Sự thật không thể chối cãi: Người có tính cách ái kỷ sẽ không thay đổi

Theo một báo cáo mới được công bố trên Psychological Bulletin, con đường thay đổi của những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) hẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.
Theo một báo cáo mới được công bố trên Psychological Bulletin, con đường thay đổi của những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) hẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 51 nghiên cứu với hơn 37.000 người tham gia để xem xét cách các xu hướng ái kỷ thay đổi theo thời gian. Kết quả cho thấy, sau nhiều thập kỷ, mức độ ái kỷ có giảm, nhưng rất ít. Sự suy giảm này chỉ ở mức trung bình, không đáng kể.
Những đặc điểm điển hình của người có xu hướng ái kỷ bao gồm: cảm giác đặc quyền, thiếu đồng cảm, luôn khao khát sự ngưỡng mộ và có cái tôi quá lớn.
Tiến sĩ Ramani Durvasula, nhà tâm lý học lâm sàng tại Los Angeles, chuyên nghiên cứu về các kiểu tính cách đối kháng và ái kỷ, cho biết phát hiện này hoàn toàn trùng khớp với những gì bà đã quan sát trong thực tế.
“Trước đây, tôi luôn cảm thấy bi quan khi phải chấp nhận rằng người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ không thể thay đổi,” bà nói. “Nhưng bây giờ, tôi biết chắc điều đó là sự thật. Họ sẽ không thay đổi.”
Durvasula hiện đang dẫn chương trình Reality Check trên nền tảng phát trực tuyến Fireside, nơi bà thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm lý.
Bà nhận thấy, nhiều người luôn tin rằng ai cũng có thể thay đổi nếu họ cố gắng. Tuy nhiên, cách nghĩ này có phần lý tưởng hóa và có thể gây hại.
“Chúng ta cần thoát khỏi những ảo tưởng kiểu phim Hallmark,” bà nhấn mạnh. “Điều đó có vẻ không công bằng, và thật khó chấp nhận, nhưng sự thật là họ sẽ không thay đổi.”
Bro Vector | Istock | Getty Images
"Ái kỷ là sự thiếu khả năng tự nhìn nhận bản thân"
Bản chất của một người mắc NPD là không tin rằng họ có bất kỳ vấn đề gì.
“Càng có xu hướng nhân cách tiêu cực, người ta càng ít có khả năng thay đổi,” Durvasula giải thích. “Hơn nữa, ái kỷ đặc trưng bởi sự thiếu tự phản tỉnh.”
Hầu hết những người ái kỷ có hai kiểu tuổi thơ: một là bị cha mẹ thờ ơ, thậm chí ngược đãi; hai là được nuông chiều quá mức.
Những người thuộc nhóm đầu tiên – lớn lên trong sự ghẻ lạnh, có thể dễ tiếp nhận thay đổi hơn. “Có thể ta sẽ tìm được chút cơ hội, giúp họ nhận ra tại sao họ luôn có cảm giác ‘tôi chống lại cả thế giới,’ tại sao họ luôn muốn đối đầu,” bà nói.
Nhưng với nhóm thứ hai – những người từng được nuông chiều, hy vọng thay đổi gần như bằng không.
“Với những người ái kỷ do được nuông chiều, thì thôi quên đi,” bà khẳng định. “Cách họ được nuôi dạy đã in sâu vào tiềm thức rồi. Những bậc cha mẹ cứ nói với con rằng: ‘Con là đứa trẻ đặc biệt nhất, con xứng đáng có mọi thứ mình muốn.’ Không đâu. Tôi chưa từng thấy trường hợp nào trong nhóm này có thể thay đổi.”
"Một người ái kỷ có thể trông như một người đồng cảm"
Có một thực tế đáng ngạc nhiên là nhiều người ái kỷ có thể thể hiện ra bên ngoài như một người giàu lòng trắc ẩn, chu đáo. Đó là lý do tại sao không ít người vô tình rơi vào mối quan hệ với một người ái kỷ trong nhiều năm mà không hề hay biết.
“Họ có thể duy trì vẻ ngoài tốt đẹp miễn là nhu cầu của họ được đáp ứng đầy đủ,” Durvasula giải thích. “Khi họ nhận được đủ sự khen ngợi, tôn vinh, khi đối phương luôn thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ, mọi thứ sẽ vận hành trơn tru như một cỗ máy được lập trình sẵn. Khi đó, một người ái kỷ có thể trông giống như một người giàu lòng đồng cảm.”
Nhưng vấn đề là, không ai có thể luôn luôn đáp ứng được nhu cầu của một người khác.
“Nó giống như một chế độ ăn kiêng vậy,” bà ví von. “Nếu bạn có thể sắp xếp cuộc sống của mình thật hoàn hảo, có đủ thời gian vận động, có gen tốt, thì bạn có thể giữ dáng. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy, vì cuộc sống không vận hành theo cách đó.”
Thay vì mong chờ một người ái kỷ thay đổi, Durvasula khuyên những ai đang trong mối quan hệ với họ nên tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn.
“Chúng ta cần giúp mọi người vượt qua nỗi đau của một mối quan hệ không mang lại cho họ cảm giác an toàn về mặt tâm lý,” bà nói.
Nguồn: ‘It’s a fundamental truth’ that the narcissist in your life won’t change, says psychologist who’s treated 50 of them | CNBC