Phát triển nhận thức tình hình như Jason Bourne
Nhận thức tình hình là một cách nói khác của tập trung cao độ, nó giúp tôi hiểu biết rõ hơn những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Ở một cảnh ở đầu phim The Bourne Identity (Danh tính Bourne), nhân vật chính ngồi trong quán ăn, tự hỏi mình là ai và tại sao mình lại có một nhùi hộ chiếu và một khẩu súng trong chiếc két sắt nhỏ. Bourne cũng nhận thấy anh có thể nhận thấy những điều mà người khác không thấy. Hãy xem đoạn phim này:
Năng lực siêu nhiên có thể quan sát xung quanh và đưa ra những đánh giá tỉ mỉ về môi trường? Đó không phải chỉ là một tố chất của các đặc vụ hàng đầu, mà còn là một kỹ năng tên nhận thức tình hình (situational awareness), mà bạn cũng có thể sở hữu.
Như tên gọi, nhận thức tình hình đơn giản là biết điều gì đang xảy ra xung quanh mình. Về nguyên tắc thì rất đơn giản, nhưng trên thực tế lại cần luyện tập rất nhiều. Kỹ năng này là một trong số các bài học của quân nhân, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, và tất nhiên, sát thủ được đào tạo bởi chính phủ, nhưng đây cũng là một kỹ năng quan trọng mà người dân có thể học. Trong một tình huống nguy hiểm, nhận thức được một mối nguy trước người khác dù chỉ vài giây cũng có thể giúp bạn và những người thân yêu được an toàn.
Đây cũng là một kỹ năng có thể và nên được luyện tập ngoài mục đích tự vệ và an toàn. Nhận thức tình hình là một cách nói khác của tập trung cao độ, nó giúp tôi hiểu biết rõ hơn những gì đang diễn ra xung quanh mình và trở nên hiện diện hơn trong những hoạt động hàng ngày, từ đó khiến tôi có những quyết định đúng đắn hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Tôi đã dành hàng tháng trời nghiên cứu và bàn luận với các chuyên gia trong lĩnh vực tác chiến về bản chất của nhận thức tình hình, và dưới đây là những điều cơ bản nhất để bạn có thể đạt được kỹ năng quan trọng này. Dù phát triển nhận thức tình hình chủ yếu là để ứng phó với một cuộc tấn công bạo lực, nhưng những nguyên tắc được nêu cũng có thể giúp bạn tinh thông năng lực quan sát trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Cách phát triển nhận thức tình hình
Có rất nhiều nguồn tài liệu về nhận thức tình hình cho rằng bạn có thể đạt được kỹ năng này bằng cách quan sát môi trường xung quanh - “kiểm tra hướng sáu giờ” và “dựa lưng vào tường”.
Định nghĩa này không sai. Nhận thức tình hình chính xác là như thế: biết được điều gì đang diễn ra bằng cách quan sát môi trường xung quanh. Nhưng tôi luôn cảm thấy định nghĩa này còn thiếu thiếu. Quan sát là quan sát cái gì? Làm sao tôi biết là tôi đang tập trung vào đúng những gì cần để ý? Có đặc điểm hay dấu hiệu nào để nhận biết mối nguy sắp xảy đến mà tôi nên biết hay không?
Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc bàn về những nguyên tắc chung để tăng khả năng quan sát, và sau đó sẽ đào sâu hơn về nhận thức tình hình để trả lời những câu hỏi quan trọng này.
Quan sát + Định hướng = Nhận thức tình hình
Điều giúp tôi thực sự hiểu được nhận thức tình hình là đóng khung nó vào Vòng lặp OODA. Nếu bạn chưa đọc bài viết của tôi về công cụ nhận thức quan trọng này, bạn có thể xem qua phiên bản dưới đây của trang CliffsNotes:
Vòng lặp OODA là một hệ thống kiến thức và quá trình đưa ra quyết định được triển khai lần đầu tiên bởi phi công chiến đấu của Lực lượng Không quân và cũng là nhà chiến lược quân đội John Boyd. Bốn bước của Vòng lặp OODA là Observe (Quan sát), Orient (Định hướng), Decide (Quyết định), Act (Hành động). Trong một trận đối đầu, như là một cuộc không chiến, lần chạm trán bạo lực trong bãi đỗ xe, hay ngay cả là những cuộc tranh luận chính trị, người có thể tuân theo Vòng lặp OODA là người giành chiến thắng nhanh nhất.
Đương nhiên, bước Quan sát trong vòng lặp thường được liên hệ với nhận thức tình hình.
Nhưng bước thứ hai của Vòng lặp OODA - Định hướng - mới là câu trả lời cho những câu hỏi nhận thức tình hình bao gồm những gì. Khả năng định hướng cho ta biết ta nên nhìn vào điều gì khi đang quan sát, và rồi gom những quan sát ấy vào bối cảnh để biết ta cần phải làm gì với những thông tin ấy.
Vì vậy nên Quan sát + Định hướng = Nhận thức tình hình.
Nhưng làm cách nào để ta quan sát tốt hơn để cải thiện nhận thức tình hình? Và làm sao để định hướng bản thân quan sát đúng thứ cần quan sát và hiểu được bối cảnh xung quanh mà ta đang nhìn thấy?
Quan sát: Giữ mình ở Trạng thái Vàng
Trong quyển sách Principles of Personal Defense (Nguyên tắc tự vệ) của mình, chuyên gia đấu súng Jeff Cooper đưa ra một hệ thống mã màu giúp các chiến binh định hình tâm trí chiến đấu. Mỗi một màu sắc đại diện cho một trạng thái nhận thức và tập trung:
Để tối ưu hóa nhận thức tình hình, Cooper khuyên rằng ta cần giữ bản thân ở Trạng thái Vàng.
Trạng thái Vàng được mô tả là “cảnh giác thoải mái”. Không có một mối nguy hại rõ ràng nào cả, nhưng bạn vẫn tỉnh táo và tiếp nhận môi trường xung quanh bằng tất cả những giác quan. Nhiều người cho rằng nhận thức tình hình chỉ liên quan đến các kích thích thị giác, nhưng bạn cũng có thể biết được rất nhiều về tình cảnh hiện tại nhờ vào những âm thanh (hoặc nhờ vào việc không có âm thanh nào) và ngay cả mùi hương trong không khí.
Dù các giác quan của bạn được tăng cường chút ít trong Trạng thái Vàng, điều quan trọng là bạn phải thoải mái. Giữ thái độ điềm tĩnh, bạn sẽ không hướng những sự chú ý không cần thiết vào bản thân. Nếu bạn trông cực kỳ lo lắn và xoay đầu lia lịa khi quan sát xung quanh, người khác sẽ chú ý đến bạn. Thêm vào đó, tinh thần thoải mái đảm bảo bạn giữ tập trung, cho phép bạn tiếp nhận nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra quanh mình. Nghiên cứu cho thấy khi lo lắng hay căng thẳng, sự chú ý của chúng ta thu hẹp lại, khiến ta chỉ tập trung được vào rất ít mục tiêu trong một thời điểm. Sự tập trung hạn hẹp từ đó làm ta bỏ lỡ những chi tiết quan trọng từ môi trường xung quanh.
(Nhận thức tình hình không chỉ giới hạn để đối phó khi đối thủ là loài người…)
Rời mắt khỏi màn hình smartphone, đừng mất tập trung, mở mắt, tai, và mũi, và bình tĩnh nhìn quét xung quanh để tiếp nhận những gì đang diễn ra.
Ngoài việc giữ Trạng thái Vàng, dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn cải thiện khả năng quan sát:
Chọn vị trí quan sát tối ưu. Để đạt được nhận thức tình hình hiệu quả, bạn cần phải quan sát xung quanh càng nhiều càng tốt. Vị trí bị che khuất sẽ ngăn cản dòng thông tin truyền tải đến bạn. Ví dụ, một thứ gì đó che khuất tầm nhìn khiến bạn không thấy kẻ xấu bước vào rạp phim hay nhà hàng. Bạn cũng không có mắt ở sau gáy, nên cũng không thể thấy được những gì diễn ra sau lưng mình.
Vì vậy mỗi khi bước vào một môi trường nào đó, đặt bản thân vào vị trí giúp bạn nhìn được nhiều thứ nhất có thể. Bạn của tôi Mike Seeklander trên trang Shooting Performance khuyên rằng tìm một vị trí mà bạn có thể nhìn thấy tất cả những lối ra, hoặc nhiều nhất có thể, và nơi bạn có thể dựa lưng vào tường. Vị trí này giúp bạn sẵn sàng để đào thoát nhanh chóng, và loại trừ khả năng không nhìn thấy được mối nguy rình rập sau lưng.
Dù là vậy, điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Bạn không có nhiều tác động vào việc nhân viên phục vụ nhà hàng xếp bạn vào bàn nào trong một buổi tối đông khách, và người ta sẽ nhìn bạn như thú lạ nếu bạn đứng dựa lưng vào góc khi xếp hàng mua đồ ăn ở Five Guys. Vì vậy hãy có những lựa chọn hợp lý nhất trong từng hoàn cảnh. Ở nhà hàng đông khách ấy, bạn không được tự chọn bàn, nhưng có thể chọn chỗ ngồi. Chọn chiếc ghế cho bạn tầm nhìn tốt nhất từ chiếc bàn ấy. Khi đang xếp hàng ở nhà hàng thức ăn nhanh, cứ hờ hững nhìn xung quanh và tiếp nhận thông tin.
Trau dồi kỹ năng quan sát bằng cách chơi A-Game. Mike thường cùng con chơi “A-Game”, hay Awareness Game (Trò chơi Nhận thức), để giúp con (và cả bản thân anh) cải thiện các kỹ năng quan sát. Luật chơi như sau, khi bạn bước vào một môi trường kinh doanh nào đó, ghi chú lại một số điều xung quanh: số nhân viên đứng ở quầy, quần áo và giới tính của người ngồi cạnh bạn, có bao nhiêu lối ra vào, và những thứ tương tự. Khi bạn rời đi và lên xe trở về nhà, hãy hỏi con những câu hỏi như “Có bao nhiêu nhân viên đứng ở quầy?” “Người ngồi kế con ban nãy là đàn ông hay phụ nữ?” “Người đó mặc áo màu gì?” “Chỗ ấy có bao nhiêu lối ra?”.
Trò chơi chơi rất vui, nhưng quan trọng hơn là nó rèn luyện cho con trẻ (và cả bạn nữa) chú ý hơn đến những gì xung quanh.
Làm chủ trí nhớ. Một hoạt động vui khác cũng giúp bạn cải thiện nhận thức tình hình là tập ghi nhớ. Bourne biết tất cả bảng số của những chiếc xe hơi đỗ ngoài quán ăn. Bạn có thể đạt được kỹ năng này bằng cách dùng một bộ bài tây, hoặc một dãy số.
Định hướng: Đường cơ sở, Mục tiêu, và Kế hoạch Hành động
Chỉ quan sát nhiều hơn vẫn không đủ để tinh thông nhận thức tình hình. Bạn phải biết mình cần nhìn cái gì, và rồi đặt thông tin ấy vào bối cảnh để mẩu tin ấy có ý nghĩa và dẫn đến hành động. Đây là giai đoạn Định hướng.
Bước Định hướng cung cấp ba thứ giúp ta đạt được nhận thức tình hình: 1) đường cơ sở và những bất thường trong môi trường của chúng ta, 2) khuôn mẫu hành vi con người mà ta cần tìm kiếm, và 3) kế hoạch hành động dựa trên quan sát của mình.
Thiết lập đường cơ sở ở bất kỳ nơi đâu
Mỗi môi trường, mỗi con người đều có một đường cơ sở. Đường cơ sở là những gì “bình thường” trong một tình huống nhất định, mỗi người, mỗi môi trường có một đường cơ sở khác nhau. Ví dụ, đường cơ sở ở một quán cà phê nhỏ thường bao gồm việc người ta đọc sách hay làm việc trên máy vi tính hay nói chuyện nhỏ nhẹ với bạn bè. Đường cơ sở ở một buổi hòa nhạc rock là tiếng nhạc ầm ĩ và người ta vừa nhìn về phía sân khấu vừa nhảy nhót lên xuống theo nhạc hay lắc lư cơ thể theo nhịp điệu.
Chúng ta thiết lập đường cơ sở để nhận biết điều bất thường. Theo lời Patrick Van Horne, một chuyên gia nhận thức tình hình, huấn luyện viên của hệ thống phân tích nguy hiểm Hải quân (Marine Combat Profiling system), và tác giả của cuốn Left of Bang (Phòng ngừa Nguy hại), “Điều bất thường là những điều có nhưng không nên có, hoặc không có nhưng lại nên có.” Điều bất thường là thứ điều hướng sự chú ý của chúng ta khi ta tiếp nhận thông tin xung quanh và là thứ ta cần tập trung vào để đạt được nhận thức tình hình.
Vậy bước đầu tiên để định hướng bản thân là thiết lập đường cơ sở để hướng sự chú ý vào những điều bất thường. Ta làm thế bằng cách nào? Van Horne khuyên rằng ta nên tự hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây mỗi khi bước vào một môi trường mới:
- Câu hỏi cho đường cơ sở: Chuyện gì đang xảy ra? Không khí chung ở nơi này như thế nào? Ở đây hoạt động nào là “bình thường”? Người ở đây thông thường cư xử như thế nào?
- Câu hỏi cho điều bất thường: Điều gì có thể khiến một người hay một vật nào đó trở nên nổi bật?
Tập hợp những hành vi cần chú ý
Vì ta không có khả năng chú ý đến mọi thứ cùng một lúc, ta cũng không thể có nhận thức tình hình một cách triệt để. Tâm trí con người chỉ có thể xử lý một lượng thông tin có hạn trong cùng một thời điểm. Vì vậy trong phạm vi an toàn cá nhân, khi sự việc diễn ra rất nhanh và khoảng cách giữa sống và chết chỉ là vài giây, cách ta điều hướng sự chú ý định đoạt tất cả.
Vì vậy ta cần tập trung vào những thứ đáng để ta chú ý. Van Horne cho rằng để làm được điều này, ta cần dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm là con đường tắt giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định nhanh chóng mà tâm trí ta sử dụng để hiểu được sự việc khi lượng thông tin quá ít và thời gian hạn chế. Những quyết định đưa ra từ kinh nghiệm không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng đối với an toàn cá nhân, thường thì bấy nhiêu đó là đủ dùng.
Trong Left of Bang, Van Horne đề ra sáu tập hợp hành vi con người mà các chuyên gia phân tích nguy hại Hải quân sử dụng trên chiến trường để nhanh chóng nhận diện bạn hay địch. Để tìm hiểu xem dân thường thì cần tìm kiếm điều gì trong các tình huống hằng ngày, tôi đã phỏng vấn Van Horne để lấy tư liệu cho bài viết này. Ông nói với tôi rằng thể loại manh mối quan trọng nhất là giao tiếp không lời, loại hành vi liên quan đến ngôn ngữ cơ thể thuộc ý thức và thuộc tiềm thức.
Trong giao tiếp không lời, có ba tập hợp ngôn ngữ cơ thể rất cần thiết cho nhận thức tình hình. Đó là: hành vi chi phối/phục tùng, hành vi thoải mái/bức bối, và hành vi thích thú/hờ hững.
Hành vi chi phối/phục tùng. Thông thường, đa số mọi người đều cố gắng hòa nhập với người khác, vì vậy ta thường có biểu hiện theo hướng phục tùng. Van Horne viết rằng hành vi chi phối “biểu hiện phản ứng hiếu chiến của hệ viền” và thường hiện diện trong “những cử chỉ và điệu bộ khiến một người to lớn hơn hăm dọa những cá nhân “nhỏ con hơn” trở thành phần tử phục tùng”. Nhỏ và to ở đây không chỉ áp dụng cho kích cỡ ngoại hình, mà còn có liên quan đến địa vị quyền lực.
Vì đa số mọi người hòa nhập để hòa nhập, hành vi chi phối hay được xem là bất thường, và người thể hiện nó nhận được nhiều sự chú ý hơn. Nếu có người cư xử một cách huênh hoang, hống hách, điều này không nhất thiết mang ý nghĩa họ chính là mối nguy hại, phải tùy vào hoàn cảnh. Bạn luôn cho rằng ông sếp sẽ cư xử chi phối đối với nhân viên và nhân viên có thái độ phục tùng sếp, nhưng khi nhìn thấy hành vi chi phối cực độ xuất hiện ở một khách hàng đối với một nhân viên thì không bình thường tí nào. Đó là điều bạn cần để mắt đến.
Hành vi thoải mái/bức bối. Đa số mọi người đều trông khá thoải mái trong đa số tình huống. Thử tưởng tượng trên xe bus hay xe điện ngầm - nhìn chung các hành khách vừa thư thái vừa nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc đọc sách. Nếu có ai đó có vẻ không thoải mái, đó là một hiện tượng bất thường cần lưu ý, nhưng không có nghĩa người đó là một hiểm họa. Có thể họ đang căng thẳng vì trễ giờ làm hoặc vừa mới nhận được một tin xấu về một người họ hàng. Nhấn mạnh lại lần nữa, tất cả những gì bạn cần làm là để mắt đến nó thôi.
Van Horne nói rằng một biển hiện thường thấy của hành vi bức bối của những người có ý đồ xấu là họ hay “kiểm tra hướng sáu giờ”. Người đó thường hay nhìn qua vai xem có gì phía sau lưng hoặc hay lướt nhìn xung quanh. Người thoải mái thường không làm điều này vì họ không cảm nhận bất kỳ nguy hiểm nào. Vậy nên nếu bạn thấy một người liên tục nhìn sau lưng trong khi đáng lý ra họ nên đứng yên một chỗ, đó là một điểm bất thường cần được chú ý.
Tất nhiên, “kiểm tra hướng sáu giờ” là điều mà người tốt biết nhận thức tình hình cũng thường hay làm. Nếu bạn làm đúng, người khác sẽ rất khó nhận ra, nhưng cần luyện tập rất nhiều, và có những người trông loay hoay nhưng lại hoàn toàn vô hại. Nhưng cho tới khi bạn có thể xác minh điều đó bằng những quan sát kỹ lưỡng hơn thì hãy cứ nghi ngờ cho chắc.
Mặt khác, nếu có người tỏ ra thoải mái trong khi những người khác đều đang không thoải mái mthì cũng gọi là bất thường. Một trong những cách mà lực lượng cảnh sát dùng để nhận biết những kẻ đánh bom ở giải Marathon Boston là họ để ý thấy trong băng ghi hình từ camera quan sát có một nhóm đàn ông trông rất bình tĩnh trong khi những người khác đang chạy tán loạn. Lý do họ trông bình tĩnh như vậy là vì họ biết vụ nổ sẽ diễn ra và không hề thấy bất ngờ, trong khi những người khác được một phen hoảng hốt.
Hành vi thích thú/hờ hững. Đa số mọi người không thường chú ý đến môi trường xung quanh. Họ quan tập trung vào những suy nghĩ của mình hoặc bất cứ điều gì họ đang làm. Vì vậy, nếu có ai tỏ ra hứng thú với một người hay một vật nào đó mà những người khác không hề quan tâm, đó cũng là điều bất thường cần được quan sát kỹ lưỡng.
Ba nhóm ngôn ngữ cơ thể trên đưa ra những đường cơ sở cho mọi tình huống thường gặp và điều hướng sự chú ý hữu hạn của chúng ta đến những thứ có tiềm năng quan trọng và/hoặc nguy hiểm hơn những thứ khác. Nếu một người có hành vi trùng khớp với đường cơ sở, bạn có thể không cần quan tâm họ nữa. Nếu hành vi của họ không khớp với đường cơ sở, họ là điều bất thường và bạn cần quan sát họ kỹ hơn.
Những hành vi khác cũng biểu thị mối nguy hiểm tiềm tàng
Ngoài những hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ trên, các nhà phân tích nguy hiểm Hải quân còn được huấn luyện chú ý những hành vi khác có thể áp dụng cho tình huống thường ngày:
Hai bàn tay cử động bất thường. Quân đội và cảnh sát thường kiểm tra bàn tay của đối phương đầu tiên. Điều này là vì hai lý do. Đầu tiên, “kiểm tra bàn tay của một người để đảm bảo rằng người đó không cầm vũ khí và không phải đang chuẩn bị tấn công,” theo Van Horne. Thứ hai, bàn tay thường tố cáo những ý định bất chính. Những người đang giấu giếm một điều gì đó không muốn cho ai biết, ví dụ như một khẩu súng, con dao, hay món đồ ăn trộm, “thường chạm vào hoặc vỗ qua vị trí cất giấu món đồ vật ấy trên cơ thể, như thể để đảm bảo rằng món đồ không bị mất hoặc không bị lộ ra.”
“Tỏ ra tự nhiên”. Rất khó để “tỏ ra tự nhiên” khi bạn không hoàn toàn tập trung một điều gì đó cần tập trung. Những người “tỏ ra tự nhiên” thường có vẻ xao nhãng và có những cử chỉ thái quá, hoặc hời hợt. Những kẻ nổi dậy ở Afghanistan thường đóng giả nông dân, trong khi thực chất đang thu thập thông tin về công tác tuần tra của quân đội Mỹ. Các nhà phân tích nguy hiểm Hải quân được rèn luyện để nhận biết những “nông dân” giả này.
Đề ra kế hoạch hành động dựa trên những gì bạn quan sát
Bạn ghé qua quán cà phê yêu thích của mình và một kẻ xấu cầm súng xông vào. Nhưng vì đã làm theo những nguyên tắc trên, bạn là người đầu tiên nhìn thấy mối nguy hiểm đến từ hắn ta. Tuyệt vời. Nhưng giờ thì bạn làm gì đây? Lúc này mỗi giây đều rất quý giá. Bạn không có thời gian để vạch ra một kế hoạch chi tiết cụ thể. Hơn nữa, áp lực của sự việc này sẽ làm nhiễu loạn suy nghĩ và khả năng ra quyết định của bạn.
Ngoài việc đặt những câu hỏi về đường cơ sở và điểm bất thường mỗi khi bước chân vào một môi trường mới, Van Horne khuyên rằng bạn nên đặt ra câu hỏi thứ ba: “Mình sẽ làm gì nếu bắt gặp một điểm bất thường?” Nói cách khác, hãy nghĩ ra một kế hoạch hành động.
Lấy ví dụ quán cà phê ban nãy. Giả sử điều bất thường mà bạn muốn lập kế hoạch hành động là “kẻ xấu cầm súng bước vào”. Hành động đúng đắn nhất trong viễn cảnh đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Và để biết được những yếu tố đó là gì, bạn cần phải nhận thức được tình hình. Nếu kẻ cướp xông vào từ cửa trước và bạn đang ở gần lối thoát hiểm, hành động tốt nhất là thoát ra bằng cửa sau ngay lập tức. Mặt khác, nếu hắn xông vào từ cửa thoát hiểm gần bạn, theo Bộ An Ninh Nội địa, điều bạn nên làm là ngay lập tức rút ngắn khoảng cách và khống chế hắn.
Thiết lập những đường cơ sở. Tìm kiếm những điểm bất thường. Chuẩn bị sẵn kế hoạch.
Đó là nhận thức tình hình.
Sử dụng Nhận thức tình hình làm Kế hoạch phòng ngừa
Động vật là những sinh vật thích thích tận dụng cơ hội. Chúng thường chỉ tấn công sinh vật khác nếu mục tiêu trông có vẻ yếu ớt. Sư tử săn đuổi linh dương nhỏ, bệnh, hoặc già vì chúng dễ bắt hơn. Con người cũng giống như vậy. Tội phạm thường nhắm đến những người trông yếu ớt, điều này có nghĩa hoặc là nạn nhân có thể trạng yếu ớt hoặc đơn giản là dễ tấn công họ bất ngờ.
Luyện tập nhận thức tình hình giúp bạn không trở thành một mục tiêu dễ tấn công. Khi bạn ở ngoài đường, hãy cảnh giác. Đừng chúi mũi vào màn hình điện thoại. Khi đang trên đường trở về xe hơi của mình vào buổi tối, thủ sẵn chìa khóa và luôn nhìn xung quanh. Bạn càng ít để lộ sơ hở, càng ít khả năng có người sẽ quấy rối bạn.
Dưới đây là một lời khuyên khác để không biến mình thành nạn nhân, theo lời trang Sage Dynamics: Luôn mang theo một cây đèn pin để phòng hờ và bật đèn vào buổi tối. Có đèn pin bên người giúp bạn quan sát tốt hơn trong bóng tối, và cũng khiến kẻ xấu tránh xa. Vì thường chỉ có cảnh sát dùng đèn pin soi vào các con hẻm và gầm xe hơi, nếu bạn vừa đi vừa chiếu đèn, kẻ xấu có thể sẽ nghĩ rằng bạn là cớm và không đụng đến bạn. Trong tình huống xấu nhất khi bạn vẫn bị tấn công, bạn có thể dùng đèn pin làm lóa mắt kẻ tấn công hoặc dùng đèn để đánh trả.
Luyện tập, Luyện tập, Luyện tập
Nhận thức tình hình là lối suy nghĩ do bạn chủ đích trau dồi. Bạn muốn đạt đến trình độ bạn sử dụng nhận thức tình hình trong vô thức, không cần suy nghĩ. Để đạt trình độ đó, bạn cần luyện tập thường xuyên. Bắt đầu từ hôm nay, hãy nhắc bản thân tìm kiếm những lối thoát mỗi khi bước vào một tòa nhà nào đó. Bắt đầu quan sát người khác và thiết lập những đường cơ sở và điểm bất thường khi bạn đi làm, đi tập gym, hay đi hẹn hò. Và rồi vạch ra những kế hoạch hành động khi nhận thấy có nguy hiểm. Đừng hoang tưởng, chỉ cần lưu tâm thôi. Hãy làm điều này mỗi ngày, và bạn sẽ không cần phải suy nghĩ nhiều về nhận thức tình hình nữa, chỉ cần làm theo thói quen thôi. Và đừng cố giả làm nông dân, mà hãy là một Jason Bourne đích thực.
Cho đến lúc ấy, hãy cảnh giác, kiểm tra hướng sáu giờ, và tựa lưng vào tường.
À, còn nữa, phải thật chuẩn men đấy!
Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng