Sự dễ thương có một sức hút mãnh liệt – và điều đó hiện rõ trên gương mặt bạn

su-de-thuong-co-mot-suc-hut-manh-liet-va-dieu-do-hien-ro-tren-guong-mat-ban

Hãy thử tưởng tượng: bạn đang xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị.

Hãy thử tưởng tượng: bạn đang xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị. Trước mặt bạn là một bé gái trong chiếc xe đẩy, miệng nhai nhai món đồ chơi nhỏ. Đôi bàn tay bé xíu của bé lóng ngóng, để rơi món đồ chơi. Nhưng thay vì khóc, bé ngước mắt nhìn bạn, đôi mắt to tròn ánh lên sự tinh nghịch, rồi bất ngờ nở nụ cười rạng rỡ, cất tiếng cười lanh lảnh, đôi tay bụ bẫm vươn lên vẫy chào bạn. Ngay lập tức, một cảm giác ấm áp lan tỏa trong bạn, như có một sợi dây vô hình kéo tâm trạng của bạn lên. Có thể bạn buột miệng thốt lên: "Awww!" và bất giác nở nụ cười. Đôi môi chúm lại, cằm hơi nâng lên, chân mày nhíu nhẹ về phía trán, khuôn mặt bạn bỗng nhiên trở nên ngớ ngẩn một cách đáng yêu. Và rồi, những người xung quanh cũng bị cuốn vào khoảnh khắc đó, ai nấy đều hướng mắt về em bé trong xe đẩy, tất cả cùng mang một biểu cảm trìu mến giống nhau.

Hình ảnh bé gái ấy chính là hiện thân của Kindchenschema hay còn gọi là “mẫu hình trẻ thơ”, một khái niệm do nhà động vật học Konrad Lorenz đề xuất vào năm 1971. Đây là tập hợp những đặc điểm ngoại hình gợi lên sự non nớt và đáng yêu, như đôi mắt to tròn, gương mặt bầu bĩnh, chân tay ngắn cũn cỡn, và những cử động vụng về, lóng ngóng. Những đặc điểm này không chỉ xuất hiện ở trẻ sơ sinh mà còn ở nhiều loài động vật non, và chúng có một sức hút gần như không thể cưỡng lại đối với con người.

Ai trong chúng ta lại không từng tan chảy trước hình ảnh một chú cún con loạng choạng bước đi, hay một bé gái lon ton chạy về phía mẹ với đôi chân nhỏ xíu? Niềm say mê trước sự đáng yêu là điều có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới. Ở Nhật Bản, nếu ghé qua khu phố Harajuku, bạn sẽ bắt gặp nền văn hóa kawaii, hay còn gọi là “sự dễ thương” được tôn vinh đến mức tối đa. Cả một con phố tràn ngập những cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ xinh, đầy màu sắc, mang đậm nét Kindchenschema, xen lẫn là những quán cà phê nơi khách có thể chơi đùa cùng các loài động vật bé nhỏ ngoài đời thực.

Photo by miniseries/Getty Images

Phản ứng đặc biệt của con người trước sự dễ thương bắt đầu từ cách ta nhìn nhận một người, một con vật hay một vật thể nhất định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi đối diện với Kindchenschema, chúng ta có xu hướng thu hẹp sự chú ý và cảm nhận một niềm vui tích cực, tập trung trọn vẹn vào đối tượng đáng yêu trước mắt. Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, việc nhìn vào những gương mặt dễ thương có thể kích hoạt những thay đổi về mặt thần kinh và sinh lý. Chẳng hạn, sự dễ thương khơi gợi những cấu trúc thưởng trong não bộ, đồng thời đánh thức bản năng muốn chăm sóc và bảo vệ. Hãy tưởng tượng em bé trong xe đẩy bỗng dưng bị tuột đai an toàn và sắp ngã nhào xuống sàn, ngay lập tức, bạn sẽ cảm thấy một thôi thúc mãnh liệt muốn lao đến đỡ bé. Điều này cho thấy, phản ứng trước sự dễ thương không chỉ đơn thuần là cảm xúc dễ chịu, mà còn gắn liền với bản năng chăm sóc của con người.

Dĩ nhiên, chăm sóc trẻ nhỏ chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Hãy hỏi bất kỳ bậc phụ huynh nào, và bạn sẽ nhận được câu trả lời kiểu như: “Tôi lúc nào cũng kiệt sức, lúc nào cũng thấy như đang chới với, việc này thực sự quá khó. Nhưng tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến thế. Chỉ cần nhìn thấy gương mặt bé bỏng ấy, tôi biết rằng mình không muốn đánh đổi điều này lấy bất cứ thứ gì.” Tình yêu thương của cha mẹ mạnh mẽ đến mức nó lấn át cả những mệt mỏi, vất vả, thúc đẩy họ chăm lo từng bữa ăn, từng giấc ngủ, dỗ dành con lúc nửa đêm dù người rã rời vì thiếu ngủ. Và sức hút của sự dễ thương không chỉ dừng lại ở cha mẹ, ông bà, cô chú hay thậm chí là những người bạn thân thiết cũng có thể cảm thấy một sự thôi thúc muốn chăm sóc, bảo bọc một đứa trẻ.

Tất cả những điều này bắt nguồn từ Kindchenschema và phản ứng bẩm sinh của con người đối với nó. Khi một đứa trẻ lớn lên, dần rời xa vẻ non nớt, những đặc điểm Kindchenschema cũng mờ dần. Tình yêu gia đình có thể vẫn còn đó, nhưng cảm giác mạnh mẽ thúc giục ta phải liên tục chăm sóc, bảo bọc dần phai nhạt. Sự dễ thương chính là tấm vé giúp trẻ nhỏ và động vật non được yêu thương và bảo vệ trong những năm tháng đầu đời, khi chúng còn chưa thể tự lo cho bản thân.

Sự đáng yêu, hóa ra, không chỉ đơn thuần là một đặc điểm dễ chịu, mà còn là một cơ chế sinh tồn, được khắc sâu trong bản năng của loài người.

Xét về mặt tiến hóa, điều này hoàn toàn hợp lý. Ở nhiều loài và đặc biệt là con người, trẻ sơ sinh khi mới chào đời vô cùng mong manh, cần được chăm sóc và bảo vệ để tồn tại trong thế giới bên ngoài bụng mẹ. Nếu không có sự chăm sóc ấy, đứa trẻ sẽ không thể sống sót. Và nếu điều này xảy ra trên phạm vi toàn loài, cả loài đó sẽ không thể tồn tại lâu dài.

Nhưng nuôi dưỡng một đứa trẻ không phải là chuyện dễ dàng. Đó là một gánh nặng không chỉ về tài chính mà còn cả thể chất và tinh thần. Vì vậy, sẽ thật có ích nếu có một cơ chế tự nhiên khiến con người sẵn lòng gánh vác trọng trách này, không chỉ vì lợi ích của đứa trẻ mà còn vì sự duy trì của cả loài. Kindchenschema, hay “mẫu hình trẻ thơ”, chính là cơ chế như vậy. Chúng ta không bị thu hút bởi sự đáng yêu chỉ vì nó khiến ta cảm thấy dễ chịu. Ngược lại, sự đáng yêu mang đến cảm giác dễ chịu chính vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bản năng chăm sóc những sinh linh nhỏ bé, yếu ớt nhất trong xã hội loài người.

Cũng như nhiều phản ứng cảm xúc khác, việc thể hiện rằng ta đang bị thu hút bởi sự dễ thương cũng có một ý nghĩa riêng. Một số cảm xúc có cách biểu đạt rõ ràng mà không cần đến lời nói, như biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể hay âm điệu giọng nói, để người khác có thể nhận ra trạng thái của ta và phản ứng phù hợp. Không phải mọi cảm xúc đều có biểu hiện phi ngôn ngữ đặc trưng (chẳng hạn, lòng biết ơn không nhất thiết phải có một biểu cảm cụ thể), nhưng những cảm xúc nào có cách thể hiện rõ ràng thường là để phục vụ một nhu cầu thiết yếu đã được tiến hóa qua thời gian.

Một tiếng thét cao vút cùng ánh mắt mở to truyền đi tín hiệu sợ hãi, báo hiệu nguy hiểm đang cận kề. Khi nhìn thấy biểu hiện này, người xung quanh có thể quyết định giúp đỡ hoặc tìm cách tránh xa mối nguy ấy. Một cái cau mày đi kèm với giọng nói trầm thấp thể hiện sự giận dữ, cảnh báo những người khác rằng ai đó đang bực bội và có thể trở nên hung hăng. Ngược lại, một nụ cười và tiếng cười sảng khoái báo hiệu niềm vui, khiến người khác cảm thấy an toàn khi tiếp cận và chia sẻ niềm vui đó.

Tương tự, con người cũng thể hiện phản ứng trước sự đáng yêu qua biểu cảm khuôn mặt và âm điệu giọng nói. Khi trò chuyện với trẻ sơ sinh hay động vật nhỏ, ta thường dùng giọng cao, du dương và giàu giai điệu, một kiểu nói chuyện được gọi là parentese. Ngoài ra, nghiên cứu mới đây của tôi và đồng nghiệp đã chỉ ra rằng có một biểu cảm đặc trưng khi con người phản ứng trước những hình ảnh mang Kindchenschema. Biểu cảm này, như đã mô tả trong tình huống em bé trên xe đẩy, bao gồm một nụ cười chân thành, lông mày nhíu lại và hơi nhấc lên, cằm hơi nâng lên, và đôi môi mím nhẹ (giống như cách miệng tạo hình khi thốt lên “Awww!” khi thấy điều gì đó đáng yêu).

Không chỉ là phản ứng tự nhiên khi nhìn thấy em bé hoặc động vật nhỏ, biểu cảm này còn được những người khác nhận diện là phản ứng trước sự đáng yêu. Điều thú vị là phản ứng này xuất hiện đồng nhất ở những nhóm người thuộc các nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, từ Mỹ, Trung Quốc đến những người tị nạn Syria. Điều này cho thấy, việc biểu lộ cảm xúc trước sự dễ thương và nhận biết cảm xúc ấy từ người khác, mang một giá trị thích nghi nhất định. Nếu không, loài người đã không tiến hóa để có một biểu cảm như vậy và nhận diện nó một cách phổ quát.

Nhưng phản ứng này thực sự mang ý nghĩa gì? Khi thể hiện sự thích thú trước điều đáng yêu, ta đang muốn truyền tải điều gì đến những người xung quanh? Mặc dù vẫn cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hoàn toàn, có một số giả thuyết hợp lý về chức năng chính của biểu cảm này.

Thứ nhất, phản ứng trước sự dễ thương có thể là tín hiệu trực tiếp gửi đến đứa trẻ rằng ta an toàn và sẵn sàng chăm sóc chúng. Khi trẻ nhỏ cảm thấy bất an hoặc lạc lõng trong môi trường xa lạ, chúng có xu hướng tìm kiếm sự che chở (ví dụ như vươn tay về phía cha mẹ hoặc ôm chặt món đồ chơi yêu thích). Nếu ta nói chuyện với trẻ bằng giọng nhẹ nhàng, dịu dàng, đi kèm với biểu cảm phù hợp, có thể vô thức ta đang truyền đi thông điệp rằng ta sẵn lòng bảo vệ chúng.

Thứ hai, phản ứng trước sự dễ thương có thể là tín hiệu gửi đến những người lớn khác rằng có một sinh linh bé nhỏ cần được chăm sóc. Điều này có thể khuyến khích những người xung quanh đến gần hơn, sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết. Ngoài ra, biểu cảm này cũng có thể đóng vai trò thông báo rằng ta không có ý định gây hại cho đứa trẻ mà trái lại, ta có thể là người đáng tin cậy trong việc chăm sóc chúng.

Từ thời xa xưa, con người cũng như nhiều loài động vật có vú khác thường cùng nhau chăm sóc con non theo cách cộng đồng. Đặc biệt là ở phụ nữ, bên cạnh việc chăm lo cho con mình, họ còn sống trong những nhóm gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo sự an toàn và phát triển của tất cả những đứa trẻ trong cộng đồng. Vì thế, có thể từ lâu, việc thể hiện phản ứng trước sự dễ thương đã là một cách để con người ngầm tuyên bố rằng: “Tôi thuộc về cộng đồng này, và tôi sẵn sàng chăm sóc những thành viên nhỏ bé nhất của nó.”

Dù chức năng chính xác của phản ứng này vẫn còn nhiều điều cần khám phá, có một điều chắc chắn: nó mang một ý nghĩa quan trọng. Bề ngoài, sự dễ thương có vẻ chỉ là một niềm vui thoáng qua, một thứ đáng yêu giúp ta tạm quên đi những lo toan nghiêm trọng của cuộc sống. Nó làm ta thấy nhẹ nhõm, vui vẻ hơn, giúp ta thoát khỏi những căng thẳng thường ngày. Nhưng đằng sau đó là một cơ chế sâu sắc hơn nhiều. Có lẽ, sự dễ thương khiến ta tạm quên đi những vấn đề nghiêm trọng bởi tiềm thức ta hiểu rằng chăm sóc cho những điều đáng yêu ấy là điều quan trọng hơn cả. Nó giúp ta cảm thấy vui vẻ, để ta có đủ động lực tiếp tục gắn bó và bảo bọc, ngay cả khi điều đó đòi hỏi không ít khó khăn.

Chúng ta bộc lộ phản ứng trước sự đáng yêu không chỉ vì niềm vui, mà vì điều đó mang giá trị thích nghi và là một phần quan trọng trong hành trình tiến hóa của loài người. Sự đáng yêu không chỉ là niềm vui, mà còn là một sợi dây vô hình, kết nối con người với nhau, và kết nối ta với bản năng bảo vệ, yêu thương những sinh linh mong manh nhất.  

Nguồn: Cuteness has a powerful pull, and it’s written all over your face | Psyche.co

menu
menu