Dấu ấn của tình yêu đích thực: sự đơn giản

dau-an-cua-tinh-yeu-dich-thuc-su-don-gian

Con người chúng ta luôn bị mê hoặc bởi những điều phức tạp.

Con người chúng ta luôn bị mê hoặc bởi những điều phức tạp. Từ khoa học thần kinh, vật lý thiên văn đến sinh học phân tử. Cả những cuốn sách khó hiểu, những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng hay những vở kịch tiên phong không có cốt truyện hay nhân vật – tất cả dường như đều khơi gợi những bí ẩn nguyên sơ của vũ trụ và sự tồn tại khó nắm bắt của chính chúng ta.

Thế nhưng, sự tôn sùng phức tạp này có thể đạt đến đỉnh điểm đau đớn, mất thời gian và đôi khi vô nghĩa trong một khía cạnh đặc biệt của cuộc sống: các mối quan hệ. Đây chính là nơi mà những con người thông thái, lý trí nhất có thể kiên nhẫn đến mức phi thường – thậm chí kéo dài qua nhiều năm đầy giằng xé – để níu giữ những điều mà ta gọi là “những mối quan hệ phức tạp.”

Những rắc rối ấy có thể xuất phát từ những tình huống như sau:

— Một người bạn đời mà ta yêu quý, người hứa hẹn sẽ cam kết với ta… nhưng chưa phải bây giờ. Có lẽ vì họ cần thêm thời gian, hoặc vì họ mang trong mình những nỗi sợ tâm lý. Có thể họ nói rằng họ cần không gian, sự tự do, hay muốn “khám phá” một điều gì đó – mà điều đó là gì thì ta mãi vẫn chưa thể hiểu, dù đã hỏi họ không biết bao nhiêu lần.

— Một người mà mỗi lời nói, cử chỉ bên họ đều như một mê cung rối rắm. Những từ ngữ tưởng chừng đơn giản bỗng trở nên khó hiểu; những hành động ta nghĩ là vô hại lại bất ngờ gây nên tranh cãi. Ta thường xuyên phải giải mã ý nghĩa thực sự đằng sau mọi thứ.

— Một người yêu thương ta trên lý thuyết, luôn nói rằng họ rất quan tâm và trân trọng ta, nhưng trên thực tế lại luôn bận rộn, không trả lời tin nhắn, đi cùng bạn bè thú vị của họ, hoặc đắm chìm trong công việc đầy áp lực.

— Một người khiến ta nhiều đêm thức trắng, bên tờ giấy và cây bút, cố gắng phân tích xem vấn đề bắt nguồn từ đâu, điều gì đang xảy ra, và phải làm sao để giải quyết. Đến cuối cùng, khi kim đồng hồ đã chỉ sang 1 giờ sáng, ta chỉ biết nằm xuống với đôi mắt ướt nhòe và trái tim đầy tổn thương.

— Một người mà ta không ngừng mang ra phân tích cùng bạn bè thân thiết hoặc nhà trị liệu, tiêu tốn bao nhiêu năng lượng để lý giải: Động cơ thực sự của họ là gì? Tuổi thơ đã ảnh hưởng đến họ ra sao? Phong cách gắn bó của họ thế nào? Hành động gần đây nhất của họ có ý nghĩa gì? Ta nhìn họ như thể họ là một tinh vân bí ẩn giữa dải ngân hà, nơi mà cả những nhà thiên văn học lỗi lạc nhất cũng phải đau đầu tìm hiểu.

— Một người khiến ta nghi ngờ chính mình, để rồi tự xoáy vào những sai lầm tưởng chừng vô ý của bản thân: Liệu ta có làm họ tổn thương? Có phải ta đòi hỏi quá nhiều? Có phải ta chưa đủ kiên nhẫn? Có lẽ đúng như họ nói, ta đang “không hợp lý.” Và chưa bao giờ, ta cảm thấy bản thân kỳ quặc hay tổn thương đến thế chỉ vì một người mà ta yêu.

Xã hội đôi khi dường như muốn nhắc nhở chúng ta rằng: tình yêu là thế đấy. Không có mối quan hệ nào dễ dàng, không có con người nào đơn giản, và mọi thứ đều cần nỗ lực bền bỉ.

Chính vì điều này thường đúng, chúng ta dễ dàng bỏ qua khi trong một số trường hợp, sự phức tạp ấy không còn là điều cần thiết nữa. Khi những triết lý đúng đắn về nỗ lực đã âm thầm và nguy hiểm biến thành cái cớ để ta kiên nhẫn với những con người hoàn toàn không phù hợp cho một tình yêu thực sự.

Để xoa dịu sự hứng thú đầy rủi ro của mình đối với những mối quan hệ phức tạp, có lẽ chúng ta nên nhớ đến một nguyên tắc đơn giản trong tình yêu, tạm gọi là Quy Tắc Đơn Giản. Quy tắc này khẳng định rằng, khi hai con người đủ trưởng thành, đủ khả năng để vận hành cảm xúc, và thực sự xứng đáng cho một mối quan hệ, thì tình yêu – nhìn tổng thể – sẽ đơn giản. Vâng, sẽ có những cuộc trò chuyện khó khăn, những khoảnh khắc không dễ dàng và cả những nỗ lực thực tế cần bỏ ra mỗi ngày. Nhưng sâu thẳm bên trong, tình yêu sẽ vận hành trong sự giản đơn nhờ vào một số yếu tố cốt lõi: họ biết cách yêu thương ta và thật lòng muốn làm điều đó. Và ta cũng vậy.

Chính vì thế, họ sẽ gần như luôn đúng hẹn, trả lời tin nhắn một cách nhanh chóng, giao tiếp rõ ràng, tự hào về ta, kể về ta với bạn bè của họ. Họ khiến ta cảm thấy mình được yêu, được an ủi, chắc chắn về vị trí của mình, và có thể đi ngủ vào giờ hợp lý mà không cần kiểm tra điện thoại lần nữa. Nếu những điều này không tồn tại, đó có lẽ là dấu hiệu cho thấy một điều gì đó không ổn.

Nguyên nhân có thể là bất cứ điều gì: một chấn thương tuổi thơ, một vấn đề tâm lý, những ham muốn sai lầm của chính ta, hoặc một mối quan hệ phức tạp với cha hoặc mẹ họ. Nhưng có lẽ, chúng ta không cần biết chính xác điều gì đang diễn ra. Có lẽ, chúng ta chỉ cần hiểu rằng, sự phức tạp ấy là tín hiệu cho thấy ta không nên ở đây nữa.

Đã đến lúc ngừng tôn sùng những câu hỏi: Họ đang ở đâu? Họ thực sự nghĩ gì? Bao giờ họ sẽ gọi? Nếu họ yêu ta, ta sẽ biết. Nếu họ muốn ở bên ta, họ sẽ đến. Một mối quan hệ không cần phải phức tạp hơn thế. Khi tình yêu thực sự bền vững, mọi thứ – xét cho cùng – sẽ thật rõ ràng.

Nếu ta nhận ra mình đang ở trong một mối quan hệ mà đêm nào cũng thao thức viết nhật ký hoặc ngồi nhìn chằm chằm vào “tín hiệu mơ hồ” gần đây nhất của đối phương, thì có lẽ đó chính là bằng chứng rằng ta đã vượt quá giới hạn kiên nhẫn cần có đối với bất kỳ con người nào. Hoặc, nếu tuân theo Quy Tắc Đơn Giản mà nói thẳng hơn, có lẽ đã đến lúc ta nên rời đi.

Nguồn: THE MARK OF TRUE LOVE: SIMPLICITY – The School Of Life

menu
menu