5 điều tệ hại nhất chúng ta gây ra cho nhau về mặt tâm lý

5-dieu-te-hai-nhat-chung-ta-gay-ra-cho-nhau-ve-mat-tam-ly

Từ thao túng cảm xúc đến những lời yêu thương dồn dập, những kẻ thao túng thích chơi trò nguy hiểm.

Con người là loài sinh vật sống theo bầy đàn bậc nhất trên hành tinh này. Ta có thể kết thành đồng minh, yêu say đắm, và thậm chí chia sẻ cả mật khẩu Netflix với nhau. Nhưng ta cũng vô cùng giỏi trong việc gieo rắc sự hỗn loạn và hoang mang trong tâm trí người khác. Về mặt tâm lý, điều tệ hại nhất mà một người có thể làm với người khác là gì? Dưới đây là năm điều như thế.

1. Thao túng tâm lý (Gaslighting)

Hãy tưởng tượng ai đó từ từ, một cách có chủ đích, khiến bạn tin rằng trí nhớ của mình sai lệch, cảm xúc của mình không hợp lý, và cách bạn nhìn nhận thế giới là hoàn toàn sai lạc. Đó chính là gaslighting – một hình thức thao túng tâm lý mà trong đó, một người dần dần gieo rắc sự nghi ngờ vào tâm trí người kia, khiến họ không còn tin vào cảm nhận, ký ức, thậm chí là sự tỉnh táo của chính mình.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ bộ phim Gaslight năm 1944, nơi một người chồng từng bước làm vợ mình tin rằng cô đang phát điên. Kể từ đó, chiêu trò này ngày càng phổ biến trong những mối quan hệ độc hại. Đây là một hình thức tra tấn tinh thần rất tinh vi, bởi nó tấn công trực tiếp vào nền tảng của thực tại bên trong một con người.

Ở mức độ nghiêm trọng, kẻ thao túng có thể khiến nạn nhân tin rằng họ đã tưởng tượng ra cả một chuỗi sự kiện không hề có thật, khiến họ rơi vào trạng thái bối rối tột độ và mất phương hướng. Người bị hại có thể tự hỏi: “Mình có thực sự nói vậy không? Mình có đang phản ứng thái quá không?” – Không, bạn không hề như thế. Gaslighting là đỉnh cao của thao túng cảm xúc, bởi nó dần phá vỡ niềm tin vào chính mình, khiến người ta phụ thuộc vào kẻ thao túng để tìm kiếm cái gọi là “sự thật”.

Source: Mikhail Nilov / Pexels

2. Những cơn mưa yêu thương (Love Bombing)

Nếu gaslighting là một ngọn lửa nhỏ âm ỉ thì love bombing lại là quả lựu đạn chói lóa. Love bombing là khi ai đó dồn dập trao tặng bạn những cử chỉ yêu thương, sự chú ý và những lời ngọt ngào quá mức ngay từ đầu mối quan hệ – không phải vì yêu, mà là để kiểm soát.

Ban đầu là những biểu tượng trái tim, những bó hoa bất ngờ và những lời đường mật khiến bạn say mê như thể đang sống trong phim tình cảm. Nhưng đằng sau tất cả, mục đích không phải là tình yêu – mà là quyền lực. Khi bạn đã quen với cảm giác hưng phấn như chất gây nghiện, người đó bắt đầu rút lui, để lại bạn khát khao sự quan tâm như kẻ nghiện tìm tín hiệu Wi-Fi.

Chiêu trò tâm lý này thường thấy trong các mối quan hệ bạo hành, thậm chí trong các tổ chức cuồng tín (vâng, cả những giáo phái cũng sử dụng love bombing). Kẻ thao túng tạo ra một chu kỳ của những đỉnh cao cảm xúc xen lẫn sự sụp đổ, khiến nạn nhân bị phụ thuộc về mặt tinh thần và dễ dàng bị điều khiển. Một mối quan hệ tiến triển quá nhanh chính là dấu hiệu cần cảnh giác.

3. Đánh vào mặc cảm (Guilt-Tripping)

Cảm giác tội lỗi – là khi bạn vô tình giẫm lên chân chú chó cưng, hay ăn miếng pizza cuối cùng mà chưa hỏi ai. Nhưng trong tay kẻ thao túng, tội lỗi trở thành vũ khí. Đó là khi ai đó dùng cảm giác tội lỗi để ép bạn làm theo ý họ, khiến bạn cảm thấy mình có trách nhiệm với niềm vui – hay thường là nỗi buồn – của họ.

Những câu như: “Tôi đã làm tất cả vì bạn rồi mà…” hay “Nếu bạn thật lòng yêu tôi, thì bạn sẽ…” là những chiêu bài kinh điển trong nghệ thuật thao túng cảm xúc. Mục tiêu? Là khiến bạn mắc kẹt trong vòng xoáy trách nhiệm, nơi mà nỗi sợ làm người khác buồn khiến bạn dễ bị chi phối. Kẻ thao túng sẽ âm thầm đẩy mọi tội lỗi lên vai bạn, khiến bạn không còn đủ tỉnh táo để nhận ra chuyện gì thực sự đang xảy ra.

4. Lôi người thứ ba vào cuộc (Triangulation)

Đây là một chiêu trò đầy độc hại mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trong phim Mean Girls – triangulation, hay còn gọi là “chia để trị”. Đây là khi một người cố tình kéo thêm người thứ ba vào mối quan hệ hoặc cuộc xung đột, nhằm giữ quyền kiểm soát. Họ như đạo diễn của một vở kịch truyền hình, và tất cả những người khác chỉ là diễn viên không hay biết mình đang đóng vai.

Việc tạo ra sự ganh đua, ghen tuông và hiểu lầm chính là “tài năng” – hay sự độc ác – của những kẻ sử dụng chiêu này. Bỗng nhiên, thay vì giận dữ với kẻ gây ra mọi chuyện, nạn nhân lại bị cuốn vào vòng xoáy với người thứ ba, cố tìm kiếm sự công nhận hay cảm giác được yêu thương. Trong khi đó, kẻ thao túng ung dung ngồi xem mọi thứ rối tung lên.

Triangulation là tuyệt chiêu yêu thích của những người có tính cách rối loạn như kẻ tự ái hay người hay gây hấn, bởi nó làm rối loạn mối quan hệ, khiến mọi người luôn sống trong bất an. Đây là một hình thức gây hấn ngầm trong mối quan hệ – khiến người bị hại luôn cảm thấy thiếu an toàn, hoang mang, và như thể ai đó đang bịa chuyện từ không khí.

5. Im lặng để trừng phạt (Silent Treatment)

Đôi khi, điều tệ hại nhất mà ai đó có thể làm lại là… không làm gì cả. Chiêu “chiến tranh lạnh” có thể nghe như phản ứng trẻ con, nhưng thực chất lại là một vũ khí tâm lý tàn nhẫn. Khi từ chối giao tiếp, kẻ thao túng đang “trừng phạt” người kia bằng cách rút lại sự quan tâm, tình cảm – cho đến khi họ chịu đầu hàng và làm theo ý mình.

Sự im lặng tạo ra một khoảng trống cảm xúc, nơi mà người bị hại không hiểu mình đã sai ở đâu, cứ mãi tự trách và tìm cách hàn gắn. Nó khai thác nhu cầu sâu xa nhất của con người – được kết nối và được thuộc về. Thông điệp ngầm được gửi đi là: bạn không xứng đáng để được chú ý, được lắng nghe, hay được yêu thương.

Nghiên cứu cho thấy việc bị phớt lờ có thể kích hoạt những vùng trong não tương tự như khi bị đau về thể xác. Nói cách khác, chiến tranh lạnh còn đau hơn cả những lời nặng nề – bởi nó là sự vắng mặt hoàn toàn của mọi lời nói.

Lời kết

Những hình thức thao túng nguy hiểm nhất là những thứ âm thầm bào mòn bản ngã của chúng ta – khiến ta nghi ngờ giá trị của bản thân, hoang mang về thực tại, và mất phương hướng trong các mối quan hệ. Dù đó là thao túng cảm giác, những cơn mưa yêu thương giả tạo, hay sự trừng phạt bằng im lặng, mục đích sau cùng vẫn chỉ là một: kiểm soát. Nhưng khi ta nhận diện được những chiêu trò ấy, ta có thể lấy lại sức mạnh, thiết lập ranh giới, và bước ra khỏi những trò chơi tâm lý độc hại. Trong một thế giới đầy rẫy kẻ thao túng, hiểu biết chính là tấm áo giáp vững chắc nhất.

© Kevin Bennett, Ph.D., 2024.

Nguồn: The 5 Worst Things We Do to Each Other, Psychologically | Psychology Today

menu
menu