Sự cần thiết của lòng tử tế

su-can-thiet-cua-long-tu-te

Khi còn nhỏ, một trong những bài học đầu tiên – và có lẽ cũng nhàm chán nhất – mà ta được dạy chính là tầm quan trọng sơ khai của việc trở thành người "tử tế"

Khi còn nhỏ, một trong những bài học đầu tiên – và có lẽ cũng nhàm chán nhất – mà ta được dạy chính là tầm quan trọng sơ khai của việc trở thành người "tử tế", như cách người lớn thường nói. Đó là lý do tại sao mẹ có thể nhắc ta đến cả mười lăm lần trong một tuần rằng phải gửi thư cảm ơn bà ngoại vì chiếc mũ len kinh khủng bà đã đan cho. Hay ta buộc phải thêm từ "làm ơn" mỗi lần nhờ vả ai đó điều gì, kể cả khi chỉ xin một tờ giấy ăn. Và cũng vì lý do đó, ta phải mời cậu bạn kỳ lạ nhất lớp đến dự tiệc sinh nhật của mình, thậm chí còn phải tặng cậu ấy một quả bóng bay riêng. Không còn gì nghi ngờ nữa: tử tế vừa rất quan trọng, vừa cực kỳ ngớ ngẩn.

Khi lớn lên, ta dần trở nên thành thạo hơn trong việc thực hiện các quy tắc bề mặt của lòng tử tế – nhưng không hẳn đã hiểu được lý do sâu xa vì sao nó lại quan trọng đến vậy. Chủ đề này vẫn bị bao phủ bởi một đám mây nghiêm khắc hoặc sáo rỗng như cách nó được giới thiệu lần đầu khi ta còn bé. Ta đơn giản chỉ tuân theo nó dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn khi viết những tấm thiệp cảm ơn.

BWD0166X_34.tif

Lý do thực sự nằm ở một sự thật mà có thể ta sẽ kháng cự trong thời gian dài: bởi con người chúng ta nhạy cảm đến đáng sợ, và gần như không giới hạn. Điều đó có nghĩa là ta dễ dàng nghi ngờ về giá trị của chính mình, về quyền được tồn tại, về tính chính đáng của bản thân, về khả năng được yêu thương, về lòng tự trọng và cả năng lực khiến ai đó quan tâm đến nỗi đau hay số phận cuối cùng của ta. Ta cần lòng tử tế đến tuyệt vọng – ngay cả ở những biểu hiện nhỏ nhất (như một cánh cửa được giữ lại, một lời khen về chiếc bánh quy, hay một sinh nhật được ghi nhớ) – bởi trước hết và trên hết, ta luôn đứng chênh vênh bên bờ vực của tuyệt vọng và sự tự ghê tởm bản thân. Cái vẻ bề ngoài tự tin của người trưởng thành thực ra chỉ là vỏ bọc; sâu bên trong, ngay dưới lớp mặt nạ năng lực, ta vẫn run rẩy và lạc lối, không chắc chắn và không được trấn an – sẵn sàng bám víu vào bất kỳ dấu hiệu nào, dù nhỏ đến đâu, rằng ta xứng đáng để tiếp tục sống.

Không có gì ngạc nhiên khi ta cố giấu đi sự nhạy cảm này trước mặt trẻ nhỏ (và cả chính mình), và biến lòng tử tế thành một quy tắc trừu tượng về phép lịch sự. Điều mà ta không dám nói thẳng với trẻ con là nếu bà ngoại không nhận được tấm thiệp cảm ơn, vài tuần sau, bà có thể thức dậy giữa đêm và tự hỏi liệu những điều bà từng làm có thực sự ý nghĩa hay không, liệu cả cuộc đời bà có phải là một sự lãng phí, và liệu sự thờ ơ nhỏ bé này có phải là một phần của chuỗi dài những thất bại mà bà đã phải chịu đựng. Có thể điều đó không mấy tốt đẹp, nhưng đúng là con người chúng ta là những sinh vật dễ bị tổn thương bởi một câu nói bâng quơ, dễ rơi vào trạng thái tự ghét bỏ chỉ vì ai đó lỡ va vào mình trong cửa hàng hay quên nói lời cảm ơn khi mượn một chiếc bút chì. Những gì ta gọi là phép lịch sự thực chất là cách trao đi một chút niềm hy vọng và dũng khí – thứ mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào để tồn tại về mặt cảm xúc.

Ta chỉ thực sự đầu tư vào lòng tử tế khi nhận ra sức mạnh mà mình có để cứu một người khác khỏi sự khinh ghét bản thân. Ta cũng bắt đầu trở nên tử tế khi hiểu rằng mình cũng cần người khác tử tế với mình. Đó không phải là điều hiển nhiên. Một chút "tỏ ra mạnh mẽ" ban đầu thường dễ chấp nhận hơn. Ta có thể tưởng tượng rằng mình không cần bận tâm người khác cư xử ra sao, rằng ta vượt lên trên những chi tiết nhỏ nhặt, rằng ta sẽ không để bản thân bị tổn thương dễ dàng – giống như một đứa trẻ cố chấp bước ra ngoài vào ngày đông mà không mặc áo khoác, bất chấp lời khuyên nhủ của cha mẹ. Nhưng dần dần, ta có thể hiểu trái tim mình hơn một chút, cảm nhận rõ hơn nỗi đau của chính mình – và từ đó nhận ra rằng ta phụ thuộc rất nhiều vào những người xung quanh. Ta có thể thấy mình buồn bã, chán nản vào cuối một ngày làm việc, và thay vì tìm cách giải khuây trên mạng hay trút giận lên bạn đời, ta có thể nhận ra rằng ta cảm thấy thất vọng vì vài giờ trước, một đồng nghiệp đã nhìn đồng hồ quá rõ ràng khi ta vừa bắt đầu bài thuyết trình của mình. Hoặc ta có thể thừa nhận rằng mình thực sự rất buồn khi người mà ta đặt hy vọng đã không gọi lại đúng giờ như đã hẹn, hay chỉ gửi một tin nhắn thay vì tấm thiệp sau bữa tối mà ta đã dành rất nhiều công sức chuẩn bị.

Khi chính ta có con, có thể ta sẽ khăng khăng bắt chúng viết thư cảm ơn, nhưng có lẽ ta sẽ thêm vào đó một điều gì đó, nếu ta hiểu bản thân đủ rõ, để khiến lá thư ấy được viết với nhiều cảm xúc hơn: rằng nếu bà ngoại không nhận được tin, bà có thể buồn, bà có thể tự vấn về bản thân, bà có thể nghĩ rằng mình không giỏi làm bà ngoại… Ta không trở nên tử tế nhờ suy nghĩ về phép lịch sự. Ta trở nên tử tế nhờ suy nghĩ về nỗi sợ hãi và sự tự căm ghét. Một thế giới tử tế hơn không phải là một thế giới lịch thiệp hơn, mà là một thế giới nhạy cảm hơn trước sự tuyệt vọng, dễ tổn thương trước nỗi hổ thẹn và khao khát những dấu hiệu, dù nhỏ nhất, rằng ta có quyền được tồn tại.

Nguồn: THE NEED FOR KINDNESS - The School Of Life

menu
menu