Sự minh triết của hoàng hôn

Tâm trí chúng ta – về lý thuyết – có thể tự do phiêu du về bất kỳ hướng nào, bất kể thời gian, ngày hay đêm.
Tâm trí chúng ta – về lý thuyết – có thể tự do phiêu du về bất kỳ hướng nào, bất kể thời gian, ngày hay đêm. Nhưng trên thực tế, suy nghĩ của ta thường chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hành trình 24 giờ mà Trái Đất thực hiện quanh Mặt Trời. Có những ý tưởng chỉ bừng sáng vào lúc bình minh, những điều chỉ rõ ràng vào giữa trưa, và những cảm xúc chỉ thực sự thấu suốt trong màn đêm tĩnh lặng.
Nhưng có lẽ, khoảng khắc đáng nhớ nhất trong vòng quay bất tận ấy chính là hoàng hôn – khi mặt trời từ từ lặn xuống chân trời, những tia nắng cuối cùng chiếu rọi qua tầng khí quyển thấp, biến bầu trời thành một không gian giao thoa kỳ diệu: không hoàn toàn sáng, cũng chẳng hẳn tối.
Harald Sohlberg, Spring Evening, Akershus, 1913
Hoàng hôn từng làm say mê Harald Sohlberg, họa sĩ người Na Uy, người đã vẽ nó hàng chục lần tại những địa điểm khác nhau quanh Oslo quê hương ông. Đối với Sohlberg, hoàng hôn không chỉ “đẹp” mà còn là thời điểm đầy ma mị, mời gọi con người suy ngẫm về sự chuyển hóa trong tâm hồn mà nó mang lại. Dù hoàng hôn ở mỗi vùng đất có thể khác biệt, những gì nó thì thầm với chúng ta lại thường giống nhau đến kỳ lạ.
Suốt những giờ ban ngày, ta bị cuốn vào dòng chảy của mục đích. Tầm nhìn của ta bị thu hẹp trong thế giới nhỏ bé của con người. Những chiếc bóng ngắn ngủi dưới ánh nắng gắt làm giới hạn cả cách ta nhìn đời. Ta cố gắng thúc đẩy phần nhỏ bé của lịch sử mình thêm vài milimét: gửi email, họp hành, tham gia hội thảo, hoàn thành một bài viết. Khi mặt trời lên cao, cái tôi của ta cũng lớn dần theo. Ta lên kế hoạch, ta tức giận vì bị xem thường, ta thất vọng vì tiến độ công việc.
Nhưng rồi, hoàng hôn buông xuống, mang theo những thông điệp hoàn toàn trái ngược. Một dải mây mỏng ở tận xa chân trời bỗng cháy rực màu đỏ thắm. Những khoảng cách mà ta đã lãng quên bất ngờ trở nên rõ rệt. Ta không còn là trung tâm của vũ trụ. Những điều khiến ta bực bội, lo âu bỗng trở nên nhỏ bé. Hoàng hôn nhắn nhủ rằng hãy buông bỏ, rằng những căng thẳng trong cuộc họp vừa rồi hay chiếc tài liệu thất lạc kia rồi cũng sẽ qua.
Hoàng hôn mời gọi tất cả chúng ta – những kẻ tuyệt vọng, lo lắng hay kiêu ngạo – bước vào sự tĩnh lặng của màn đêm, nơi những gánh nặng trưởng thành bỗng nhẹ bẫng đi. Không còn gì ta có thể làm thêm vào lúc này để thay đổi điều gì; ta buộc phải chờ đợi và đặt niềm tin vào ngày mai. Ta phải ngừng phô trương, ngừng tự ép mình. Và đối với những ai đang chịu đựng nỗi đau sâu sắc nhất, hoàng hôn như lời khẳng định rằng, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, dù cho có bao nhiêu hận thù, xấu hổ hay tủi nhục đang đè nặng.
Điều kỳ diệu nhất của mỗi ngày – thường bị lãng quên bởi những người quá bận rộn, thỏa mãn hay tự mãn – chính là nó luôn có điểm kết thúc. Dù hôm nay tồi tệ đến đâu, và có những ngày thực sự tồi tệ khủng khiếp, nó vẫn sẽ khép lại. Mọi điều từng nghiêm trọng dưới ánh nắng chói chang rồi cũng sẽ bị ánh hoàng hôn làm mờ nhạt đi.
Hãy thử tưởng tượng, nếu nhờ một phát minh nào đó, con người có thể vĩnh viễn xóa bỏ màn đêm. Cuộc sống khi ấy sẽ trở nên mất cân bằng đến nhường nào. Hoàng hôn cứu rỗi chúng ta bằng chính sự “xóa mờ” của nó. Nếu không có hoàng hôn, ta chẳng còn cơ hội để cân bằng lại tâm hồn, chẳng còn thời gian để kiêu ngạo lắng xuống, hay để những lo âu được xoa dịu.
Thật may mắn thay, bất kể bao nhiêu công nghệ hay sự tự phụ, sự minh triết của hoàng hôn vẫn luôn ở ngay gần ta, chỉ cách vài giờ mà thôi.
Nguồn: THE WISDOM OF DUSK - The School Of Life