Phương thuốc cho sự bồn chồn: Hãy giới hạn các lựa chọn của bạn
Càng có nhiều lựa chọn thì ta càng phải chấp nhận nhiều chi phí cơ hội hơn, và chúng ta càng trở nên bồn chồn và bất hạnh hơn.
Quay lại thời ông bà của chúng ta, họ không có nhiều lựa chọn trong việc làm gì với cuộc đời mình. Và thời ông bà cố của chúng ta thì thậm chí còn ít lựa chọn hơn nữa. Bạn có thể kế nghiệp công việc kinh doanh của gia đình hay trạng trại gia đình hoặc chọn theo đuổi nghề buôn bán.
Còn ngày nay, chúng ta phải đối mặt với sự tấn công như vũ bão của nhiều lựa chọn. Chúng ta nên chọn trường đại học nào? Trường công hay trường tư? Ta nên chọn ngành nào trong hàng chục ngành? Chúng ta nên học nghiên cứu sinh hay trường luật? Ta nên chọn trường luật nào?
Và bên cạnh vô vàn lựa chọn trong cuộc sống mà chúng ta phải thực hiện, mỗi ngày chúng ta còn bị tấn công dồn dập bởi nhu cầu đưa ra vô số quyết định vặt vãnh. Chúng ta đứng trước gian hàng ngũ cốc tại cửa hàng tạp hóa với nhiều giá và kệ trưng bày đủ loại sản phẩm. Web mang đến cho ta hàng triệu trang web khác nhau để đọc. Trong khi thời ông bà chúng ta chỉ có 5 kênh TV để xem thì chúng ta lại có đến 850 kênh.
Nhìn từ bên ngoài, có nhiều lựa chọn hơn là một điều tốt. Người Mỹ đặc biệt thích càng có nhiều lựa chọn càng tốt. Trước khi bước sang thế kỷ 19, tự do được định nghĩa là độc lập tự túc, quyền tự do sở hữu đất đai và công cụ, và vất vả kiếm sống bằng chính đôi tay của bạn. Khi chủ nghĩa tiêu dùng trở thành một lực lượng chi phối nền văn hóa, sự tự do được định nghĩa lại, nghĩa là tự do lựa chọn, để lựa chọn giữa những mặt hàng và lối sống khác nhau, để chọn những thứ mà chúng ta tin là phù hợp với sở thích và cá tính của ta hơn những thứ khác. Đây là khởi đầu của việc định nghĩa bản thân chúng ta bằng những thứ mà ta mua, thay vì chúng ta là ai và chúng ta làm gì, nhưng hôm khác chúng ta sẽ thảo luận về chuyện đó.
Nói như vậy cũng đủ để thấy rằng trong thế kỷ qua, các khái niệm về tự do và sự lựa chọn của chúng ta đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Xuất phát từ nước Nga đã ra tay trước trong cuộc chạy đua vào vũ trụ bằng cách phóng Sputnik, Kruschev và Nixon đã tổ chức “Cuộc tranh luận Nhà bếp” nổi tiếng, mà trong đó Nixon chứng minh cho tính ưu việt của lối sống Mỹ bằng cách chỉ ra số lượng và tính ưu việt của hàng hóa và các thiết bị của chúng ta--Pepsi và bột làm bánh, máy rửa chén và máy cắt cỏ, những bữa ăn tối xem TV và son môi.
Nhưng nhiều lựa chọn hơn có phải lúc nào cũng là điều tốt nhất cho chúng ta hay không? Hạnh phúc của dân Mỹ đã giảm dần trong những thập kỷ qua và hiện tại cứ 10 người thì có 1 người đang uống thuốc chống trầm cảm. Nếu nhiều lựa chọn tương đương với nhiều hạnh phúc hơn thì ngay lúc này chúng ta đều đang sống trên thiên đường. Nhưng chúng ta không như thế.
Xin đừng hiểu lầm ý tôi -- lựa chọn là điều tuyệt vời. Nó cho phép chúng ta chọn những thứ mà ta coi trọng và thể hiện cá tính của mình. Những lựa chọn cho chúng ta quyền tự chủ và cơ hội để theo đuổi những ham muốn và ước mơ của cá nhân ta. Chúng cho phép chúng ta kiểm soát cuộc sống của mình và tránh cảm giác bất lực. Các lựa chọn cho chúng ta cơ hội tạo ra số phận của chính mình và chúng rất cần thiết đối với sức khỏe tâm lý của chúng ta
Nhưng sẽ tới một điểm của hiệu suất giảm dần, một điểm mà thay vì giảm bớt cảm giác bất lực và thờ ơ, chúng thực sự gia tăng những cảm giác ấy. Chỉ 9% số người được thăm dò ý kiến vào năm 1966 đồng ý với tuyên bố, “Tôi cảm thấy bị gạt ra ngoài lề.” Nhưng năm 1986, con số đó là 37%. Tôi tưởng tượng con số ngày nay thậm chí còn cao hơn. Chuyện gì đang diễn ra thế?
Sự lựa chọn có thể làm suy giảm động lực ra sao
Tại một cửa hàng tạp hóa cao cấp, các bàn giới thiệu sản phẩm cho khách hàng cơ hội nếm thứ 24 hoặc 6 loại mứt khác nhau. Khách hàng được tặng một coupon giảm giá 1 đôla nếu họ mua một hộp mứt. Bàn có 24 loại mứt thu hút nhiều người hơn bàn có 6 loại mứt, nhưng cuối cùng thì ở mỗi bàn, mọi người đều nếm thử số lượng mứt như nhau. Điểm khác biệt lớn nằm ở số lượng người dùng thử mứt chuyển đổi thành khách hàng; chỉ có 3% số người ở bàn 24 loại mứt đã mua một hộp mứt, trong khi bàn có 6 loại mứt thì có đến 30% số người nếm thử đã mua một hộp.
Chuyện gì đang xảy ra thế này? Tại sao việc tăng số lượng lựa chọn trên thực tế lại làm giảm khả năng ra quyết định của con người?
Bị ám ảnh bởi chi phí cơ hội
Các nhà kinh tế học sử dụng thuật ngữ “chi phí cơ hội” để mô tả những điều mà một người bỏ lỡ khi họ lựa chọn một con đường hay một món hàng này thay vì thứ khác. Nếu bạn đang lựa chọn giữa đi xem phim và xem một trận bóng chày, và bạn chọn cái sau, vậy thì chi phí cơ hội của bạn là bộ phim mà bạn sẽ không được xem.
Mặc dù lý thuyết kinh tế nói rằng chúng ta chỉ nên xem xét chi phí cơ hội gắn liền với lựa chọn tốt nhất tiếp theo, song thực tế là mỗi lựa chọn có các đặc tính mà có thể xếp chúng lên trên, phụ thuộc vào các tiêu chí mà bạn xếp hạng chúng. Rốt cuộc là chúng ta cảm thấy chi phí cơ hội không chỉ đến từ lựa chọn tốt nhất tiếp theo, mà nó đến từ tất cả các lựa chọn mà chúng ta cân nhắc. Bởi vậy càng có nhiều lựa chọn thì ta càng phải chấp nhận nhiều chi phí cơ hội hơn, và chúng ta càng trở nên bồn chồn và bất hạnh hơn.
Như chúng tôi đã nói, sự lựa chọn là điều tốt, nhưng sẽ đến một lúc ‘hiệu suất giảm dần’. Và bạn đã chạm đến điểm đó khi chi phí cơ hội trở nên quá lớn đến nỗi bạn không thể tận hưởng được sự lựa chọn mà bạn đưa ra. Những đánh đổi đi kèm ám ảnh tâm trí bạn và cướp đi sự thỏa mãn của bạn trong quá trình lựa chọn. Hoặc giống như sự việc đã xảy ra với những người dùng thử mứt, chỉ riêng cái ý nghĩ phải đánh đổi quá nhiều đã đủ để khiến bạn không thể đưa ra một lựa chọn nào. Vì một mặt, bạn bỏ lỡ một lọ mứt cụ thể, nhưng mặt khác, bạn không phải nghĩ đến tất cả những lọ mứt khác mà bạn đã bỏ qua. Bạn nhìn thấy một lựa chọn hấp dẫn, nhưng các lựa chọn khác cũng có đặc điểm cuốn hút, điều này phủ nhận sức hấp dẫn của lựa chọn đầu tiên. Lựa chọn đó dường như không còn đặc biệt nữa và do đó họ không còn cảm thấy đáng để theo đuổi.
Mấy lọ mứt chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, nhưng mũi kim chuyển sang những lựa chọn lớn hơn mà chúng ta phải đưa ra. Vì có quá nhiều lựa chọn khác nhau nên chúng ta muốn kiểm tra và không chọn bất cứ thứ gì để tránh phải đối mặt với các chi phí cơ hội của những lựa chọn của chúng ta. Chúng ta bị mắc kẹt giữa bàn mứt của cuộc đời, muốn chọn thứ gì đó nhưng lại không muốn từ bỏ những lựa chọn khác, và kết cuộc là bị tê liệt bởi sức ì của chúng ta. Và chúng ta cảm thấy lo lắng, vì những người khác đến và mua mứt, liệu tới lúc ta biết mình muốn gì thì có còn lọ mứt nào dành cho ta không? Nhưng chết tiệt, nếu chúng ta cứ đứng như trời trồng, ôi không, người đó mới mua thêm vài lọ mứt nữa!
Chu kỳ của sự bồn chồn
Không muốn đối mặt với những đánh đổi tiềm ẩn, nhiều người quyết định con đường tốt nhất là không lựa chọn, với quan niệm rằng giữ càng nhiều lựa chọn càng tốt sẽ mang đến sự tự do và hạnh phúc lớn nhất. Nhưng các nghiên cứu cho thấy thực tế không hoạt động theo cách như vậy. Barry Schwartz, tác giả cuốn sách The Paradox of Choice, cho biết:
“Còn điều gì có thể tạo ra chi phí cơ hội lớn hơn việc chọn một người bạn đời và đánh mất cơ hội tận hưởng tất cả các đặc điểm quyến rũ của những người tình tiềm năng khác? Về trung bình, mọi người cũng làm một công việc chẳng bằng một nửa thời gian so với một thế hệ trước. Mặc dù việc trì hoãn chuyện hôn nhân và tránh cam kết với một công việc nào đó có vẻ như thúc đẩy sự khám phá bản thân, song sự tự do và khám phá bản thân này dường như khiến nhiều người cảm thấy mất mát nhiều hơn là nhận được.”
Con người bị cuốn vào cái mà tôi gọi là chu kỳ bồn chồn. Đứng trước muôn vàn lựa chọn trong cuộc đời, con người cảm thấy bồn chồn và tin rằng phương thuốc cho vấn đề của họ là tự do hơn và nhiều lựa chọn hơn. Do đó họ rời xa những cam kết. Nhưng điều này chỉ tạo ra nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống của họ, khiến họ cảm thấy bồn chồn hơn và cái vòng luẩn quẩn lại tiếp tục.
Phá vỡ vòng luẩn quẩn: Lập cam kết
Các nghiên cứu chỉ ra rằng làm những việc như kết hôn, gần gũi với gia đình, có bạn bè tốt, và tham gia vào các cộng đồng tôn giáo đều có tương quan với cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn lớn hơn. Không thể nói rằng những cam kết đó là căn nguyên của hạnh phúc, nhưng điều thú vị cần lưu ý rằng những điều đó, đều giới hạn một số lựa chọn và tự do của bạn, lại có liên quan đến hạnh phúc lớn hơn chứ không phải ít hơn.
Hãy nghĩ về điện. Đó là một sức mạnh mờ ảo mà mắt người không nhìn thấy. Nó cần một sợi dây, một ống dẫn để trở nên hữu ích và cung cấp năng lượng cho cuộc sống chúng ta. Hạnh phúc cũng tương tự vậy; nếu không có những ràng buộc, không có con đường để nó chạy đến với chúng ta thì nó cứ tồn tại như một đám mây lờ mờ xung quanh chúng ta nhưng không nắm bắt được.
Một nhà sư từng đưa học trò của mình đi dạo dọc bờ sông. Đầu tiên ông chỉ cho họ thấy một nơi mà hai bờ sông cách nhau rất xa. Ở đây nước chảy chậm và tù đọng. Sau đó ông dẫn học trò đến một nơi mà hai bờ sông rất gần nhau. Ở đây nước chảy xiết và trong vắt.
Trong khi để ngỏ nhiều lối rẽ trong đời có vẻ hứa hẹn nhiều hạnh phúc nhất, song việc áp đặt giới hạn lên những lựa chọn của chúng ta trên thực tế có thể gia tăng niềm vui và sự thỏa mãn trong cuộc sống của chúng ta.
Giới hạn những lựa chọn
Nhưng điều này có nghĩa là gì? Liệu chúng ta nên kết hôn với cô gái đầu tiên đá lông nheo với ta và tiếp tục làm công việc bất chấp chuyện nó làm tâm trí ta đờ đẫn?
Tất nhiên là không. Việc đưa ra cam kết một cách thiếu định hướng hay kế hoạch, chỉ vì mong có ít lựa chọn, sẽ làm bạn kém hạnh phúc hơn, chứ không phải nhiều hơn. Thay vì vậy, chúng ta cần chuyển hướng nguồn năng lượng mà ta lãng phí khi nhảy từ khả năng này sang khả năng khác thành sự thấu hiểu về những điều chúng ta thực sự mong muốn trong cuộc sống và những đánh đổi mà ta sẵn sàng thực hiện.
Trong thời đại mà nhiều thứ, từ những ly latte của chúng ta cho đến nguồn cấp dữ liệu RSS, có thể được điều chỉnh chính xác theo sở thích cá nhân của ta, nhiều người trong chúng ta có bước nhảy vọt trong tiềm thức, tin rằng mọi thứ trong cuộc đời đều có thể phù hợp chính xác theo sở thích của chúng ta. Do đó, chúng ta thêm vào hàng loạt các lựa chọn đã có sẵn, một lựa chọn khác, dẫu cho sai lầm. Chúng ta kết hợp tất cả các đặc tính đáng ưa chuộng mà ta có thể nghĩ ra thành một khả năng “hoàn hảo”, một khả năng không có bất kỳ sự đánh đổi nào, và chúng ta đi từ trường đại học này sang đại học khác, cô gái này sang cô gái khác và công việc này sang công việc khác, tìm kiếm sự lựa chọn hoàn hảo này để hiện thực hóa.
Nhưng cuộc sống không phải là một ly Starbucks. Mọi lựa chọn đều có ít nhất một vài đánh đổi. Nếu bạn muốn có thêm thời gian, vậy thì bạn sẽ nhận lương thấp hơn. Nếu bạn muốn trở thành một doanh nhân, vậy bạn sẽ phải từ bỏ sự an toàn. Nếu bạn muốn kết hôn với một phụ nữ ngoan đạo, thông minh, vậy có lẽ nàng sẽ không thể nào là một cô người mẫu nóng bỏng trong phòng ngủ.
Mẹo để chữa khỏi sự bồn chồn của bạn là tìm ra những đánh đổi nào bạn sẵn sàng chấp nhận và những điều mà bạn không muốn thỏa hiệp. Khi ấy bạn có thể thu hẹp đáng kể các lựa chọn để theo đuổi. Nếu vợ tương lai của bạn phải cùng tôn giáo với bạn thì bạn đã bỏ đi được một lượng lớn đối tượng. Nếu bạn không thể lấy một người hoang phí thì khi đó nhiều lựa chọn có thể bị loại bỏ. Có óc hài hước có phải là điều kiện cần phải có không? Được rồi, giờ thì bạn đã có một quan điểm tốt hơn về kiểu người nên hẹn hò và không cần phải theo đuổi mọi cô gái ngẫu nhiên mà bạn xem là dễ thương.
Hẹn hò với 30 phụ nữ và nộp đơn vào 15 trường đại học dường như là cách tốt nhất để tìm ra điều tốt nhất dành cho bạn, nhưng hãy nhớ, rốt cuộc việc này sẽ phản tác dụng. Bạn đơn giản là đang phóng đại chi phí cơ hội và mở đường cho những hối tiếc và “giá mà, nếu như” khi cuối cùng bạn buộc phải đưa ra một sự lựa chọn. Hãy xác định những giá trị cốt lõi của bạn, hiểu rõ điều bạn mong muốn trong cuộc sống và sau đó chỉ tập trung vào những lựa chọn phù hợp với những tiêu chí đó.
Source: The Paradox of Choice by Barry Schwartz
https://www.artofmanliness.com/articles/paradox-of-choice/