OBJECTIFICATION – Vật hoá

objectification-vat-hoa

Mình dịch bài này nhân sự kiện Lisa – thành viên của nhóm Black Pink biểu diễn tại Le Crazy Horse de Paris, quán rượu lâu đời của Pháp, gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Người dịch: Hương Đào

Mình dịch bài này nhân sự kiện Lisa – thành viên của nhóm Black Pink biểu diễn tại Le Crazy Horse de Paris, quán rượu lâu đời của Pháp, gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều người cho rằng Lisa đã vứt bỏ tự tôn của người phụ nữ khi biểu diễn tại một clb thoát y, trong khi cũng có ý kiến cho rằng Lisa làm gì với cơ thể mình là quyền của cô ấy, và quyết định của cô còn thể hiện sự tự tin về bản thân, là tiếng nói của phong trào nữ quyền… Có 1 điểm khá hài là trong khi dân châu Á rần rần lên rằng Crazy Horse về mặt bản chất không là gì ngoài một strip club thì những người bạn phương Tây cứ miệt mài đính chính: “Ối giời ơi, nó là quán cabaret cơ mà mấy mẹ.” =))

.

.

Bạn có thể cho rằng ‘vật hóa'[1] là một khái niệm về nữ quyền mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, tuyên bố kinh điển về nguyên tắc cốt lõi của nó lại xuất hiện dưới ngòi bút của Immanuel Kant vào thế kỷ mười tám: ‘hành động sao cho anh đối xử với con người, dù với chính con người anh hay với bất kỳ ai khác, không bao giờ chỉ đơn thuần như một phương tiện, mà luôn đồng thời như cứu cánh.’[2] Khi chúng ta phá vỡ cái nguyên tắc này, ta đơn thuần xem người khác là phương tiện nhằm phục vụ cho mục đích của mình, biến họ thành vật thể thay vì chủ thể.

Tất nhiên, các mối quan hệ giao dịch, chẳng hạn như gọi cà phê từ người phục vụ, vốn không phải là vấn đề chừng nào ta không phủ nhận năng lực và nhân tính của người khác. Lời huấn thị ở đây là đừng đối xử với con người chỉ như một công cụ thuần túy.

Những hàm ý về điều này trở nên đặc biệt gai góc trong phạm vi các mối quan hệ nhục dục. Trong bài diễn thuyết của mình ‘Trách Nhiệm Đối Với Thân Thể Trước Những Thôi Thúc Tình Dục’[3], Kant nói rằng ham muốn tình dục thuần túy khiến cho một người chỉ được xem là đối tượng của sự ham muốn tình dục của người kia, trong khi nhân tính, nhu cầu và mong muốn của họ hoàn toàn bị bỏ qua. ‘Ngay khi ham muốn ấy được thỏa mãn, người đó sẽ bị vứt bỏ như người ta vứt bỏ một miếng vỏ chanh sau khi đã vắt kiệt nước.’

Điều này khiến ông phản đối mọi thỏa thuận coi tình dục chỉ là một giao dịch. Ông chống đối mại d.âm bởi vì ‘Con người … không được quyền, vì lợi nhuận, mà đưa bản thân ra như một món đồ để người khác sử dụng nhằm thỏa mãn thiên hướng tình dục của họ.’ Nếu như ta làm điều đó thì có nghĩa là ta đang từ bỏ nhân tính của mình. ‘Vợ lẽ’, thứ không liên quan gì đến lợi nhuận, cũng là điều không chấp nhận được, bởi vì ở đó một người vẫn bị đối xử như một vật và ‘quyền lợi của hai bên không ngang bằng nhau.’

Theo Kant, thôi thúc tình dục chỉ có thể được thỏa mãn môt cách thỏa đáng trong hôn nhân. Đó là bởi trong bối cảnh của một mối quan hệ cam kết, ham muốn tình dục đi đôi với tình cảm, và ‘một người không chỉ dâng hiến tình dục mà là toàn bộ con người mình’ cho người kia trong một thỏa thuận có qua có lại. Quan điểm của Kant về điều này vừa có vẻ duy tâm lại vừa quá mức hạn chế, bởi vì hôn nhân không phải là bối cảnh duy nhất mà tại đó tình dục có thể là mối quan hệ chân chính giữa những người bình đẳng. Nhưng nguyên tắc cơ bản này vẫn đang tồn tại khi nó đã được cập nhật để phù hợp với một thời đại tự do hơn.

Đó là lý tại sao nhiều nhà tư tưởng nữ quyền đương thời đã đồng tình với tinh thần của lập luận của Kant, trong khi phủ nhận các giá trị gia đình truyền thống của ông. Chẳng hạn, Andrea Dworkin nghe có vẻ như là người theo trường phái Kant khi bà viết, ‘Vật hóa xảy ra khi một người, thông qua các phương tiện xã hội, trở nên ít con người hơn, bị biến thành một món đồ hoặc một hàng hóa, bị mua và bán.’ Tuy nhiên, hầu hết các nhà hoạt động vì nữ quyền cho rằng trong các xã hội phụ hệ, hiện tượng vật hóa phổ biến hơn nhiều so với nhận thức của Kant.

Một số người cho rằng chừng nào mà ta tình nguyện thì ta được quyền coi mình là đối tượng của người khác. Nhưng Kant không đồng ý, ông cho rằng ‘một người không có quyền tùy ý sử dụng bản thân.’ Trong phạm vi tình dục, ông lập luận, ‘vì lợi nhuận mà cho phép cơ thể của một người được sử dụng bởi người khác nhằm mục đích thỏa mãn ham muốn tình dục, mà biến một người thành đối tượng của nhu cầu, chính là sử dụng người ấy như sử dụng một vật và biến người ấy thành một vật mà ở đó người còn lại thỏa mãn ham muốn của mình như thể anh anh ta thỏa mãn cơn đói với một miếng bít tết.’

Trong cuộc tranh luận đương thời về nữ quyền, liệu phụ nữ có thực sự nhận thức về việc vật hóa hay không là một câu hỏi quan trọng. Mượn khái niệm ‘ý thức sai lầm’ của Marx, người ta tranh luận rằng một người phụ nữ có thể tin là cô ấy đang bày tỏ ý chí của mình bằng cách ăn mặc để gây ấn tượng, nhưng đó chỉ là bởi cô ấy đã bị đồng hóa với những giá trị phụ hệ mà cô sẽ không chấp nhận nếu như có nhận thức hơn về mặt chính trị. Đây là lập luận có sức thuyết phục, nhưng nhiều người lại phản đối trước hàm ý một số phụ nữ thậm chí còn không biết điều gì là có lợi nhất cho mình.

Điều này dẫn đến câu hỏi là liệu ta có thể thấy bản thân như một vật mà không nhận thức được điều đó hay không. Simone de Beauvoir cho rằng tự vật hóa[4] có thể xảy ra khi chúng ta dựa quá nhiều vào cái nhìn của người khác để nhìn nhận bản thân. ‘Xã hội thậm chí còn đòi hỏi người phụ nữ tự biến mình thành thứ gợi dục,’ bà viết trong cuốn The Second Sex. Điều này thể hiện rõ nhất trong những áp lực mà phụ nữ phải đối mặt để có được diện mạo theo một cách nhất định, có thể dẫn họ tới việc coi bản thân như là thứ được kiến tạo để làm vừa lòng đàn ông. ‘Mục đích của thứ thời trang mà cô ấy theo đuổi không phải là để bộc lộ con người cô ấy như một cá nhân tự chủ mà là … để coi cô ấy như một con mồi cho ham muốn của nam giới: thời trang không phục vụ với vai trò diễn đạt tâm tưởng của cô ấy mà ngược lại, cản trở chúng.’

Dĩ nhiên, cả nam giới và phụ nữ đều có thể quá quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình, và sự gia tăng của việc nam giới sử dụng các sản phẩm làm đẹp và triệt lông trên cơ thể cho thấy khoảng cách giới tính này đang được thu hẹp. Nhưng phụ nữ vẫn cảm thấy phải chịu nhiều áp lực hơn khi phải tuân theo những tiêu chuẩn lý tưởng nhất định. Mặc dù việc tự làm đẹp dường như mang đến cho ta sự tự tin nhưng ta lại không nhận thấy rằng nó có thể biến ta thành nô lệ.

Gần đây, một số triết gia đã lên tiếng bảo vệ cho mong muốn có vẻ ngoài hấp dẫn. Janet Radcliffe Richards đưa ra quan điểm trong điều kiện bình đẳng, việc phụ nữ hay nam giới ‘muốn, và cố gắng làm hài lòng, người kia’ chẳng có gì là sai cả. Điều này chỉ trở thành vấn đề khi nó không phải là một lựa chọn đích thực, ở đó sự bình đẳng được mở ra đối với cả hai giới, mà là một nhu cầu xã hội thiếu bình đẳng đặt lên người phụ nữ.

Martha Nussbaum thậm chí còn đi xa hơn thế, bà cho rằng vật hóa không nhất thiết mang tính tiêu cực. Câu hỏi chủ yếu là liệu sự bình đẳng, tôn trọng và đồng thuận có được duy trì hay liệu nhân tính của một người có bị chối bỏ hay không.

Vấn đề vật hóa không hề đơn giản như những gì mà các nguyên tắc của Kant gợi ý. Có lẽ, theo một vài phương thức cụ thể và hữu hạn nào đó mà ta có thể đối xử và coi bản thân mình và người khác như thể một đối tượng. Tuy nhiên, Kant và các triết gia ủng hộ nữ quyền chắc chắn đã đúng khi cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm khi biến con người thành công cụ thuần túy cho những dục vọng của chúng ta, hay biến bản thân ta thành công cụ thỏa mãn dục vọng của người khác.

Đọc thêm:

Simone de Beauvoir, The Second Sex (1949)

[1] Trong triết học xã hội, vật hóa (tiếng Anh: objectification) là hành động đối xử với người (hay đôi khi cả con vật), như một đồ vật. Đọc thêm: Wikipedia

[2] Khái niệm một người ‘sử dụng’ người khác trong cuộc sống thường ngày để đạt được mục đích khá phổ biến và thường được chấp nhận về mặt đạo đức: người bồi bàn dùng khách hàng để nhận tiền tip; khách hàng dùng người phục vụ để gọi món ăn; giáo sư dùng sinh viên để thử nghiệm các ý tưởng của mình; sinh viên dùng giáo sư để thu thập kiến thức chuyên ngành, v.v. Để nói rằng ta lợi dụng người khác, hay, chỉ xem người khác như một phương tiện nếu ta vừa sử dụng người khác và vừa coi người đó như một công cụ hay dụng cụ thuần túy: một người mà chúng ta phớt lờ quyền được hạnh phúc và phẩm hạnh của họ, và người mà chúng ta sẽ đối xử theo bất kỳ cách nào có thể để đạt được mục đích của ta một cách tốt nhất. Đọc thêm: https://plato.stanford.edu/entries/persons-means/

[3] Immanuel Kant, Duties toward the Body in Respect of Sexual Impulse

[4] Tự vật hóa (self-objectification): là một quá trình tâm lý mà một người coi chính bản thân mình là một thứ vật chất hơn là một con người

menu
menu