Về chứng tự gây tổn thương da

ve-chung-tu-gay-ton-thuong-da

Nếu cần thêm bằng chứng cho thấy làm người là một việc gian nan đến nhường nào, ta chỉ cần nhìn vào một hiện tượng đầy xót xa mà các nhà tâm lý học gọi là dermatillomania — hay đơn giản hơn, là chứng hay cạy da.

Nếu cần thêm bằng chứng cho thấy làm người là một việc gian nan đến nhường nào, ta chỉ cần nhìn vào một hiện tượng đầy xót xa mà các nhà tâm lý học gọi là dermatillomania — hay đơn giản hơn, là chứng hay cạy da.

Những ai mắc phải thường nằm ở phía lo âu nhất của phổ cảm xúc. Hiếm có ngày nào trôi qua mà không đi kèm nỗi phiền muộn — đôi khi là một nỗi sợ cụ thể như thể nó có thể khiến ta sụp đổ hoàn toàn, hoặc chỉ là cảm giác bất an mơ hồ, một nỗi lo không tên cứ lởn vởn trong lòng.

Và để đối phó với điều đó, ta — như đã làm từ nhiều năm trước — bắt đầu cạy. Có thể là một bàn tay, nơi có vùng da đặc biệt mà ta chưa bao giờ kể với ai: lớp da dày lên theo năm tháng, nơi ta dùng đầu ngón tay bấm, nặn, giũa, bóc tách. Có khi ta đưa tay lên mặt, nhấn nhá, véo, nặn, moi. Cũng có thể là ở môi, nơi mắt cá chân, hay bất kỳ đâu. Da bắt đầu trầy xước, rướm máu, đau rát — và đôi khi, khi ta đi quá xa, máu chảy ra thành dòng. Nếu ai đó bước vào phòng lúc ấy, họ có thể giật mình sửng sốt — dẫu rằng thường thì ta đã rất khéo léo che giấu mọi dấu tích khi việc kết thúc.

Chúng ta biết — tất nhiên là biết — rằng mình không nên làm thế. Nhưng vào khoảnh khắc ấy, nó dễ chịu làm sao, hay nói đúng hơn là không thể cưỡng lại được, như thể đây là cách duy nhất để giải thoát, là hành động duy nhất có thể đem lại chút nhẹ nhõm nào đó. Trong cơn hoảng loạn ấy, ai còn bận tâm đến chuyện mặt sẽ rỗ, chân sẽ rỉ máu, hay ngón tay sẽ tấy đỏ và lở loét? Việc ấy — ta đã làm, có lẽ là từ rất lâu rồi. Ta biết mình đang làm thế, nhưng mọi nhận thức như bị làm mờ đi. Có lẽ, đây là lần đầu tiên ta nghe thấy có ai khác cũng nói về điều này.

Theo các nhà tâm lý học, dermatillomania bắt nguồn từ lo âu — điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng điều đáng chú ý là cách mà nỗi lo được biểu hiện. Có người sẽ trút ra bằng những cơn giận dữ ồn ào: la hét, chửi rủa, đập phá. Còn người cạy da — họ chọn một cách âm thầm, lặng lẽ hơn để đối diện với hoảng loạn và sự tự ghê tởm bản thân. Đây là căn bệnh của những tâm hồn hướng nội.

Người hay cạy da cũng có thể muốn hét lên, muốn òa khóc, muốn gạt phăng ai đó ra hoặc gục vào một vòng tay đang chờ đón. Nhưng tính cách của họ đã được hình thành qua những năm tháng cô đơn triền miên. Họ không tin rằng có ai đó để nương nhờ, không tin rằng việc mở lòng có thể đem lại điều gì ngoài thất vọng. Họ đã quen với việc hướng mọi tức giận, mọi buồn bã vào chính mình. Bởi vì trong thế giới của họ, người duy nhất họ có thể chạm tới — là bản thân mình.

Hiểu được tất cả những điều ấy, ta mới có thể hình dung được con đường dẫn đến sự chữa lành. Trước hết, ta cần nhận ra nỗi cô đơn triền miên đã dẫn ta đến hành vi tự hành hạ. Không ai đi đến mức làm rách da mình nếu họ từng có một tuổi thơ đầy ắp dịu dàng và sự chăm sóc tinh tế. Người ta làm vậy chỉ khi không có ai bên cạnh, hoặc tệ hơn — khi những người ở đó chỉ mang đến nỗi hổ thẹn. Và rồi, ta cần nhìn thẳng vào sự thật: rằng đến tận bây giờ, ta vẫn đang sợ hãi — gần như mọi lúc. Ta có thể sợ mất việc, sợ bị chê cười, bị từ chối trong chuyện yêu đương, bị hạ thấp giá trị… nhưng tựu trung lại, ta là một con người đang sống trong sợ hãi.

Khi ta có thể dịu dàng mà thấu hiểu rằng hành vi cạy da kia bắt nguồn từ nỗi sợ và sự tự khinh bỉ (tàn dư của sự bỏ rơi hay tàn nhẫn), khi đó ta mới bắt đầu “nhìn thấy” nỗi đau thay vì chỉ mù quáng làm theo nó. Ta cần học cách lo âu theo một cách khác — dịu dàng hơn, lành mạnh hơn. Bởi dù thế giới ngoài kia có lạnh lẽo và tàn nhẫn đến đâu, thì làm rỉ máu ngón tay hay rạch gót chân chẳng phải là nơi gốc rễ của vấn đề. Và điều này — không phải là một thói quen kỳ quặc khó hiểu. Đây là một vấn đề có thật, đầy cảm động, là điều mà những tâm hồn nhạy cảm thường làm để đối phó với sự thiếu vắng yêu thương và nỗi sợ hãi câm lặng mà họ đã phải gánh chịu một mình.

Điều ta cần làm bây giờ, không phải là tiếp tục cạy da mình, mà là bắt đầu cạy nhẹ lớp vỏ của nỗi đau đích thực — và học cách để cơ thể ngây thơ ấy được bình yên, không còn phải đổ máu nữa.

Nguồn: ON SKIN PICKING | The School Of Life

menu
menu