Nỗi đau của những đứa trẻ có bố mẹ ái kỷ và kiểm soát: ảnh hưởng của xu hướng ái kỷ lên tâm lý con cái
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng số lượng người có xu hướng ái kỷ đã tăng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dựa trên nghiên cứu từ Tạp chí Tâm lý và Trị liệu tâm lý quốc tế (International Journal of Psychology and Psychological Therapy) được thực hiện trên hơn 400 người trẻ mang chứng lo âu và trầm cảm ở tuổi vị thành niên, và mối liên hệ trực tiếp của nó với người bố/mẹ có xu hướng ái kỷ (xu hướng tính cách tự ái, tự yêu bản thân quá mức thậm chí là ích kỷ) (Dentale và các đồng sự, 2015 *xem ở reference)
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng số lượng người có xu hướng ái kỷ đã tăng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở một nghiên cứu từ Brown (2017) thực hiện việc so sánh những đứa trẻ sinh trong năm 2000s với thế hệ ông bà của họ, cho thấy rằng “thế hệ thiên niên kỷ” (tiếng Anh: Millennials/ Generation Y, viết tắt: Gen Y ;những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) có xu hướng ái kỷ hơn so với thế hệ trước đó.
Tuy nhiên, ở một mặt khác của cuộc sống, vì nhu cầu thăng tiến trong cuộc sống mà nhiều người bị đánh giá là mang xu hướng ích kỷ và tự ưu ái bản thân quá mức và không thể hiện sự đồng cảm hoặc sự vị tha (White, Szabo, & Tiliopoulos, 2018). Hoặc thậm chí những hành vi mang xu hướng này còn được xem là tự nhiên ở một vài mức độ trong cuộc sống.
NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT TRƯỚC KHI VÀO BÀI VIẾT
- Xu hướng và đặc điểm rối loạn tâm lý ở bố mẹ có thể ảnh hưởng đến sự dễ tổn thương trong tâm lý của một đứa trẻ.
- Cách nuôi dạy thiếu đi sự ấm áp và tình cảm từ bố mẹ có thể gây nên trầm cảm và lo âu ở trẻ em.
- Bài viết giúp bạn lý giải 1 khía cạnh nào đó của tâm lý người khác, nhằm trả lời những câu hỏi về cảm xúc của những người con, cũng như nhìn thấy vấn đề trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. BÀI VIẾT KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH ĐÁNH GIÁ BẤT KÌ AI HAY KHIẾN AI PHẢI CĂM GHÉT BỐ MẸ MÌNH. Phải hiểu thì mới có thể thứ tha.
- Nhận diện được sự KHÁC BIỆT của RỐI LOẠN TÍNH CÁCH ÁI KỶ và XU HƯỚNG ÁI KỶ. Một người KHÔNG được chẩn đoán là mắc “rối loạn nhân cách ái kỷ” (một rối loạn trong tâm bệnh học) VẪN CÓ THỂ MANG XU HƯỚNG và đặc tính ái kỷ.
Theo ICD-10 (Một “bách khoa toàn thư” bao gồm các rối loạn tinh thần và hành vi trong tâm thần học được nhận định gía trị và sử dụng trong chẩn đoán tâm lý bên cạnh DSM-5) thì một người sẽ được chẩn đoán là mang “Rối loạn tâm lý ái kỷ” phải có ÍT NHẤT 5 ĐẶC ĐIỂM trong các dấu hiệu này: (1) mang ý thức về tầm quan trọng của bản thân cực mạnh mẽ; (2) luôn bận tâm với hàng loạt các tưởng tượng vô giới hạn về vấn đề thành công; quyền lực; và vẻ đẹp; (3) mang niềm tin mạnh mẽ rằng họ là một cá thể cực kỳ đặc biệt và có 1-0-2; (4) yêu cầu và mong muốn được ngưỡng mộ quá mức từ bên ngoài; (5) ý thức rất mạnh mẽ về quyền lợi mà cá nhân họ phải có được; (6) thực hiện các hành vi và ý nghĩ muốn lợi dụng hoàn cảnh hoặc một người nào đó, đối xử không công bằng với người khác để đạt được lợi ích cho bản thân; (7) thiếu sự đồng cảm với người khác; (8) thường có cảm giác ghen tị, đố kỵ với người khác và nghĩ rằng người khác cũng đang tị nạnh, đố kỵ với họ; (9) có hành vi và thái độ kiêu căng, ngạo mạn.
Nếu một phụ huynh không có đầy đủ những dấu hiệu được nhà trị liệu chẩn đoán là mang rối loạn nhân cách, họ vẫn có những đặc điểm tính cách mang xu hướng ích kỷ và coi trọng bản thân quá mức vì họ là một con người bị tổn thương và mang những vết thương chưa được họ nhìn thấu và chữa lành.
Từ đó, họ truyền tải và dạy dỗ con cái theo cách thao túng cảm xúc, đổ lỗi cho đứa , thiếu đi sự đồng cảm và thấu hiểu cho con cái cũng như bỏ mặc đứa trẻ đó và thể hiện sự tự mãn để che giấu lòng tự trọng thấp của chính họ (Määttä & Úuiautti, 2018).
CÁC HÀNH VI THƯỜNG ĐƯỢC BỐ/MẸ ÁI KỶ THỰC HIỆN VỚI CON CÁI
Thông thường, bố mẹ có xu hướng tính cách ái kỷ sẽ cảm nhận cảm giác của sự nguy hiểm và đáng sợ khi con cái họ xuất hiện khuynh hướng độc lập và có các ý nghĩ, quyết định khiến họ nghĩ rằng chúng không còn ở trong tầm kiểm soát của họ.
Họ ép buộc và kiểm soát để con cái phải tồn tại dưới cái bóng của họ và làm theo những kỳ vọng vô lí từ họ.
Trong mối quan hệ phụ huynh với xu hướng này, đứa trẻ sẽ hiếm khi được yêu thương nếu như chúng là chính bản thân mình (ngược lại, chúng sẽ được yêu thương và quan tâm nếu làm theo lời bố mẹ muốn - một tình yêu có điều kiện!). Nhiều nghiên cứu (bên dưới references) cho thấy sự ảnh hưởng của xu hướng dạy dỗ con cái này có ảnh hưởng cực lớn lên con trẻ, họ thậm chí kì vọng rằng đứa trẻ sẽ khiến bản thân họ tự hào.
Họ có xu hướng phủ nhận mong muốn và nhu cầu của con cái kể cả khi đứa trẻ đã trưởng thành và mang ý thức độc lập về bản thân mình. Thậm chí những bố mẹ này còn xem sự tồn tại của con cái như một cách phục vụ nhu cầu và ý đồ sống của họ. Và những cách thể hiện này không thể chẩn đoán rằng họ mắc rối loạn nhân cách bệnh lý hay không, chỉ có nhà trị liệu mới có khả năng làm điều đó!
Những dấu hiệu dưới đây được thảo luận bởi M.S.B.A. Preston trên psychologytoday và các nghiên cứu được nhắc đến bởi Francesco và các đồng sự (2015):
- Một số phụ huynh muốn con cái họ trở nên thành công, tuy nhiên, mong muốn đó lại không dựa trên quyền lợi và nhu cầu của đứa trẻ, mà để giúp người bố/mẹ đó lấp đầy nhu cầu ích kỷ và ước mơ của riêng họ. Thay vì nuôi dưỡng đứa trẻ trở thành một người lớn với những cảm xúc, giấc mơ và mục tiêu riêng, họ nuôi dạy đứa trẻ trở thành một phần trong mục đích sống của họ và tính độc lập của cá nhân đứa trẻ sẽ không được mạnh mẽ. Theo công bố từ Espasa (2004) đề xuất rằng nhiều phụ huynh ái kỷ có xu hướng chối bỏ mong muốn của con cái mình cũng như sử dụng chúng như một đạo cụ, một vai trò bổ sung cho mong muốn của họ.
Ví dụ như: một người mẹ yêu thích con gái mình PHẢI mặc những bộ quần áo công chúa, tiểu thư, thể hiện sự nữ tính cho dù đứa bé mong muốn được như một tomboy. Và việc nhận được những lời khen từ người khác lên ngoại hình của đứa bé khiến bà cảm thấy như giá trị bản thân được nâng lên theo.
Nhà nghiên cứu Rappoport (2005) cho ra một thuật ngữ về vấn đề giữa con cái và bố mẹ ái kỷ này là mối quan “đồng ái kỷ” (hay ái kỷ phụ thuộc: đứa trẻ sẽ tự biến mình thành một người mà chúng không hề mong muốn để có thể giữ mối quan hệ tốt với bố/mẹ chúng).
Tư tưởng này tập trung vào những phụ huynh có xu hướng cứng nhắc, cảm thấy nhạy cảm với việc bị xúc phạm, đổ lỗi, lòng tự trọng thấp và không đồng cảm cũng như luôn cố kiểm soát người khác để phòng thủ cho bản thân. Thì đứa trẻ của họ sẽ có xu hướng làm hài lòng họ, chúng trì hoãn và che giấu quan điểm cũng như mong muốn riêng của bản thân. Nếu chúng không làm theo lời hay không hành động theo ý họ một cách quyết đoán, chúng dễ dàng bị chỉ trích rằng bản thân ích kỷ, từ đó dễ dẫn đến việc phát triển các dấu hiệu của trầm cảm hoặc lo âu.
Báo cáo của Horne (1998) có vẻ như hỗ trợ cho kết quả của Rappoport khi tìm ra rằng: “lòng tự ái hay mức độ ái kỷ của bố/mẹ có mối tương quan tiêu cực đến lòng tự trọng ở con cái (có lẽ như sự ái kỷ ở bố mẹ tỉ lệ thuận với mức độ lòng tự trọng thấp của đứa trẻ). Theo đó, con cái của những bậc phụ huynh này có xu hướng làm hài lòng bố mẹ để tránh xảy ra mâu thuẫn và duy trì mối quan hệ với bố mẹ.
- Họ có thể xuất hiện những suy nghĩ và mong muốn và ý thức “ảo tưởng” về bản thân, họ xem mình như một cá thể cực kỳ đặc biệt và tốt hơn nhiều người khác. Vì thế, những bố mẹ này dễ có xu hướng xem những người và những sự việc xung quanh như một công cụ hay vật dụng để phục vụ cho bản thân họ, thay vì đối xử với người khác thật lòng như một con người đúng nghĩa.
Do đó, trong khi những đứa trẻ khác được dạy rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng và có cảm xúc giống nhau”, họ sẽ dạy con cái họ theo cách ngược lại rằng “chúng ta tốt hơn những người khác”. Những cảm giác tự cao này từ họ dường như được đánh giá dựa trên những vấn đề bên ngoài như vật chất, địa vị,.. những thứ khiến họ trở nên “thượng cấp” hơn thậm chí là ít giống người bình thường hơn.
Những gì mà một người mẹ ái kỷ thể hiện ở thế giới bên ngoài và ở nhà cực kì khác biệt.
Thậm chí họ rất coi trọng hình ảnh bên ngoài của mình, họ có đam mê mãnh liệt với việc bày ra cho thế giới biết rằng họ “đặc biệt” như thế nào.
Họ tận hưởng cảm giác được công khai những gì đánh bóng đc sự vượt trội của bản thân như vật chất, ngoại hình, các thành tựu thành tích trong cuộc sống, xuất thân, tư cách thành viên trong “một nhóm cao cấp” nào đó hoặc với danh hiệu là vợ của ai, con họ làm được gì.
Họ tìm kiếm sự tâng bốc từ người khác để nâng cao cái tôi của bản thân. Đối với nhiều bố mẹ mang xu hướng ái kỷ, mạng lưới các mối quan hệ xã hội là một xứ xở thần tiên nơi họ có thể lan truyền về cuộc sống đáng ghanh tị của họ, cũng như cảm giác hứng thú như muốn nói rằng :” nhìn tôi đi, xem thử tôi có cái mà mấy người không có nè!”
- Họ có thể sử dụng những câu nói và hành vi thao túng con cái . Một cách phổ biến được sử dụng xuyên suốt thông qua các hình thức thao túng là việc “yêu thương của họ sẽ được trao tặng lên con cái như một phần thưởng có điều kiện” chứ không phải là biểu hiện tình yêu đơn thuần và vô điều kiện.
Hoặc như, họ sẽ không bày tỏ tình yêu và sự quan tâm đến đứa trẻ, như một sự trừng phạt và đe doạ nếu chúng không thực hiện theo “điều kiện” để nhận được “phần thưởng” từ họ.
Những câu nói có thể được họ sử dụng như:
- Khiến đứa trẻ mang cảm giác tội lỗi (Guilt trip): “bố/mẹ yêu thương con đến thế nhưng con lại tỏ ra cái vẻ không biết ơn như vậy!”
- Chỉ trích, chửi mắng (Blaming): “Đó là lỗi của con và nó khiến bố/mẹ không vui tí nào!”
- Khiến đứa trẻ cảm thấy nhục nhã, tủi hổ (Shame): “Những việc mà con đã làm mang lại sự xấu hổ và nhục nhã cho gia đình này!”
- So sánh tiêu cực (negative comparison) : “Nhìn xem anh/chị cua con kìa, tại sao con không thể giống như anh/chị/em của mình?”
- Tạo ra những áp lực không hợp lý và thái quá lên con cái: “con sẽ phải làm thật tốt để làm bố/mẹ tự hào!”
- Thao túng bằng cách đưa ra phần thưởng và hình phạt (Manipulative reward and punishment): “Nếu con không làm theo điều ta muốn, ta sẽ không hỗ trợ (hoặc từ mặt) con.”
- kiểm soát hoặc cưỡng chế cảm xúc của con cái (Emotional coericon): “Con không phải là một đứa trẻ tốt của bố/mẹ nếu con không làm theo những mong muốn của ta.”
Theo công bố của Parker (1979) thì những mô hình nuôi dạy con cái kèm Theo sự kiểm soát và thiếu đi tình cảm bằng việc ít quan tâm đến con cái hoặc bảo vệ quá mức, là một nguy cơ khiến đứa trẻ mắc các vấn đề tâm lý.
Một nghiên cứu của Gilbert, Allan và Goss (1996) dựa trên việc đánh giá các phong cách nuôi dạy của bố mẹ Theo kiểu hạ thấp, lăng mạ và làm bẽ mặt đứa trẻ, cũng như thiên vị một anh chị em khác trong gia đình có thể làm tổn thương đến các đứa trẻ. Bố mẹ mang xu hướng ái kỷ có thể chuyển giao lòng tự ái và sự cạnh tranh của họ sang những đứa trẻ trong gia đình qua cách họ tạo ra sự cạnh tranh trong các anh chị em, như việc thiên vị một đứa trẻ này hay bỏ qua một đứa khác, từ đó bỏ qua nhu cần tự nhiên của đứa trẻ là được chấp nhận bởi bố mẹ chúng.
- Những bậc cha mẹ mang xu hướng ái kỷ thường rất cứng nhắc và thể hiện sự nhạy cảm cũng như tỏ thái độ quá mức lên các hành vi mà họ mong đợi ở con cái họ.
Ví dụ như họ điều chỉnh con cái họ trong từng hành vi nhỏ nhất và dễ dàng trở nên khó chịu khi đứa trẻ làm gì đó trật ra khỏi mong muốn của họ. Một số họ dường như dễ kích động, và cũng dễ xúc động.
Có nhiều lý do khác nhau để họ dễ dàng bực bội với con cái, có thể từ sự thiếu cẩn thận và thiếu sự chú ý, không nghe lời của đứa trẻ; cho đến việc họ nhận ra lỗi lầm và khuyết điểm trước đó của đứa trẻ hay đứa trẻ bày tỏ về sự có mặt của bố mẹ không đúng lúc mà họ muốn,..
Một ví dụ đơn giản như họ có thể gắt gỏng như việc đứa trẻ đặt sai hướng của đồ vật lên quầy tính tiền trong siêu thị, và nói rằng :”bố/mẹ đã nói là ta ghét việc con để đồ như vậy rồi mà sao vẫn tiếp tục làm như thế!”.
Nguyên nhân bố mẹ có vấn đề này xuất phát từ ước muốn điều khiển con cái của họ. Họ bực bội khi nhìn thấy rằng đứa trẻ không phải lúc nào cũng làm đúng hoàn toàn theo ý của họ.
- Họ thiếu đi sự đồng cảm với con cái và tỏ thái độ phụ thuộc/mong muốn được đồng phụ thuộc giữa họ và đứa trẻ.
Một trong những biểu hiện thường thấy ở bố mẹ mang xu hướng này chính là họ không để tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của chính đứa trẻ, đồng thời không công nhận những cảm xúc của đứa trẻ là chân thực và quan trọng. Đối với họ, những gì họ nghĩ và cảm nhận mới là điều quan trọng nhất.
Và điều gì đến cũng sẽ đến, những đứa trẻ lớn lên sẽ học được những cách tự vệ khác nhau: chúng sẽ đứng lên và muốn chống lại họ để bảo vệ và được làm chính mình; chúng có thể rời khỏi bố mẹ hoặc tạo ra một khoảng cách nhất định với họ; hoặc như, một số đứa trẻ khác bắt đầu học cách đóng băng cảm xúc và thực sự dùng một nhân cách giả dối (không phải con người thực sự của họ) để sống, từ đó tự thích ứng bản thân trở thành một người có xu hướng ái kỷ giống cách họ từng được dạy dỗ (Horton và các đồng sự, 2006).
Bên cạnh đó, họ có mong muốn rằng con cái phải có trách nhiệm phải quan tâm và chăm sóc họ suốt cuộc đời (tất nhiên đây là một trách nhiệm thể hiện sự hiếu thảo cần có ở một vài nền văn hoá, nhưng ở phương Tây và nghiên cứu này thì nó được liệt kê vào mong muốn ái kỷ. Và đương nhiên không có gì sai trái khi ta thực hiện mong muốn chăm sóc và yêu thương bố mẹ suốt đời, tuy nhiên theo sự ích kỷ của một số người, họ bắt con cái phải hi sinh và đánh đổi để thực hiện những lý tưởng không có thực của họ). Vì họ thể hiện sự phụ thuộc mọi thứ vào con cái như cảm xúc, sức khoẻ thân thể và kinh tế.
Đôi khi, có những người mẹ liên tục nói với con cái rằng: “họ không thể sống thiếu con cái”, rằng mục đích duy nhất họ sống trên đời này chính là được “gắn liền” với cuộc đời của đứa con.
Theo định nghĩa của giáo sư tâm lý học Shawn Burn về mối quan hệ phụ thuộc: là nơi mà một người hỗ trợ hoặc kích hoạt sự yếu kém của người kia, cho phép người kia thực hiện và sống theo cách thiếu trưởng thành, nghiệ.n ngậ.p, trì hoãn hay thực hiện các hành vi ảnh hưởng lên sức khoẻ thể chất hoặc tình thần.” Một điều mà mình thấy ở nhiều người trẻ Việt Nam đó là: bố mẹ họ không thích người vợ/chồng của con mình, đến mức từ mặt người con hoặc yêu cầu người con phải chọn giữa mình và người mình yêu. Từ đó có người phải từ bỏ người mình yêu, và rời xa cả bố mẹ, vì họ không thể sống với cảm giác đau khổ và tội lỗi khi phải chọn một trong hai.
Nhiều bố mẹ ái kỷ còn có xu hướng ghen tị với đối tượng hẹn hò của con cái mình. Họ xem người đó như một mục tiêu mang đến nỗi sợ vô hình và đe dọa đến họ. Họ thậm chí đáp trả nỗi sợ này bằng cách từ chối người bạn đời của con, chỉ trích và cạnh tranh với người kia. Vì trong mắt họ, con cái của họ là người tốt nhất và không ai đủ tốt để xứng đáng với con họ, và không ai có thể thách thức và tước đi khả năng kiểm soát con cái của họ.
NGUYÊN NHÂN
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng sang chấn truyền đời này ảnh hưởng bởi cách cha mẹ nuôi dạy và truyền tải thông tin về cuộc sống cho con cái, hoặc thông qua hành vi và cách sống của họ hơn là bằng di truyền học
Dựa theo Hướng dẫn chẩn đoán Tâm động học (Psychodynamic Diagnostic Manual), bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân xuất hiện những nỗi đau của họ. Một số người thường tỏ ra hống hách, bất cần và coi bản thân mình là nhất, bằng một cách nào đó trong quá khứ, có lẽ họ đã từng trải qua những cảm giác được tâng bốc quá mức hoặc bị chà đạp, coi thường cảm xúc từ gia đình hoặc những người thân thiết. Hoặc là, chính bản thân họ vì thiếu tình thương từ lúc nhỏ nên tiềm thức của họ kích hoạt những suy nghĩ phải yêu bản thân và không cần những người khác (mà chính họ cũng không nhận ra).
Tài liệu tham khảo
https://www.who.int/classifications/icd/en/GRNBOOK.pdf
Brown, J. (2017). Millennials are the most narcissistic generation ever. Retrieved from: https://www.indy100.com/article/millennialnarcissistic-gen-y-narcissism-scalestudy-7588141 Brown, N. W. (1998). The destructive narcissistic pattern. Westport, CT: Greenwood Publishing.
Brummelman , E. et al. “Origins of Narcissism in Children”. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America. (2015)
Horton, Robert S., Bleau, Geoff, Drwecki, Brian. “Parenting Narcissus: What Are the Links Between Parenting and Narcissism?” Journal of Personality. (2006)
Horton, R. S., & Tritch, T. “Clarifying the Links Between Grandiose Narcissism and Parenting”. The Journal Of Psychology: Interdisciplinary And Applied. (2014)
Otway, Lorna J., Vignoles, Vivian L. “Narcissism and Childhood Recollections: A Quantitative Test of Psychoanalytic Predictions”. Personality and Social Psychology Bulletin. (2015)
Dentale, Francesco; Verrastro, Valeria; Petruccelli, Irene; Diotaiuti, Pierluigi; Petruccelli, Filippo; Cappelli, Luigi; San Martini, Pietro Relationship between Parental Narcissism and Children’s Mental Vulnerability: Mediation Role of Rearing Style International Journal of Psychology and Psychological Therapy, vol. 15, núm. 3, octubre, 2015, pp. 337-347) .
Parent and Child Traits Associated with Overparenting
Chris Segrin, Alesia Woszidlo, Michelle Givertz and Neil Montgomery
Published Online:May 2013https://doi.org/10.1521/jscp.2013.32.6.569
https://www.psychologytoday.com/us/blog/communication-success/201602/10-signs-narcissistic-parent
Photo from: The Minds Journal on pinterest
NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG
FACEBOOK PAGE: PSYCHOLOGICAL FACTS - TÂM LÝ HỌC VIỆT NAM
Mời bạn tìm đọc thêm cuốn sách LIỆU TÔI CÓ BAO GIỜ ĐỦ TỐT? PHƯƠNG THỨC CHỮA LÀNH CHO NHỮNG CÔ CON GÁI CỦA NGƯỜI MẸ ÁI KỶ
Nội dung của cuốn sách tập trung mô tả về một trong những hiện tượng tâm lý không hiếm gặp trong xã hội của chúng ta, chứng ái kỷ ở người mẹ. Đây là một cuốn sách để chữa lành tất cả những di chứng tệ hại của mối quan hệ với người mẹ ái kỷ, người mẹ luôn khiến con cái mình cảm thấy không bao giờ đủ tốt để được sống và hạnh phúc.