Sau thất bại

Khi ta lựa chọn sống cùng những mảnh vỡ.
Có những người cảm thấy thất bại đau đớn và khắc nghiệt đến mức họ chẳng bao giờ dám bắt đầu một điều gì nếu khả năng thất bại là điều có thể xảy ra. Tâm hồn của họ, trong trường hợp ấy, giống như một căn bệnh tiềm ẩn được kiểm soát tốt, có vết nứt, nhưng chưa đủ để sụp đổ.
Thế nhưng, cũng có những lúc, không phải nỗi sợ thất bại mà chính thất bại thật sự mới là thứ khiến tinh thần ta rạn vỡ, khiến ta kiệt quệ. Nếu như nỗi sợ là dấu hiệu của sự mong manh, thì thất bại có thể là sự gãy đổ thật sự. Vì sao vậy?
Có lẽ vì ta vẫn ngầm tin rằng, thất bại là điều có thể tránh khỏi, và thế là ta bước vào cuộc đời mà chẳng chuẩn bị gì cho khoảnh khắc vấp ngã. Nhưng thất bại không phải lúc nào cũng có thể né tránh. William James, trong The Varieties of Religious Experience, từng viết:
“Thất bại, lại là thất bại! Đó là dấu ấn mà thế giới đóng lên ta ở mỗi bước chân.”
James có lý. Ông tiếp tục gợi ý rằng có lẽ chính sự bẽ bàng mà ta nếm trải khi thất bại lại là điều khiến cuộc sống trở nên đầy ý nghĩa. Nếu mọi thứ lúc nào cũng dễ dàng, có khi đời sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng nếu đúng thế, tại sao ta không ai cũng chia sẻ quan điểm đó với James?
Source: Free-Photos/Pixabay
Những niềm tin cố định và linh hoạt
Một câu trả lời đã được nhà tâm lý học Carol Dweck đưa ra. Bà cho rằng điều quan trọng là ta tin rằng tài năng và khả năng của mình có thể phát triển thêm, hay là điều đã cố định.
Nếu ta tin rằng bản thân luôn có thể học hỏi và tiến bộ, ta sở hữu điều bà gọi là tư duy phát triển (growth mindset). Ngược lại là tư duy cố định (fixed mindset).
Dĩ nhiên, quan điểm của Dweck rất tinh tế, và tôi không thể trình bày đầy đủ trong một vài dòng. (Chẳng hạn, bà không cho rằng ta chỉ có một kiểu tư duy hay kiểu kia – phần lớn chúng ta là sự pha trộn của cả hai.)
Tuy vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh là: ta vẫn có thể tin rằng năng lực bản thân có thể phát triển, nhưng vẫn vô cùng sợ thất bại, thậm chí bị nó đánh gục. Tôi nghi ngờ rằng điều đó có thể đúng cả với Dweck. Trong một cuộc phỏng vấn, bà từng nói rằng mình rất được thúc đẩy bởi nỗi sợ thất bại, và sắp xếp cuộc sống theo cách khiến bà không thể "ngã từ trên cao."
Lý do chắc hẳn không nằm ở chỗ bà tin rằng năng lực của mình là cố định, tôi tin là bà không nghĩ thế. Ở đây, có lẽ còn một điều gì sâu hơn đang diễn ra.
Thất bại và bản sắc
Điều đầu tiên tôi muốn nói là: có những thất bại nhỏ nhặt đến mức ta không thấy nó quan trọng, thậm chí còn thấy buồn cười.
Ví dụ, nhiều người trong chúng ta – vốn không phải đầu bếp chuyên nghiệp – thường kể với vẻ tự hào (và không chút xấu hổ) rằng mình nấu ăn dở tệ thế nào. Bởi vì với ta, việc nấu ăn chẳng hề liên quan gì đến bản sắc của mình. Ta không có khát vọng trở thành đầu bếp, thì việc nấu dở cũng chẳng sao.
Nhưng có những thất bại khác thì khác. Chúng khiến ta đau. Bởi vì phần bị tổn thương chính là phần cốt lõi trong con người ta.
Điều quan trọng là: khi một thất bại làm gãy đổ một con người, phần bản sắc bị ảnh hưởng ấy thường được cảm nhận như chính toàn bộ con người đó. Mọi điều khác bỗng trở nên lu mờ.
Chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy mình đã thất bại trong vai trò làm cha mẹ, và điều đó đủ sức làm lu mờ tất cả những thành công nghề nghiệp bạn từng có. Hoặc ngược lại, khi bạn thấy mình thất bại trong công việc, thì những điều tốt đẹp bạn đã dành cho gia đình cũng trở nên vô nghĩa trong mắt bạn.
Và đó chính là lúc ta chọn sống cùng những mảnh vỡ.
Thất bại không trọn vẹn và vai trò của may rủi
Còn nhiều điều nữa mà ta thường bỏ qua. Chẳng hạn như ranh giới mờ nhòe giữa thành công và thất bại. Hiếm có thành công nào tinh khôi đến mức thuần túy không chứa chút thất bại nào. Gần như mọi điều ta làm đều có những vết nứt, những khiếm khuyết.
Không chỉ tài năng hay nỗ lực, mà còn vô vàn yếu tố khác cũng âm thầm góp phần tạo nên thành công. Có thể bạn vừa nhận được công việc trong mơ, rồi phát hiện ra trước bạn đã có ba người được mời mà họ đều từ chối. Hóa ra, bạn không phải lựa chọn hàng đầu – mà là lựa chọn thứ tư.
Hoặc bạn chợt nhận ra rằng, điều khiến bạn được chọn chẳng liên quan gì mấy đến chất lượng công việc bạn làm.
Hãy xem một ví dụ đáng suy ngẫm. Một nhà văn trẻ tên là Chuck Ross từng thử chứng minh rằng những yếu tố ngoài chất lượng bản thảo vẫn có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà xuất bản. Ross đã gửi bản thảo của một tiểu thuyết từng đoạt giải National Book Award, tác phẩm Steps của Jerzy Kosinski, đến nhiều nhà xuất bản khác nhau, nhưng dưới một cái tên giả.
Kết quả là: tất cả đều từ chối. Không có tên tuổi Kosinski đính kèm, cuốn tiểu thuyết từng được ca ngợi ấy bỗng trở nên không đủ "tốt" để in. Kosinski, dĩ nhiên, không lấy gì làm vui vẻ khi biết chuyện này.
Ở chiều ngược lại, thất bại cũng hiếm khi là một thất bại hoàn toàn. Có lẽ ta vẫn làm được điều gì đó đúng đắn, hoặc tốt đẹp. Và cũng giống như may mắn có thể góp phần tạo nên thành công, thì xui rủi cũng có thể góp phần dẫn đến thất bại.
Tôi muốn nói rằng: nếu ta ghi nhớ hai điều này, rằng thành công và thất bại thường đan xen, và rằng may rủi luôn là một phần trong cả hai, thì ta sẽ bớt tuyệt vọng hơn mỗi khi thất bại.
Thất bại khiến ta đau đớn nhất khi ta nghĩ nó là toàn diện, là sự đối lập hoàn toàn của một thành công trọn vẹn mà ta đã có thể đạt được. Nhưng thực tế, thất bại hiếm khi toàn diện, và nếu ta đã thành công, thì thành công đó cũng không hoàn toàn thuần khiết.
Thứ hai, khi ta thất bại, thì điều đó thường ít nhiều liên quan đến vận may, giống hệt như khi ta thành công. Nếu lịch sử được quay lại, có thể cùng một hành động ấy lại dẫn đến một kết quả khác.
Đâu là vạch đích?
Cảm giác thất bại, nhiều khi, chỉ là vì ta đã tự đặt ra ranh giới giữa "nỗ lực" và "kết quả." Nhưng ranh giới ấy nằm ở đâu?
Người ta kể rằng nhà phát minh Thomas Edison đã thử hơn 1.000 lần để tạo ra bóng đèn hoạt động được. Khi một phóng viên hỏi ông cảm thấy thế nào khi thất bại nhiều như thế, Edison chỉ đáp: ông không hề thất bại – đó chỉ là số lần cần thiết để tạo ra bóng đèn.
Câu chuyện ấy đưa tôi đến một suy nghĩ quan trọng: ta chính là người quyết định liệu một điều gì đó có được gọi là "thất bại" hay không. Có thể, trong khoảnh khắc nào đó, ta cảm thấy mình thật sự đã thất bại. Nhưng điều ấy chỉ đúng khi không còn cơ hội thử lại, khi kết quả đã được định đoạt vĩnh viễn.
Mà thực ra, "sự kết thúc" ấy, phần lớn thời gian, không phải bản chất của sự việc, mà là điều do ta tự tưởng tượng ra.
Hy vọng và những thất bại để lại vết sẹo
Có một điều sau cùng tôi muốn chia sẻ. Một số thất bại, đặc biệt là những thất bại công khai, có thể để lại vết sẹo trong tâm hồn.
Người ta kể rằng nhà văn Fyodor Dostoyevsky từng rơi vào trạng thái như thế. Sau một cuốn tiểu thuyết thành công, ông cho ra mắt một tác phẩm mới nhưng bị giới phê bình chê tơi tả. Và điều ấy đã khiến ông bị tổn thương suốt một thời gian dài.
Nhưng ông không ngừng viết. Vì sao? Tôi nghĩ, có lẽ là vì ông vẫn nhìn thấy tương lai phía trước, và ông không mặc định rằng số phận của những cuốn sách chưa viết sẽ giống hệt như cuốn bị chê vừa qua.
Khi để cho thất bại đánh gục mình, ta đã quên mất vai trò của may rủi, đã nhìn thấy sự kết thúc ở nơi chưa hẳn là kết thúc, và để cho ảo ảnh ấy len lỏi vào tương lai, biến nó thành sự thật chỉ vì ta tin vào nó.
Quan trọng là: hy vọng không đòi hỏi ta phải loại bỏ hết mọi tuyệt vọng. Mà chỉ cần ta biết khoanh vùng nó.
William Lynch, trong Images of Hope, đã viết:
"Một trong những cách bảo vệ hy vọng tốt nhất... là biết xác định rõ đâu là những vùng tuyệt vọng, và chấp nhận chúng, không phải bằng nỗi buồn bã hay đầu hàng, mà với một ý chí sáng tạo, để chúng không thể lan rộng và làm ô nhiễm những vùng đất đầy hy vọng còn lại."
Lynch có lý. Ta có thể không bao giờ xóa bỏ hết sự mong manh trong tâm hồn mình, và vì thế, những vết nứt là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng sự gãy đổ sau thất bại, cái cảm giác suy sụp đến mức không thể bước tiếp là điều ta có thể tránh.
Thất bại luôn thuộc về quá khứ. Nó không có quyền tước đoạt tương lai của ta.
Chúng ta là người tự trao cho nó cái quyền ấy, nếu ta buông xuôi. Một cú sụp đổ có thể để lại sẹo. Nhưng gãy đổ lại là điều ta lựa chọn.
Tác giả: Iskra Fileva Ph.D.
Nguồn: After Failure | Psychology Today