Sống không đồng cảm – Tâm lý và đạo đức của kẻ chống xã hội
Thủ phạm của những tội ác bỉ ổi đều hoàn toàn không có sự đồng cảm. Bọn trộm cắp, bọn hiếp dâm trẻ em và tội phạm bạo lực gia đình khác thường cũng có chung đặc điểm ấy: chúng không có sự đồng cảm.
Eric Eckardt, vệ sĩ của nữ vận động viên trượt băng Tonya Harding, là chủ mưu của một tội ác bỉ ổi. Hắn trả tiền cho bọn lưu manh để tấn công Nancy Kerrigan, đối thủ chính của Harding tại Thế vận hội 1994. Bị thương ở đầu gối, Kerrigan không thể luyện tập trong những tháng quyết định trước cuộc thi. Nhưng khi Eckardt thấy Kerrigan khóc nức nở trên truyền hình, hắn lấy làm hối hận và thú nhận điều bí mật của mình với một người bạn, dẫn tới việc bọn thủ phạm bị bắt. Đó là sức mạnh của sự đồng cảm.
Nhưng nói chung, thủ phạm của những tội ác bỉ ổi đều hoàn toàn không có sự đồng cảm. Bọn trộm cắp, bọn hiếp dâm trẻ em và tội phạm bạo lực gia đình khác thường cũng có chung đặc điểm ấy: chúng không có sự đồng cảm. Việc chúng không thể cảm nhận được nỗi đau khổ của các nạn nhân cho phép chúng tự dối mình để biện minh tội ác. Chẳng hạn, bọn hiếp dâm tự nhủ: “Phụ nữ mơ ước được hiếp dâm”, hoặc “Nếu cô ta chống cự, thì đó là làm ra vẻ khó khăn mà thôi”; bọn hiếp dâm trẻ em nghĩ: “Ta không làm điều ác với nó, ta dạy cho nó làm tình”, hoặc “Đó là một cách để biểu lộ sự trìu mến”; còn những ông bố bà mẹ đánh đập con mình, họ lại tự nhủ: “Đó là ta dạy cho nó một bài học đích đáng”. Những sự tự biện minh ấy được họ lặp đi lặp lại khi hành hạ nạn nhân của mình.
Sự vô cảm ấy xuất hiện vào chính lúc những kẻ này tấn công các nạn nhân gần như bao giờ cũng là một phần của chu kỳ cảm xúc tạo ra hành vi tàn bạo. Ta hãy xem những xúc cảm nói chung đưa tới việc kẻ hiếp dâm trẻ em xâm hại tình dục một cháu nhỏ: Lúc đầu, kẻ hiếp dâm trẻ em cảm thấy khó chịu trong mình, hắn nổi giận, bị suy sụp hay không chịu đựng nổi cảm giác cô đơn. Điều đó có thể xảy ra, chẳng hạn vì xem cảnh một cặp tình nhân hạnh phúc trên truyền hình, khiến cho cảm giác cô đơn của hắn tăng lên. Kẻ hiếp dâm trẻ em lúc đó trốn vào ảo giác ưa thích, chẳng hạn, khi hắn làm bạn với một đứa trẻ; ảo ảnh ấy trở thành sự thích thú tình dục và, cuối cùng, hắn thủ dâm. Hắn cảm thấy nhẹ nhõm một lúc, nhưng chỉ được một lúc thôi. Sự trầm cảm và cảm giác cô đơn trở lại với cường độ gấp nhiều lần. Lúc đó hắn bắt đầu nghĩ tới việc chuyển thành hành vi và tìm cách tự bào chữa: “Nếu ta không làm cho đứa trẻ bị đau, thì ta cũng không ây cho nó điều tệ hại gì”, hoặc “Nếu đứa trẻ thực sự không thích có quan hệ tình dục với ta thì nó vẫn có thể dừng lại kia mà.”
Ở giai đoạn này, kẻ hiếp dâm trẻ em nhìn thấy đứa trẻ qua tấm gương méo mó của ảo ảnh xấu xa ấy mà không hiểu được những gì đứa trẻ cảm thấy. Sự dửng dưng về xúc cảm quyết định tất cả những gì diễn ra sau đó: vạch kế hoạch – để hiếp dâm đứa trẻ, ngầm lặp đi lặp lại trong đầu những gì sẽ diễn ra và, cuối cùng, thực hiện kế hoạch đó. Tất cả những điều đó diễn ra như thể đứa trẻ không có xúc cảm riêng của nó; kẻ dâm bôn nhìn thấy đứa trẻ có thái độ hợp tác như hắn đã nghĩ sẵn trong ảo ảnh của hắn. Hắn không nhận thấy cảm giác của đứa trẻ – đẩy ra, sợ hãi, kinh tởm, vì nếu có thì những cảm giác này sẽ “làm hỏng” mọi chuyện.
Tình trạng hoàn toàn vô cảm đối với nạn nhân ấy là một trong những đối tượng chủ yếu của phương pháp điều trị mới hiện đang được hoàn chỉnh để chữa cho những kẻ hiếp dâm trẻ em và những tội phạm thuộc kiểu đó. Một trong những biện pháp chữa trị hứa hẹn nhất là đọc cho đối tượng nghe những chuyện tội ác kinh khủng giống với của họ, nhưng được kể lại theo cách nhìn của các nạn nhân. Người ta cũng chiếu cho họ xem phim video trong đó nạn nhân vừa khóc vừa giải thích những gì mình cảm thấy trong cuộc xâm hại. Kẻ xâm hại sau đó phải kể lại tội ác của chính mình bằng cách tự đặt mình vào vị trí của nạn nhân để tưởng tượng ra những gì nạn nhân cảm thấy. Cuối cùng, hắn phải tham gia dựng lại tấn kịch bằng cách vào vai nạn nhân.
Williams Pithers, nhà tâm lý học đã phát minh ra cách trị liệu này, nói với tôi: “Sự đồng cảm với nạn nhân làm thay đổi thái độ cảm nhận đến mức anh ta khó lòng phủ nhận nỗi đau đớn mình gây ra, ngay cả trong ảo ảnh của anh ta.” Do đó mà động lực đưa anh ta tới chỗ đấu tranh chống lại xung lực tính dục đồi bại của mình cũng trở nên mạnh hơn. Tỷ lệ tái phạm ở những kẻ gây ra tội ác tính dục được chữa trị theo cách này trong tù chỉ bằng một nửa so với những kẻ không được chữa trị bằng cách đó. Không có động lực ban đầu do sự đồng cảm đem lại, thì không thể tiếp tục chữa trị được.
Nếu kích thích ý thức đồng cảm ở những kẻ bạo lực tính dục đối với trẻ em cho phép chúng ta nuôi một hy vọng nào đó, thì đối với những bệnh nhân thái nhân cách (psychopath) lại hoàn toàn khác. Một ví dụ thật tiêu biểu, những người mắc bệnh thái nhân cách là những người hoàn toàn không biết hối hận ngay cả khi họ phạm vào hành vi dã man nhất. Bệnh thái nhân cách, tức là không cảm thấy một chút đồng cảm hay hối hận nào, là một trong những bệnh xúc cảm rắc rối nhất. Tính trơ ì của người mắc bệnh thái nhân cách là do không có khả năng thiết lập những liên hệ thần kinh tình cảm nào khác hơn những liên hệ tình cảm hời hợt. Những kẻ giết người hàng loạt thích làm cho nạn nhân đau đớn trước khi giết họ – chúng cũng cùng thuộc dạng với những kẻ mắc bệnh thái nhân cách.
Những kẻ mắc bệnh thái nhân cách thường nói dối giỏi nhất; họ kể lại đủ thứ chuyện để đạt được những mục đích của họ và điều khiển những xúc cảm của nạn nhân với một sự vô sỉ giống như thế. Hãy lấy trường hợp của Faro, một thiếu niên 17 tuổi, thành viên của một băng cướp ở Los Angeles, đã từng bắn què một người mẹ và đứa con bà từ chiếc xe hắn ngồi, một hành vi được hắn kể lại với vẻ tự hào hơn là hối hận. Một hôm, khi hắn ngồi cùng xe với Leon Bing, một nhà báo chuẩn bị viết cuốn sách về các băng nhóm trẻ tuổi, hắn muốn “ba hoa thiên địa”. Hắn cho biết rằng chính hắn đã “nện cho hai con khỉ”, trên chiếc xe bên cạnh phải khiếp hãi. Đây là lời kể của Bing:
“…Người lái xe cảm thấy có ai nhìn mình và quay đầu sang chúng tôi. Mắt anh ta giao nhau với ánh mắt Faro, rồi anh ta nhìn đi hướng khác. Rõ ràng tôi nhìn thấy nỗi khiếp sợ ở mắt anh ta…”
Để tỏ cho Bing biết rằng hắn định làm gì ai, Faro cũng nhìn Bing theo lối đó:
“…Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi và mặt hắn thay đổi đủ các kiểu, như thể có một trò gian lận gì đấy. Đó là biểu hiện của ác mộng, như khiếp sợ cái gì. Cái nhìn ấy nói lên rằng: nếu anh nhìn tôi, tức là anh thách thức tôi. Trong mắt hắn, người ta đọc thấy hắn cóc cần gì hết, cả mạng tôi lẫn mạng hắn…”
Tất nhiên, có một sự phức tạp đến mức không thể chỉ giải thích ứng xử tội phạm về mặt sinh học. Chẳng hạn, đây có thể là năng lực tâm lý “xấu xa” như khả năng đe dọa giá trị sống còn trong những môi trường bạo lực. Trong những tình huống ấy, sự đồng cảm quá mức có thể là tai họa. Thật vậy, sự thiếu đồng cảm đúng lúc lại có thể là “ưu điểm” trong một số “nghề nghiệp” – một viên cảnh sát phụ trách thẩm vấn, chẳng hạn. Những người đã từng làm tra tấn dưới chế độ chuyên chế giải thích việc họ đã học được cách tách khỏi những xúc cảm của nạn nhân như thế nào để thực hiện “nhiệm vụ” của mình. Có nhiều con đường dẫn tới chỗ dùng thủ đoạn.
Một trong những biểu hiện đáng lo ngại nhất của sự thiếu đồng cảm đã được phát hiện ngẫu nhiên trong nghiên cứu về bạo lực vợ chồng. Những nghiên cứu này đã tìm thấy sự dị thường sinh lý ở những anh chồng dữ thường nhất, những kẻ thường xuyên đánh vợ, hoặc dọa giết vợ bằng 1 con dao hay 1 khẩu súng: những kẻ đó hành động lạnh lùng và có tính toán hơn là bị cơn cuồng nộ chi phối. Chính vào lúc cơn giận dữ của họ trào lên, sự dị thường ấy xuất hiện: nhịp tim họ chậm lại thay vì đập nhanh lên, như lẽ ra phải thế. Nói cách khác, họ bình tĩnh về mặt sinh lý ngay cả khi họ trở nên gây hấn hơn và tàn bạo hơn. Bạo lực của họ dường như là hành vi khủng bố có tính toán, khống chế vợ họ bằng sự sợ hãi.
Bọn súc sinh lạnh lùng ấy khác với những người đàn ông khác cũng đánh vợ. Một mặt, chúng có xu hướng bạo lực hơn ở bên ngoài gia đình và thường tham gia ẩu đả, hoặc thường đánh nhau với các đồng nghiệp hay bạn bè. Mặt khác, trong khi phần lớn những người đàn ông đánh vợ làm điều đó lúc nổi cơn giận dữ lên, chẳng hạn, vì cơn giận do ghen tuông hay sợ bị từ bỏ gây ra, thì bọn súc sinh lạnh lùng này thường tấn công vợ chẳng vì lý do rõ ràng nào, và khi bọn chúng đã như thế thì không có điều gì mà vợ chúng chống đỡ lại nổi, ngay cả việc bỏ trốn, cũng không thể làm cho chúng dừng lại được.
Một số nhà nghiên cứu về nhưng tên tội phạm mắc bệnh tâm thần cho rằng cách thực hiện tội ác lạnh lùng như thế cũng như việc thiếu đồng cảm của chúng là do khuyết tật nơ-ron mà có. Một nguồn gốc sinh lý của bệnh tâm thần đã được phát hiện theo hai cách khác nhau, nhưng cả 2 đều chịu ảnh hưởng của các vòng mạch nơ-ron dẫn tới hệ thống rìa [Hệ thống cảm xúc nguyên thủy của não bộ, chi phối những cảm xúc bản năng nhất của con người]. Trong một thí nghiệm, người ta đã ghi các sóng não của các đối tượng trong khi họ cố đọc những từ mà thứ tự chữ cái đã bị đảo lộn. Các từ hiện ra rất nhanh, chỉ trong khoảng 1/10 giây. Phần lớn đã phản ứng khác nhau với từ ngữ mang nội hàm xúc cảm, như “giết” so với những từ trung tính, như “ghế”. Họ tìm thấy lời giải nhanh hơn đối với những từ mang tính xúc cảm, và các sóng não của họ có dạng chuyển động đặc trưng, không thấy có ở từ trung tính. Nhưng những người mắc bệnh thái nhân cách không bao giờ có những phản ứng như vậy: các sóng não của họ không có chuyển động đặc biệt nào để phản ứng với những từ mang tính xúc cảm và cũng không phản ứng với các từ đó nhanh hơn. Tất cả những điều này cho thấy có sự cắt đứt các vòng mạch giữa vỏ não ngôn từ (nhận biết các từ) và não rìa (gắn với một xúc cảm).
Theo Robert Hare, nhà tâm lý học Canada đã thực hiện các nghiên cứu này, những kết quả cho thấy rằng người mắc bệnh thái nhân cách chỉ có hiểu biết hời hợt về các từ mang tính xúc cảm, và sự hời hợt này phản ánh chung hơn, sự hời hợt biểu hiện trong toàn bộ lĩnh vực xúc cảm. Tính trơ ì của người mắc bệnh thái nhân cách, theo Hare, một phần là do đặc điểm tâm lý khác được ông phát hiện trong các nghiên cứu trước đây, đặc điểm này cũng cho thấy có sự dị thường trong hoạt động của hạnh nhân và các vòng mạch liên kết: những người mắc bệnh thái nhân cách, lúc sắp nhận sự phóng điện, không hề tỏ ra một dấu hiệu sợ hãi nào, nhưng phản ứng ở người bình thường biết rằng mình sắp bị đau. Vì đau đớn không gây ra một chút sợ hãi nào ở người mắc bệnh thái nhân cách, nên Hare cho rằng họ không sợ sẽ bị trừng phạt vì hành vi của mình. Và bởi vì chính họ không cảm thấy một chút sợ hãi nào, nên họ cũng chẳng cần thấy phải có sự đồng cảm nào với nỗi sợ hay đau đớn từ nạn nhân của họ.
Hide Nguyễn, trích từ cuốn “Trí tuệ xúc cảm” của Daniel Goleman.