Sáng tạo là một quá trình và có thể rèn luyện được
Tư duy sáng tạo: Bẩm sinh hay luyện tập?
Vào năm 1666, khi đang đi dạo quanh một khu vườn, một trong những nhà khoa học có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử đã bị tia chớp sáng tạo đánh trúng, và điều đó đã thay đổi cả thế giới.
Trong lúc đứng dưới bóng râm của một cây táo, Ngài Isaac Newton đã nhìn thấy một quả táo rơi xuống đất. Ông tự hỏi, “Vì sao quả táo đó luôn rơi xuống vuông góc với mặt đất.” “Tại sao quả táo không rơi ngang, hoặc rơi ngược lên, nhưng luôn hướng về tâm trái đất? Chắc chắn, lý do chính là trái đất thu hút quả táo. Trong vật chất phải có sức hút.”
Và thế là, khái niệm lực hấp dẫn ra đời.
Câu chuyện về quả táo rơi đã trở thành một trong những ví dụ lâu dài và mang tính biểu tượng của khoảnh khắc sáng tạo. Đó là biểu tượng của tính thiên tài được truyền cảm hứng lấp đầy trí não của bạn trong những “khoảnh khắc sáng đèn” khi điều kiện sáng tạo phù hợp.
Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người quên mất chính là Newton đã làm việc với những ý tưởng của ông về lực hấp dẫn suốt gần 20 năm mãi cho đến năm 1687, khi ông xuất bản quyển sách gây chấn động, Các Nguyên Lý Toán Học Của Triết Học Tự Nhiên. Quả táo rơi chỉ đơn thuần là sự khởi đầu của một chuỗi tư duy kéo dài hàng thập kỷ.
*Trang sách nổi tiếng bạn đang thấy trong hình mô tả sự kiện quả táo của Newton trong quyển sách Memoirs of Sir Isaac Newton’s Life được viết bởi William Stukeley.
Newton không phải người duy nhất phải vật lộn với một ý tưởng vĩ đại suốt nhiều năm. Tư duy sáng tạo là một quá trình cho tất cả chúng ta. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về những điều kiện thúc đẩy và cản trở sự sáng tạo.
Tư duy sáng tạo: Bẩm sinh hay luyện tập?
Tư duy sáng tạo đòi hỏi não bộ phải tạo liên kết giữa những ý tưởng dường như không liên quan với nhau. Liệu đây là một kĩ năng chúng ta bẩm sinh đã có hay là được phát triển thông qua rèn luyện? Hãy cùng xem xét nghiên cứu dưới đây để khám phá câu trả lời.
Vào những năm 1960, một nhà nghiên cứu về hiệu suất sáng tạo tên George Land đã thực hiện một nghiên cứu trên 1,600 trẻ em 5 tuổi và có 98% trẻ trong số đó đạt chỉ số thuộc phạm vi “sáng tạo cao”. Tiến sĩ Land đã kiểm tra lại từng em trong suốt 5 năm. Khi những đứa trẻ đó lên 10 tuổi, chỉ có 30% đạt chỉ số thuộc phạm vi sáng tạo cao. Con số này giảm xuống 12% ở độ tuổi 15 và chỉ còn 2% ở độ tuổi 25. Khi trưởng thành, các em đã có được khả năng sáng tạo qua rèn luyện một cách hiệu quả. Theo lời của Tiến sĩ Land, “Trẻ đã học được hành vi không sáng tạo.”
Những nhà nghiên cứu khác cũng phát hiện các xu hướng tương tự. Ví dụ, một nghiên cứu trên 272.,599 học sinh cho thấy mặc dù chỉ số IQ đã tăng từ năm 1990, chỉ số tư duy sáng tạo lại giảm.
Điều này không có nghĩa khả năng sáng tạo là hoàn toàn có thể học được. Di truyền cũng đóng một vai trò nhất định. Theo giáo sư tâm lý học Barbara Kerr, “khoảng 22% sự khác biệt trong khả năng sáng tạo là do ảnh hưởng của gen.” Khám phá này được thực hiện bằng cách nghiên cứu sự khác biệt trong tư duy sáng tạo giữa các cặp sinh đôi.
Tất cả những điều này nói lên rằng, việc khẳng định “Tôi không phải là kiểu người sáng tạo” là một lời cái cớ khá yếu ớt để tránh né tư duy sáng tạo. Chắc chắn, có một số người được cho là sáng tạo hơn những người khác. Tuy nhiên, gần như tất cả mọi người đều được sinh ra với một mức độ kỹ năng sáng tạo nhất định và phần lớn khả năng tư duy sáng tạo của chúng ta là có thể rèn luyện được.
TƯ DUY CẦN CÓ ĐỂ TRỞ NÊN SÁNG TẠO HƠN
Chính xác thì những tư duy nào sẽ thúc đẩy sự sáng tạo bên trọng bạn?
Một trong những yếu tố quan trọng nhất là cách chính bạn nhìn nhận tài năng của bản thân. Cụ thể hơn, kỹ năng sáng tạo của bạn phần lớn được quyết định bởi việc bạn tiếp cận quá trình sáng tạo với một tư duy cố định hay tư duy phát triển.
Sự khác nhau giữa hai hệ tư duy này được miêu tả rất chi tiết trong quyển sách của Carol Dweck, Mindset: The New Psychology of Success.
Ý tưởng cơ bản là khi ta sử dụng tư duy cố định, ta tiếp cận các nhiệm vụ như thể tài năng và khả năng của ta là cố định và bất biến. Tuy nhiên, với tư duy phát triển, ta tin rằng khả năng của mình có thể được cải thiện bằng nỗ lực và luyện tập. Thú vị thay, ta có thể dễ dàng thúc đẩy bản thân theo hướng này hay hướng khác dựa trên cách chúng ta nói và khen ngợi nỗ lực của mình.
Dưới đây là một bản tóm tắt ngắn gọn bằng lời của Dweck:
“Tất cả động thái nâng cao lòng tự trọng đã dạy chúng ta một cách sai lầm rằng việc ca ngợi trí thông minh, tài năng, khả năng sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, lòng tự trọng và theo đó những điều tuyệt vời sẽ xảy đến. Nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng điều đó sẽ gây phản tác dụng. Những người được khen ngợi về tài năng giờ đây lo lắng về việc sẽ làm tiếp theo, về việc đảm nhận nhiệm vụ khó khăn và trông không hề tài giỏi, làm hoen ố danh tiếng sáng chói đó. Vì vậy, thay vào đó, họ sẽ bám vào vùng an toàn của mình và có phản ứng thật sự bảo thủ khi gặp thất bại.
Vậy ta nên khen ngợi điều gì? Đó chính là nỗ lực, chiến lược, sự kiên trì và bền bỉ, sự gan dạ mà mọi người thể hiện, sự kiên cường mà họ bộc lộ khi đối mặt với những trở ngại, khi biết nhìn lại mỗi khi mọi chuyện diễn ra không như ý và biết phải cố gắng làm gì tiếp theo. Vì vậy, tôi nghĩ một phần rất lớn của việc thúc đẩy tư duy phát triển ở nơi làm việc chính là truyền đạt những giá trị của quá trình thực hiện, đưa ra phản hồi, khen thưởng những người tham gia vào quá trình chứ không chỉ là một kết quả thành công.”
Làm thế nào ta có thể áp dụng tư duy phát triển vào hoạt động sáng tạo trong điều kiện thực tế? Mọi thứ đều quy về một điều: sẵn sàng cho những điều tồi tệ khi theo đuổi một việc nào đó.
Như Dweck nói, tư duy phát triển tập trung nhiều vào quá trình hơn là kết quả. Điều này dễ được chấp nhận trên lý thuyết, nhưng rất khó để tuân thủ trong thực tế. Hầu hết mọi người đều không muốn đối mặt với sự bối rối hoặc xấu hổ đi kèm mà họ thường phải trải qua khi học một kỹ năng mới.
Danh sách những sai lầm mà bạn không bao giờ có thể khắc phục được là rất ngắn. Hầu hết chúng ta đều nhận ra điều này ở một mức độ nào đó. Chúng ta đều biết rằng cuộc sống của bản thân sẽ không bị hủy hoại nếu cuốn sách mình viết không bán được, nếu bị người trong mộng từ chối, hoặc lỡ quên tên ai đó. Chúng ta không nhất thiết phải lo lắng về khả năng bản thân sẽ trông thật ngu ngốc, cảm thấy bị sỉ nhục hoặc đối mặt với sự xấu hổ trong suốt quá trình sự kiện xảy ra. Những sự lo lắng đó sẽ ngăn ta không thể bắt đầu.
Để hoàn toàn nắm bắt được tư duy phát triển và nâng cao khả năng sáng tạo của mình, bạn cần phải sẵn sàng hành động khi đối mặt với những cảm giác thường khiến ta nản lòng.
5 MẸO CẢI THIỆN SỰ SÁNG TẠO
- Tự giới hạn bản thân.
Những ràng buộc được thiết lập cẩn thận là một trong những công cụ tốt nhất để bạn khơi dậy tư duy sáng tạo. Tiến sĩ Seuss đã viết cuốn sách nổi tiếng nhất của mình khi ông giới hạn bản thân trong 50 từ. Các cầu thủ bóng đá phát triển những bộ kỹ năng phức tạp hơn khi họ chơi trên một sân bóng nhỏ hơn. Càng hạn chế bản thân, ta càng trở nên tháo vát.
- Mở rộng kiến thức.
Theo lời của nhà tâm lý học Robert Epstein, “Bạn sẽ giỏi hơn trong lĩnh vực tâm lý và cuộc sống nếu bạn mở rộng kiến thức của mình.” Việc liên tục mở rộng vùng hiểu biết của mình sẽ cho bạn nhiều chất liệu để sáng tạo hơn rất nhiều.
- Ngủ lâu hơn.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania, giấc ngủ có tác động đáng kinh ngạc đối với hoạt động của hệ thần kinh. Phát hiện chính đó là: Thiếu ngủ có tính tích lũy và nếu bạn ngủ 6 tiếng mỗi đêm trong hai tuần liên tiếp, hiệu suất làm việc của thần kinh và thể chất của bạn sẽ giảm xuống mức tương tự như khi bạn thức trong 48 giờ liên tục. Giống như tất cả các chức năng nhận thức, tư duy sáng tạo bị suy giảm đáng kể do thiếu ngủ.
- Tận hưởng ánh nắng và thiên nhiên.
Một nghiên cứu đã kiểm tra 56 khách du lịch với nhiều câu hỏi tư duy sáng tạo trước và sau chuyến du lịch phượt 4 ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng vào cuối chuyến đi, những người du lịch phượt đã tăng khả năng sáng tạo của họ thêm 50%. Nghiên cứu này hỗ trợ những phát hiện của các nghiên cứu khác, cho thấy rằng dành thời gian với thiên nhiên và tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể dẫn đến mức độ sáng tạo cao hơn.
- Đề cao suy nghĩ tích cực.
Nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng suy nghĩ tích cực có thể dẫn đến những cải thiện đáng kể trong tư duy sáng tạo. Vì sao lại thế? Nghiên cứu tâm lý tích cực đã tiết lộ rằng chúng ta có xu hướng suy nghĩ khái quát hơn khi chúng ta hạnh phúc. Khái niệm này, được gọi là lý thuyết Mở rộng và Xây dựng (Broaden and Build Theory), giúp ta dễ dàng tạo ra những kết nối sáng tạo giữa các ý tưởng. Ngược lại, buồn phiền và chán nản dường như dẫn đến suy nghĩ gò bó và hạn chế hơn.
Lời kết
Sáng tạo là một quá trình, không phải một sự kiện. Bạn phải vượt qua các rào cản tinh thần và những trở ngại trong chính bản thân. Bạn phải cam kết luyện tập kĩ năng thật cẩn trọng và phải gắn bó với quá trình này trong nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập kỷ như Newton đã làm, để tạo điều kiện cho óc thiên tài sáng tạo trong bạn nở rộ.
Nguồn: James Clear
Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.
https://www.facebook.com/diengia.trandangkhoa/posts/pfbid02sH4cAdBGSwVf4KvDQ4ibcQ7m6i1Vqr8QpSXseNB4RXLSDMPEpSMaXPBnqBf6js92l