Vì sao một số người thích bắt lỗi chính tả?

vi-sao-mot-so-nguoi-thich-bat-loi-chinh-ta

Tục ngữ có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Vì vậy, việc chúng ta đôi ba lần mắc lỗi chính tả, ngữ pháp là hết sức bình thường.

Tuy nhiên với một số người, lỗi chính tả khiến họ cảm thấy khó chịu đến bức bối. Bạn có thắc mắc vì sao lỗi chính tả thôi mà họ khó chịu thế?

DO BIẾN THỂ GEN

Theo chuyên gia ngôn ngữ Dennis Barron, xu hướng soi lỗi chính tả ở một số người liên quan đến gen ngôn ngữ FOXP2. Gen này khi đột biến sẽ gây ra một số dị tật ngôn ngữ như chứng mất tiếng ở trẻ nhỏ (CAS). Một biến thể của gen là FOXP2.1 có thể là nguyên nhân khiến một số người ám ảnh với lỗi chính tả.

Ở một nghiên cứu khác của Len Malevich và Hi Ding Lo, một số “cảnh sát chính tả” khi được chụp cộng hưởng từ não đã cho thấy những dấu hiệu hoạt động tương tự như não người mắc chứng OCD. Kết quả phân tích DNA cũng cho thấy khả năng họ có gen FOXP2.1 cao hơn so với số đông.

Kết hợp hai yếu tố trên, nhóm nghiên cứu tin rằng một số người xem lỗi chính tả là một tình huống mất kiểm soát và cố gắng đưa nó về trật tự.

Trong một số trường hợp, đây có thể là biểu hiện của hội chứng ám ảnh lỗi ngữ pháp (grammar pedantry syndrome). Người mắc hội chứng này không chấp nhận cả những cách viết tắt được áp dụng rộng rãi (như “VD” thay cho “ví dụ”, “ko” thay cho “không”). Họ cũng sửa lỗi người khác bất kể hoàn cảnh, khiến người bị sửa thấy khó chịu.

Việc này đôi khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như trường hợp một người bạn của tác giả từng sửa lỗi chính tả của sếp ngay trong một cuộc họp. Họ hiểu việc sửa lỗi không đúng chỗ có thể gây hậu quả, nhưng lại không thể kiềm chế bản thân.

Trong trường hợp này, phương án tốt nhất là thảo luận với chuyên gia trị liệu. Họ sẽ đưa ra phác đồ giúp kiềm chế và phản ứng phù hợp hơn khi gặp lỗi chính tả.

DO ĐẶC TRƯNG TÍNH CÁCH

Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Michigan đã phát hiện những kiểu tính cách nhạy cảm nhất với lỗi sai chính tả. Trong nghiên cứu, 83 người được đề nghị đọc các email hồi đáp cho một quảng cáo thuê nhà. Các email này có một số lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc không có lỗi nào.

Người tham gia được hỏi xem có phát hiện lỗi sai nào không, và nếu có thì chúng làm họ khó chịu đến mức nào. Họ cũng được yêu cầu đánh giá người viết dựa trên các email này.

Tiếp theo, họ hoàn thành bài trắc nghiệm Big Five để xác định tính cách dựa trên 5 tiêu chí là cởi mở, tự chủ, hướng ngoại, hòa đồng và bất ổn cảm xúc. Họ cũng trả lời những câu hỏi khác về tuổi tác, xuất thân và thái độ đối với ngôn ngữ.

Kết quả là những người hướng ngoại có xu hướng bỏ qua cả lỗi chính tả và ngữ pháp. Trong khi đó, người hướng nội dễ để ý những lỗi này và đánh giá người viết một cách tiêu cực hơn.

Ngoài ra, những người có độ tự chủ cao nhưng cởi mở thấp sẽ “khó ở” với lỗi chính tả, còn người ít hòa đồng lại dễ bực mình với các lỗi ngữ pháp. Đáng chú ý, mức độ bất ổn cảm xúc không ảnh hưởng lắm tới cách những người này đánh giá lỗi sai.

Dù nghiên cứu chỉ tiến hành trên một mẫu nhỏ, nó ít nhiều thể hiện mối liên hệ giữa tính cách con người và xu hướng “vạch lá tìm sâu”. Lỗi chính tả có ở khắp mọi nơi, song một số nhóm tính cách nhất định sẽ thấy khó chịu với chúng nhiều hơn.

DO SỰ CẦU TOÀN VỀ TIÊU CHUẨN NGÔN NGỮ

Cũng trong thử nghiệm trên, những người đọc email lỗi nhìn chung đánh giá người viết thấp hơn người đọc email chuẩn. Trong đó, lỗi chính tả gây ấn tượng xấu gấp 3 lần lỗi ngữ pháp.

Một nghiên cứu khác của Đại học Tilburg về 12,000 profile trên các app hẹn hò cũng cho thấy điều tương tự. Theo tiến sỹ Tess van der Zanden, lỗi ngôn ngữ khiến một profile kém hấp dẫn hơn dù ảnh của họ có đẹp đến đâu chăng nữa.

Điều này cho thấy thực ra ai cũng đánh giá người khác qua lỗi chính tả và ngữ pháp. Việc trình bày một văn bản sạch lỗi là biểu hiện của sự chú tâm, uy tín và tôn trọng người khác. Song các cảnh sát chính tả có thể đặt tiêu chuẩn này nghiêm túc hơn và có sự cầu toàn cao. Vì vậy mà họ khó chịu hơn khi thấy người khác sai chính tả.

DO CẢM GIÁC “HƠN NGƯỜI”

Trong nhiều trường hợp, người ta bắt lỗi chính tả chẳng phải vì gen hay tính cách. Theo chia sẻ của giáo sư tâm lý Robert Kurzban, “việc bắt lỗi người khác một cách công khai giống như một tuyên bố về kinh nghiệm. Nó cho thấy bạn biết nhiều hơn người đã mắc lỗi” (quartz.com).

Nói cách khác, việc bắt lỗi chính tả thể hiện sự ưu việt với người mắc lỗi, mang lại cảm giác thỏa mãn cho bản thân. Trong các cuộc cãi nhau trên mạng, nhiều người khi đuối lý có xu hướng quay ra bắt lỗi chính tả để có cảm giác thắng thế trước đối phương.

Ở những thế kỷ trước, việc sử dụng ngôn ngữ đúng cách phần nào thể hiện đẳng cấp xã hội của một người. Ngày nay tâm lý này tiếp diễn ở những vị “cảnh sát” đi chữa lỗi chính tả khắp nơi. Theo Emmy Favilla, tác giả cuốn A World Without Whom, “đây cũng là lý do các bài trắc nghiệm ngữ pháp được ưa chuộng rộng rãi. Mọi người thích những bằng chứng cho thấy họ biết nhiều hơn người khác”.

MUỐN GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

Nhiều khi các “cảnh sát” chỉ đơn giản muốn giúp đỡ người khác khi thấy một lỗi chính tả có thể gây bất lợi cho họ. Nhiều từ tiếng Việt có cách đánh vần tương tự nhau, song nếu nhầm lẫn sẽ rất tai hại, chẳng hạn như “bàng quan” và “bàng quang”. Trong trường hợp này, sự khó tính của các “cảnh sát” sẽ cứu bạn một bàn thua trông thấy.

Sưu tầm

menu
menu