Rối loạn nhân cách hoang tưởng
Đặc trưng chủ yếu của rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder) là nghi ngờ quá mức và không tin tưởng người khác.
Đặc trưng chủ yếu của rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder) là nghi ngờ quá mức và không tin tưởng người khác. Người mắc chứng bệnh này thường nhạy cảm quá mức với các tác động bên ngoài nên dễ bị tổn thương, hành vi đặc trưng của họ là tin rằng cảm xúc và suy nghĩ của mình là sự thật, rồi chăm chăm tìm kiếm bằng chứng hòng chứng minh điều đó.
Đáng nói hơn, do phóng chiếu nỗi sợ hãi mình cảm nhận được lên người khác nên người bệnh thường không tin tưởng bất cứ ai. Dù không có manh mối hay bằng chứng xác đáng, họ vẫn nghi ngờ đối phương muốn lừa dối hay lợi dụng mình, thậm chí còn nghĩ theo hướng tiêu cực là người ta đang ấp ủ âm mưu gì đó chống lại mình. Họ luôn tìm kiếm ẩn ý trong lời nói hay hành động của người khác, và ôm lòng thù địch với người gây tổn thương mình.
P lảng vảng trước nhà người yêu cũ của mình là B, rồi vung hung khívào bố B lúc bấy giờ đang mở cửa bước ra
khỏi nhà để đi làm. Bị đ.â.m một nhát trúng phần cổ, bố B được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, nhưng đã tử vong
trong lúc chữa trị. Được biết, trước khi xảy ra vụ việc, P và B có hẹn hò khoảng một tháng nhưng đã chia tay.
Trường hợp này được thuật lại theo ngôi thứ nhất từ góc nhìn của hung thủ P. Việc theo dõi từ góc nhìn của người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng sẽ giúp chúng ta thấy rõ quá trình câu chuyện bị bóp méo và trở nên lệch lạc như thế nào.
Trong thế giới đầy rẫy những kẻ không thể tin tưởng, những kẻ thích gây ra xung đột và mâu thuẫn, từ trước đến nay tôi đều cố gắng tồn tại theo cách của riêng mình. Dù cũng có bạn bè, nhưng tôi không bộc lộ mọi thứ cho họ thấy. Bởi lẽ, nếu thấy được khía cạnh u tối của tôi, ắt hẳn họ sẽ chê trách và xem thường tôi, giống như hai người mang tiếng là bố mẹ nhưng luôn kiểm soát, mắng mỏ, cư xử lạnh nhạt với tôi.
Bố mẹ lúc nào cũng ngược đãi, bạo hành tôi, nói những lời xúc phạm và kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của tôi. Lấy danh nghĩa phụ huynh, họ xem những hình phạt tàn nhẫn là cách giáo dục hợp lý và chính đáng. Bố tôi là một gã đàn ông thảm hại, quen thói thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Trước khi biết cách tránh né, tôi luôn phải hứng trọn những lời chửi bới trút như mưa xuống đầu mình. Không thể bảo vệ con cái trước người chồng bạo lực, người phụ nữ xưng là mẹ chúng tôi thường chẳng mấy khi có ở nhà. Mẹ là người tôi không muốn gần gũi, vì chẳng biết khi nào bà ta sẽ bỏ đi. Giờ nhớ lại, gương mặt lạnh lùng ấy vẫn khiến tôi rùng mình.
Mấy tháng trước, tôi gặp B lần đầu tiên ở hôn lễ của một đứa bạn học cấp ba. Đôi bên có cùng mối quan tâm, B lại lắng nghe lời tôi nói nên tôi tin rằng cô ta thích mình. Thậm chí tôi còn nghĩ B có thể thay đổi tình sử chỉ toàn yêu đơn phương và bị phản bội của mình.
Đó chỉ là sự ảo tưởng của tôi ư? Tôi vẫn một lòng tin tưởng B, cho đến khi nhìn thấy mấy gã đàn ông trong bức ảnh mà cô ta bảo là chụp cùng đám bạn. Có một dạo, B thường xuyên gặp gỡ những người bạn tôi không quen biết. Thế rồi một hôm nọ, tôi không tài nào liên lạc được với cô ta. B nói dối tôi là đi ăn tối cùng mấy người đồng nghiệp nữ, nhưng hóa ra cô ta lại đi chơi với đám đàn ông. Về sau cô ta mới thú nhận rằng mình tình cờ gặp hội bạn cùng trường cấp ba ở chỗ ăn, nhưng không đời nào cái “tình cờ” ấy lại là thật được. Sau nhiều lần bị tôi trách móc vì phản bội, cô ta dần tránh mặt tôi. B đã biến tôi thành một thằng đàn ông thảm hại. Cô ta chèo kéo và lợi dụng tôi, chưa đầy một tháng sau thì chê tôi phiền phức rồi đòi chia tay. Không thể tha thứ được. Hôm qua, khi tôi tới tận nhà tìm B để nói chuyện, cô ta nhìn tôi như thứ sâu bọ và còn tỏ vẻ xa lánh tôi.
Tôi không sao quên được ánh mắt lạnh lẽo của cô ta, mặc cho tôi khổ sở cầu xin thế nào đi chăng nữa, cô ta cũng không thèm đếm xỉa đến tôi. Tôi cũng không thể chịu được tiếng người nhà cô ta chửi rủa tôi ở đầu dây bên kia điện thoại. Cớ sao tôi phải nghe những lời chỉ trích, công kích từ họ? Tôi dốc hết tình cảm trao cho cô ta, vậy mà lại nhận về những lời nhiếc móc, sự khinh miệt và xem thường. Cô ta và gia đình cô ta khiến tôi tức điên. Vậy nên tất cả đều là do họ tự chuốc lấy.
PHÂN TÍCH TÂM LÝ TỘI PHẠM
Trên đây là ví dụ mô phỏng quá trình gây án của nhân vật được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng. Trong đó, P liên tục biểu hiện sự không tin tưởng và ngờ vực người khác, cho thấy khuôn mẫu hành vi gây phiền nhiễu cho những người xung quanh. Mặc dù chưa có chứng cứ xác thực về việc người yêu bắt cá hai tay, nhưng anh ta vẫn không kiểm soát được sự nghi ngờ của mình. Về cơ bản, anh ta không tin tưởng bất cứ ai, liên tục ngờ vực những người xung quanh, sau đó cố tìm ra căn cứ để hợp lý hóa hoài nghi của mình và gạt sang một bên tất cả những điều không trùng khớp với nghi ngờ ấy. Ở P còn có một đặc trưng nữa là thái độ nghiêm khắc kiểm soát bản thân vì cho rằng trên đời này chẳng tin được ai ngoài chính mình. Anh ta nghĩ rằng những lời mình nói ra một lúc nào đó có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu, và sẽ quay ngược lại tấn công bản thân.
Điều nguy hiểm nhất là nỗi oán hận hay tức giận đối với người khác của những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường không dễ hóa giải mà kéo dài rất lâu. Nếu vợ/chồng ngoại tình hay người yêu đòi chia tay, người bệnh sẽ cảm thấy mình bị sỉ nhục, rồi không ngừng chửi rủa và lên án họ. Dù đã kết hôn hay yêu đương lâu năm cũng không ngoại lệ.
Đặc trưng về nhận thức xuất hiện ở những người mắc rối loạn nhân cách hoang tưởng là quy chụp mọi vấn đề là lỗi của người khác, tự phỏng đoán động cơ của đối phương và mù quáng tin vào suy nghĩ của bản thân, từ chối nhìn nhận sự việc theo góc độ khác. Chủ nghĩa nhận thức hành vi giải thích cơ chế xuất hiện nhân cách hoang tưởng là “khái niệm hóa nhận thức”. Người bệnh lý giải một chuyện nhỏ nhặt theo hướng phóng đại, và trong quá trình đó, nhằm đối phó với mối đe dọa do chính mình dựng nên, họ sẵn sàng tranh luận hoặc thậm chí là kiện tụng đối phương. Trong trường hợp của P, anh ta tin chắc rằng cách hành xử người yêu có vấn đề và nghi ngờ của mình là chính đáng. Dù B trả lời như thế nào, anh ta cũng không tin mà cho là bịa đặt, nên mọi lời nói hay hành động của cô ấy đều không có ý nghĩa.
Bằng cách xem sự phóng chiếu như cơ chế phòng vệ chính, các nhà lý luận phân tâm học đã tìm ra nguyên nhân phát sinh chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng: Người bệnh cho rằng căn nguyên nỗi đau khổ của mình nằm ở bên ngoài. Với tinh thần cảnh giác cao độ, P luôn giám sát những đối tượng có khả năng làm hại mình và môi trường xung quanh người đó. Không chỉ vậy, anh ta còn biểu lộ sự ghen tuông gần như hoang tưởng và phóng chiếu dục vọng hay ảo tưởng của mình lên người yêu.
Theo lý giải của những chuyên gia lâm sàng hay nhà tâm thần học, ở phương diện xã hội, rối loạn nhân cách hoang tưởng thường bắt nguồn từ cách nuôi dạy con của những bậc phụ huynh thờ ơ hay bạo lực. Lúc nhỏ, nếu sống trong môi trường dưỡng dục tiêu cực, trẻ em sẽ khó hình thành cảm xúc lành mạnh và phong phú. Ở trường hợp của P, chắc hẳn sự tiêu cực chính là những hình phạt khắc nghiệt đã được hợp thức hóa của bố mẹ anh ta cùng với môi trường nuôi dưỡng tràn ngập bạo lực, sự sỉ nhục và kiểm soát.
- Trích từ cuốn sách sách GHI CHÉP GIẢI PHẪU TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM
Link đặt sách: https://shope.ee/8KFDsD2dRQ