"Tư duy thiếu thốn" khiến con người trở nên trì độn

tu-duy-thieu-thon-khien-con-nguoi-tro-nen-tri-don

Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy những người đặc biệt bận rộn và nghèo nàn có một điểm chung, đó là họ dành quá nhiều tâm trí để theo đuổi những thứ thiếu thốn, dẫn đến suy giảm toàn diện về nhận thức và phán đoán.

NGHÈO NÀN VÀ BẬN BỊU CÓ MỘT ĐIỂM CHUNG

Trưởng nhóm nghiên cứu là giáo sư Sendhil Mullainathan của Đại học Harvard, và cộng sự là giáo sư Eldar Shafir của Đại học Princeton. Bài nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí "Science" của Mỹ.

Nghiên cứu bắt nguồn từ việc Mullainathan căm gh.ét sự trì hoãn của chính mình.

Sendhil Mullainathan từ Ấn Độ di cư đến Hoa Kỳ vào năm 7 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Harvard, ông giảng dạy kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận được học bổng MacArthur và được tuyển làm giáo sư vô thời hạn tại Harvard.

Có được thành công đáng ngưỡng mộ, nhưng Mullainathan vẫn cảm thấy điều duy nhất ông luôn thiếu là thời gian. Trong đầu có nhiều kế hoạch khác nhau và luôn muốn hoàn thành mọi việc một mình, kết quả là ông thường rơi vào vũng lầy của “những hứa hẹn không thể thực hiện”.

Nhận thức được vấn đề này, Mullainathan đã kết nối nghiên cứu xóa đói giảm nghèo quốc tế mà ông đang thực hiện với vấn đề của chính mình. Cuối cùng, ông phát hiện ra rằng vấn đề gặp phải giống với những lo lắng của người nghèo một cách đáng ngạc nhiên.

Người nghèo thiếu tiền, và ông thiếu thời gian. Điểm chung của cả hai ở chỗ: Ngay cả khi cho người nghèo tiền bạc và cho người bận bịu thời gian, họ đều không tận dụng tốt các nguồn lực này.

Trong tình trạng khan hiếm nguồn lực (tiền bạc, thời gian, thông tin…), việc theo đuổi những thứ bản thân thiếu thốn đã chiếm dụng sự tập trung của một người, từ đó bỏ qua những yếu tố quan trọng và có giá trị hơn, dẫn đến tâm lý lo lắng và khó khăn trong việc quản lý những gì đang sở hữu.

Điều đó có nghĩa là, khi bạn quá nghèo hoặc không có thời gian, trí thông minh và khả năng phán đoán sẽ suy giảm toàn diện, gây ra thất bại nhiều hơn.

giáo sư Sendhil Mullainathan

"TƯ DUY THIẾU THỐN" KHIẾN CON NGƯỜI TRỞ NÊN TRÌ ĐỘN

Nghiên cứu giải thích thêm rằng tình trạng thiếu hụt những thứ bản thân khao khát dài lâu có thể tạo ra "tư duy thiếu thốn", dẫn đến mất nỗ lực tinh thần cần thiết để đưa ra quyết định.

Để trang trải cuộc sống, người nghèo phải tính toán chi li, cuối cùng vẫn không thể cải thiện thực trạng hiện tại; người quá bận rộn, chạy đua để kịp deadline công việc, từ đó khiến bản thân mệt mỏi cùng cực, thế là không đủ thời gian để suy xét đến vấn đề phát triển lâu dài.

Đối với họ, ngay cả khi thoát khỏi tình trạng thiếu thốn này, họ sẽ bị vướng vào "tâm lý thiếu thốn" trong một thời gian dài.

CHO NGƯỜI NGHÈO TIỀN BẠC KHÔNG PHẢI GIẢI PHÁP ĐỂ THOÁT NGHÈO

Nhiều người cho rằng người nghèo thiếu tiền bạc vì họ không làm việc chăm chỉ; người khác lại cho rằng gốc rễ của nghèo đói là bất bình đẳng xã hội, nên làm từ thiện nhiều hơn để cán cân được cân bằng.

Mullainathan đã chứng minh cả hai vế trên đều sai. Người nghèo không phải không làm việc chăm chỉ, NHƯNG VÌ ĐÓI NGHÈO QUÁ LÂU, HỌ ĐÃ ĐÁNH MẤT TRÍ THÔNG MINH VÀ ÓC PHÁN ĐOÁN ĐỂ THOÁT NGHÈO.

Nếu tình trạng này không thay đổi thì những nỗ lực sẽ trở nên vô ích, và nếu tiền chỉ được chia cho người nghèo thì “tâm lý thiếu thốn” cũng sẽ cản trở họ tận dụng tốt những lợi ích này để thoát nghèo.

Do đó, giúp người nghèo thay đổi tư duy song song với việc hỗ trợ kinh tế mới là “sự cứu vớt” đúng nghĩa nhất. Vì khi không còn sự trợ giúp, họ đã đủ năng lực để tự kiếm sống và thoát nghèo.

Sendhil Mullainathan đã lấy ví dụ về một thực trạng tại thị trường ở quê hương ông. Những người bán hàng thường vay 1.000 rupee từ những người giàu có trong vùng từ ngày hôm trước để nhập hàng và bán vào buổi sáng hôm sau. Sau một ngày họ sẽ kiếm được 1.100 rupee. Tuy nhiên họ chỉ có thể bỏ túi 50 rupee bởi phải hoàn trả 1.000 rupee tiền gốc và 50 rupee tiền lãi cho chủ nợ.

Thấy vậy Sendhil Mullainathan đã đưa ra lời khuyên cho cho những người bán hàng rằng hãy dành thời gian để uống một tách trà và ăn một mẩu bánh mì vào mỗi sáng. Chỉ cần làm liên tục như vậy trong 6 tháng, bạn sẽ không cần phải vay tiền của người giàu và có thể tăng gấp đôi lợi nhuận.

Lời khuyên của Sendhil Mullainathan được đưa ra xuất phát từ thực tế những người bán hàng rong ở quê ông không có thời gian để nghỉ ngơi hay suy nghĩ, tưởng tượng về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai, chứ chưa nói đến câu chuyện của 6 tháng sau.

Khi bị khan hiếm về thời gian, những người bán hàng sẽ chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn, điều này khiến họ mất đi khả năng hoạch định tương lai. Sendhil Mullainathan chỉ ra rằng kiểu suy nghĩ này chính là 'tâm lý khan hiếm', sẽ làm giảm khả năng nhận thức của con người và khiến họ rơi vào cái bẫy của nghèo đói và bận rộn.

Năm 2004, một nghiên cứu khác có sự tham gia của Sendhil Mullainathan được thực hiện đối với người trồng mía ở Tamil Nadu, Ấn Độ. Trước ngày mùa thu hoạch, người dân nơi đây thường phải sống trong nghèo đói. Họ đã yêu cầu 500 người dân làm trắc nghiệm trước và sau vụ mùa.

Kết quả cho thấy, thức ăn hàng ngày và phương thức sinh hoạt của những người nông dân này sau 4 tháng về cơ bản không có gì thay đổi, thứ thay đổi chính là những lo âu của họ về tiền bạc. Nghiên cứu phát hiện ra lo lắng về tiền bạc sẽ ảnh hưởng tới năng lực nhận thức của những người nông dân này. Trước khi thu hoạch, khi mà chưa có tiền, chỉ số IQ của họ thấp hơn so với lúc đã có tiền 9-10 điểm.

CHO NGƯỜI BẬN BỊU THỜI GIAN KHÔNG PHẢI LÀ CÁCH ĐỂ CÓ THỂ LÀM NHIỀU VIỆC HƠN

Không có đủ thời gian thì phải làm sao? Nguyên tắc quản lý thời gian thông thường là tận dụng từng giây từng phút rảnh rỗi và xử lý nhiều công việc cùng lúc.

Nghiên cứu của Mullainathan đã phát hiện ra rằng lý do khiến nhiệm vụ không thể hoàn thành không phải là thiếu thời gian, mà là thiếu năng lượng tinh thần khi giải quyết vấn đề.

Thay vào đó, sử dụng thời gian rải rác và đa nhiệm có thể làm tăng sự lo lắng do bị phân tâm, dẫn đến việc không thể tập trung vào các nhiệm vụ chính và làm trầm trọng thêm sự trì hoãn.

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là giảm bớt sự phân tâm, tìm kiếm sự giúp đỡ và phân chia vấn đề, để giảm bớt sự lo lắng và tập trung vào một mục tiêu sau đó thực hiện theo tuần tự.

THOÁT KHỎI TÂM LÝ ‘KHAN HIẾM’

Để thoát khỏi tâm lý 'khan hiếm' nhằm giúp bạn thoát nghèo và giải quyết tình trạng quá bận rộn, Sendhil Mullainathan đã đề xuất 3 giải pháp:

- Tiết kiệm não bộ: Bộ não của con người có giới hạn, gánh nặng của cuộc sống đời thường nên được giảm bớt, chẳng hạn như: Không quan tâm đến vài xu lẻ. Đừng lãng phí năng lực não bộ để sắp xếp thứ ưu tiên cho những việc cần làm.

- Thiết lập thời gian nghỉ ngơi: Đừng làm việc quá tải mà hãy dành chỗ cho bản thân suy nghĩ. Hãy cho phép bản thân có thời gian rảnh rỗi để nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng.

- Đặt lời nhắc nhở: Điều này giúp bản thân không quá tập trung nhiều vào một việc và nhắc nhở bản thân rằng có những việc quan trọng khác phải làm như chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến các thành viên trong gia đình…

Trung Hạ dịch

Ảnh: Mọi người lom khom nhặt rau thừa ở Athens

Photograph: Bloomberg/Getty Images
menu
menu