Rối loạn thích nghi: khi việc thích nghi với sự thay đổi lại là trở ngại với chúng ta
Chứng rối loạn thích nghi được định nghĩa là sự khó thích nghi với những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống. Việc chuyển đến một thành phố mới, các thay đổi trong một mối quan hệ hay việc chuyển sang một công việc mới là một vài ví dụ về các tác nhân có thể gây ra những rối loạn về mặt cảm xúc và hành vi.
Trong hơn 50 năm qua, các bác sĩ chuyên khoa đã sử dụng thuật ngữ này để miêu tả các cá nhân đang phải vật lộn để đối phó với một tình huống căng thẳng cụ thể hoặc tình huống liên tục gây đau khổ nào đó.
Rối loạn thích nghi là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần được chẩn đoán phổ biến nhất và thường bắt gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành. Phần lớn các cuộc nghiên cứu cho thấy khoảng 1% dân số tại bất kì thời điểm nào cũng có thể mắc chứng rối loạn thích nghi này.
Triệu Chứng
Theo DSM-5, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần mới nhất được các bác sĩ chuyên khoa sử dụng, các dấu hiệu của chứng rối loạn thích nghi bao gồm:
- Sự bộc phát của các dấu hiệu về mặt cảm xúc hoặc hành vi khi phản ứng với một tác nhân gây căng thẳng và diễn ra trong vòng ba tháng kể từ khi tác nhân ấy bắt đầu.
- Những dấu hiệu và hành vi phải được kiểm chứng lâm sàng thông qua một hoặc hai điều sau đây; những cảm xúc tiêu cực rõ rệt diễn ra vượt quá cường độ hoặc mức độ nghiêm trọng của vấn đề hoặc/và suy giảm đáng kể các chức năng hoạt động trong lĩnh vực xã hội, công việc hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Các dấu hiệu nêu trên không kéo dài quá 6 tháng sau khi các sự kiện gây căng thẳng kết thúc. Phản ứng của một người vượt quá mức bình thường và không thể biểu đạt cho sự đau buồn thông thường. Chúng cũng không giống với những chứng rối loạn tâm lý khác (như trầm cảm hoặc lo âu).
Các chuyên gia cho biết rối loạn thích nghi ảnh hưởng đến mỗi cá nhân như thế nào nếu chúng đi kèm với:
- Trầm cảm – nổi bật với tâm trạng buồn bã, khóc nhiều hoặc cảm thấy vô vọng.
- Lo âu trộn lẫn với trầm cảm – một sự kết hợp giữa lo âu và trầm cảm.
- Rối loạn hành vi – chủ yếu là các thay đổi liên quan đến hành vi của người đó.
- Rối loạn kết hợp giữa hành vi và cảm xúc – chủ yếu là các rối loạn về hành vi và rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm).
- Không xác định – những phản ứng thái quá không thể phân loại được là một trong các loại rối loạn thích nghi cụ thể.
Rối Loạn Thích Nghi Đi Kèm Lo Âu Là Gì?
Người mắc rối loạn thích nghi kèm lo âu sẽ có những dấu hiệu như hồi hộp, lo lắng, bồn chồn hoặc lo sợ về việc chia ly.
Sau đây là một vài ví dụ về những lần chẩn đoán về chứng rối loạn thích nghi:
- Một đứa trẻ 6 tuổi chuyển đến một thành phố mới và bắt đầu đi học tại một ngôi trường mới. Đứa bé bắt đầu thể hiện hành vi hung dữ, sử dụng giọng ngọng hoặc bóp méo âm khi nói chuyện và trở nên khiêu khích.
- Điểm số của một đứa trẻ 10 tuổi sụt giảm sau khi cha mẹ em ấy li hôn. Hầu hết thời gian em đều cảm thấy buồn bã và không thể tập trung khi ở trường.
- Một cô gái 18 tuổi chuyển đến kí túc xá đại học. Cô cảm thấy lo lắng khi phải xa nhà và gặp khó khăn trong việc kết giao bạn bè.
- Một người đàn ông vừa bị cho thôi việc. Trong suốt nhiều tháng, anh ta không còn sức để tìm một công việc mới và gặp khó khăn trong việc hoàn thành bất kì việc gì.
- Ngôi nhà của một người phụ nữ bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Cô ấy chật vật với việc mất mát tài sản và cảm thấy lạc lõng trong hoàn cảnh ấy. Trải qua quá nhiều sự đau buồn và lo âu đã gây khó khăn hơn cho cô ấy trong công việc.
Nguyên Nhân
Rối loạn thích nghi có thể bắt nguồn từ một loạt các tình huống và trải nghiệm gây căng thẳng. Một vài trường hợp có thể là các sự kiện đơn lẻ, ví dụ như thiên tai, đổi việc, chuyển nhà đến một thành phố mới hoặc kết hôn. Trường hợp khác, các rối loạn thích nghi xuất hiện từ những vấn đề khó khăn đang diễn ra xung quanh, ví dụ như sự căng thẳng liên quan đến việc thành lập một doanh nghiệp hoặc chuyển đến trường đại học.
Không phải lúc nào cũng rõ tại sao việc một số cá nhân có thể thích nghi được với hoàn cảnh căng thẳng dễ dàng hơn những người khác. Ngay cả khi cả một gia đình hoặc một nhóm trẻ em phải đối mặt với cùng một tình huống căng thẳng, một số có thể mắc chứng rối loạn thích nghi trong khi một số khác thì không.
Mặc dù bất kỳ tình huống căng thẳng nào trong cuộc sống cũng đều có thể khiến bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn thích nghi, nhưng cách bạn đối phó với căng thẳng đóng một vai trò quan trọng trong việc bạn có mắc chứng rối loạn thích nghi hay không. Ngoài ra, sau đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi của bạn:
- Trải nghiệm sống trong quá khứ - Những trải nghiệm căng thẳng đáng kể thời thơ ấu có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn, bao gồm cả chứng rối loạn thích nghi.
- Hoàn cảnh sống khó khăn – Cuộc sống có nhiều căng thẳng hơn bình thường khiến bạn khó có thể chịu đựng thêm bất kì một thay đổi gây căng thẳng nào nữa.
Bạn Có Khả Năng Mắc Cả Rối Loạn Thích Nghi Và Trầm Cảm Cùng Lúc Không?
Câu trả lời là có. Thực tế cho thấy các vấn đề tâm lý tồn tại trước đó như trầm cảm và lo âu có thể khiến bạn có nguy cơ mắc rối loạn thích nghi cao hơn.
Chẩn Đoán
Không có một bài kiểm tra cụ thể nào được sử dụng để chẩn đoán các chứng rối loạn thích nghi cả. Thay vào đó, bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ tiến hành phỏng vấn để đánh giá các triệu chứng của bạn.
Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm thông thường để đảm bảo rằng triệu chứng của bạn không phải do vấn đề sức khỏe cơ bản gây ra. Sau khi bác sĩ loại trừ các vấn đề bệnh lý, bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được đánh giá kỹ hơn.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể yêu cầu bạn hoàn thành một số biểu mẫu hoặc bảng câu hỏi để thu thập thông tin một cách hiệu quả. Bạn cũng có thể được phỏng vấn về các triệu chứng và trải nghiệm sống áp lực mà bạn đã gặp phải (bạn có thể không nhận ra điều gì đã gây ra chứng rối loạn thích nghi cho bản thân).
Bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng DSM-5 để xác định xem bạn có đáp ứng tiêu chí của rối loạn thích nghi dựa trên thông tin mà bạn cung cấp.
Điều Trị Rối Loạn Thích Nghi
Nhiều người mắc rối loạn thích nghi thấy rằng việc điều trị đã giúp họ giảm bớt nỗi đau, họ vượt qua sự kiện gây căng thẳng một cách hiệu quả hơn. Điều trị thường bao gồm liệu pháp trò chuyện, sử dụng thuốc hoặc kết hợp cả hai.
Liệu Pháp Trò Chuyện
Liệu pháp trò chuyện thường được ưu tiên trong việc chữa trị cho chứng rối loạn thích nghi. Liệu pháp được sử dụng có thể phụ thuộc vào chuyên môn của nhà trị liệu và nhu cầu của từng cá nhân. Nhìn chung, liệu pháp trò chuyện có thể hỗ trợ về mặt tinh thần, đưa ra các kỹ năng ứng phó lành mạnh, các chiến lược kiểm soát căng thẳng và giúp bạn hình thành những thói quen tốt cho sức khỏe.
Cha mẹ hoặc bạn đời của người mắc chứng rối loạn thích cũng có thể được mời đến tham gia trị liệu. Liệu pháp gia đình sẽ chỉ cho bạn cách tốt nhất để hỗ trợ người đang phải trải qua chứng rối loạn thích nghi.
Trị Liệu Bằng Thuốc
Thuốc có thể được sử dụng để giải quyết các chứng trầm cảm hoặc lo âu đi kèm với chứng rối loạn thích nghi. Thuốc chống trầm cảm hoặc chống lo âu có thể chỉ cần sử dụng trong một thời gian ngắn nhưng hãy đảm bảo nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Cách Đối Phó
Nếu bạn nhận thấy mình không phục hồi lại sau một sự kiện áp lực như bạn mong muốn, bạn có thể thực hiện các bước sau để cải thiện sự phục hồi của mình và giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Đây là các chiến lược giúp bạn có thể đối phó với các vấn đề thích nghi mà bản thân đang gặp phải:
- Tham gia các hoạt động giải trí. Làm những việc vui vẻ có thể giúp bạn giảm bớt mức độ căng thẳng. Xác định các hoạt động tốt cho sức khỏe của bạn và sắp xếp thời gian để thực hiện chúng.
- Học cách quan tâm bản thân hơn. Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và chăm hoạt động thể chất.
- Chuyển sang các cách đối phó lành mạnh. Cho dù là nghe nhạc hay ngồi thiền vào buổi sáng có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng, hãy tìm ra những hoạt động giúp bạn thư giãn, giải tỏa và cải thiện tâm trạng của bạn hơn.
- Loại bỏ các cách đối phó không lành mạnh. Nếu bạn đang đối phó bằng những cách có hại hơn lợi – chẳng hạn như ăn quá nhiều hoặc uống các loại đồ uống có cồn - hãy cố gắng cắt giảm chúng. Các cách đối phó không lành mạnh chỉ tạo ra những vấn đề mới về lâu dài.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội. Dành thời gian cho gia đình và bạn bè, những người tốt cho bạn. Dù họ có đưa ra các lời khuyên chân thành hay đơn giản là chỉ lắng nghe bạn chia sẻ về những mối bận tâm của bản thân, hãy gặp gỡ những người giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Tham gia một đội ngũ hỗ trợ (trực tuyến hoặc trực tiếp) có thể giúp bạn học hỏi từ những người đã trải qua những trải nghiệm tương tự, chẳng hạn như ly hôn hoặc mất người thân.
- Tham gia giải quyết vấn đề. Cho dù bạn có một đống hóa đơn đang khiến bạn đau đầu hay một cuộc điện thoại mà bạn không muốn gọi, đừng trốn tránh những điều khiến bạn căng thẳng. Hãy giải quyết các vấn đề của bạn một cách trực diện và về lâu dài bạn sẽ bớt căng thẳng hơn rất nhiều.
Nếu bạn đang phải tự đấu tranh để cảm thấy tốt hơn, hãy liên hệ với các chuyên gia, người có thể hỗ trợ tìm ra các chiến lược giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Hầu hết mọi người sẽ trải qua chứng rối loạn thích nghi vào bất kỳ thời điểm nào trong đời. Đó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nếu bạn đang gặp khó khăn, đừng tự trách bản thân bằng cách nghĩ rằng bạn nên làm tốt hơn. Thay vào đó, hãy quan tâm bản thân một cách tích cực hơn và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Tác giả: Amy Morin, LCSW
Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ