày từ thương hiệu mà ta chưa từng biết tới. Và chính những điều đó – những điều khác biệt, độc đáo ấy – cho ta cơ hội để sống thử một đời sống khác, đầy mới mẻ và thú vị.

Khoái Cảm Của Sự Kín Đáo

Được người khác hiểu mình – đó dường như là ước vọng lớn lao nhất của con người. Nhưng bị hiểu sai – đó lại là một nhà tù. Câu nói “Tôi biết rõ anh” đôi khi không còn là lời yêu thương, mà là cách để áp đặt, để chiếm quyền định nghĩa con người ta. Người bạn đời lâu năm có thể quả quyết rằng họ biết rõ từng góc khuất trong tâm hồn ta – nhưng trên hành trình đó, họ cũng đã bỏ lỡ biết bao điều. Một cuộc tình vụng trộm, đôi khi chính là lời phản kháng ngấm ngầm với cái gọi là “hiểu lầm cố hữu” ấy. “Anh chẳng thực sự biết gì về em cả” – đó là lời ta ngầm nhắn gửi qua những lời nói dối, những câu chuyện lặng lẽ được bịa ra. Họ tin rằng họ nắm được mọi ý nghĩ trong đầu ta – nhưng thực ra, họ chẳng hề hay biết. Họ kể với bạn bè rằng ta là người thế này, thế kia – mà không hề hay rằng ta đang âm thầm lên kế hoạch gặp người tình ở Rome, hay nhắn những dòng đắm say trong một ứng dụng được cất giấu sâu trong điện thoại. Cuộc tình bí mật ấy, thực chất, là cuộc nổi loạn chống lại sự ràng buộc và những lối mòn trong việc bị “biết đến”.

Sự Trả Thù

Ta có thể không dám thừa nhận điều này, nhưng đâu đó trong sâu thẳm, vẫn có một phần ta đang tận hưởng cảm giác trả thù ngọt ngào. Họ từng nghĩ rằng sẽ chẳng có ai quan tâm đến ta. Họ tự tin cho rằng sẽ chẳng ai ngoái nhìn về phía ta. Họ xem sự hiện diện của ta là điều tất nhiên, hiển nhiên. Họ chẳng buồn lắng nghe ta nói hết câu. Họ phản bác ta không ngừng, ngay cả khi chỉ cần một cái gật đầu nhẹ nhàng cũng đủ khiến mọi thứ dễ chịu hơn. Nhưng nay, qua người tình của mình, ta tìm lại được công bằng – một phần bù đắp cho biết bao lần những điều mình trân quý bị chà đạp không thương tiếc.

Phần đông dư luận luôn cho rằng những cuộc ngoại tình là điều ghê tởm, đáng lên án. Nhưng nếu thực sự như vậy, làm sao chúng lại phổ biến đến thế? Có lẽ là vì vẫn còn một mặt khác của câu chuyện – một điều mà ta hiếm khi dám gọi tên. Chính khi ta dám soi chiếu những khoái cảm trong một cuộc tình vụng trộm, ta mới thực sự hiểu được: vì sao tình yêu lâu dài lại khó giữ đến vậy. Những cuộc tình ấy, tự thân chúng không chỉ là sự đắm say – mà còn là thước đo lặng lẽ cho biết bao lần ta làm tổn thương nhau, một cách vô thức, mù quáng và vụng về, suốt nhiều năm qua.

Nguồn: THE PLEASURES OF AFFAIRS | The School Of Life

menu
menu