Làm sao giảm thiểu nguy cơ ngoại tình

lam-sao-giam-thieu-nguy-co-ngoai-tinh

Cách truyền thống để giảm thiểu nguy cơ ngoại tình thường tập trung vào việc kiểm soát hành động và thói quen của đối phương:

Cách truyền thống để giảm thiểu nguy cơ ngoại tình thường tập trung vào việc kiểm soát hành động và thói quen của đối phương: không để họ đi dự tiệc một mình, gọi điện bất chợt để kiểm tra, hoặc hạn chế họ tiếp cận mạng xã hội.

Nhưng thực ra, người ta không ngoại tình chỉ vì họ có cơ hội gặp gỡ người hấp dẫn hơn. Họ ngoại tình bởi họ cảm thấy không còn sự gắn kết về mặt cảm xúc với người bạn đời của mình. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn cản cám dỗ không phải là giới hạn cơ hội tiếp xúc, mà là để họ tự do bước ra thế giới, trong khi vẫn đảm bảo rằng họ cảm thấy được lắng nghe và hòa hợp với người mình yêu. Chính sự gần gũi về mặt cảm xúc, chứ không phải những giới nghiêm, mới là thứ bảo vệ sự bền vững của một mối quan hệ.

© Flickr/super_sue

Ở khía cạnh thực tế, để tạo ra sự gần gũi, ta cần xác định và xóa bỏ hai nguồn cơn chính gây ra khoảng cách: sự oán giận và nỗi cô đơn. Càng có thể chia sẻ với đối phương về những gì khiến ta thất vọng, lo âu hay khao khát – và càng được lắng nghe một cách chân thành – thì ta càng ít mang theo sự bực bội, ít tạo ra khoảng cách và ít tìm đến những cách trả thù đầy tổn thương, chẳng hạn như việc khỏa thân bên một người khác. Không gì "lãng mạn" hơn (theo nghĩa thực sự của từ này, tức là thúc đẩy tình yêu) những cuộc trò chuyện thẳng thắn, nơi ta có cơ hội bộc bạch những cách mà đối phương đã khiến ta thất vọng. Được chia sẻ nỗi buồn đôi khi lại làm ta cảm thấy yêu đối phương nhiều hơn.

Để hướng dẫn những lời phàn nàn mang tính chữa lành này, ta có thể dùng một số câu hỏi hoặc gợi ý như sau:

“Đôi khi em cảm thấy thất vọng với anh khi…”
Nghe qua có vẻ nặng nề, nhưng nếu xử lý đúng cách, đây là cánh cửa dẫn đến sự dịu dàng và gắn kết. Nó cho ta cơ hội hiếm hoi để đưa ra những lời phê bình mà không pha lẫn sự giận dữ, đồng thời cũng là dịp để đối phương tiếp nhận lời phê bình không phải như một sự công kích, mà như một mong muốn được sống cùng nhau với ít cơn giận hơn.

“Em mong anh hiểu rằng em bị tổn thương khi anh…”

Ta thường mang theo những vết thương lòng mà vì một lý do nào đó, ta chưa từng – hoặc không dám – bày tỏ. Có lẽ lúc ấy, nỗi đau có vẻ quá nhỏ nhặt hoặc xấu hổ để nói ra. Nhưng vấn đề là, khi những nỗi đau ấy tích tụ, dòng chảy của sự yêu thương bắt đầu bị tắc nghẽn – và chẳng bao lâu sau, ta có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi đối phương cố gắng chạm vào mình. Đây là cơ hội để bộc lộ những tổn thương mà đối phương thường vô tình gây ra. Có thể là một chuyện liên quan đến công việc tuần trước, một lời nói của mẹ anh ấy, hoặc cách anh ấy trả lời một câu hỏi vô hại trong bếp trước khi đi chạy. Điều quan trọng là đối phương không được phủ nhận nỗi đau ấy. Không có vết thương nào là quá nhỏ bé khi sự gần gũi về cảm xúc đang bị đe dọa.

© Flickr/mrhayata

“Điều khó nhất đối với anh khi hiểu về em là…”

Nỗi cô đơn xuất hiện khi có điều gì đó quan trọng về con người ta mà đối phương dường như không hiểu – và ta có thể nghĩ rằng họ thậm chí không muốn hiểu. Nhưng sự thiếu quan tâm này hiếm khi xuất phát từ ác ý; vấn đề thường nằm ở chỗ chưa có cơ hội để khai phá. Cảm giác rằng "ta đã hiểu rõ nhau" chính là kẻ thù của các cặp đôi lâu năm. Đối phương có thể đã hiểu ta khá rõ – nhưng ta vẫn cần kiên nhẫn và khéo léo giải thích những điều mà họ chưa nắm rõ. Bởi lẽ, ta luôn thay đổi, ta không còn là người của tháng trước, và thậm chí chính ta đôi lúc cũng không hiểu được sự chuyển biến trong bản thân mình. Ta không nên nổi giận với người mình yêu vì họ chưa hiểu những phần con người mà ta chưa thực sự chia sẻ.

“Em mong anh trân trọng ở em điều này…”

Ta không cần những lời ca tụng vô điều kiện, chỉ là vài khoảnh khắc được nói cho đối phương nghe điều ta cho là đáng được trân trọng, có lẽ hơn mức mà ta từng nhận được. Có thể đó là những ý định tốt đẹp của ta (dù đôi lúc không thành công); là khía cạnh dịu dàng trong tính cách; hoặc những việc tốt ta đã làm thầm lặng để ngăn chặn những xung đột có thể bùng lên. Đây là cách nhắc nhở chính mình và đối phương rằng ta vẫn xứng đáng được yêu thương.

“Điều làm em thấy không trọn vẹn trong cuộc sống là…”

Không phải lúc nào sự bất mãn cũng là lỗi của người yêu. Cảm giác muốn ngoại tình đôi khi nảy sinh từ nỗi trống trải với thế giới nói chung: những lo âu trong sự nghiệp, cảm giác thua kém bạn bè về thành tựu và tài sản. Ta thường không giải thích rõ ràng nguồn cơn những tâm trạng này. Đối phương chỉ là người chứng kiến chúng, nhưng không dễ dàng nhận ra sự bất hạnh đó bắt nguồn từ đâu. Họ sẽ mặc định cho rằng ta đơn giản là xấu tính hay cáu bẳn. Đây là cơ hội để giải thích những lo lắng sâu thẳm ấy – và để ta khẳng định rằng ta không tệ bạc, mà chỉ cần sự an ủi và hỗ trợ từ họ để đối diện với cảm giác nhỏ bé và thất bại của chính mình.

Để tránh ngoại tình và duy trì sự gắn bó, ta cũng cần thẳng thắn nói về những mong muốn thầm kín trong đời sống chăn gối. Không gì làm giảm nhu cầu “hành động” nhanh hơn việc có thể nói ra mong muốn – và được đối phương lắng nghe bằng sự cảm thông, bao dung và tò mò. Dưới đây là một số câu gợi ý:

  • “Điều em cảm thấy ngại ngùng nhất về tình dục là…”
  • “Em thực sự mong anh hiểu rằng đôi khi em muốn…”
  • “Em ước gì có thể thay đổi bản thân/em về chuyện tình dục…”
  • “Em ước gì có thể thay đổi anh về chuyện tình dục…”

Không câu hỏi nào có thể đảm bảo rằng ngoại tình sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng chúng có thể giúp ta xác định và sửa chữa những cảm giác oán giận âm ỉ hoặc sự cô đơn trong đời sống tình cảm – vốn là những tác nhân ẩn giấu thúc đẩy ham muốn tìm kiếm người khác. Thay vì cấm cản đối phương ăn trưa với người lạ hay đi du lịch một mình, hãy dành nhiều thời gian hơn để giúp họ cảm thấy được thấu hiểu, cả với những khuyết điểm và sự hoang mang – và được trân trọng vì những điều tốt đẹp nơi họ.

Nguồn: HOW TO REDUCE THE RISK OF AFFAIRS – The School Of Life

menu
menu