Nỗi khiếp sợ mang tên tình yêu

Mỗi khi ai đó nói về nỗi sợ tình yêu, người nghe thường ngầm hiểu rằng chỉ những kẻ bất ổn mới sợ hãi thứ cảm xúc ấy.
Mỗi khi ai đó nói về nỗi sợ tình yêu, người nghe thường ngầm hiểu rằng chỉ những kẻ bất ổn mới sợ hãi thứ cảm xúc ấy. Thật nực cười khi né tránh sự thân mật. Thật vô lý khi phá hỏng lòng tin bằng những nghi ngờ và trốn chạy. Người sợ yêu ắt hẳn có vấn đề – vì rốt cuộc, ta đang nói về tình yêu, đâu phải tra tấn hay đổ vỡ.
Nhưng hãy thử bắt đầu bằng những gì ta đã chứng kiến. Nếu nhìn vào cách mà các câu chuyện tình yêu thường diễn ra, liệu có thực sự bình thường khi vẫn háo hức mong chờ sự lãng mạn, vẫn hứng khởi với viễn cảnh gặp gỡ một người xa lạ, một ngày nào đó cởi bỏ quần áo trước họ, và trao cho họ những phần yếu đuối, mong manh nhất của mình?
Charlotte Salomon, Self-Portrait, 1940
Nếu ta bình tĩnh xem xét những con số thống kê, liệu có khi nào những người nói về "nỗi sợ sự thân mật" như thể đó là căn bệnh chỉ dành cho kẻ điên mới chính là những kẻ hoang tưởng nhất? Điều đáng ngạc nhiên không phải là có lúc con người trở nên kỳ lạ trước tình yêu, mà là họ còn dám làm bất cứ điều gì khác – khi đã biết điều gì có thể xảy ra, khi đã chứng kiến những gì thường xuyên xảy ra, khi chính họ cũng đã từng trải qua rồi.
Dĩ nhiên, ai cũng có vẻ đáng yêu trong những buổi hẹn đầu tiên. Lúc nào mà chẳng thế. Nhưng thực tế là ta sẽ không biết họ thực sự là ai trong vòng một năm, có thể hai năm, thậm chí mười năm – và đến lúc ấy, phần lớn quỹ thời gian ít ỏi của đời ta đã trôi qua, chưa kể đến lòng can đảm hay niềm tin. Họ có thể ân cần nói về người em họ của mình, về công việc, có thể pha trò về cây kem trên tay hay đám người ngồi bàn bên cạnh. Nhưng sau lớp vỏ bình thường đó là gì? Những góc khuất nào đang được giấu kín, những vết thương nào chưa lành, những tổn thương nào chực chờ bùng nổ – chỉ đợi đến khi ta đặt cho họ một cái biệt danh, say đắm đôi mắt và đôi tay của họ, và không thể nào sống thiếu họ? Khi nhớ lại buổi tối đầu tiên với X, ta ước gì có một cỗ máy dò tìm bất trắc ngay từ phút ban đầu – vì chuyện đó đã lấy đi của ta gần nửa thập kỷ và một phần không nhỏ sự tỉnh táo. Nếu có thể đẩy nhanh mọi thứ đến tận cùng, có lẽ ta sẽ chỉ muốn thốt lên: "Làm ơn, hãy nói ngay cho tôi biết anh sẽ hủy hoại cuộc đời tôi theo cách nào?"
Hãy thừa nhận sự thật: ta không thực sự tin tưởng bất cứ ai. Không phải vì ta hẹp hòi, không phải vì ta ôm sẵn định kiến về lòng người, mà bởi vì cuộc đời cứ mãi dạy ta như thế. Đối diện ta có thể là kẻ hủy diệt, có thể là đấng cứu rỗi – nhưng làm sao ta biết được?
Vậy nên, nếu họ ngỏ ý muốn gặp lại, nếu họ nhắn tin quá nhanh, nếu họ rủ ta quay về nhà họ, ta có thể sẽ phải cư xử hơi kỳ quặc. Có thể ta sẽ phải viện cớ đau đầu hoặc một rắc rối đột xuất ở chỗ làm. Đó không phải đỉnh cao của sự trưởng thành, nhưng cũng chẳng thể nào non nớt hơn những gì ta đã phải chịu đựng trong ba mối quan hệ gần đây. Ta khát khao tình yêu biết bao, nhưng có những khoảnh khắc, ta chẳng muốn dính dáng gì đến nó nữa. Chỉ muốn được cuộn mình trên chiếc giường của riêng mình, an toàn, bé nhỏ, và đâu đó ngoài kia, một ai đó khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn sẽ lo liệu hết mọi thứ mà ta còn quá trẻ – hoặc quá già – để hiểu thấu.
Nguồn: ON BEING TERRIFIED OF LOVE | The School Of Life