Lý Do Tôi Chọn Chấp Nhận Bản Thân Thay Vì Cố Gắng "Sửa Chữa" Nó
“Không có sự tự hoàn thiện nào có thể bù đắp cho việc thiếu sự tự chấp nhận bản thân”. - Robert Holden
Trong cuộc sống, chúng ta không ngừng tìm kiếm những điều mới và tốt nhất để cải thiện bản thân và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều này lại vô tình tạo cho chúng ta một niềm tin rằng chúng ta cần phải đạt được một số thứ trước khi có thể trở nên chấp nhận bản thân như hiện tại.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã cố gắng không ngừng trong hành trình giảm cân của mình.. Vào năm 14 tuổi, tôi đã nặng khoảng 102 (và cao khoảng 1m57).
Nhưng thật may mắn, có một vị bác sĩ đã giúp tôi chỉ ra mối lo ngại về căn bệnh béo phì ở trẻ em. Cô ấy cho tôi biết rằng tôi đang ở thời điểm lý tưởng để giảm cân trước khi những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe xảy ra. Tôi đã có thể nhanh chóng học cách xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh và vận động nhiều hơn. Kết quả là, sau một năm, tôi đã giảm được khoảng 36kg, và sự chú ý mà tôi nhận được là rất lớn.
Sau đó, tôi nhanh chóng hình thành một phản xạ có điều kiện là hoàn thiện bản thân, sự chú ý và cuối cùng là sự yêu thương, nghĩa là tôi đã bắt đầu thấy rằng việc thay đổi bản thân sẽ giúp tôi được công nhận. Ai lại không muốn được người khác quý mến và chấp nhận đúng không? Nhưng có vẻ như sự chú ý này đã dẫn đến một điều mới.
Tôi nhận ra rằng mình đã không nhận được những sự quan tâm theo hướng tích cực như trước đây. Mọi người thường chọn tôi vì cân nặng của tôi. Do đó, khi càng lớn, tôi càng cho rằng mình phải trở nên thật hoàn hảo, bởi điều đó sẽ mang lại cho tôi những sự chú ý và sự khẳng định mà tôi còn thiếu. Hơn nữa, tôi cũng đã gặp khó khăn khi cố gắng sống đúng với bản thân mình mà không phải thay đổi điều gì.
Đối với tôi, sự tự chấp nhận bản thân là một thứ không thể hình dung vào một ngày tươi đẹp. Còn vào một ngày tồi tệ, nó có thể nằm đâu đó trong các mảnh kính vỡ trên sàn nhà. Qua những thử thách và sai lầm của mình, tôi đã học được rằng tự chấp nhận bản thân không phải là một kỹ năng thiên bẩm, mà là một điều chúng ta có thể rèn luyện, nuôi dưỡng.
Qua việc luyện tập, tôi dần cảm thấy hài lòng với chính mình, chấp nhận cả những điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
Tôi đã phải chiến đấu với sự thiếu chấp nhận bản thân trong nhiều năm. Tôi cho rằng mình cần trở nên như thế này, như thế kia để có được sự chấp nhận. Sự kết nối dễ dàng với các phương tiện truyền thông và phương tiện truyền thông mạng đã dẫn đến điều này. Tôi đã rơi vào cái bẫy của sự "so sánh", luôn cố gắng khắc phục những gì mình không có nhưng mọi người lại có.
Tôi nghĩ, “Ôi, cô ấy trông đẹp hơn tôi rất nhiều”, “Trời ạ, gia đình của họ trông thật hoàn hảo” hoặc “Sự nghiệp của tôi có vẻ không được thành công như vậy”. Và những suy nghĩ như vậy sẽ bào mòn tôi và tạo ra những tác động tiêu cực đến tâm trạng cũng như lòng tự trọng của tôi.
Mỗi ngày, tôi phải rất nhiều lần chống lại những luồng suy nghĩ này, bởi các vấn đề về sự chấp nhận bản thân, tình yêu và lòng trắc ẩn đã ăn sâu.
Khi còn nhỏ, tôi luôn được dạy rằng mình cần phải thay đổi bản thân để phù hợp với những khuôn mẫu của xã hội. Bạn bè thì thường xuyên bàn tán về cân nặng và ngoại hình, giáo viên thì liên tục phàn nàn về việc học, huấn luyện viên thì hay so sánh tôi với những cầu thủ "giỏi hơn, có năng lực hơn". Mặc dù biết một số những lời nói ấy là mang ý tốt, nhưng tôi vẫn cảm giác chúng đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị bản thân mình.
Khi lớn hơn, tôi đã nhận ra rằng yêu thương chính bản thân mình mới là một trong những điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, bởi không muốn người khác nhìn thấy những điều không tốt của bản thân, tôi thường hay thể hiện ra ngoài bằng một hình ảnh khác.
Tôi không giữ thái độ cởi mở trong cuộc chiến đấu dai dẳng với chứng trầm cảm, sự lo lắng và hình ảnh cơ thể của mình. Tôi phủ nhận một số những ngổn ngàng trong người mình, và điều đó có nghĩa là, tôi không bao giờ sống đúng với con người thật của mình. Hơn thế nữa, tôi đã đấu tranh với chính bản thân để biết mình là ai, và tôi đã hình thành một mối quan hệ có điều kiện với chính mình.
Trong một thời gian dài, tôi cũng phải vật lộn với việc tự tha thứ cho bản thân, một rào cản vô cùng lớn trên con đường hướng tới việc chấp nhận bản thân. Tôi đã đau khổ vì sự xấu hổ về sự lựa chọn của mình, tôi ước rằng tôi đã làm mọi thứ khác đi. Năm 26 tuổi, tôi có một cuộc hôn nhân thất bại, thông báo phá sản và đối mặt với một số hậu quả pháp lý do những hành vi thiếu trách nhiệm của mình gây ra.
Tôi bắt đầu cố gắng hoàn thiện bản thân bằng mọi cách có thể. Tôi đã liên tục tìm kiếm một trào lưu sức khỏe mới để theo đuổi. Tôi đã mua một số cuốn sách về self-help, tìm ra những lỗi sai của bản thân và tìm cách sửa chúng. Rõ ràng, tôi không có khái niệm về sự chấp nhận bản thân. Tôi không bao giờ cảm thấy thoải mái với con người thật của mình. Tôi vẫn một mực cho rằng mình không tốt, và mình cần phải thay đổi, cải thiện một điều gì đó.
Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu nhận thấy rằng sự chấp nhận bản thân thực sự hoàn toàn không liên quan gì đến việc cải thiện bản thân. Tôi luôn cố gắng đạt được mọi thứ, điều này có thể mang lại lợi ích tạm thời, nhưng dần dần sẽ làm ta mất đi sự gắn bó thực sự với bản thân, một điều mà tôi cần.
Khi bắt đầu quá trình cải thiện bản thân, tôi đã cố gắng sửa chữa một điều gì đó. Tôi không thể cảm thấy đủ an toàn hoặc đủ tốt nếu tôi không ngừng hoàn thiện bản thân.
Tôi phải vật lộn với thứ mà tôi hay gọi là căn bệnh "thành tựu là hạnh phúc". Cụ thể là “Tôi sẽ ổn khi…” hoặc “ngay khi tôi hoàn thành được điều này, tôi sẽ hạnh phúc…” Với suy nghĩ đó, tôi chưa bao giờ hạnh phúc, bởi tôi cứ mãi hướng về tương lai mà bỏ lỡ hiện tại. Tôi cũng chỉ đang cố gắng hoàn thành mọi thứ trong cuộc sống mà không bao giờ sống trọn những giây phút hiện tại.
Và cho đến một ngày, có một người bạn nói với tôi rằng: “Tớ cảm thấy cậu luôn tìm kiếm những điểm chưa tốt ở bản thân. Tại sao cậu không thử một lần chấp nhận bản thân mình?" Đây thực sự là một bước ngoặt, là một sự tình cờ tốt đẹp trong cuộc đời tôi. Tôi đã luôn chỉ tìm thấy những lỗi lầm ở bản thân mình. Vì vậy, tôi bắt đầu suy ngẫm về lời nói đó và bắt đầu thực hiện một số thay đổi theo hướng tích cực để hướng tới sự chấp nhận bản thân.
Tôi bắt đầu tán dương nhiều điểm mạnh của mình.
Tôi bắt đầu dành thời gian để tôn vinh những gì mình đã đóng góp cho tập thể.
Tôi đã làm việc chăm chỉ để nhận được lời khen ngợi từ mọi người mà không còn sự nghi ngờ đối với lời nói của họ.
Tôi hiểu rằng mình sẽ dần trở nên giống với những người mà mình tiếp xúc. Do đó, tôi đã xây dựng và nuôi dưỡng một hệ thống hỗ trợ truyền cảm hứng, trọn vẹn, không làm bản thân nản lòng và suy kiệt.
Tôi đã tự hứa sẽ ngừng việc so sánh mình với người khác. Tôi có thể thừa nhận điểm mạnh của người khác, nhưng đồng thời không xem nhẹ điểm mạnh của mình.
Tôi bắt đầu hiểu và ngừng lại việc chỉ trích bản thân. Tuy nhiên, cũng không hẳn là tôi bỏ luôn việc này, tôi sẽ làm nó bằng một hình thức mang tính xây dựng chứ không phải là gây tổn thương.
Tôi đã nỗ lực để tha thứ cho bản thân. Tôi đã không còn hối tiếc và bắt đầu học hỏi từ quá khứ của mình.
Cuối cùng, tôi bắt đầu thực hành lòng từ bi và lòng nhân ái. Nếu tôi không nói điều đó với người tôi yêu, thì tôi cũng sẽ không nói điều đó với chính mình.
Với tất cả những việc làm trên, tôi đã bắt đầu hiểu mình là ai và biết mình muốn gì, đồng thời cảm thấy thoải mái khi được là chính mình. Tôi đánh giá cao bản thân và nhận được sự tôn trọng từ người khác. Tôi có thể đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Tôi chấp nhận tất cả các phần của con người mình, chứ không chỉ là những thứ tốt đẹp. Tôi nhận ra những hạn chế và điểm yếu của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp nhận và yêu thương mình, tôi vẫn tiếp tục thực hiện việc phát triển bản thân. Chấp nhận bản thân không có nghĩa là chúng ta không cần sự thay đổi, cải thiện. Tức sự chấp nhận sẽ không tương đồng với những sự thay đổi trong con người chúng ta.
Nathaniel Branden nói, "Sự chấp nhận bản thân là việc từ chối tham gia vào một mối quan hệ bất lợi với chính mình." Nhiều người trong chúng ta sống một cuộc sống mà trong đó, chống lại chính bản thân mình, so sánh bản thân với người khác, thúc đẩy bản thân trở nên hoàn hảo và cố gắng trở nên phù hợp với một khuôn mẫu nhất định. Hy vọng rằng bằng cách làm sáng tỏ khái niệm chấp nhận, tôi đã giúp bạn trở nên can đảm hơn bỏ đi mọi thứ và yêu thương bản thân mình hơn.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết mình là ai trừ khi chúng ta ngừng việc đóng vai một ai đó, Và sẽ thật tiếc nếu chúng ta không khám phá con người mình, bởi vì chúng ta xinh đẹp và đáng được biết đến, và hãy cứ là chúng ta thôi.
----------
Tác giả: Lauren Impraim
Link bài gốc: Why I’ve Decided to Accept Myself Instead of Trying to ‘Fix’ Myself
Dịch giả: Hải My - ToMo - Learn Something New