Nỗi ám ảnh phải luôn đúng

Giữa kiêu hãnh và tự huyễn hoặc
Có những người lúc nào cũng phải đúng. Họ không chịu được cảm giác thua trong một cuộc tranh luận. Ngay cả khi lập luận của họ bị bằng chứng xác đáng phản bác, họ cũng không chấp nhận mình sai. Đôi khi, chỉ có lời nói sau cùng thôi là chưa đủ, nếu họ nghĩ rằng người kia chỉ ngừng tranh luận vì chán nản chứ không phải vì đã đồng tình. Khi ấy, họ sẵn sàng khơi lại chuyện vào một lúc khác.
Cũng giống như bao tính khí khác, nhu cầu “phải luôn đúng” trải dài trên một phổ rộng. Hầu hết chúng ta đều có chút ít tính đó, và hiếm ai thể hiện nó một cách tuyệt đối, lúc nào cũng đúng hoặc chẳng bao giờ cần phải đúng. Ngữ cảnh cũng đóng vai trò đáng kể. Camilla có thể sẵn sàng nhận lỗi trước cấp trên, nhưng lại không chịu làm điều đó với người yêu của mình.
Điều thú vị hơn là việc ai khiến ta cảm thấy cần phải đúng lại không hẳn liên quan đến thứ bậc xã hội hay những tính toán khôn ngoan kiểu muốn lấy lòng sếp. Có thể bạn tranh cãi quyết liệt với anh trai, nhưng lại dễ dàng nhường nhịn em gái hoặc ngược lại. Tại sao một người lại khiến ta phải “thắng bằng được” trong khi người khác thì không? Đó là một câu hỏi thú vị.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có mức độ cố chấp này giống nhau, và có người mang trong mình nó quá đỗi. Ở đây, tôi muốn bàn về nguồn gốc và hệ quả của tính cách ấy. Tôi cho rằng trong nó có điều gì đó rất vô lý. Trước hết, ta hãy xem người luôn cần phải đúng thường nghĩ gì.
Những điều ta tự nói với mình
Lý do phổ biến nhất mà ta tự biện hộ cho cách cư xử của mình là: vì ta đúng. Nếu ta tin rằng mình đúng, thì còn nói gì nữa? Chẳng lẽ lại nói mình sai? Sao ta phải làm thế?
Chắc chắn, trong lập luận này cũng có phần đúng. Ta không nên nhượng bộ trước điều sai trái. Nhưng ngay cả điều đó cũng cần được xem xét lại. Có lúc, dù ta tin chắc mình đúng, việc buông bỏ cuộc tranh luận lại là điều nên làm. Giả sử mẹ bạn vô tình nói điều gì đó trái ngược với bạn. Nếu bạn biết rằng mẹ đã trải qua một ngày dài mệt mỏi và không còn tâm trí để tranh luận, thì việc ép mẹ phải bảo vệ quan điểm hoặc thừa nhận bạn đúng sẽ là một sự vô lễ.
Quan trọng hơn, nếu chỉ là một lần, bạn có thể tự tin rằng mình cương quyết giữ lập trường vì mình đúng. Nhưng nếu điều đó trở thành một thói quen, lúc nào bạn cũng là người cho rằng mình đúng, thì hẳn phải có một điều gì khác ẩn sau. Vì nói cho cùng, chẳng lẽ chỉ có mỗi bạn là không bao giờ sai? Vậy thì lý do thật sự là gì?
Image: Sammy-Williams/Pixabay
Lợi ích cá nhân mạnh mẽ
Trong một số trường hợp, người ta có lý do rất rõ ràng để khăng khăng rằng mình đúng, dù bằng chứng chống lại rất rõ ràng. Ví dụ điển hình là các bác sĩ, họ thường không thừa nhận sai sót. Dù được đào tạo để đối diện với lỗi lầm, họ hiếm khi làm điều đó.
Động cơ cũng không khó hiểu. Như Allan Detsky và các cộng sự viết trong bài “Thừa Nhận Sai Lầm: Đạo Đức Gật Đầu, Bản Năng Lắc Đầu”, việc thừa nhận sai lầm đối với bác sĩ là điều đáng xấu hổ, có thể dẫn đến đánh giá tiêu cực, bị khiển trách hoặc thậm chí mất việc. Tôi sẽ không bàn sâu hơn về trường hợp này, vì một bác sĩ cố gắng phủ nhận sai sót của mình có thể đang hành xử theo lý trí, dù không phải lúc nào cũng có đạo đức, nên trường hợp này không mang lại điều gì quá khó hiểu.
(Mặc dù vậy, ta vẫn có thể tự hỏi: những bác sĩ sai lầm ấy sẽ tự nói gì với chính mình? Họ có cố thuyết phục bản thân rằng mình thật ra không sai, chỉ để giữ nguyên hình ảnh về bản thân như một con người tốt, chứ không chỉ là kẻ hành xử theo lợi ích cá nhân? Tôi xin nhường câu hỏi này lại cho trí tưởng tượng của người đọc.) Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy trong những trường hợp khác, và đó chính là điều tôi muốn cùng bạn suy ngẫm tiếp theo.
Điều ta không dám thú nhận với chính mình
Tôi muốn gợi mở một điều: phía sau nhu cầu phải luôn đúng thường là một dạng kiêu hãnh lạc hướng. Henry James, khi miêu tả nhân vật Isabel Archer, đã viết:
Nàng có một ý niệm chung rằng người ta đúng khi đối xử với nàng như thể nàng vượt trội. Dù nàng có thực sự vượt trội hay không, thì nếu ai đó ngưỡng mộ nàng vì nghĩ như vậy, họ cũng không sai… Có thể khẳng định ngay rằng Isabel rất dễ sa vào tội tự mãn; nàng thường tự mãn ngắm nhìn thế giới nội tâm của mình; nàng có thói quen cho rằng mình đúng chỉ dựa trên những bằng chứng hời hợt; và nhiều khi, một cách bốc đồng, nàng tự thấy mình thật đáng ngưỡng mộ.
Một người có thói quen ngưỡng mộ bản thân một cách bốc đồng, và đi đến kết luận rằng mình đúng dù bằng chứng còn rất mỏng manh, chính là người dễ rơi vào chiếc bẫy phải luôn luôn đúng.
Dĩ nhiên, việc mong muốn nghĩ tốt về chính mình – và mong người khác cũng nghĩ như vậy – là điều tự nhiên. Một chút khát khao vượt trội có thể là động lực tích cực nếu nó dẫn đến nỗ lực vươn tới sự xuất sắc.
Vấn đề chỉ nảy sinh khi khao khát được đúng ấy không còn dựa trên sự hiểu biết hay thành tựu thật sự.
Tôi đã nói rằng, việc từ chối thừa nhận mình từng sai là điều thiếu lý trí – và giờ là lúc giải thích điều đó.
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ người luôn cần phải đúng xem lỗi lầm hay việc thua một cuộc tranh luận là sự tổn thương cái tôi, là đe dọa vị trí của mình trong một hệ thống tưởng tượng về đẳng cấp. Dù đúng là như vậy thì đó cũng đã là một sai lệch, nhất là khi chủ đề tranh cãi chẳng hề quan trọng. Nhưng điều đáng bàn hơn nữa là: chúng ta không thể thực sự bảo vệ lòng kiêu hãnh của mình chỉ bằng cách từ chối thừa nhận mình đã bị tổn thương.
Ta không thể khiến người khác xem mình là người đúng chỉ vì ta khăng khăng như vậy. Những gì họ nhìn thấy sẽ không phải là người có lý lẽ vững chắc, mà là một con người cố chấp đến mức chẳng bao giờ nhận sai.
Mà đó đâu phải là điều ta mong đợi. Có gì đáng tự hào trong việc trở thành người không biết thua? Ta có thể cố gắng giữ vững hình ảnh cao quý của bản thân bằng cách phớt lờ ánh mắt của người khác, nhưng cái giá phải trả là lòng tự trọng bị tách rời hoàn toàn khỏi cái nhìn của thế giới.
Chính vì vậy mà từ chối thừa nhận lỗi lầm là điều phi lý: ta có thể đang tự phá hoại mong muốn được người khác đánh giá tích cực.
Quan trọng hơn, người khác sẽ không nghĩ rằng ta luôn đúng, mà sẽ nghĩ rằng ta muốn tỏ ra đúng ngay cả khi không phải thế. Và điều đó vừa gây khó chịu, vừa khiến ta trở nên sai trái trong mắt họ. Nếu họ nghĩ ta luôn đúng, thì có lẽ điều đó còn chấp nhận được với những ai thà được nể phục còn hơn được yêu mến. Nhưng nếu họ nghĩ ta vừa sai vừa khó chịu, thì ta đã đánh mất cả hai.
Trước khi kết thúc, tôi muốn chia sẻ một điều cuối. Kiêu hãnh là một thứ rất kỳ khôi – có người, sau khi thừa nhận sai lầm, lại trở nên kiêu hãnh hơn để “bù lại”. Có thể điều đó đúng với chính nhân vật Isabel của Henry James. Ông viết:
Thỉnh thoảng, nàng phát hiện mình đã sai, và khi đó, nàng tự cho phép mình một tuần lễ của sự khiêm nhường đầy đam mê. Rồi sau đó, nàng ngẩng cao đầu hơn bao giờ hết.
Nhưng chuyện ấy cũng chẳng đáng lo. Bởi chúng ta không cần và cũng không nên xóa bỏ lòng kiêu hãnh. Điều quan trọng là đừng để hình ảnh về bản thân trở nên xa rời cái nhìn của mọi người xung quanh.
Đằng sau vẻ ngoài bất khả chiến bại của người luôn muốn đúng là một tâm hồn mong manh. Con đường đó rồi sẽ dẫn họ đến cô đơn, một nơi mà không ai còn thấy họ như chính họ vẫn thấy về mình. Một sân khấu nơi họ nhận được tràng pháo tay rền vang… nhưng chỉ bởi chính họ đang là người vỗ tay.
Trong những trường hợp cực đoan như chứng ái kỷ thì kết cục ấy chẳng khác nào một ảo tưởng hoang đường.
Tác giả: Iskra Fileva Ph.D.
Nguồn: The Need to Be Always Right | Psychology Today