Phớt lờ cảm xúc rất nguy hiểm đối với nam giới
Alexithymia có nghĩa là “mất khả năng diễn đạt cảm xúc”, thường xảy ra phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới.
Nội dung chính
- Alexithymia có nghĩa là “mất khả năng diễn đạt cảm xúc”, thường xảy ra phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới.
- Khống chế cảm xúc có thể dẫn đến các vấn đề y học hay trở ngại trong mối quan hệ.
- Có thể áp dụng những cách thức nhất định để cải thiện khả năng thấu hiểu cảm xúc của bản thân và của người khác.
Nếu bạn là nam giới, đã bao giờ có người nói rằng bạn thiếu đồng cảm chưa? Có thể chính bạn cũng tự nhận ra: bạn gặp khó khăn trong việc nhận biết người khác đang cảm thấy như thế nào, hay nhận biết những dấu hiệu không lời. Bạn có thể phân biệt được “vui hay không vui” hoặc “tốt hay xấu”, nhưng chỉ đến đấy mà thôi. (Nếu cảm thấy bản thân không giống với mô tả, bạn có thấy giống với một người bạn, bạn trai hay chồng hiện tại hoặc trong quá khứ không?)
Trở ngại này không phản ánh con người thật của bạn; có thể bạn nhạy cảm sâu sắc, và thật sự biết người khác đang cảm thấy như thế nào. Nhưng nếu bạn không biết thể hiện những cảm xúc này, và không thể liên hệ bản thân với sự nhạy cảm của người khác, có thể bạn sẽ bị hiểu nhầm là kiêu ngạo và xa cách, điều này có thể gây ra vấn đề trong những mối quan hệ quan trọng nhất.
Imi Lo, bác sĩ sức khỏe tâm trí lâm sàng và nhà tâm lý trị liệu đã từng viết trên Psychology Today, có cái nhìn rõ nét hơn rằng những người như vậy thường liên hệ bản thân với logic, thay vì là cảm xúc. Họ đề cao tầm quan trọng của “lý trí”, ngược lại với đa cảm, và thường bực mình khi ai đó trong cuộc sống của họ có cảm xúc mạnh mẽ mà họ không liên hệ được. Lo cho rằng những đặc điểm này đặc trưng cho mẫu đàn ông “nam tính” theo khuôn mẫu: một người dựa hoàn toàn vào logic thuần túy (hay ít nhất anh ta cho đó là logic) và tin rằng các kênh cảm xúc phần lớn thuộc về phái nữ.
Hiểu về Alexithymia
Trên thực tế, trở ngại trong việc thấu hiểu cảm xúc là một đặc điểm tâm lý học khá phổ biến gọi là alexithymia. Tên gọi này xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “mất khả năng diễn đạt cảm xúc”, mô tả sự đứt đoạn sâu sắc giữa suy nghĩ có ý thức và những tín hiệu cảm xúc cụ thể bên trong. Có thể trong bạn có cảm xúc, nhưng bạn gặp khó khăn trong việc nhận diện chúng một cách rõ ràng, hoặc trong việc thể hiện chúng.
Đây không hẳn là bệnh rối loạn tâm thần, mà là một đặc tính có thể gây ra những trở ngại tâm lý nhất định. Theo Tiến sĩ tâm lý học Kate Balestrieri, ngoài hạn chế trong khả năng đồng cảm, một số biểu hiện thường thấy của alexithymia còn bao gồm khó điều khiển cảm xúc, sợ thân mật, thường xuyên tránh xa cảm xúc, hứng thú thái quá đối với việc sống độc lập, chế ngự cảm xúc và phiền muộn trong bối cảnh xã hội, cùng với “tâm trạng tiêu cực mãn tính”. Khái niệm này được nhắc đến lần đầu vào năm 1976 bởi các nhà khoa học anh vi Peter Sifneos, John Nemiah, và Harald J. Freyberger của Trường Y Harvard (Nemiah, 1976).
Alexithymia thường bị nhầm lẫn là triệu chứng của bệnh rối loạn phổ tự kỷ (autistic spectrum disorder ASD), nhưng ta có thể nhận biết và đo lường mức độ của nó qua hai mươi câu hỏi Thang đo Alexithymia Toronto (Toronto Alexithymia Scale TAS, đã được đưa tin bởi Tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne trên Psychology Today). TAS đưa ra chỉ số chung về alexithymia và đồng thời phân biệt giữa ba thể loại con: khó khăn trong việc mô tả cảm xúc, khó khăn trong việc nhận diện cảm xúc, và suy nghĩ hướng ngoại (khuynh hướng giải quyết vấn đề bằng cách tấn công trực diện, thay vì suy nghĩ trước trong đâu). Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của một nhóm nhà tâm lý học Đại học Toronto (Carnovale, 2021) cho rằng ba thể loại con này không phải là cách phân loại chuẩn xác và chỉ ra rằng thang đo alexithymia thực chất không nên phân nhánh.
Vì sao trải nghiệm cảm xúc lại quan trọng?
Nếu bạn đang tự nhận với bản thân rằng mình gặp khó khăn trong việc thấu hiểu và gọi tên cảm xúc của chính mình, có lẽ bạn cũng tự hỏi tại sao cần quan tâm đến điều đó. Đầu tiên, như Lo đã nhắc đến, mơ hồ bên trong sẽ dẫn đến mơ hồ với bên ngoài. Khi bạn không chắc chắn mình đang cảm thấy như thế nào, những người thân cận sẽ khó có thể hiểu bạn và biết được họ muốn gì ở bạn, và mối quan hệ cá nhân của bạn sẽ đầy rẫy xung đột cho đôi bên. Nhiều khi bạn có thể hành động theo cảm xúc, như là nổi trận lôi đình, nhưng lại không thể tránh được một cuộc cãi vã bằng cách chỉ việc nói “Tôi đang tức giận với bạn.”
Một viễn cảnh khác, nếu không để cảm xúc lấn lướt hành vi, có thể bạn sẽ kìm nén chúng theo cách sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và sức khỏe (theo như lời của Krauss Whitbourne). Cảm xúc không biến mất khi ta gạt chúng sang một bên, cô ấy nói: năng lượng chúng tạo ra sẽ nằm lại đâu đó trên cơ thể bạn và có thể gây ra vấn đề ở đó. Có thể tự nhiên xuất hiện một cơn đau bụng bí ẩn, hay cơn nhức đầu mãn tính không thể lý giải. Lo chỉ ra rằng việc kìm nén cảm xúc hoặc thể hiện cảm xúc không đúng cách có thể dẫn đến những vấn đề tâm sinh lý như nhịp tim nhanh, cơn đau kéo dài, hoặc khó thở. Krauss Whitbourne cho rằng cơ thể sẽ báo hiệu rằng đang có vấn đề cảm xúc nào đó ở sâu bên trong bạn, cho dù bạn không thể nhận diện hay gọi tên.
Ngoài ra còn có nguy cơ xảy ra nỗi đau tâm lý, thay vì vật lý. Lo chỉ ra rằng người có chứng alexithymia có tỷ lệ trầm cảm cao gấp đôi, mặc dù họ không biết tại sao; động lực của họ biến mất và năng lượng, cùng với niềm vui có được từ những hoạt động giải trí, bị rút cạn một cách bí ẩn. Ngoài ra, alexithymia còn có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ. “Người bị alexithymia sẽ cảm thấy choáng ngợp hoặc bị đe dọa khi ở bên cạnh người có mong muốn cả hai cùng điều khiển những cảm xúc mạnh,” theo Balestrieri. Ở mức cực độ, điều này có thể dẫn đến việc bỏ rơi cảm xúc, khiến cho người còn lại cảm thấy lạc lõng và bị xa lánh (Scigala, 2021).
Một số người hình thành alexithymia từ thời thơ ấu; Lo cho rằng là do có sự gián đoạn trong quá trình phát triển cảm xúc bình thường, xảy ra khi đứa trẻ có phụ huynh không thể thấu hiểu và nói về cảm xúc của họ - hay cụ thể hơn là họ không thể làm gương thể hiện cảm xúc thích hợp trước con mình. Scigala và đồng nghiệp (2021) đồng tình với nhận định trên, cho rằng “trẻ nhỏ mắc chứng alexithymia có cha mẹ mâu thuẫn, hay chối bỏ, hoặc không sẵn sàng về mặt cảm xúc. Cũng có khả năng mắc alexithymia do bẩm sinh, hệ quả của biến dị di truyền, hoặc di chứng sau tổn thương não (ở bộ phận gọi là thùy nhỏ não trước).
Vì sao alexithymia phổ biến hơn ở nam giới?
Tuy nhiên, như tôi đã đề cập trước đó, phần lớn dân số nước Mỹ mắc chứng alexithymia có thể vì một nguyên do khác. Jayne Leonard trên trang Medical News Today đã nói thẳng rằng “alexithymia xảy ra ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới.” Lo cũng đồng tình, và chỉ ra rằng tỉ lệ mắc alexithymia ở nam giới (17%) cao hơn đáng kể so với ở nữ giới (10%).
Balestrieri cho rằng chứng bệnh này xảy ra ở nam giới như một lớp phòng ngự chống lại cảm xúc, có liên quan đến việc áp chế đau khổ. Nguyên nhân có thể đến từ những gia đình cứng nhắc bấu víu tư tưởng về vai trò giới tính truyền thống: trong những gia đình này, người con trai thường được dạy không được thể hiện những cảm xúc yếu đuối, trong khi con gái thì không bị ngăn cấm như vậy. Theo Tiến sĩ Balestrieri, nam giới thường được phép thể hiện sự nóng nảy và giận dữ, những cảm xúc được xem là “mạnh mẽ” theo tư tưởng truyền thống và tránh nguy cơ phải thừa nhận sự yếu đuối của mình.
Vì thế, những chàng trai trẻ tuổi học cách cư xử như thể họ không có cảm xúc, và ngày càng khó lòng thể hiện cảm xúc với người khác. Balestrieri cho rằng, xa lánh cảm xúc như thế này là “không bình thường” đối với nam giới nhưng “lại được bình thường hóa, do bản chất của vẻ nam tính ngoài mặt cần có chủ nghĩa khắc kỷ.” Aditi Murti, phóng viên của trang sức khỏe, khoa học và văn hóa The Swaddle đồng tình, ghi nhận rằng “với người đàn ông hợp giới, họ mệt mỏi khi luôn phải thể hiện sự nam tính ra bên ngoài. Mặc dù giới tính được quy định từ khi sinh ra, nhưng giới được hình thành từ xã hội. Nhiều người nam giới từ giai đoạn đầu đời đã phải học những quy tắc nam tính độc hại - thống trị, cạnh tranh, bạo lực và khắc kỷ.”
Đơn giản mà nói, điều này không lành mạnh đối với bất kỳ ai. Loài người tiến hóa để có cảm xúc vì nhiều lý do tốt, bao gồm giao tiếp giữa người và người, gắn kết nội bộ, và phát hiện nguy hiểm; nhìn chung, không khó để thấy cảm xúc luôn có vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của chúng ta. Những khuynh hướng văn hóa hay khuynh hướng gia đình xem nhẹ giá trị của việc trải nghiệm hay thể hiện cảm xúc ở nam giới gây ra gánh nặng nguy hiểm không cần thiết đối với cánh mày râu. Như Balestrieri đã chia sẻ, “nam giới xứng đáng được nhìn nhận, và cảm xúc của họ là chính đáng.” Những tư tưởng cứng nhắc, truyền thống về nam tính ngăn cấm thể hiện cảm xúc có thể gây ra bệnh lý, hay cản trở người đàn ông trong việc tìm thấy sự thỏa mãn lớn hơn trong các mối quan hệ.
Nam giới làm cách nào để đối phó với alexithymia?
Có nhiều cách để thay đổi thái độ của bạn khi trải nghiệm và thể hiện cảm xúc. Dù alexithymia có ăn sâu vào bạn đến mức nào thì vẫn có thể đảo ngược. Liệu pháp tâm lý là một nơi tuyệt vời để bạn xây dựng sự thoải mái để nhận diện và nói thành lời cảm xúc của mình - có người nói đây là một nơi an toàn cho ta tìm thấy những lối đi mới để sống đúng với bản thân. Một nhà trị liệu giỏi sẽ luôn cởi mở, chân thành, và sẵn sàng lắng nghe; thực hiện liệu pháp tâm lý với người như vậy có thể giúp bạn định vị cảm xúc trong cơ thể - như cảm giác “sốt ruột” khi bạn bồn chồn lo lắng - và hỗ trợ bạn gọi tên những hiện tượng ấy.
Lo cũng khuyến nghị liệu pháp tinh thần hóa, tập trung vào việc xây dựng liên kết giữa cảm xúc và suy nghĩ. Theo Lo, bạn có thể trau dồi ý thức về cảm xúc bằng cách viết nhật ký, nghe nhạc, hay đồng cảm với những nhân vật trong bộ phim bạn xem hoặc quyển sách bạn đọc.
Cảm xúc muôn hình vạn trạng chứ không phải một phát ăn ngay; sau rất nhiều năm né tránh và đàn áp, sẽ mất kha khá thời gian để bạn đưa chúng trở lại. Nhưng xin hãy yên tâm rằng: Điều đó có thể thực hiện được, và khi đã trở nên thoải mái hơn với những cảm xúc yếu đuối, bạn đã đạt được một bước tiến đáng kể để cải thiện các mối quan hệ, sức khỏe, và tri thức của bản thân.
Tài liệu tham khảo
Balestrieri, K. (2021, December 9). Why Men May Struggle to Communicate Their Feelings. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-intersection-mental-health-….
Carnovale, M., Taylor, G. J., Parker, J. D. A., Sanches, M., & Bagby, R. M. (2021). A bifactor analysis of the 20-item Toronto Alexithymia Scale: Further support for a general alexithymia factor. Psychological Assessment, 33(7), 619–628.
Leonard, J. (2019, September 25). Alexithymia: Symptoms, diagnosis, and links with mental health. Retrieved from https://www.medicalnewstoday.com/articles/326451.
Lo, I. (2021, February 6). Alexithymia: Do You Know What You Feel? Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-emotional-intensity/2021…
Murti, A. (2020, November 21). Stoicism Has Become a Masculine Ideal That Values Repression, Indifference. Retrieved from https://theswaddle.com/stoicism-has-become-a-masculine-ideal-that-value….
Nemiah, J. C., Freyberger, H., & Sifneos, P. E. (1976). Alexithymia: A view of the psychosomatic process. In O. W. Hill (Ed.), Modern trends in psychosomatic medicine (Vol. 3; pp. 430-439). London: Butterworths.
Scigala, D. K., Fabris, M. A., Badenes-Ribera, L., Zdankiewicz-Scigala, E., & Longobardi, C. (2021). Alexithymia and Self Differentiation: The Role of Fear of Intimacy and Insecure Adult Attachment. Contemporary Family Therapy, 43(2), 165–176.
Whitbourne, S. K. (2021, July 27). Why Exploring Your Feelings Is Good for Your Health. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/fulfillment-any-age/202107/why-…
Janie dịch
Nguồn
Why It's So Dangerous for Men to Ignore Their Emotions | Psychology Today